![]() |
|||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG II Phần 1 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) ***
Chúng tôi đến bến xe đi Ninh Bình khi trời còn tờ mờ sáng để mong được đi chuyến đầu tiên. Nếu được như thế, chúng tôi sẽ có thêm được chút ít thì giờ ở Hoa Lư vì nơi đấy có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử để thăm thú, học hỏi và thưởng ngoạn lắm. Tuy trời còn sớm tinh mơ nhưng sinh hoạt trên bến xe cũng đã khá nhộn nhịp. Xe đi Ninh Bình còn trống nhưng trên mui đã chất nhiều giỏ hàng lớn trên đó. Có lẽ, các chủ nhân của những giỏ hàng này còn đang la cà ngồi uống cà phê hay ăn sáng ở những hàng quán gần đây. Chú “lơ xe” đang giục chúng tôi lên xe thì chợt một chiếc “xe kéo” đỗ xịch ngay chỗ không xa chúng tôi là mấy. Thi chỉ tay về phía hai người từ chiếc xe kéo vừa bước xuống. - Anh ơi! Hình như anh Hội và chị Mơ kìa! Tôi thấy Hội đang trả tiền xe còn Mơ thì đang nhìn quanh như muốn tìm ai. Chúng tôi dễ nhận ra Hội vì anh hay mặc quần áo tây mầu trắng, đội mũ “cát-kết” hay mũ “phớt” mầu xám tro. Còn Mơ, cô thật quen thuộc với cái váy thôn nữ màu đen. Thi nhận ra Mơ. Nàng chạy tới và gọi lớn để Mơ nghe thấy. Tôi và Uyên cũng vội bước theo về hướng hai người. Ba cô gặp nhau vui mừng tíu tít. Hội bắt tay tôi, nói nhanh: - Các cậu cho tớ gửi Mơ đi chung với nhé. Mình bận chút việc nên sẽ đi chuyến xe sau hay chuyến chiều nay. Hội quay nhìn về phía Mơ, nói tiếp: - Mơ ở nhà mình mấy hôm nay rồi nên chắc cũng hơi tù túng. Tớ để Mơ đi chơi với các cậu trước cho thoải mái hơn. Có thể tớ sẽ kéo thêm con em mình, con Thư ý mà, đi chơi chung chuyến này để hai chị em nó có dịp kết thân với nhau thêm. Có phiền gì các cậu không? Tôi vui vẻ đáp: - Không! Không! Có gì đâu mà phiền. Đi chơi càng đông càng vui chứ có sao đâu. Hội bắt tay tôi lần nữa và dơ tay chào tạm biệt Uyên và Thi. Hội cúi xuống hôn lên má Mơ trước khi tất tả bỏ đi. Hội nói với lại: - Anh gửi Mơ cho hai cô săn sóc giùm nhé! Cả Uyên và Thi cùng lên tiếng: - Vâng ạ! Uyên vui mừng nắm tay Mơ: - Mấy tháng nay mới gặp lại chị, trông chị xinh hẳn lên. Uyên nói tiếp: - Hai người yêu nhau quá nhỉ! Chúng em chúc mừng chị! Thi lại tò mò như trẻ con, hỏi thêm: - Thế anh Hội có hay hôn chị như lúc nãy không? Mơ vừa đi về phía xe, vừa cười nói: - Ở nhà anh ấy, thỉnh thoảng cũng hôn lén. Nhưng ở nhà mình thì không dám “làm lộng” như thế đâu vì còn sợ thầy u mình, nhiều lắm là chỉ dám nắm tay thôi. Uyên và Thi cùng cười. Tôi đã đến cửa xe, đứng giục: - Các cô lên xe đi, tý nữa khỏi chen! Chúng tôi tìm chỗ ngồi ở khoảng phía đầu xe cho khỏi xóc. Uyên và Mơ ngồi ở hàng ghế phía trước. Tôi và Thi ngồi ở hàng ghế ngay sát phía sau lưng hai cô, gần cửa sổ. Hành khách cũng đã lục tục kéo lên. Trước mặt chúng tôi, ngay phía trên đầu bác tài xế có một biển nhỏ cũ kỹ được treo toòng teng với hàng chữ to “Xe Con Vịt kính chào quý khách”. Tôi chỉ cho Thi cái bảng nhỏ đó: - Xe “Con Vịt” thì chạy nhanh làm sao được hả?! Thi mỉm cười, lườm yêu tôi: - Anh thật lắm chuyện! Khoảng gần nửa tiếng sau, xe mới bắt đầu chuyển bánh. Tôi và Thi cứ bấm tay nhau, cố nín cười vì “con vịt” này ì ạch thật. Để khởi động, nó “rú” chạy lên một quãng ngắn rồi khựng lại khi “bác tài” sang “số xe” nghe đến “rột” một cái. Xe lại “rú” lên, từ từ lấy trớn rồi mới lăn bánh chạy đều. Khói đen từ gầm xe phun ra, bốc lên, tỏa mù mịt ở phía sau. Mùi khói xăng đưa lên cả chỗ chúng tôi ngồi. Vài người khách trên xe ho khục khặc mấy tiếng. Thi ngồi ngay bên cửa sổ phải đưa vội vạt áo dài lên mặt để che mùi khói. Thi nhìn tôi như cũng cùng biểu đồng tình về cái ì ạch của chiếc xe mang bảng hiệu “con vịt” cũ kỹ này. Xe chạy theo quốc lộ “xuyên Việt” (quốc lộ 1) nhắm hướng nam thẳng tới. Thị xã Ninh Bình cách Hà Nội 93 cây số. Và tỉnh Ninh Bình nằm ở vị trí cực nam của đồng bằng tam giác sông Hồng và cũng là tỉnh tiếp giáp với Bắc Trung Việt tức tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây, có nhiều rặng núi đá vôi, sông ngòi và là vùng đất “trũng” nước nên thường được dùng làm hậu cứ an toàn. Nó đóng vai trò phòng thủ và tiếp vận quan trọng trong những công cuộc chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc. Cố đô Hoa Lư nằm cách thị xã Ninh Bình khoảng 5 cây số. Cứ dựa vào sử liệu: * Ninh Bình ngày xưa cùng với Thanh Hóa thuộc bộ Quân Ninh của nước Văn Lang. * Vào thời kỳ Bắc thuộc. Đời Tần (thế kỷ thứ 3 trước công nguyên), Ninh Bình thuộc Tượng quận. Đời Hán, thuộc Giao Chỉ. Đời Ngô, Tấn thuộc Giao Châu. Cuối đời nhà Lương là châu Trường Yên thuộc Giao Châu. * Vào thời kỳ tự chủ, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân lập nên triều đại nhà Đinh, đóng đô ở Hoa Lư thì gọi đất này là châu Đại Hoàng thuộc nước Đại Cồ Việt. Đến đời nhà Tiền Lê thì gọi là châu Trường Yên, đời nhà Lý là phủ Trường Yên. Đầu đời nhà Trần là trấn Trường Yên. Thời kỳ thuộc Minh là châu Trường Yên. Nhà Lê, nhà Mạc là Thanh Hoa. Nhà Tây Sơn là Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc thành. * Đời nhà Nguyễn, thời vua Gia Long đổi “Thanh Hoa ngoại trấn” thành đạo Thanh Bình. Thời Minh Mạng năm thứ 10 (1829) đổi thành trấn Ninh Bình. Minh Mạng năm thư 12 (1831) đổi thành tỉnh Ninh Bình và giữ tên gọi ấy tới ngày nay. Lúc đó, Ninh Bình trở thành một trong số 13 tỉnh ở Bắc kỳ với 6 huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn, Gia Khánh, Gia Viễn và Yên Mô.
Diện tích tỉnh Ninh Bình thay đổi, hoặc thêm vào hoặc cắt bớt đi theo mỗi thời kỳ tổ chức hành chính phù hợp với tên gọi của nó. Ninh Bình là vùng thiên nhiên kỳ ảo, có nhiều thắng cảnh gắn với các di tích lịch sử và văn hóa nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư với khu trung tâm với hai đền thờ vua Đinh và vua Lê, khu Tam Cốc- Bích Động, khu sinh thái Tràng An, chùa Non Nước, đầm nước Vân Long, rừng Cúc Phương, Nhà thờ đá Phát Diệm, phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Ninh Bình có nhiều tài nguyên thiên nhiên ưu đãi lại có nhiều làng nghề chuyên biệt truyền thống. Chiếc xe khách mang hiệu “Con Vịt” đang chạy “ì ạch” trên Quốc lộ số 1. Mặc dù chúng tôi đã đến bến xe thật sớm để mong được đến Hoa Lư cho sớm hơn, nhưng với “con vịt” này thì không biết bao giờ nó mới “lết” được tới nơi đây! Sự bực bội của tôi lộ trên nét mặt. Thi nhìn tôi tủm tỉm cười an ủi: - Xe “Con Vịt” dù sao cũng còn khá hơn xe “Con Rùa” và cũng nhanh hơn là mình đi bộ anh ạ. Nghe Thi nói thế, tôi chỉ còn biết cười trừ. Tôi ngồi bên Thi, nhìn ra những cánh đồng ruộng đang ở giai đoạn chuẩn bị đất cho “vụ mùa” tới. Vài con trâu bì bõm kéo cầy hay kéo bừa. Rải rác trên cánh đồng, những con cò trắng đang lò dò kiếm ăn. Có con, bất chợt vươn cánh bay sang thửa ruộng khác gần đó, nghển cao cổ nhìn trời đất, rồi lại cúi xuống tiếp tục lò dò kiếm ăn. Vài bác nông dân lam lũ đi trên bờ ruộng hẹp, vai vác cuốc xẻng. Những hàng cây xanh hay quán nước bên đường như nối đuôi nhau chạy lùi lại phía sau. Đôi lúc xe chạy ngang qua một dẫy phố nhỏ có chừng mươi căn nhà lá nằm sát bên đường, thường là những quán ăn. Vài chiếc xe khách dừng lại đó cho khách xuống nghỉ ngơi và ăn uống. Xe “Con Vịt” tuy chạy chậm hơn những xe khác, nhưng được cái nó chạy chăm chỉ, ít khi ngừng đón khách dọc đường hay tạm nghỉ ở đâu quá lâu. Thi ngồi bên cạnh tôi, ngay bên cửa sổ, cũng đang ngắm nhìn những cảnh vật bên ngoài. Tóc nàng bay bay theo gió, vài sợi tóc dài vắt sang bờ vai tôi. Thỉnh thoảng, Thi lấy tay vén tóc cho khỏi bị gió làm bay lòa xòa dù chúng đã được chiếc “bím tóc” cột chặt lại ở phía sau lưng. Má Thi ửng hồng dưới ánh nắng sớm đang nhen nhúm sáng tỏ của một ngày đẹp trời hắt vào làm khuôn mặt nàng càng thêm rạng rỡ. Tôi nắm bàn tay nàng để tìm cái cảm giác ấm áp và mềm mại của bàn tay ấy. Nhưng chỉ một thoáng, Thi lại khẽ rút tay về nhìn tôi mỉm cười, cái mỉm cười hồn nhiên trong sáng dưới cặp mắt thông minh. Tôi mong chiếc xe sẽ tới Hoa Lư trước khi trời trở nên nóng hơn dù thời tiết mùa này còn đang dễ chịu. Với mấy ngày đẹp trời như hôm nay làm chúng tôi hy vọng, nếu thời tiết tiếp tục như thế sẽ làm cho cuộc đi thăm cố đô Hoa Lư này được tốt đẹp như mong đợi. Uyên và Mơ đang rù rì nói chuyện. Hai người đồng lứa tuổi nên dễ kết thân. Mơ là cô lái đò mà chúng tôi có may mắn được làm quen khi đi chơi Chùa Hương mấy tháng trước. Cô đã trở thành người bạn của chúng tôi một cách mau chóng bởi cái tính thật thà, cởi mở và lòng hiếu khách của cô. Tôi đã giới thiệu người bạn học cùng trường tên Hội với cô.
Tôi chợt nghe Uyên hỏi Mơ: - Thế hôm anh Hội đến gặp chị lần đầu thì có chuyện gì xẩy ra? Kể cho em nghe đi! Mơ cứ ngồi tủm tỉm cười. Đợi Uyên dục tới lần thứ hai, Mơ mới chịu nói: - Chuyện thì dài lắm nhưng em kể vắn tắt thôi nhé. Hôm đó, em ra bến đò Yến đón khách. Cũng may, mấy hôm trước em lại ở nhà quay tơ thuê. Nếu không, chắc em cũng chẳng gặp được anh Hội. Đúng là duyên số chị ạ! Anh Hội kể lại, anh cứ đi lớ ngớ ở bến đò hỏi có ai biết cô Mơ không. Người ta chỉ cho nên anh ấy mới đến gặp em để thuê chở đò vào động Hương Tích. Dọc đường, anh cứ ngồi nhìn cảnh thì ít mà thỉnh thoảng liếc mắt nhìn em tủm tỉm cười thì nhiều. Em thấy người lịch sự lại đẹp trai, sáng sủa nên em cũng hơi nghi là anh Hội. Nhưng sao anh ấy lại đến nhanh thế, mới có hai tuần lễ sau khi chia tay với các anh chị thôi mà. Em cứ tin là các anh chị sẽ đưa anh Hội tới cơ đấy chứ. Anh ấy đi đâu cũng rủ em đi theo. Em đoán là anh Hội nên đi đứng sao như ríu cả chân. Mỗi lần đứng gần anh là mặt và tai em nóng bừng, tim đập thình thịch, đi bên cạnh thì em như người mất hồn. Anh Hội hay nhìn em tủm tỉm cười lại càng làm em cuống hơn. Cùng nhau đi bộ vào thăm động Hương Tích. Dọc đường em cứ mải mê nghe anh ấy kể chuyện làm em thấy con đường trở nên thật ngắn. Anh ấy, cũng giống như các anh chị, săn sóc cho em chu đáo lắm. Đến chiều, khi em đang chèo thuyền về trên suối Yến, chợt anh tự giới thiệu tên mình là Hội. Nghe thấy thế, em đứng chèo mà cứ lặng cả người vì mừng dù là đã đoán được từ trước. Anh Hội đẹp trai này, cao lớn này, lại lịch sự nữa. Một lần, anh Hội bảo em ngừng chèo để ngồi nói chuyện với nhau. Em đâu dám nói gì, cứ ngồi cúi gầm mặt xuống, lâu lâu mới dám ngửng lên nhìn, vừa vui lại vừa thẹn. Anh kể đủ thứ chuyện mà em có nhớ được chuyện nào đâu. Uyên thấy Mơ ngừng lại, vội hỏi: - Sao nữa hở chị? - Anh Hội lại hẹn gặp nhau ở bến đò ngày hôm sau để đưa anh đi chơi tiếp. Hôm đó em lấy cái váy mới ra mặc nên trông chẳng giống ai. Anh Hội cứ nhìn em từ đầu đến chân tủm tỉm cười làm em đã ngượng lại càng ngượng thêm. Sang hôm thứ hai, em cũng đã đã bạo dạn hơn nên bắt đầu nói chuyện, cười nói với anh ấy chứ không chỉ cúi gầm mặt xuống vì e thẹn như hôm trước nữa. Anh Hội đòi học chèo thuyền. Ban đầu, vì không biết chèo nên thuyền cứ quay vòng vòng làm em buồn cười quá. Em phải dạy cả tiếng đồng hồ anh ấy mới làm cho thuyền đi thẳng được. Từ lúc đó, anh Hội chèo, em ngồi. Em cố tình đưa thuyền vào chỗ suối văng vắng để chị em trong xóm không nhìn thấy cảnh này. Suốt ngày hôm đó chúng em đi chơi thật vui. Anh Hội hát cho em nghe. Anh ấy hát cả tiếng Tây nên em chỉ hiểu lõm bõm. Anh nói đùa vì không biết hát xẩm nên không kiếm tiền được. Đến buổi chiều chia tay, anh Hội lại hẹn gặp nhau ngày hôm sau nữa. Em mừng ơi là mừng. Vô tình, và cứ theo thói quen, em nắm lấy tay anh ấy mà lắc lắc. Lúc biết mình đang đứng với một người đàn ông xa lạ nên em vội buông ra. Vừa buông ra thì anh ấy lại nắm tay em một cách thân mật làm em cứ run bắn cả người lên. Mơ ngừng lại không nói nữa mà nhìn ra ngoài cửa xe mỉm cười một mình. Uyên lại dục: - Rồi sao nữa hả chị? Mơ nhìn Uyên mỉm cười rồi kể tiếp: - Hôm thứ ba, chúng em lên Tuyết Sơn chơi. Đi lên đây em nhớ các anh chị quá. Anh Hội bảo em vào khấn Thánh Mẫu đi. Hai người cùng xin quẻ. Em cũng chẳng biết anh ấy xin gì mà chỉ cần xin một lần là thôi, chắc là xin được. Còn em thì chỉ dám cầu xin được làm quen với anh ấy lâu hơn thôi. Em xin cả ba lần đều không được. Em buồn lắm. Anh Hội đứng cạnh giục em cứ xin tiếp đi, xin cho tới khi nào được mới thôi. May quá, em xin thêm một lần nữa thì được. Anh Hội bảo khi trong lòng mình chưa có tự tin, chưa dứt khoát thì xin khó được lắm. Mơ lại ngừng kể. Thi ngồi hàng ghế sau nghe lóm cũng chồm người lên hỏi: - Rồi sao nữa hả chị? - Từ lần đó trở đi, cứ hai tuần anh Hội đến thăm em một lần, có khi đến liền hai cuối tuần liên tiếp. Mẹ em và thằng Sơn, em của em, cũng quý anh ấy lắm. Có hôm thằng Sơn chở thuyền đưa anh Hội đi câu cá tới tối mới về làm em và mẹ em hơi lo. Có một lần đi dạo chơi bên bờ suối, anh Hội chợt nắm tay em ngỏ lời yêu em. Chân em lúc ấy cứ như muốn khuỵu xuống. Em quê mùa lại nghèo hèn làm sao dám mơ tới chuyện ấy được. Em cứ tưởng như em đang nằm chiêm bao, nhưng em biết anh ấy đã nói với em rất thật lòng. Rồi anh Hội còn đưa em lên Hà Nội gặp bố mẹ anh ấy. Tới nhà, em mới biết nhà anh ấy giầu có, em đứng ngoài cổng mà không dám vào. Anh Hội phải nắm tay em kéo đi. Cũng may là cả nhà thương mến em, chỉ trừ mẹ anh ấy, hình như bà chưa thuận ý. Em ở lại chơi vài ngày, được cô em gái đưa đi xem thủ đô Hà Nội. Hà Nội đẹp quá chị nhỉ! Mơ ngừng lại một chút, rồi lại nói tiếp: - Anh Hội hứa hai năm nữa, khi ra trường, đi làm rồi sẽ xin cưới em. Anh ấy cũng ngỏ ý ấy với thầy u em. U em thì mừng lắm, thầy em vui nhưng trên nét mặt có thoáng nét lo. Lúc đó, em vừa ngượng lại vừa vui, chạy vào trong buồng đứng khóc. Thằng em em nó trông thấy, mách nhỏ cho cả nhà biết. Anh Hội vội chạy vào nắm tay em cho đến khi em nín được mới thôi. Chiều hôm đó thằng Sơn lại rủ anh Hội đi câu cá đến tối mới về làm em nhớ anh ấy quá, cứ thỉnh thoảng lại chạy ra cổng đứng chờ. Mẹ em nhìn em cười, nói đùa cô con gái: “Mất đâu mà sợ! tý nữa nó về!”. Em ngượng nên không dám ra đứng chờ nữa. Anh Hội khéo lắm, lúc nào cũng khen em nấu cơm ngon. Mơ lại ngừng nói, nhìn ra ngoài xe, với nét mặt hơi buồn, rồi quay lại nói với Uyên: - Nếu chuyện duyên nợ của em với anh ấy xẩy ra thì em cho là đúng có duyên số. Tình cờ, nhờ có các anh chị mà chúng em mới quen biết nhau. Em chỉ biết là em thương yêu anh ấy hết lòng và hình như anh ấy cũng thế. Mà sao em vẫn cứ thấy lo lo. Mơ lại nhìn ra ngoài cửa sổ xe và yên lặng không nói gì thêm. Tôi tôn trọng sự im lặng của Mơ nên không muốn hỏi gì thêm nữa. Tôi cứ thắc mắc trong lòng là trước khi Hội đi gặp Mơ, tôi có viết thư giới thiệu cơ mà. Đáng lẽ hôm đó tôi cùng đi với Hội, nhưng vì bận việc bất ngờ nên đành phải viết thư cầm tay đưa cho Hội mang tới. Thôi, để lúc khác tôi hỏi thêm Hội về những ngày đầu này vậy. Mặt trời đã lên khá cao. “Bác tài” cho chúng tôi biết là xe đã đi vào địa phận thị xã Ninh Bình. Muốn đến Hoa Lư, nơi có hai ngôi đền thờ vua Đinh và vua Lê thuộc xã Trường Yên thì xe phải tiếp tục dùng hương lộ để tới đó. Cuối cùng, xe dừng và “đổ” chúng tôi xuống một bãi đất trống gần đền, chỉ cần đi một quãng ngắn là tới. Cả bốn chúng tôi xuống xe, ai nấy đều cảm thấy thoải mái sau mấy giờ đồng hồ ngồi gò bó. Chúng tôi đi bộ một quãng rồi ghé vào một quán nước bên đường uống bát nước chè xanh, ăn vài cái bánh cái kẹo, nghỉ ngơi. Quán nước chỉ lưa thưa vài người khách địa phương. Bà hàng nước nhìn chúng tôi, tò mò hỏi: - Chắc các cô cậu từ xa tới? Tôi trả lời: - Thưa bà vâng! Chúng tôi từ Hà Nội vào đây để thăm cố đô Hoa Lư. Hai ngôi đền đằng kia có phải là đền vua Đinh và đền vua Lê không ạ? - Thế ra các cô cậu đến đây lần đầu tiên hả? Bà hàng hỏi ngược lại chúng tôi. - Thưa vâng! Tôi trả lời. Bà hàng chỉ sang một cụ già chạc tuổi độ chừng hơn 60 tuổi, nhưng trông còn khoẻ mạnh và quắc thước lắm. Bà nói: - Đây là cụ từ của hai ngôi đền ấy đấy! Chúng tôi chào cụ. Cụ Từ (chúng tôi tự đặt tên cho cụ như thế) còn đang mải châm lửa vào “viên” thuốc lào đã nằm sẵn trong “nõ” của chiếc “điếu cầy”. Cụ hít một hơi dài. Tiếng nước trong ống điếu nghe “réo” sòng sọc rất giòn giã và vui tai, chứng tỏ cụ là một người hút thuốc lào sành điệu. Cụ “ém hơi” rồi nhả khói ra từ từ, lúc gần hết cụ mới “nhả” cho khói tỏa ùa ra khỏi miệng. Xong, cụ quay người sang phía khác, từ miệng điếu, dùng hơi thổi nhẹ, cục “tàn thuốc” lào bắn ra khỏi “nõ”. Cụ đưa trả chiếc điếu cho bà hàng rồi “chiêu” một ngụm nước chè tươi nóng. Lúc này cụ mới ngửng lên chào chúng tôi: - Chào các cô cậu! Mới từ Hà Nội vào đây chơi đó hả? Tôi trả lời: - Thưa cụ, vâng ạ! Chúng cháu về đây để thăm những di tích lịch sử của cố đô Hoa Lư xưa. Cụ Từ nhìn chúng tôi cười ra vẻ hả hê: - Tốt! Tốt lắm! Thanh niên trẻ mà biết tìm tới “người xưa” như thế này là tốt lắm. Thế các cô cậu có muốn tôi giúp gì hay có câu hỏi nào không? - Thưa cụ, xin cụ chỉ dậy cho. Chúng cháu là người phương xa mới tới lần đầu. - Thôi được! Đã thế thì cứ ngồi uống nước, ăn bánh kẹo cho xong rồi đi theo tôi. Chúng tôi ăn vội vàng rồi đứng dậy để cùng đi với cụ Từ, và không quên cám ơn bà hàng nước. Cụ dẫn chúng tôi đến chân một ngọn núi không xa với đền là mấy. Cụ chỉ vào ngọn núi: - Đây là núi Mã Yên, có tên gọi như thế là vì nếu nhìn từ xa, núi có chỗ trũng xuống giống như cái yên ngựa. Nếu chúng ta trèo lên núi này, tuy núi thấp thôi nhưng cũng đủ cao để có thể quan sát được những địa điểm quan trọng trong vùng, đặc biệt là thấy toàn bộ hai ngôi đền vua Đinh và vua Lê đằng kia. Cụ theo đường bậc đá có sẵn để leo lên núi. Chúng tôi cùng lên theo. Tới địa điểm nơi núi lõm xuống, cụ chỉ vào một ngôi mộ cổ: - Đây là lăng tẩm của vua Đinh Tiên Hoàng. Ngôi mộ nằm trên núi là để đề cao tinh thần thượng võ của ngài và ở ngay chỗ võng xuống của núi có hình dáng cái yên ngựa là tượng trưng cho nhà vua đang cưỡi ngựa đi đánh giặc như thời còn sinh tiền. Ở phía nam chân núi có lăng của vua Lê Đại Hành. Chúng tôi thấy lăng của vua Đinh Tiên Hoàng là ngôi mộ xây bằng đá, kích thước cũng trung bình như những ngôi mộ mà chúng tôi thường gặp trong các nghĩa trang, không có gì gọi là đặc biệt dành cho một vị Hoàng đế nổi tiếng cả. Có lẽ đây là cái ưu việt của các vị vua nước ta từ thời lập quốc cho tới thời nhà Nguyễn. Hài cốt vua Đinh Tiên Hoàng được chôn sâu vào lòng núi đá, bên trên mộ được xây thành hình chữ nhật. Bốn góc có 4 trụ. Chính giữa phía sau mộ có một “ngai vàng” bằng đá, lưng dựa của ngai mang hình dáng bông sen lớn, hai tay ngai là hai con rồng.
Cụ cũng cho biết là lăng vua Lê Đại Hành xây tương đối giản dị hơn, chỉ có hai bức tường thấp, xây thành hai hình chữ U ráp ghép lại với nhau. Ở giữa là mộ, đắp cao lên một chút, trên mộ có bia lớn. Cụ Từ lại tiếp tục đưa chúng tôi tới một miếng đất bằng phẳng. Từ đây, chúng tôi có thể phóng tầm mắt nhìn được một vùng khá rộng ở phía dưới chân núi. Ngay dưới chân núi Mã Yên có con sông chảy. Cụ cho biết đó là con sông Sào Khê, chi nhánh của sông Hoàng Long, nằm uốn lượn trong khu vực thành Ngoại Hoa Lư. Tương truyền, bên bến sông Sào Khê này là nơi vua Lý Công Uẩn đã hạ chiếu dời đô để xuống thuyền tiến về Thăng Long. Xa xa là thị xã Ninh Bình với những ngôi nhà ngói rêu phong. Cũng ở xa xa, những rặng núi đá vôi gần như liên kết ôm lấy Hoa Lư cùng với con sông uốn lượn. Cánh đồng rộng ngút tầm mắt. Nơi gần hơn là những ngọn núi nằm rải rác quanh khu vực hai ngôi đền. Hai ngôi đền cổ kính nằm trên hai thửa đất rộng gần nhau, cây cối xanh tươi, um tùm với những cây cổ thụ. Cả hai đền đều nằm ở phía tay trái chúng tôi nếu đứng trên núi Mã Yên nhìn hướng về thị xã Ninh Bình.
Cụ Từ cắt nghĩa: - Kinh đô Hoa Lư cổ xưa không còn nữa, nhưng những vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí. . . thì vẫn có thể tìm thấy được ở khu đền thờ vua Đinh-Lê. Tương truyền khu đền này là hình ảnh thu nhỏ của hoàng thành kinh đô Hoa Lư xưa. Các cháu nên biết Hoa Lư tồn tại như một kinh đô trong vòng 42 năm. Dù chỉ kéo dài ngót nửa thế kỷ thôi, với 6 vị vua của 3 triều đại, nhưng Hoa Lư lại là kinh đô có nền cai trị thuộc trung ương tập quyền đầu tiên của đất nước. Nơi đây đã từng vừa là kinh đô, vừa là một thành trì quân sự và cũng vừa là một trung tâm văn hóa lớn thời đó. Ngày nay nó là một khu di tích lịch sử quan trọng. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết : “Năm 968 đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi ở Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh chưa có điều kiện xây dựng kinh đô to lớn”. Thời đó, Song Hào, một sứ thần Trung Hoa sang thăm Hoa Lư, đã viết về kinh thành này như sau: “Trong vòng thành không có dân chúng, chỉ có vài nghìn nhà tranh dùng làm trại lính. Cung điện thì nhỏ. Cửa cung điện có đề chữ Thông Minh Điện. Trong thành có một tháp cao bằng gỗ để lo việc phòng thủ. Kiến trúc này giản dị và không đẹp mắt”. Đại Việt Sử ký Toàn thư cũng viết: “Năm 982, Vua Lê thân chinh đi đánh Chiêm Thành, thắng được nước này. . . bắt được tù binh không biết bao nhiêu mà kể, bắt kỹ nữ trong cung cả trăm người, một người thầy tu người Thiên Trúc (Ấn Độ), lấy các đồ quý mang về, thu được vàng bạc, châu báu kể hàng vạn”. Sau khi đi đánh Chiêm Thành về, vua Lê Đại Hành đã tiếp nối sự nghiệp xây dựng cho kinh đô Hoa Lư đẹp thêm lên. Năm 984 nhà vua đã cho dựng nhiều cung điện : “Làm điện Bách bảo thiên tuế ở núi Đại Vân, cột điện dát vàng bạc làm nơi coi chầu, bên đông là điện Phong Lưu, bên tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc, rồi làm lầu Đại Vân, rồi dựng điện Trường Xuân rồi lại dựng điện Long Lộc lợp bằng ngói bạc”. Nhờ trong số tù binh Chiêm Thành mang về, có cả những công nhân tạo tác và nghệ nhân nên dấu vết ảnh hưởng văn hóa Chiêm Thành của các kiến trúc và mỹ thuật điêu khắc trên những di tích tìm thấy được ngày nay ở kinh đô Hoa Lư xưa vẫn còn lưu dấu lại. Ngay cả việc dùng vàng bạc để nạm cột cung điện, lợp mái bằng ngói bạc là chứng tích của ảnh hưởng mỹ thuật Chiêm Thành. Cụ Từ cho biết thêm: - Hoa Lư là nơi khởi nguồn sinh sản nhiều giá trị văn hóa thuần Việt. Tuy nhiên ở đây người ta cũng tìm được một số tác phẩm điêu khắc bằng đá rất đẹp mà chủ đề là những linh vật như sư tử, voi, tê giác và bò thần. Những linh vật này khác hẳn với những linh vật thuộc văn hóa nghệ thuật Đại Việt là rồng, kỳ lân, rùa, phượng (long, ly, quy, phượng) . . . nên có thể đây là những tác phẩm thuộc văn hóa Chàm do những nghệ nhân Chiêm Thành sáng tác, đặc biệt là những tượng bò thần.
Cụ dẫn chúng tôi tới một chỗ có thể quan sát được rộng và xa hơn nữa. Cụ giảng giải: - Kinh thành Hoa Lư nằm trên địa thế hiểm trở. Hệ thống núi đá vôi gần như bao quanh chỉ trừ hướng bắc và đông bắc là không có núi che kín, nhưng lại có hệ thống sông ngòi bao bọc. Hệ thống núi và hệ thống sông ngòi thiên nhiên được lợi dụng làm thành quách và chiến hào. Chúng tạo thành một “quân thành” phòng ngự rất kiên cố, vững chắc. Trong thời buổi đầu vừa thống nhất đất nước, sau cơn loạn lạc kéo dài hơn 20 năm (loạn Sứ quân), lại thêm nạn ngoại xâm luôn luôn dòm ngó nên Hoa Lư mang nặng về tính chất quân sự nhiều hơn là một kinh đô hành chính trong thời kỳ lập quốc. Thành dựa vào núi đá và đồng lầy nên không vuông vức. Triều vua Đinh cho xây đắp thêm 10 đoạn tường thành, hiện nay còn dấu vết. Chúng nối liền các khoảng cách giữa những núi đá lại với nhau để bao quanh một diện tích là 300 mẫu tây. Thành được chia làm hai khu riêng biệt: - Thành Nội hay thành Trong, vì ở phía tây nên còn gọi là thành Tây. - Thành Ngoại hay thành Ngoài, vì ở phía đông nên còn gọi là thành Đông. Ngoài ra ở phía nam kinh thành còn có thành Nam hay còn gọi là thành Tràng An.
Chúng tôi nhìn theo hướng tay của cụ Từ chỉ về phía những ngọn núi và các tường thành đắp. Những tường thành đắp này đa số đã đều sụp đổ, chỉ còn sót lại vài đoạn ngắn. Cụ giải thích tiếp: - Thành Ngoại rộng khoảng140 mẫu (ha) thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Hạ thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Thành này có 5 đoạn tường thành nối với các dẫy núi để tạo nên một vòng thành khép kín. Đây là khu cung điện chính của nhà vua. Hai đền thờ Đinh, Lê hiện nay nằm ở trung tâm thành Ngoại. - Thành Nội có diện tích tương đương với thành Ngoại, thuộc địa phận thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Thành cũng có 5 đoạn tường thành đắp nối với các núi để tạo nên một đường cong khép kín, là nơi nuôi trẻ em và là nơi ở của những người giúp việc trong cung đình. Hai thành tuy là hai khu riêng biệt nhưng kề bên nhau, được dễ dàng qua lại nhờ một ngách núi ăn thông với nhau gọi là Quèn Vông. Các nhà khảo cổ đã khảo sát một số công trình xây dựng. Thành được xây dựng rất độc đáo, công phu và vững chắc. Những bức tường thành nhân tạo thì móng được tăng cường “đóng cừ” bằng những cành cây, gỗ, đất sét đổ sâu xuống lòng đất để chống đất lún. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Phía trong tường thành xây bằng gạch nung, tường dầy 0,45 mét, cao 8-10 mét. Phía ngoài, tường được đắp đất rất dầy. Chân tường thành rộng 15-20 mét, mặt tường thành rộng 8-10 mét. Cả hai thành lợi dụng được con sông Hoàng Long và chi nhánh tức sông Sào Khê, chảy dọc theo tường thành để làm, vừa là chiến hào nước thiên nhiên, vừa là đường thủy cho thủy quân vận chuyển ra vào thành. Cụ Từ chỉ tay về hướng Nam xa xa: - Trong thế phòng ngự, thành Nam có núi cao bao bọc xung quanh để bảo vệ mặt sau kinh thành. Khu thành Nam còn được gọi là Tràng An, cách kinh đô Hoa Lư 3 cây số và cách thị xã Ninh Bình 7, 8 cây số. Tràng An có nhiều hồ và hang động gồm nhiều dòng “xuyên thủy” (nước chảy xuyên qua hang luồn dưới chân núi). Chúng tạo thành một hệ thống lạch-ngòi khép kín, luồn lách quanh co, ăn thông với nhau, được ví như một trận đồ bát quái hay thế trận liên hoàn trong quân sự. Từ đây, ta có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. . . Và từ đó ta mới thấy được cái tài dụng binh khéo léo, con mắt tinh tường của người cầm quân giỏi, mới thấy được cái ý nghĩa sâu xa của người xưa, những vị anh hùng dân tộc khi chọn nơi này làm thành lũy chống giặc ngoại xâm để xây dựng và gìn giữ bờ cõi, Hiện nay phần thiên tạo (núi) của thành vẫn còn, nhưng những phần nhân tạo (tường xây) và cung điện thì chỉ còn lại những dấu tích. Tôi quay lại sau lưng thì biết chỉ còn tôi và Uyên là còn theo sát cụ Từ. Thi và Mơ cùng đi bên nhau nói chuyện và ngắm cảnh, cách chúng tôi một quãng ngắn.
Cụ lại chỉ tay cho biết thêm: - Ở phía đông của thành có cửa Đông, núi Cột Cờ, nơi cắm cờ nước Đại Cồ Việt. - Ở phía đông nam khu thành Ngoại có Ghềnh Tháp, một mỏm núi nhô ra trên con sông Sào Khê là nơi vua Đinh đứng duyệt thủy quân. Gần đó là động Am Tiên, một động lớn nằm ở sườn núi, nơi đó vua Đinh nuôi hổ, báo để trừng trị kẻ có tội. - Ở phía bắc thành Ngoại có một ao lớn gọi là ao Giải, được nuôi giải (cá sấu?) cũng để làm những nơi trừng trị kẻ phạm tội. Thời kỳ vừa chấm dứt chiến tranh, nhà Đinh đặt ra nhiều luật nghiêm ngặt và tàn bạo, kể cả “vạc dầu” để răn đe. - Ngoài ra còn có những hang động lớn như hang Muối, hang Tiền là nơi chứa muối, chứa tiền. Thung lũng hang Quàn là nơi nhà Đinh luyện quân nên gọi là “Đấu đong quân”. - Về đồn lũy canh gác bảo vệ kinh thành, ở phía đông thành Ngoại có một con đường bộ chính yếu là đường Tiến Yết. */ Trên con đường vào kinh đô này có nhiều trạm gác. - Tương truyền Quèn Ổi là cửa ngõ vào Hoa Lư. - Cách Quèn Ổi khoảng một cây số thì có thôn Áng Ngũ, nơi các quan dừng chân để sửa soạn trước khi vào kinh đô. Ở đây có đền thờ tướng Nguyễn Bặc (xin xem ở những chương sau), một vị công thần của nhà Đinh và cũng thờ vị tướng trấn giữ ở đây làm Thành hoàng là Quang Lộc đại vương. - Cách đó cũng khoảng hơn một cây số là thôn Quán Vinh, cũng là trạm gác vào kinh đô. - Cách Quán Vinh khoảng hai cây số là động Thiên Tôn, vừa là thắng cảnh vừa là tiền đồn. Trước động Thiên Tôn có nhà Tiền tế và Kính thiên đài để tế trời đất, cũng là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô. - Cầu Dền là chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long cũng là cửa ngõ vào Hoa Lư. - Núi Dũng Dương, núi Nương Sơn và núi Côn Lĩnh án ngữ con đường vào Hoa Lư. Trước đây ở đền Hạ dưới chân núi Côn Lĩnh có hai câu đối: Côn Lĩnh tiền đồn Đinh tiền thủy (Núi Côn Lĩnh là tiền đồn của nhà Đinh - Bên sông Đáy, vua Đinh còn cho đặt đồn lũy trên núi Non Nước, - Bên sông Vạc đặt dinh thủy quân ở làng Trẹo. Đứng trên núi Mã Yên có thể nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn. Cụ Từ không quản trời nắng và mặt trời đã lên cao, cụ vẫn cố giảng giải cho chúng tôi những địa danh, di tích mà cụ có thể thấy được. Cụ cho biết thêm là những đền, chùa trong kinh đô Hoa Lư thì có rất nhiều. Đinh Tiên Hoàng Đế là người sùng đạo Phật vì khi còn nhỏ tuổi, vua đã cùng mẹ sinh sống ở gần đền thờ thần Cao Sơn (Thần núi). Khi lên ngôi ngài cho xây dựng ở trong kinh đô Hoa Lư rất nhiều chùa, tháp và nhiều ngôi đền, phủ để thờ các vị thần, thánh theo tín ngưỡng dân gian. Các triều vua kế tiếp cũng vẫn tiếp tục xây dựng nhiều thêm lên. */ Một số chùa, phủ, đền nằm ngay trong khu vực kinh thành như: - Chùa Nhất trụ ở thôn Yên Thành, được xây dựng từ thời Tiền Lê. Chùa có một cột kinh bằng đá hình bát giác, trên khắc bài kinh Lăng nghiêm. Cột kinh này được tạc vào năm Lê Đại Hành thứ 16 (995). - Phủ Bà Chúa cũng ở thôn Yên Thành thờ công chúa Phất Kim, con gái vua Đinh. Ở gần đó có chùa Đìa. - Chùa Bà Ngô thời Đinh từng là thắng cảnh. Cách chùa Bà Ngô không xa, người ta tìm được dưới sông Hoàng Long có nhiều di vật trong đó có cột kinh Phật, có dòng chữ cho ta biết được khắc vào năm 973. Đinh Liễn, người con trai cả của vua Đinh Tiên Hoàng đã cho thực hiện 100 cột kinh tặng cho các chùa. Đặc biệt người ta tìm được xương và răng của giống ngựa Mông Cổ. - Ở ngay khu thành Ngoài, trước đây có nhiều phủ. Tương truyền, các phủ thờ các tướng nhà Đinh: phủ Vật thờ vị tuyển quân, phủ Tùng thờ vị xử tội cực hình, phủ Thủ thờ vị giữ thành, phủ Làng Thong thờ vị coi việc thủy quân là Vân Dần đại vương, cứ đến ngày mùng hai tháng Chạp thì có hội đua thuyền để nhớ đến tài thủy chiến của ông. */ Bốn góc kinh thành có bốn đền thờ “Tứ trấn” trấn giữ, ba vị thần và một vị thánh gồm: - Trấn Bắc: thờ thánh Lý Quốc Sư, một chức vị cao nhất trong thiền sư, pháp sư của thời nhà Lý. Pháp danh ngài là Nguyễn Minh Không, tên thế tục là Nguyễn Chí Thành, người sinh ở Gia Viễn, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh, là một nhà sư tài danh lừng lẫy. Nguyễn Minh Không được dân gian coi là một trong bốn vị “tứ bất tử” của Việt Nam, còn được gọi là thánh Nguyễn. Ngài còn là “tổ” của nghề đúc đồng. (Gia Viễn là nơi vừa sinh ra vương tức vua Đinh Tiên Hoàng, vừa sinh ra thánh tức thánh Nguyễn Minh Không.) - Trấn Nam: thờ thần hay thánh Quý Minh. Theo truyền thuyết thì thần là hậu duệ của Lạc Long Quân, em vua Hùng Vương thứ 18. thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ ở những nơi vùng trũng. Ngài được các triều vua phong sắc là “Thượng đẳng thần” (xin xem chương IV). - Trấn Đông: thờ thần Thiên Tôn. Theo truyền thuyết và thần tích dân gian thì thần Thiên Tôn là người thiên thần từ phương Bắc. Lớn lên, ngài là người dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (Ninh Bình) tu luyện, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa và trừ tà ma. - Trấn Tây thờ thần Cao Sơn đại vương, con thứ 17 vua Lạc Long Quân, tức em vua Hùng Vương thứ nhất, tìm được loài thân cây có thể làm bột thay gạo, dân trong vùng gọi là cây “búng báng”. Thần dậy người dân làm ăn sinh sống. Thần Thiên Tôn, Quý Minh, Cao Sơn, ba vị thần có nguồn gốc phát tích từ Hoa Lư.
Trước khi chúng tôi rời khỏi núi Mã Yên, cụ Từ cũng nán lại một chút để chỉ thêm cho một số địa danh xếp vào loại thắng cảnh đẹp gần đây. Cụ đợi cho Thi và Mơ lại gần chúng tôi cụ mới nói tiếp. Theo cụ cho biết, Hoa Lư không phải chỉ là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và khảo cổ, mà còn là nơi có nhiều thắng cảnh bao quanh trong vùng. Chỉ nguyên đứng về những hình dáng kỳ thú của những ngọn núi chung quanh không thôi ta cũng có nào là núi con Cá, núi Tôm, núi Rùa, núi Hổ, núi Phi Vân, núi Ngọc Đèn . . . lại có nhiều hang động như hang Quèn, hang Muối, hang Lổ, hang Lôi, hang Tối, động Am Tiên, hang Luồn hay Xuyên Thủy động v..v… Nếu ta đi thuyền vào hang Xuyên Thủy động hay hang Luồn (hang có nước chảy luồn qua núi), ta sẽ đọc được bài thơ chữ Hán của Trịnh Sâm khắc trên vách đá khi ông đi chơi ngang qua đây (xin xem chương IV) Ta cứ xuôi thuyền sâu về phía nam để đến Trường An - Tam Cốc, ta sẽ tới động Liên Hoa, một động đẹp có thờ “tả, hữu thanh trù thái giám”. Xuôi xa hơn nữa thì ta sẽ thấy những ngọn núi con Cóc, con Bò, động Bàn Long nằm trong núi Voi Phục (núi có hình con rồng đang uốn lượn nên gọi là Bàn Long). Qua cửa động có mỏm đá nhô ra như con đại bàng đang xòe cánh. Khu vực này người ta gọi là “vịnh Hạ Long trên cạn” vì có nhiều núi đá vôi mọc nổi lên trên một vùng ruộng chiêm, nước mênh mông. *** ![]() |