Trở về trang Mục lục

ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG IV
TRÀNG AN

Phần 2
ĐỀN THÁI VI

***

Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève.

Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện.

Nhóm thanh niên nam nữ gồm:

- “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội)
- Thi (tuổi ở độ đôi tám, học sinh trọ học ở Hà Nội, người yêu và sắp là hôn thê của “Tôi”)
- Uyên (tuổi ở độ đôi mươi, chị ruột của Thi, cô giáo ở thị xã Sơn Tây)
Ba nhân vật “Tôi”, Uyên, Thi người Sơn Tây, ở chung làng cách nhau một cái ngõ, quen biết và thân nhau từ thuở nhỏ)
- Hội (sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội sắp ra trường, bạn học cùng trường và học trên “Tôi” mấy lớp)
- (cùng lứa tuổi với Uyên, cô lái đò nghèo do thời cuộc, chở đò cho khách hành hương trên suối Yến chùa Hương, người yêu và sắp là hôn thê của Hội)
- Thư (em gái của Hội, học sinh Hà Nội, cùng trang lứa với Thi)
- Hướng dẫn viên: cụ “Từ” hay cụ “Tú” Hoa Lư (đỗ Tú tài thời thi cử cũ, nhiều kiến thức về lịch sử và văn hóa nước nhà, tình nguyện làm ông từ trông nom hai đền Đinh, Lê ở Hoa Lư và di tích.)

***

Chúng tôi lại có dịp được nhìn một vùng núi non, sông nước thanh bình. Cụ Từ yêu cầu hai cô lái đò cho thuyền bơi gần kề nhau để khi cụ nói mọi người trong cả hai thuyền đều có thể nghe rõ lời cụ.

Trước khi cụ vào đề để nói về đền Thái Vi, Uyên ngồi bên cạnh cụ lấy vở ra để ghi chép. Đúng là tác phong của một cô giáo tập sự sắp ra trường. Tôi nghĩ thật may mắn cho những em học sinh nào được ngồi trong lớp của Uyên sau này.

Cụ cho biết:

Đền Thái Vi là nơi di tích lịch sử thờ ba vị vua đầu tiên của nhà Trần gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Đền được xây trên nền cung Thái Vi hay còn gọi là am Thái Vi ngày xưa. Am Thái Vi là nơi vua nhà Trần tu hành và cũng là nơi các quan từ triều đình về đây cùng lập kế sách chuẩn bị chống lại quân Mông Cổ lần thứ hai (1285).

Theo “Thái Vi quốc tế ngọc ký” cho chúng ta biết sau cuộc chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần ở tuổi 40 đã nhường ngôi cho con là vua Trần Thánh Tông để đi tìm nơi thắng cảnh và yên tĩnh tu hành. Một hôm, ngài du hành đến vùng núi non này đã vào qua hang Cả, hang Hai và hang Ba. Sau cùng, ngài quyết định dựng một am nhỏ ngay sau hang Cả, gọi là Vườn Am. Di tích ngày nay của Vườn Am chỉ còn là một miếng đất khoảng một sào không bao giờ bị ngập lụt.

Muốn vào Vườn Am thì chỉ có một con đường duy nhất là đi trên sông Ngô Đồng và qua hang Cả. Vua Trần Thái Tông nhận thấy tuy ở đây địa thế vững chãi nhưng lại chật hẹp, lầy lội, không tiện cho việc giao thông nên ngài chuyển ra ngoài động Vũ Lâm(1) lập am Thái Vi hay còn gọi là cung Thái Vi (“cung” vì dùng cho nhà vua)

Ngày nay động Vũ Lâm nằm ở phía tây thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, là một thung nằm trong dãy núi đá vôi Trường Yên, cách thị xã Ninh Bình 12 cây số. Ba mặt bắc, nam, tây của động Vũ Lâm được bao bọc bởi những rặng núi đá vôi, phía đông không có núi nhưng có sông Ngô Đồng bao quanh và rừng rậm che chắn như một bức tường thành thiên nhiên bảo vệ am Thái Vi nằm gần như ở trung tâm.

Trong khi giảng giải cho chúng tôi, cụ Từ không quên chỉ về những hướng có địa danh đó để chúng tôi có thể hình dung ra được.

Cụ cho biết tiếp:

Ở phía bắc am Thái Vi có bến Sính hay bến Thánh là một bến được vua Trần Thái Tông mở ra để vào am Thái Vi bằng đường thủy.

Để vào Thái Vi ta có thể dùng cả hai đường thủy, bộ:

- Đường thủy, có thể từ sông Đáy vào sông Vân Sàng đến ngã ba cầu Yên, nơi gặp nhau giữa sông Vân Sàng và sông Thiện Dưỡng, theo sông Thiện Dưỡng vào sông Ngô Đồng rồi đến thẳng bến Sính.

- Đường bộ, vua Trần Thái Tông còn cho mở đường nối thẳng từ thôn Hành Cung vào đình Các của thôn Văn Lâm rồi vào am Thái Vi.

Để canh phòng, vua Thái Tông đã cho xây dựng nhiều trạm gác. Cách am Thái Vi 300 mét có trạm gác thứ nhất gọi là cửa Quan hay Tam Quan, cách xa thêm 300 mét có trạm ở miếu Gò Mưng, cách xa thêm 300 mét nữa có một trạm gọi là cửa Quèn. Tương truyền cách xa thêm 200 mét nữa là đình Các nơi các quan tập trung sửa mũ áo để chuẩn bị vào am Thái Vi. Cách đình Các khoảng 2 cây số là làng Tuân Cáo, các quan muốn vào Thái Vi phải “báo cáo” ở đây. Cách Tuân Cáo xa khoảng 1 cây số nữa là thôn Hành Cung.

Tương truyền, sau khi vua Trần Thái Tông dời từ Vườn Am ở hang Cả ra thôn Hành Cung lập cung Vũ Lâm (lần thứ nhất) trước, rồi sau mới lại di chuyển (lần thứ hai) vào thôn Ô Lâm (tên mới Văn Lâm) lập am Thái Vi tức vị trí đền Thái Vi ngày nay mà chúng ta sắp đến thăm. Cũng tương truyền, thôn Vũ Lâm dành cho quan võ ở, thôn Văn Lâm dành cho quan văn ở.

Ta cũng nên biết thêm, vua Trần Nhân Tông, con vua Trần Thánh Tông, tức cháu nội vua Trần Thái Tông, có bài thơ trong “Vũ Lâm thu văn” (Chiều thu ở Vũ Lâm). Sau khi thắng quân Mông Cổ lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288) vua Trần Nhân Tông vào tu ở cung Vũ Lâm.

Lòng khe in ngược bóng cầu treo
Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà
Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ
Mây giăng như mộng tiếng chuông xa
(Thơ dịch của Băng Thanh)

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ hai (1285) của vua Trần Nhân Tông, có thể cung Vũ Lâm đã đóng một vai trò hậu cứ bảo toàn lực lượng rất quan trọng.

Theo “Thái Vi quốc tế ngọc ký” thì vua Trần Nhân Tông tuy vào tu hành ở cung Vũ Lâm nhưng cũng thường vào am Thái Vi.

Ta trở lại với vua Trần Thái Tông.

Khởi thủy, khi vua Trần Thái Tông đặt chân đến vùng động Vũ Lâm thì dân cư còn thưa thớt, ở rải rác trong các thôn xóm hẻo lánh bên khu rừng quanh đấy gọi là Ô Lâm (rừng quạ). Theo “Thái vi quốc tế ngọc ký” thì vua Trần Thái Tông đã chiêu dân lập ấp và khuyên dân tích cực khai khẩn rừng hoang. Dân nghe theo khai khẩn các khu được 160 mẫu. Dân chúng còn lưu truyền:

Chiêu dân lập ấp từ đây
Hành Cung các sở đặt bầy tuần du
Chi tộc cho ở các khu
Đặt làm bốn giáp khiến cho trị điền.

Khi xóm làng đã ổn định, vua Trần Thái Tông còn cho dựng ngôi chùa gọi là chùa Sở (Thiền Lâm tự). Dân chúng địa phương vẫn còn lưu truyền:

Địa đầu mở một ngôi chiền
Mễ lâm chùa Sở còn truyền đến nay
Non sông may khéo là may
Nên dân Nghiêu Thuấn vui ngày Đường Ngu(2).

Chúng tôi thấy cụ Từ thuộc nhiều thơ quá nên khen:

- Cụ biết rõ chi tiết lịch sử nơi này quá, lại còn thuộc nhiều thơ văn về nó nữa!

Cụ cười đáp:

- Tôi sinh trưởng ở đây, sống mấy chục năm quanh quẩn trên vùng đất này, sự hiểu biết như thế sao gọi là nhiều được. Ngoài ra tôi làm ông từ thì phải biết chứ, cứ phải trao đổi với các ông từ của các đền khác để học hỏi lẫn nhau. Âu, đó cũng là cái thú vui của tôi nữa. Đưa các cháu đi chơi như thế này, tôi thích lắm. Tôi đang làm một việc có ích cho thế hệ con cháu sau tôi.

Chúng tôi lại có dịp hết sức cám ơn cụ đã hướng dẫn tận tình cho chúng tôi trong chuyến đi thăm cố đô Hoa Lư này.

Cụ nói tiếp:

- Từ lúc nẫy tới giờ tôi mới nói về địa thếlịch sử hình thành của am Thái Vi hay cung Thái Vi mà thôi. Vấn đề then chốt của nó lại nằm ở chỗ quân sự. Vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng am Thái Vi để tu hành nhưng thực chất ngài đã tìm thấy ở nơi đây có một địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt rất thích hợp cho một hậu cứ phòng bị cho cuộc kháng chiến với quân Mông Cổ sau này (lần thứ hai và thứ ba). Căn cứ quân sự này vừa có thế thủ lại vừa có cả thế công. Từ đây, quân ta có thế xuất phát dễ dàng ra hai ngả: bắc, nam.

- Đường bộ. Từ động Vũ Lâm có thể tiến nhanh chóng ra đường Xuyên Việt (Quốc lộ 1 bây giờ) theo hướng bắc tiến thẳng về tới Thăng Long. Hay lui theo hướng nam, qua Tam Điệp vào Thanh Hóa.

- Đường thủy. Từ sông Ngô Đồng tiến qua sông Thiện Dưỡng đến cầu Yên, ra sông Vân Sàng vào sông Đáy, ngược sông Hồng lên Thăng Long. Hay lui theo ngã sông Trinh Nữ ra gần cửa biển Thần Phù rồi vào Thanh Hóa.

Các sử liệu trước đây đều cho biết, trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ hai (1285), nhà Trần đã rút lui về Trường Yên để làm căn cứ và đã tập hợp, bảo toàn được lực lượng. Có thể căn cứ ấy có liên quan đến vùng cung Vũ Lâm này.

Trong thời kỳ vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh quân nhà Thanh, vùng Tam ĐiệpHoa Lư cũng giữ vai trò quan trọng lắm, vừa là hậu cứ an toàn, vừa là nơi xuất phát tiến ra Thăng Long.

Cần ghi nhận một điều ở đây, cùng với mục đích tương tự, sau khi vua Trần Nhân Tông đuổi xong giặc Mông Cổ lần thứ ba (1288), ngài đã về tu hành ở núi Yên Tử vào năm 1299. Ngô Thời Nhiệm, một nhà mưu sĩ của thế kỷ 18 đã từng nhận xét về Yên Tử là một vị trí chiến lược quan trọng. Đứng từ núi Yên Tử có thể quan sát được một vùng rộng lớn ở phía bắc. Vua Trần Nhân Tông về tu ở Yên Tử, nhưng bên cạnh đó, ngài cũng có thể quan sát được động tĩnh ở nơi quan ải phía bắc. Tuy nhiên nhận định này cũng có nhiều tranh cãi về sự xác thực của nó.

Nghe cụ Từ nói đến đây chúng tôi ai nấy đều sửng sốt vì chúng tôi chưa bao giờ hiểu tới được điều đó và vô cùng cảm phục sự sáng suốt và tài thao lược của người xưa, nếu đó là sự thật.

Cụ Từ nhìn chúng tôi hỏi ai có câu hỏi gì không? Không thấy ai trả lời cụ lại nói tiếp:

- Thế là tôi nói tóm tắt được một số vấn đề lịch sử về cung Vũ Lâmam Thái Vi rồi. Nay tôi nói thêm một chút về đền Thái Vi (tức vị trí am Thái Vi xưa) trước khi chúng ta xuống thuyền để vào thăm đền nhé.

Theo cụ, để mô tả về am Thái Vi, bia Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đã ghi phong cảnh “tựa thiên đình”. Tại đây các quan văn võ đi lại tấp nập. Trong đền Thái Vi nay còn lưu hai câu đối chứng tỏ việc này:

Nhất thống sơn hà Thiên trường phủ vương hầu đệ trạch
Thiên thu hương tỏa Thái Vi cung văn vũ y quan

(Nước non một mối, các vương hầu dựng phủ đệ ở phủ Thiên trường/
Ngàn năm hương khói áo mũ quan văn quan võ ở cung Thái Vi)

Di tích còn lại của am Thái Vi là một mảnh đất nằm theo hướng bắc-nam rộng 6 sào. Xung quanh có thành đất, cao 1 mét, mặt rộng 4 mét. Nay kiến trúc của am Thái Vi không còn nữa.

Để tưởng nhớ các vị vua Trần, dân thôn Văn Lâm đã xây dựng đền Thái Vi trên nền đất của am Thái Vi xưa, tên là "Thái Vi Từ". Đền Thái Vi thờ các vị vua đầu nhà Trần như Trần Thái Tông và vợ là bà Hiển Từ Hoàng Thái Hậu, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và thêm bên cạnh đó hai vị tướng quân nhà Trần là Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông), Trần Hưng Đạo (con Trần Liễu).

Việc trùng tu đền được trải qua nhiều thời kỳ.

- Đến thời Hậu Lê ngôi đền đã bị hư hỏng nhiều.

Thời vua Lê Quang Hưng, năm Kỷ Sửu (1589) bị lụt to nên dân xã Ô Lâm (sau là Văn Lâm) đã xây dựng lại.

Năm Hoàng Định thứ 5 (1604) đời vua Lê Kính Tông dân thôn Văn Lâm lại cho sửa đường và cầu. Công việc này đã được khắc vào vách núi: "Đền Thái Vi chốn Bồng lai Tiên cảnh. Nơi đây có giếng vàng chứa bạch ngọc nên nước giếng bốn mùa trong vắt như gương. Ngô giang nước biếc, cầu đá sóng vờn. Làm con đường này, bắc con cầu này để đưa mặc khách tao nhân vào thăm tiên cảnh, để các quan tiện việc tế lễ, để nông phu tiện cầy cấy canh tác".

- Sang thời Nguyễn,

Năm Thành Thái thứ 5 (1893) đền Thái Vi được trùng tu với quy mô khang trang hơn. Năm 1925 đền Thái Vi lại được tu sửa thành 3 tòa: tòa thứ nhất 5 gian, tòa thứ hai 3 gian, tòa thứ ba 5 gian. Tất cả đều làm bằng gỗ lim và cột đá có chạm khắc, tường xây gạch. Phía ngoài đền xây thêm ngũ môn bằng những cột đá để tăng thêm phần trang nghiêm của đền. Từ năm 1926 đến nay đền Thái Vi cũng được tu sửa một số lần nữa và hoàn chỉnh như hiện nay.

Cụ Từ vừa giải thích tới đây thì thuyền cũng vừa cập bến Sính còn gọi là bến Thánh. Chúng tôi theo cụ lên bờ. Hai cô lái đò cột thuyền rồi ngồi nghỉ mát bên gốc cây cổ thụ gần đó.


Quần thể đền Thái Vi


Cổng đền với 2 con ngựa đá 


Đền và tháp chuông

Chúng tôi lên bộ, đi khoảng 100 mét thì đến đền Thái Vi. Cụ Từ cho biết đền được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” và có lối kiến trúc rất riêng biệt, toàn bộ kiến trúc chính của đền xây bằng đá và gỗ lim. Ngay cả những ban thờ, đồ thờ, bát nhang đều được làm từ đá xanh nguyên khối. Nhờ đó đã tạo cho ngôi đền dáng vẻ nguy nga, kiên cố, vững chãi.


Chữ “Công”


Chữ “Nội công ngoại quốc”

Trước đền có “giếng ngọc” xây bằng đá xanh, suốt bốn mùa, nước giếng lúc nào cũng trong suốt. Sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn. Phía ngoài cửa Nghi môn, hai bên có đặt hai con ngựa bằng đá xanh nguyên khối được khắc với những đường nét tinh xảo.


Gác chuông nhìn từ trong đền


Tháp bia

Qua Nghi môn một đoạn, bên tay phải thấy gác chuông hai tầng, tám mái song song. Gác chuông làm toàn bằng gỗ lim, các mái lợp ngói mũi hài, các góc là các đầu đao cong vút như hình đuôi con chim phượng. Ở đây treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hòa thứ 19 (1689).

Đối diện với gác chuông theo đường chính đạotháp bia và ba tấm bia dựng hai bên. Tháp bia bốn mặt, dựng năm 1926. Nội dung các tấm bia đều ghi lại những năm trùng tu và tu sửa đền Thái Vi, ghi công đức những người có công cúng tiền xây dựng đền.


Ngũ đại môn


Sân rồng và đường chính đạo


Rồng chầu chính điện

Đường chính đạosân rồng đều lát đá xanh. Sân rồng rộng khoảng 40 mét vuông, hai bên sân rồng là hai dãy nhà Vọng, nơi xưa kia các cụ bàn việc tế lễ.

Từ sân rồng bước lên theo các bậc đá khá cao là đến Ngũ đại môn (năm cửa lớn) có 6 hàng cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi long vương chầu vào chính điện. Mặt ngoài các cột đá đều chạm khắc các câu đối bằng chữ Hán. Các xà hiên cũng làm bằng đá, chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng).

Trong đền được chia làm 3 tòa kể từ ngoài vào trong: Bái đường, Trung đườngTẩm cung.

- Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung” (Đức lớn chính trung). Tiếp theo, ngay chính cửa Tiền tế là ban thờ, thờ văn quan, võ quan, Nam tào, Bắc đẩu và công đồng các quan.

- Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi rồng, mây. Tại đây có ban thờ đức Đệ nhất Tam tổ Trúc Lâm Quốc sư Đại Tam Môn tức vua Trần Nhân Tông. Phía trước ban thờ ngài, hai bên có đôi hạc gỗ cao 2.50 mét và hai bộ bát bửu chấp kích sơn son thếp vàng.

- Qua Trung đường vào năm gian Chính tẩm (Tẩm cung) có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, họa. Trong Chính tẩm hậu cung có 3 ban thờ bằng đá.

* Ban thờ chính giữa.

- Tầng trên cùng có 3 chiếc ngai vàng có bài vị của 3 ngài và bài vị của đức Thái tổ Trần Thừa (cha đẻ của vua Trần Thái Tông) cùng các thế hệ vua Trần.

- Tầng hai có 3 tượng đồng:

Chính giữa là ngài Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông.

Bên trái ngài là Thần Thánh Tông.

Bên phải ngài là đức Hiển Từ Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên, vợ vua Trần Thái Tông.

Cả 3 ngài đều ngự trên tòa sen.

- Tầng dưới cùng đặt bát hương thờ đức Thái tổ Trần Thừa và 14 vị vua Trần.

Hai bên ban thờ có kim đồng, ngọc nữ đứng hầu.

* Ban thờ bên trái vua Trần Thái Tông

- Tầng trên cùng đặt chiếc ngai vàng và bài vị.

- Tầng hai đặt tượng ngài Trần Hưng Đạo Trần Quốc Tuấn.

- Tầng cuối cùng đặt bát hương thờ ngài.

* Ban thờ bên phải vua Trần Thái Tông

- Tầng trên cùng đặt chiếc ngai vàng và bài vị.

- Tầng hai đặt tượng ngài Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải.

- Tầng cuối cùng đặt bát hương thờ ngài.

Điểm độc đáo ở Thái Vi là tất cả cột, ban thờ, đồ thờ tự và kể cả 12 bát hương do dân địa phương tạc đều mang một kiểu mẫu thời nhà Trần và đều làm bằng đá xanh nguyên khối chạm trổ rất công phu, tỉ mỉ. Từ cây đàn, bầu rượu, ngòi bút, túi thơ, rồng, hạc đều được tạc với những nét chạm trổ rất tinh vi, uyển chuyển, tao nhã như trên gỗ, mang tính nghệ thuật cao.

Phía sau đền Thái Vi là hai “mắt rồng”, tức hai bên có hai hố sâu, cứ đổ đất đầy, sau một thời gian lại bị trũng xuống không bao giờ bằng mặt đất. Ở giữa hai “mắt rồng” là miếu thờ vua Trần Thái Tông. Tương truyền sau khi ngài băng hà, thi hài của ngài được giữ ở đây.

Sau ba lần chiến thắng oanh liệt quân Mông Cổ, vương triều nhà Trần đã lấy ngày 15 tháng 3 âm lịch làm ngày vua tôi tụ tập về Phủ Thiên Trường, cơ ngơi nhà Trần, để tổ chức đại lễ báo công với tiên đế và mừng đại thắng quân Mông Cổ. Từ đó, cứ vào ngày này, dân địa phương ở đây cũng tổ chức long trọng lễ hội rước vua và đức thánh Trần ở đền Thái Vi để tưởng nhớ và tạ ơn những chiến công oanh liệt của tổ tiên xưa. Lễ hội được tổ chức đến hết tháng 3 âm lịch.


Ban thờ ở đền Thái Vi

Cụ Từ và chúng tôi đốt hương nhang lễ vái các vị tiền nhân. Sau đó chúng tôi được tự do đi thăm đền hoặc trò truyện với nhau ngoài sân rồng. Cụ vào nhà ngang gặp cụ từ đền Thái Vi. Cụ từ đền Thái Vi là người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và hoạt bát. Cụ mời chúng tôi vào “nhà khách” để uống trà. Hai cụ từ ngồi nói chuyện với nhau thân mật lắm. Sau tuần nước trà chúng tôi xin phép ra ngoài ngắm cảnh đền.

Cảnh đền nằm ở địa thế thật đẹp, trên thì núi, dưới thì song. Chẳng thế, vua Trần Thái Tông đã chọn nơi này làm nơi tu hành và lập cung Thái Vi. Cảnh đẹp ở đây đã được người xưa ghi lại qua mấy vần thơ:

Gió khe lành lạnh nước mênh mông
Hai núi hai bên giữa một dòng
Đường trời thăm thẳm ba hang tối
Cửa đất chênh vênh dẫy núi cùng
Xốc áo lên cao coi vạn dặm
Chèo thuyền xuống thấp hiểm muôn trùng
Bồng lai nào phải đâu xa nữa
Ngày tháng thung dung thú vẫy vùng.
(người dịch: Dương văn Vượng)

Vua Trần Thái Tông đã ví nơi đây với chốn non tiên:

Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần

(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa
Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần)

Uyên đến gần tôi hỏi:

- Trong đền Thái Vi có bát hương thờ Thái tổ Trần Thừa. Sao lại như thế hả anh?

Tôi trả lời Uyên:

- Câu hỏi rất hay! Theo anh hiểu, thật sự ra thì ngài Trần Thừa không làm vua ngày nào. Vua Trần Thái Tông là vua đầu tiên của nhà Trần. Nhưng Uyên nên nhớ khi vua Trần Thái Tông lên ngôi vua thì còn bé lắm, 8 hay 9 tuổi gì đó thôi. Trong triều đình đề nghị Trần Thủ Độ lên làm nhiếp chính để phò vua trong việc trị nước. Trần Thủ Độ vì không biết chữ (gia đình đánh cá) nên đề nghị cha của vua Trần Thái Tông là Trần Thừa lên làm nhiếp chính vì ông biết chữ để cùng vua điều hành việc triều chính. Có lẽ vì thế mà trong đền Thái Vi ta thấy có bài vị ông với tước vị là Thái tổ Trần Thừa.

Uyên nói:

- Em hiểu rồi! Cám ơn anh nhiều!

Uyên như muốn hỏi tôi điều gì thêm nhưng còn ngại ngùng. Tôi hỏi Uyên:

- Anh thấy như Uyên còn muốn hỏi anh điều gì nữa phải không?

Uyên nhìn tôi với con mắt đầy biết ơn:

- Vâng ạ! Anh cho em hỏi thêm một câu. Trong sử có nói tới đoạn vua Trần Thái Tông bỏ ngôi vua trốn lên Yên Tử tu thiền năm ngài mới 20 tuổi và muốn trở thành thiền sư hơn là làm vua. Xin anh nói rõ hơn được không?

Tôi giải thích cho Uyên:

- Hay lắm! Cứ nghe mãi về vua Trần Thái Tông từ sáng đến giờ, chúng ta cũng nên biết riêng về ngài một chút thì tốt hơn. Anh chỉ nói qua một tý thôi nhé. Câu chuyện là thế này. Uyên biết là khi vua Trần Thái Tông lên ngôi thì ngài còn nhỏ, nên cha của ngài là Trần Thừa lên làm Nhiếp chính. Trần Thủ Độ sắp xếp để anh của vua Trần Thái Tông là Trần Liễu lấy chị của Chiêu Thánh là công chúa Thuận Thiên. Tới năm 1237 thì một biến cố lớn xẩy ra trong nội tộc họ Trần. Hoàng hậu Chiêu Thánh đã 19 hay 20 tuổi, chưa có con trai. Để dòng vua họ Trần được tiếp nối, Trần Thủ Độ chê Chiêu Thánh đã già quá mà chưa có con nên ép vua Trần Thái Tông phải bỏ vợ mình, tức Chiêu Thánh, giáng xuống làm công chúa để lấy vợ của Trần Liễu là công chúa Thuận Thiên, phong làm Hoàng hậu. Thuận Thiên lúc đó đã có thai 3 tháng với Trần Liễu. Trần Thái Tông uất ức quá, cảm thấy nhục nhã và đau sót vì phải bỏ người vợ yêu quý của mình để lấy chị dâu. Trong khi đó, Trần Liễu nổi loạn chống lại triều đình nhưng không thành. Trần Thủ Độ muốn giết Trần Liễu đi nhưng được Trần Thái Tông hết sức che chở và xin tha cho người anh ruột của mình. Sau đó, đang đêm ngài bỏ trốn lên núi Yên Tử để đi tu và không muốn làm vua nữa. Đấy là lý do tại sao vua Trần Thái Tông bỏ lên Yên Tử.

Uyên ngỏ lời cám ơn tôi:

- Em cám ơn anh!

Tôi thấy Uyên có vẻ thích thú về câu chuyện của vua Trần Thái Tông nên tôi tiếp:

- Để anh nói thêm một tý nữa về giai đoạn tiếp theo nhé. Khi vua Trần Thái Tông trốn lên Yên Tử thì gặp Thầy của mình là Đại sư Trúc Lâm. Sư Trúc Lâm hỏi nhà vua vì lý do nào mà lại lên đây. Nhà vua dấu chuyện riêng của mình nên nói trớ ra là có ý định lên Yên Tử để tu hành và muốn đi tìm Phật. Sư Trúc Lâm trả lời, Phật ở trong “tâm” chứ Phật đâu có ở trên núi mà đi tìm. Đêm đó vua ở lại chùa cùng Đại sư đàm đạo. Vua Thái Tông cảm thấy rất hạnh phúc và thanh thản khi được sống ở trên núi Yên Tử. Vài ngày sau, Trần Thủ Độ cũng tìm ra được nơi vua trốn bèn mang một số triều thần và quân sĩ nài nỉ vua trở lại cung. Vua nhất định không chịu về. Trần Thủ Độ tuyên bố: “vua ở đâu thì triều đình ở đó”. Rồi ra lệnh chuẩn bị xây cất cung điện ngay trên núi Yên Tử. Lúc này nhà vua mới nói hết sự thật cho Đại sư Trúc Lâm nghe. Tiếp theo đó, Đại sư khuyên nhà vua: Khi mình đã là vua rồi thì đâu còn theo được ý thích riêng của mình nữa, mà phải lấy ý thích của thiên hạ làm ý thích của mình. Nay dân muốn vua về thì vua phải về kinh sư. Tuy nhiên trong khi làm vua bệ hạ vẫn có thể tu học được như thường. Vì vậy sự nghiên cứu về kinh điển và sự tu tập hàng ngày bệ hạ đừng có bao giờ xao lãng.

Trần Thái Tông nghe lời Đại sư Trúc Lâm trở về kinh đô.

Câu nói của Đại sư Trúc Lâm đã in sâu vào tâm não của nhà vua. Và cũng từ đó vua Trần Thái Tông tiếp tục tu học rất tinh tấn. Đến năm 31 tuổi nhà vua viết cuốn “Thiền Tông chỉ nam”, cuốn sách đầu tay của nhà vua. Trong bài tựa của cuốn sách này vua có kể lại việc phải gian truân dọc đường để đến được Yên Tử và những mẩu đối thoại giữa vua với Đại sư Trúc Lâm. Về sau, cuốn sách này được Đại sư khuyên vua nên phổ biến cho mọi người cùng được đọc và tu tập. Sau đó nhà vua lại viết thêm cuốn kinh “Kim Cương Tam Muội Kinh Tự”. Trong cuốn kinh này, ngài có viết trong bài tựa: Trẫm lo việc chăn dân, nhiều lúc gian nan, lăn lóc trong công việc quên cả sớm chiều. Công việc thì có hàng vạn thứ và thời giờ nhàn rỗi không được bao nhiêu, siêng công việc, tiếc ngày giờ, cố gắng học hành thêm. Chữ nghĩa thì chưa học được bao lăm, cho nên ban đêm, đến giờ khuya vẫn còn thức để đọc sách. Đọc sách Nho xong còn phải đọc sách Phật. Trong những cuốn sách còn lưu truyền tới ngày nay và được các giới Phật tử thực tập nhiều có cuốn “Lục Thời Sám Hối”, trong này có những bài kệ với lời văn thật hay, nhà vua dùng nó để sám hối, chia đều sáu lần một ngày, mỗi thời sám hối kéo dài 15 phút. Sáu lần là đại diện cho 6 căn, mỗi lần tụng niệm là sám hối cho một căn. Và cứ như thế ngài tụng niệm trong suốt cả cuộc đời của ngài.

Tư tưởng của ngài về thiền học đã ảnh hưởng hay là cái nhân của thiền phái Trúc Lâm mà cháu nội của ngài tức vua Trần Nhân Tông phát triển và được người đời coi như là Tổ sư thiền phái này ở Yên Tử.

Bên cạnh việc tu hành, nhà vua còn phải đích thân đi đánh giặc nơi biên thùy, chống cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Như ta đã biết sau khi thắng quân Mông Cổ (lần thứ nhất) thì ngài đã 40 tuổi. Ngài nhường ngôi cho con tức vua Trần Thánh Tông để vào am Thái Vi tu hành và cũng để tạo hậu cứ cho công cuộc chống quân Mông Cổ lần thứ hai (1285). Cứ xem như thế, tiền nhân ta giỏi biết là chừng nào.

- Vâng ạ! Như thế là lúc 20 tuổi, ngài đã am tường đạo Phật lắm rồi nên mới có ý tưởng bỏ ngôi vua để trở thành thiền sư. Và chỉ có 10 năm sau, ở tuổi 31, ngài đã trở thành đại thiền sư lưu danh muôn thuở.

Tôi chưa kịp lên tiếng thì Mơ chợt hỏi:

- Thế rồi sao nữa hả anh?

Tôi hỏi lại:

- Ý cô muốn biết những diễn tiến sau đó trong cuộc đời của vua Trần Thái Tông?

- Thưa anh, vâng ạ!

Tôi đáp:

- Thế này nhé:

Năm 1237, vua Trần Thái Tông có Thái tử Hoãng, tức con đầu của vua với bà Thuận Thiên, sau này là vua Trần Thánh Tông. Trần Thái Tông có 8 người con trai - kể cả Trần Quốc Khang tức là Tĩnh Quốc Vương, thực tế là con của Trần Liễu và Thuận Thiên - Trong số 8 người con của ngài có những danh tướng như Trần Quang Khải (1241), Trần Nhật Duật.

Năm 1248, Hoàng hậu Thuận Thiên mất, hưởng thọ 33 tuổi.

Năm 1258, vua Thái Tông gả công chúa Chiêu Thánh, tức vừa là người yêu, vừa là vợ cũ của mình cho tướng Lê Phụ Trần. Lê Phụ Trần là một tướng giỏi, là người phụ tá rất thân tín của vua, lúc nào cũng ở sát với vua như người tri kỷ, một người bạn thân thiết nhất của vua. Sau này Lê Phụ Trần được đưa vào cung giữ chức Ngự sử Đại phu dậy học cho các Hoàng tử.

Nói đến Lê Phụ Trần, cô Mơ cũng nên biết là ông ta đã cứu vua Trần Thái Tông trong gang tấc tại trận đánh với quân Mông Cổ ở sông Cà Lồ. Ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (17-1-1258) quân Mông Cổ đem 3 vạn quân theo đường bộ từ Vân Nam tiến vào nước ta, thế giặc mạnh như chẻ tre. Quân Đại Việt phải lui dần và chận chúng lại ở phía bắc sông Cà Lồ. Vua Trần Thái Tông đích thân cầm quân trong trận này.

Thế trận đã định sẵn, chủ tướng Mông Cổ ra lệnh cho một viên tướng là Triệt Triệt Đô tìm cách đánh bọc hậu quân Đại Việt để diệt hết chiến thuyền của ta ở phía sau lưng không cho quân ta rút lui khi đại quân Mông Cổ tràn tới tiêu diệt. Triệt Triệt Đô háo thắng đã quên nhiệm vụ của mình nên xông vào trận chiến. Dần dần chiến thắng nghiêng về phía quân Mông Cổ. Tướng Lê Phụ Trần tả xung hữu đột để phá vòng vây. Vua lui quân phía trước, Lê Phụ Trần chận hậu phía sau cho vua. Vua vừa lên thuyền cùng quân sĩ, rời bến an toàn thì đại quân Mông cũng vừa xông tới. Tướng Triệt Triệt Đô biết mình có lỗi nên tự sát. Sau này, khi quân Đại Việt đuổi được quân Mông Cổ về nước, Vua Trần Thái Tông đổi tên tướng Lê Tần thành Lê Phụ Trần. Về sau, Chiêu Thánh và Lê Phụ Trần có hai người con, một trai là tướng Trần Bình Trọng, một gái là Ngọc Khuê, sau được phong là Ưng Thụy công chúa. Ta thấy Trần Thủ Độ đã quá hấp tấp vì tưởng hoàng hậu Chiêu Thánh không thể có con, dù lúc đó Chiêu Thánh chỉ mới có 19 hay 20 tuổi đầu, nên đã bắt vua Trần Thái Tông phải lấy vợ của anh mình (Trần Liễu) đang mang thai. Nội loạn giữa anh em dòng họ Trần xẩy ra, chút nữa Trần Thủ Độ đã làm hỏng việc lớn vì sự hấp tấp này. Tuy nhiên vua Trần Thái Tông cũng bị vài sử gia gia phê phán về hai việc làm của ngài là lấy vợ của anh và gả vợ cũ cho Lê Phụ Trần để đền ơn cứu tử.

(Sau này Trần Bình Trọng lấy em gái tướng Trần Nhật Duật là Thụy Bảo (do Chiêu Thánh sắp xếp), sinh ra người con gái là Chiêu Hiển lấy vua Trần Anh Tông. Chiêu Hiển trở thành Thái hậu vì là mẹ của vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 của nhà Trần).

Năm 1264, Trần Thủ Độ mất.

Năm 1277, vua Trần Thái Tông băng hà.

Năm 1278, công chúa Chiêu Thánh mất, thọ 61 tuổi.

Đấy là tóm tắt những nét chính về cuộc đời vua Trần Thái Tông và những người có liên hệ trực tiếp tới ngài.

Mơ ngỏ lời cám ơn tôi.

Chẳng mấy chốc cụ Từ bước ra sân để gọi chúng tôi ra thuyền để đi nơi khác nữa. Chúng tôi không quên vào chào cụ từ đền Thái Vi trước khi theo chân cụ Từ ra cổng. Ra khỏi đền Thái Vi độ 50 mét, tức nửa đường tới bến đò Sính, chợt cụ Từ “ồ” lên một tiếng như cụ quên một điều gì quan trọng. Cụ quay lại nhìn chúng tôi, tay chỉ lên một ngọn núi gần đó:

- Mải nói chuyện về đền Thái Vi nên tôi quên chỉ cho các cháu cái động Thiên Hương nằm trên triền núi Đông Võ kia kìa. Động Thiên Hương thường được người dân nơi đây hiểu theo nghĩa là “động trời tỏa ngát hương”. Đó là một động khô, cao cách chân núi khoảng 15 mét. Động có chiều cao khoảng 60 mét, sâu 40 mét, rộng 20 mét. Vòm động trông tựa như một quả chuông lớn, đỉnh động rỗng nên động còn có tên là động Trời. Nằm gọn trong động là miếu thờ bà Trần Thị Dung. Vào động, có điện thờ, chính giữa là 4 đại tự “Quốc Sắc Thiên Hương”. Trong động được bài trí bằng những bức phù điêu chạm khắc rồng, phượng rất công phu và nghệ thuật. Phía sau động có con đường thẳng đứng lên tới đỉnh núi.

Bà Trần Thị Dung được dân Ninh Hải (Hoa Lư) thờ ở đây vì bà đã từng về nơi này cùng vua quan nhà Trần lập căn cứ chống quân Mông Cổ và dậy người dân xã Ninh Hải nghề thêu ren, nay trở thành nghề truyền thống của xã này. Bà cũng có công ổn định nội trị triều Trầntổ chức hậu phương vững chãi trong cuộc chống quân xâm lược Mông Cổ. Bà được vua Trần Thái Tông phong chức Linh Từ Quốc Mẫu.

Sau khi cụ Từ giảng giải xong. Tôi hỏi Uyên:

- Uyên còn nhớ câu chuyện của bà Trần Thị Dung như thế nào không?

- Thưa anh em nhớ! Anh đã có giảng cho em, bà Trần Thị Dung ấy là người con gái xinh đẹp trong nhà đánh cá ven biển được Thái tử nhà Lý, mới 16 tuổi, đi chơi qua đó lấy về làm vợ. Khi Thái Tử lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông, thì cô gái đẹp này trở thành Hoàng hậu. Sau đó hai người sinh ra hai người con gái, đó là công chúa Thuận Thiên (1216), công chúa Chiêu Thánh (1217) và không có con trai. Cũng nhờ vào bà Trần Thị Dung này mà nhà họ Trần mới có dịp vào cung và để từ đấy mà nhà Lý mất vào tay nhà Trần. Có phải như thế không ạ?

Tôi trả lời Uyên :

- Uyên nhớ như thế là đúng rồi!

Tôi xin phép cụ Từ để được giải thích thêm cho Uyên. Được cụ Từ gật đầu cho phép, tôi nói:

- Anh muốn vẽ lại bối cảnh lịch sử trong thời kỳ chuyển giao quyền hành, hay nói đúng hơn là giai đoạn nhà Trần đoạt ngôi nhà Lý với những hệ lụy của nó, để em thấy rõ vai trò của bà Trần Thị Dung nhiều hơn.

Bắt đầu từ nhân vật Trần Thủ Độ, một trong số những người nhà Trần được tiến cử vào triều đình họ Lý qua bà Trần Thị Dung. Trần Thủ Độ, tuy không phải là nhà trí thức nhưng lại là một nhà mưu lược tài trí hơn người. Ông được cử coi việc an ninh trong triều, giữ chức Điện Tiền chỉ huy sứ. Khi Trần Thủ Độ đã thao túng được triều đình nhà Lý, ông liền tiến hành kế hoạch đoạt ngôi nhà Lý. Vì vua Lý Huệ Tông bị cho là mắc bệnh tâm thần nên buộc phải nhường ngôi cho người con gái là công chúa Chiêu Thánh năm 1224, lúc đó công chúa Chiêu Thánh mới lên 8 tuổi. Chiêu Thánh lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Lý Huệ Tông vào tu ở chùa Chân Giáo ở kinh thành Thăng Long, pháp hiệu là Huệ Quang. Năm 1225, Trần Thủ Độ cho cháu ruột là Trần Cảnh, cũng mới 8 tuổi vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Khi Trần Cảnh vào cung thì có người anh ruột là Trần Liễu cũng đi theo. Trần Cảnh và Trần Liễu đều là con của Trần Thừa. Trần Thừa là anh ruột của Trần Thủ Độ. Trần Cảnh thì đức độ hơn Trần Liễu rất nhiều. Trần Cảnh có nhiệm vụ hầu hạ cho Lý Chiêu Hoàng. Vì được gần gũi, cả hai đứa trẻ Trần Cảnh và Chiêu Hoàng rất thích nhau. Năm 1226, người ta sắp đặt một đám cưới cho hai đứa trẻ ấy. Sau đó Chiêu Hoàng đọc tờ chiếu trước triều đình chính thức nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Chiêu Hoàng xuống làm Hoàng hậu. Tất nhiên tờ chiếu này do người lớn viết. Trần Cảnh lên ngôi tức là vua Trần Thái Tông.

Khi nhà Trần lên thay nhà Lý thì loạn nổi lên khắp nơi trong nước. Trần Thủ Độ phải vất vả đi đánh dẹp. Một hôm, sau khi đi trận trở về kinh đô, ông đi ngang qua chùa Chân Giáo ở Thăng Long tức là nơi vua Lý Huệ Tông đang tu. Trần Thủ Độ gặp vua Lý Huệ Tông đang nhổ cỏ ở sân, ông nói :”Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Vua Lý Huệ Tông trả lời :”Ta hiểu ý của nhà ngươi rồi”. Sau đó 2 gìờ, nhà vua vào trong chùa thắt cổ tự tử. Sau này, vợ của vua Lý Huệ Tông tức là bà Trần Thị Dung xinh đẹp ngày xưa trở thành vợ của Trần Thủ Độ.

Mơ hỏi:

- Giết chồng rồi lấy vợ người ta như thế là ác quá! Bà ấy rồi sau ra sao hở anh?

Tôi nhìn cụ Từ như hỏi ý. Cụ biết tôi muốn cụ trả lời câu hỏi đó cho Mơ, nhưng cụ lại nhường cho tôi:

- Cháu cứ trả lời đi!

Tôi xin phép cụ lần nữa rồi mới trả lời Mơ:

- Ác thì có ác thật đấy, nhưng Trần Thủ Độ lại là người cột trụ triều đình nhà Trần, tài mưu lược hơn người. Trai tài gái sắc gặp nhau mà. Nhưng cứ chiếu theo sử chép thì bà rất có công lao trong việc xây dựng và đóng góp cho nhà Trần. Khi bà mất vào mùa Xuân năm 1259, tức sau khi chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất được một năm. Bà được vua Trần phong cho bà là Linh Từ Quốc Mẫu. Tiếng tăm của bà được sử sách lưu thơm. Nhà sử Ngô sĩ Liên khen rằng "Giúp đỡ nội trị cho nhà Trần, Linh Từ có nhiều công to. . . Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nhà Trần. . ."

Tôi vừa nói đến đây, tôi đoán ngay Uyên không thể không tò mò mà hỏi tiếp:

- Anh nói rõ hơn về nhận xét của nhà sử học Ngô sĩ Liên được không?

Tôi nhìn cụ Từ, cụ lại dục:

- Cháu cứ nói tiếp đi!

Tôi nói tiếp:

- Có những điểm chúng ta cần biết,

* Nhờ bà lấy vua Lý Huệ Tông nên người của nhà Trần mới có cơ hội được tiến cử dễ dàng hơn vào triều đình.

* Cũng nhờ bà giảng hòa hai người con rể là Trần Cảnh (Trần Thái Tông lấy Chiêu Thánh) và Trần Liễu (Trần Liễu lấy Thuận Thiên) để hai anh em nhà Trần không sinh ra nội biến thêm. Trong khi đó thì Trần Thủ Độ muốn giết Trần Liễu đi. Vì không sinh ra nội biến nên con của Trần Liễu là đức Trần Hưng Đạo và con của vua Trần Thái Tông là Trần Quang Khải đã cùng vua Trần Nhân Tông hợp sức đánh đuổi quân Mông Cổ xâm chiếm nước ta lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.

* Khi quân Mông Cổ tiến đến gần Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải ra trận nên bà là người đích thân cầm đầu cuộc “di tản” hoàng gia, gia đình “binh sĩ” và dân chúng ra khỏi Thăng Long theo kế hoạch “vườn không nhà trống”. Bà đã bảo toàn được tài sản của kinh đô. Khi quân Mông Cổ vào chiếm thành Thăng Long thì chỉ còn là một thành phố trống không làm chúng lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Bà còn thu nhặt được khí gìới để gửi ra chiến trường, góp phần chiến thắng ở Đông Bộ Đầu.

Tôi ngừng một chút rồi nói tiếp:

- Nhà Lý được ngôi vua cũng khởi đầu bởi vua Lê Long Đĩnh của nhà Tiền Lê có con còn nhỏ. Hơn hai trăm năm sau, nhà Lý bị chấm dứt bởi vì không có con trai nối ngôi (Lý Huệ Tông không có con trai). Trần Thủ Độ biết như thế nên trong chuyện chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, ông muốn bảo vệ cho dòng họ nhà Trần nên đã làm nhiều chuyện trái luân lý trong chính dòng họ Trần và tàn bạo với dòng họ nhà Lý. Tuy nhiên ông là người đã tạo dựng nên cơ nghiệp nhà Trần kéo dài 175 năm thịnh trị, và đã ba lần chiến thắng quân Mông Cổ và mở rộng bờ cõi sâu về phía nam. Một câu nói lừng danh của Trần Thủ Độ nói với vua Trần Thái Tông khi quân Mông Cổ tiến đánh nước ta lần thứ nhất (1258): "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

Câu chuyện về bà Trần Thị Dung cũng tạm chấm dứt ở đây.

Chúng tôi quay đầu lại nhìn về hướng đền Thái Vi vẫy tay chào thay lời tạm biệt.

***

Ghi chú:

(1) "Động" đây không có nghĩa là hang động, mà là một khu vục mang tính cách địa dư. Như Hoa Lư ngày xưa, trước khi trở thành kinh đô cũng được gọi là "động Hoa Lư".
(2) Đường, Ngu là hai triều đại thịnh trị ở bên Tầu.

Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html".

Coi tiếp Chương IV - Phần 3
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang