Trở về trang Mục lục

ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG IV
TRÀNG AN

Phần 6
PHỤ BẢN
(Tiểu sử 4 vị quan “Tứ trụ triều đình” nhà Đinh)

Chép nguyên văn từ bốn bia ký dựng ở Phủ Đột (hay Đền Trình)
Bốn bia ký được soạn bởi Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường
và nhà thư pháp Nguyễn Đức Chỉnh viết chữ

***

Bia ký
Bia ký

TIỂU SỬ NGUYỄN BẶC

Nguyễn Bặc (924-980), người thôn Vĩnh Ninh, nay là thôn Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nguyễn Bặc là người cùng làng, cùng lứa tuổi với Đinh Tiên Hoàng (924-979). Lúc nhỏ ông cùng với Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ tôn Đinh Tiên Hoàng lên làm chúa. Phàm khi chơi đùa, bạn bè cùng với Nguyễn Bặc chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước Đinh Tiên Hoàng như nghi trượng thiên tử.

Đến tuổi trưởng thành, Nguyễn Bặc là người hùng tài, thông minh và giỏi về chính trị, quân sự. Bấy giờ Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm, Kiều Tam Chế chiếm Phong Châu, Nguyễn Thái Bình chiếm Nguyễn Gia Loan, Đỗ Cảnh Thạc chiếm miền Đỗ Đông Giang, Nguyễn Lệnh Công chiếm Tây Phủ Liệt, Tế Giang thì có Lữ Tá Đường, Tiên Du có Nguyễn Thủ Tiệp, Siêu Loại có Lý Lăng Công, Hồi Hồ có Kiều Lệnh Công, Đằng Châu có Phạm Phòng Ất, Bố Hải khẩu có Trần Minh Công. Nguyễn Bặc phù giúp Đinh Tiên Hoàng một phen cất quân là dẹp yên được.

Năm Mậu Thìn (968), Vua lên ngôi đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về Động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi.

Năm Tân Mùi (971) bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, Nguyễn Bặc được giữ chức Thái tể, tước Địng Quốc công, tức vị quan đứng đầu triều đình nhà Đinh thời bấy giờ. Nguyễn Bặc làm quan cẩn thận, nghị luận công chính không thiên tư, nền chính trị trong nước dần dần được ổn định.

Sau khi chết, Nguyễn Bặc được tôn làm vị Thủy tổ của nhiều dòng họ Nguyễn ở Việt Nam. Nguyễn Bặc được thờ ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam. Ngày nay, tại quê hương Đại Hữu còn có đền thờ Nguyễn Bặc. Trong đền thờ có bức hoành phi “Khởi nguyên đường” (Đền thờ vị Thủy tổ dòng họ Nguyễn) và đôi câu đối:

Cổ Việt thiên khai, Chúa hữu anh hùng, Thần tráng liệt.
Đại Hữu địa tú, gia vị khởi tổ, quốc nguyên huân.
(Trời mở vận, nước Đại Cồ Việt ra đời, có vị chúa anh hùng, có bề tôi trung liệt.
Đất tốt đẹp sinh bậc Thủy tổ Nguyễn Bặc, người mở đầu họ Nguyễn, bậc nguyên huân cả nước).

Đây là ca ngợi vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tể Định Quốc công Nguyễn Bặc.

TIỂU SỬ ĐINH ĐIỀN

Đinh Điền (924-980), người làng Đại Hữu, nay thuộc Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là người cùng họ, cùng quê với vua Đinh Tiên Hoàng. Thuở nhỏ, Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ tôn Đinh Tiên Hoàng lên làm chúa. Bọn họ thường ở bên cạnh Đinh Tiên Hoàng làm như quan thị vệ tôn quý thân cận. Đinh Điền là người cẩn thận, tu thân, chấp chính kiệm ước, có tài chính trị, giỏi về quân sự, được Đinh Tiên Hoàng tin yêu, quý trọng.

Thuở ấy, Mười hai sứ quân nổi dậy xưng hùng cát cứ đất đai khắp nơi trong nước. Đinh Điền cùng với Nguyễn Bặc luôn phò giúp vua Đinh Tiên Hoàng trong việc dẹp yên quần hùng. Phàm Đinh Tiên Hoàng mưu tính đánh trận nào, tất cùng bốn người phù tá thân cận là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ bàn bạc. Đinh Điền nghị luận công chính, giải quyết sự tình, thêm bớt, giải pháp rất là thích hợp. Vua Đinh Tiên Hoàng phần nhiều nghe theo kiến giải của Đinh Điền. Vì thế, vua Đinh Tiên Hoàng chỉ một phen cất quân là dẹp yên được loạn Mười hai sứ quân.

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Đinh Điền cùng với Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ là những người có công đầu giúp đỡ mệnh vua, ổn định tình hình chính trị trong nước.

Năm Tân Mùi (971), Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Nguyễn Bặc giữ chức Thái tể, tước Định Quốc công, Đinh Điền giữ chức Ngoại giáp, tức là vị tướng trông coi quân đội ở bên ngoài kinh đô Hoa Lư. Đinh Điền chỉ huy quân đội dùng chính sách vừa ra uy vừa ban ơn, khiến mọi người theo phục.

Đinh Điền phụng sự nhà Đinh, sự nghiệp thấy được lòng trung nghĩa, nổi tiếng chính, liêm, cần, thứ, được quân đội tin yêu, nước nhà dựa cậy. Tấm lòng lo nước của Đinh Điền trước sau không sờn. Sau khi chết, Đinh Điền được nhân dân nhiều nơi nhớ ơn thờ làm thần Thành hoàng. Hiện nay, nơi có nhiều đền thờ Đinh Điền là các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư . . . thuộc tỉnh Ninh Bình. Dư thấy người dân ngưỡng mộ và kính ái vị quan Ngoại giáp Đinh Điền như thế nào.

TIỂU SỬ LƯU CƠ

Lưu Cơ (924-?), người làng Đại Hữu, nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là người cùng làng, cùng lứa tuổi với Đinh Tiên Hoàng. Thuở nhỏ, Lưu Cơ cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú là bạn rất thân với Đinh Tiên Hoàng. Lưu Cơ với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú thường cùng với Đinh Tiên Hoàng chăn trâu ngoài đồng, rồi suy Đinh Tiên Hoàng làm chúa. Trong lúc chơi đùa, Đinh Tiên Hoàng thường bắt Lưu Cơ với bọn trẻ chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng của thiên tử.

Thuở bấy giờ, Mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Lưu Cơ luôn ở bên cạnh Đinh Tiên Hoàng sách hoạch việc quân cơ. Lời bàn của Lưu Cơ, cùng với mưu kế của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú đều được Đinh Tiên Hoàng nghe theo và thưc hiện. Do vậy, Đinh Tiên Hoàng mưu tính, đánh trận nào là tất thắng. Trong việc đánh dẹp Mười hai sứ quân, thu giang san về một mối, Lưu Cơ có công lao không phải nhỏ.

Lưu Cơ là người thông minh, thận trọng, tính tình đôn hậu, biết giữ lễ, khiêm cung. Năm Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Lưu Cơ cùng với nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú bàn mưu sáng lập quy chế.

Năm Tân Mùi (971), Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định quy chế cho bá quan văn võ trong triều và các đạo trong cả nước. Bấy giờ, sử cũ chép: lấy Nguyễn Bặc làm Đinh Quốc công, Lưu Cơ làm Đô Hộ phủ Sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân . . Như vậy Lưu Cơ được giao trọng trách coi việc hình án ở Phủ đô hộ tức là trong cả nước Đại Cồ Việt thời bấy giờ.

Trước khi mới lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng muốn dùng uy, chế ngự thiên hạ, sai đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi khiến mọi người khiếp sợ. Nhưng từ khi Lưu Cơ giữ chức Đô Hộ phủ Sĩ sư, chắc hẳn việc hình án bớt khắc nghiệt hơn. Lê Tung từng nhận xét: “Đinh Tiên Hoàng dùng bốn Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cung, Trịnh Tú làm người phụ tá, sáng chế triều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước ta thực bắt đầu từ đấy”. Đó là ghi nhận của sử thần xưa đối với công lao to lớn của Lưu Cơ trong việc thống nhất non sông, sáng lập vương triều Đinh vào nửa cuối thế kỷ thứ 10.

TIỂU SỬ TRỊNH TÚ

Trịnh Tú (924-?), người làng Đại Hữu, nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là người cùng làng, cùng lứa tuổi với Đinh Tiên Hoàng. Thuở nhỏ, Trịnh Tú cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ thường cùng Đinh Tiên Hoàng chăn trâu ngoài đồng. Bọn ông đều biết kiến thức không bằng Đinh Tiên Hoàng, nên cùng nhau suy tôn Tiên Hoàng làm chúa, thường làm kiệu tay, cầm cờ hoa lau rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, Trịnh Tú cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ theo Đinh Tiên Hoàng kéo nhau đi đánh trẻ con các thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục. Hàng ngày, Trịnh Tú cùng trẻ con trong làng rủ nhau đến phục dịch, kiếm củi, nấu cơm cho Đinh Tiên Hoàng. Bà mẹ Đinh Tiên Hoàng thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho Trịnh Tú, Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ với trẻ con trong làng ăn uống vui vẻ . . .

Trịnh Tú là người thông minh, học rộng về thư sử, cần mẫn, có tài thức và giỏi ứng đối. Phàm mọi công việc từ lệnh, ngoại giao với bên ngoài, Đinh Tiên Hoàng đều tin cậy giao cho Trịnh Tú.

Năm Mậu Thìn (968), Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, Trịnh Tú cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ bàn mưu sáng lập quy chế.

Năm Tân Mùi (971), Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định triều nghi, định cấp bậc văn võ, tăng đạo. Nguyễn Bặc được giữ chức Thái tể, tước Định Quốc công, Lưu Cơ giữ chức Đô Hộ phủ Sĩ sư, Đinh Điền giữ chức Ngoại giáp, tiếc rằng, sử cũ chép sót không cho biết Trịnh Tú được giữ chức gì? Nhưng sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rõ rằng: vào mùa xuân năm Ất Hợi (975), Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú sang sứ nhà Tống, tuế cống vàng lụa, sừng tê và ngà voi. Điều đó đủ thấy Trịnh Tú là người có tài thức và học vấn vào loại hàng đầu trong số quan lại của triều Đinh thời đầu dựng nước. Vì dưới thời quân chủ việc lựa chọn sứ thần sang Trung Quốc là việc rất hệ trọng, chỉ những người có học thức và có tài ứng đối, biện luận mới được triều đình trao cho trọng trách này. Đây là lần cử sứ giả thứ hai của triều Đinh sang nhà Tống. Lần thứ nhất vào năm Nhâm Thân (972) sứ giả của Đinh triều là Nam Việt Vương Đinh Liễn, con cả của Đinh Tiên Hoàng. Chuyến đi sứ của Trịnh Tú ngoài việc tuế cống, chắc hẳn còn có nhiệm vụ xin nhà Tống gia phong cho Đinh Liễn làm Giao Chỉ Quận vương. Trịnh Tú hoàn thành xuất sắc công việc của mình, cho nên mùa thu năm ấy, nhà Tống sai sứ thần sang nước ta gia phong cho Đinh Liễn.

Tượng thờ Tứ tru Triều đình
Tượng thờ 4 vị ỏ Phủ Đột hay Đền Trình

***

Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các Chương tại "TaiLieuThamKhao.html".

Coi tiếp Chương V - Phần 1
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang