![]() |
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG VI Phần 1 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) *** Trên bến, chỉ còn vài ba chiếc xe còn đang đợi khách. Chúng tôi lên chiếc xe đi Phát Diệm. Xe đã có khách nhưng vẫn còn đủ chỗ trống để chúng tôi có thể ngồi gần nhau nói chuyện vãn. Cụ Từ nhiều tuổi nên chú “lơ xe” ưu tiên xếp cho cụ ngồi ghế cạnh bên bác tài xế. Khu bến xe không sầm uất vào giờ trưa này. Vài cửa hàng buôn bán nho nhỏ với lèo tèo dăm ba người khách ra vào. Chị bán hàng rong đưa mẹt trái cây lên sát cửa xe mời chào. Không ai mua, chị lại bỏ sang xe khác. Một người đàn ông trung niên vội vã lên xe mời chào những gói thuốc “cao đơn hoàn tán” treo lủng lẳng trên một sợi dây. Cũng chẳng ai mua, ông xuống xe đi mất hút sau mấy quán nước vắng người. Những giỏ hàng nặng, quang gánh cồng kềnh đang được chuyển lên nóc xe. Một bà nhà quê tay cầm đòn gánh, hớt hơ hớt hải từ xa chạy vội đến và “phóng” lên xe chúng tôi. Bà nhìn đảo quanh ngơ ngác, biết mình lên nhầm xe nên lại vội vàng phóng xuống chạy sang xe bên cạnh. Thi nhìn tôi tủm tỉm cười về cái hoạt cảnh ấy. Chúng tôi chờ không lâu lắm. Xe bắt đầu chuyển bánh. Thi ngước lên nhìn tôi một cách trìu mến. Uyên ngồi gần cửa sổ, lơ đãng nhìn ra ngoài. Xe chạy phom phom trên tỉnh lộ. Phát Diệm cách thành phố Ninh Bình khoảng 30 cây số, tôi đoán phải một giờ sau xe mới tới nơi vì xe thường phải dừng dọc đường đón khách. Gió mát thổi lộng vào xe. Vài cửa sổ xe đã được buông rèm xuống để che bớt gió. Tôi nói nhỏ với Thi: - Xe còn lâu mới tới! Nếu có mệt thì em cứ dựa đầu vào vai anh mà ngủ đi! Thi ngước mặt nhìn tôi khẽ đáp: - Không ạ! Tuy nàng nói không nhưng tôi vẫn sẽ đưa tay kéo nhẹ đầu Thi ngả vào vai tôi. Thi như con chim nhỏ, hiền lành, ngoan ngoãn nép sát bên cánh tay tôi. Nhìn cặp mắt thông minh long lanh, làn da mặt trắng hồng và đôi môi lúc nào cũng mọng đỏ tự nhiên, trong lòng tôi có chút gì xao xuyến trước cái vẻ đẹp thanh khiết ấy. Tôi sẽ vuốt nhẹ vài sợc tóc đang bay bay trên má nàng. Thi nắm nhẹ bàn tay tôi rồi nhắm mắt như ngủ. Tôi nghĩ lan man tới một ngày nào đó chúng tôi sẽ có một gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan. Một thoáng xúc động, tôi nói nhỏ bên tai Thi, nhẹ như hơi thở của nàng: ”Anh yêu em!”. Thi vẫn nhắm mắt yên lặng. Bàn tay nàng xiết nhẹ bàn tay tôi. Tôi biết Thi không ngủ. Cánh đồng ruộng và cây bên đường tiếp tục đua nhau chạy lùi lại về phía sau. Thỉnh thoảng xe phải chạy chậm lại để tránh “ổ gà”. Và để rồi, xe cũng đã tới Phát Diệm sau một tiếng đồng hồ như tôi dự đoán. Cụ Từ nói với bác tài cho chúng tôi xuống gần khu nhà thờ. Chúng tôi cùng xuống xe, vuôn vai vài cái cho giãn gân cốt rồi theo cụ Từ. Cụ cứ thoăn thoắt đi trước. Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười trước sức khỏe của cụ. Đi được một quãng, nóc nhà thờ Phát Diệm đã hiện ra, vượt lên cao khỏi những ngôi nhà trong khu phố chung quanh. Rẽ vào một ngõ nhỏ, đi thêm vài chục thước, chúng tôi dừng chân tại một căn nhà bề thế, khang trang. Cụ Từ gõ cổng, một thanh niên dáng vẻ nhanh nhẩu bước ra. Vừa trông thấy cụ Từ, dường như hai người biết nhau rất thân thiết, thanh niên vồn vã chào cụ một cách lễ phép: - Kính chào cụ ạ! Ông cháu có nhà, xin mời cụ vào chơi! Cụ Từ nắm tay thanh niên: - Cháu Phong đấy hả? Lâu quá ông không gặp! - Thưa vâng ạ! Người thanh niên tên Phong cúi đầu chào chúng tôi. Cụ Từ quay lại giới thiệu: - Đây là Phong, cháu nội của cụ chủ nhà. Cụ là bạn thân của tôi. Cụ quay sang chúng tôi giới thiệu với Phong: - Còn đây là các cô cậu ở Hà Nội về Hoa Lư chơi, tôi đưa đi thăm nhà thờ Phát Diệm. Cụ vừa giới thiệu xong, Phong chạy phóng vào nhà: - Ông ơi, có cụ Tú đến chơi! Có tiếng vọng ra: - Cụ Tú nào vậy cháu? - Thưa ông, cụ Tú ở Hoa Lư ạ! - Mời cụ vào nhà ngồi chơi, ông ra ngay! Phong trở ra mời cụ Từ và chúng tôi vào phòng khách. Chúng tôi nhận ra Phong là một thanh niên nhanh nhẹn và tôi đoán anh ta phải là con người cởi mở, hoạt bát lắm. Trong khi Phong vào trong rót nước trà mời khách, tôi có dịp ngồi quan sát căn phòng khách. Phong mang nước ra mời mọi người. Cụ chủ nhà cũng đã ăn mặc tươm tất, chỉnh tề ra tiếp đón khách. Sau vài lời giới thiệu và thăm hỏi của hai cụ, chúng tôi được biết hai cụ cùng đều đỗ tú tài thuộc thế hệ khoa cử ngày xưa. Chúng tôi cứ nhìn cụ Từ một cách tò mò. Như hiểu ý, cụ Từ giải thích: - Cụ Tú là tôi, cụ Đồ là tôi, cụ Từ cũng là tôi. Các cháu quen gọi tôi là cụ Từ thì cứ tiếp tục gọi tôi như thế! Cụ Từ ngừng một chút rồi chỉ vào cụ chủ nhà nói tiếp: - Cụ đây, chúng tôi thường gọi là cụ tú Thống! Cụ tú Thống xua tay, nói với chúng tôi: - Cứ gọi tôi là cụ Thống được rồi! Chúng tôi cùng thưa: - Chúng cháu xin vâng ạ! Sau khi cụ Từ cho biết mục đích của chúng tôi muốn đi thăm và tìm hiểu về nhà thờ Phát Diệm, cụ Thống ra vẻ suy nghĩ: - Thế này nhé! Để tôi chạy đi xin phép Cha bề trên đã. Tự động kéo nhau vào nhà thờ cũng không tiện lắm. Cụ và các cháu ngồi đây chơi, một chút lát tôi về! Nói xong cụ Thống vội vã bước ra cửa. Cụ quay lại nhắc Phong: - Cháu cũng thay quần áo đi. Chút nữa ra nhà thờ luôn thể! Cụ Từ quay ra hỏi cụ Thống về Phong: - Cháu Phong đang làm gì và có vợ con gì chưa nhỉ? Cụ Thống đứng rốn lại đáp: - Đã vợ con gì đâu! Hăm mấy tuổi rồi đấy. Cháu đang theo học ngành sư phạm ở Hà Nội, sang năm ra trường. Tôi định nhờ ông hiệu trưởng trường trên đó, là chỗ quen biết, cho nó một chân dậy tạm ở đó. Thôi, mời cụ ngồi chơi, tôi đi nhé! Cụ Thống tất tả bước ra sân. Được cụ Từ cho biết Uyên cũng theo ngành sư phạm nên Phong đứng nói chuyện với Uyên về chuyện học hành. Phong là người tế nhị nên câu chuyện chỉ có tính cách xã giao thông thường. Cũng chẳng bao lâu, cụ Thống trở về vui vẻ nói: - Xong rồi! Chúng ta có thể đi thôi! Chúng tôi theo chân cụ Thống. Phong cũng cùng đi với chúng tôi. Khi tới địa phận nhà thờ, cụ Thống dừng lại để nói vài điều tổng quát cho chúng tôi nghe về sự thành hình địa phận Phát Diệm và nhà thờ Phát Diệm. Phát Diệm Phát Diệm là địa danh thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, một vùng đất được cụ Dinh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ xây dựng nên từ vùng đất phù sa bồi vào năm 1829 trong công trình di dân lập ấp. Phát Diệm cách cửa biển Thần Phù độ 8 cây số, một cửa biển đã đi vào ca dao vì sự nguy hiểm của nó. Lênh đênh cửa biển Thần Phù Kim Sơn nằm giữa hai cửa sông, sông Càn và sông Đáy. Cửa sông Đáy là cửa sông cực nam của chi nhánh sông Hồng. Đây là nơi hội tụ của đất phù sa, trung bình mỗi năm tiến ra biển từ 80 mét tới 100 mét. Vào tháng 2 năm 1829, tức năm Minh Mạng thứ 10, cụ Nguyễn Công Trứ chiêu tập được 1200 nhân đinh, đa số là người Kitô giáo. Họ là những người đang bị bách hại về đạo. Công cuộc khẩn hoang được tiến hành trong điều kiện vô cùng thiếu thốn và gian khổ. Ròng rã suốt 4 năm trời mới lập được trại ấp. Và chỉ một năm sau, huyện Kim Sơn đã thành lập được 7 tổng gồm 14,600 mẫu. Từ một miền đất hoang vu nay đã trở thành một khu trù phú. Trước công trạng lớn lao của cụ Nguyễn Công Trứ, người dân Kim Sơn-Phát Diệm luôn coi cụ như “cha đẻ” của vùng đất này và hình ảnh của cụ vẫn luôn được tưởng nhớ, ghi sâu trong tâm thức họ. Những câu thơ dân dã vẫn được lưu truyền từ bao đời nay: Kim Sơn huyện ta Trong địa phận mà 80% là người Thiên Chúa giáo, đền thờ cụ Nguyễn Công Trứ đã được dựng nên vào năm 1852 ở thôn Lạc Thiện, trung tâm huyện Kim Sơn, bên bờ sông Ân. Cụ Nguyễn Công Trứ khuyên dân trồng cói ở các ruộng bùn lầy sát biển. Cũng từ nguyên liệu này, Kim Sơn đã hình thành những làng nghề dệt chiếu cói và những sản phẩm gia dụng, trang trí hay những mặt hàng mỹ thuật được tồn tại và phát triển tới ngày nay. Nghề dệt chiếu ở Phát Diệm cũng nổi tiếng vì chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Cụ Nguyễn Công Trứ, người đã tạo dựng nên Kim Sơn. Cha Sáu, người đã tiếp tục phát triển công trình của cụ Nguyễn Công Trứ, nhưng không phải về mặt kinh tế mà về tín ngưỡng. Điều đó đã được thể hiện một cách sâu sắc qua kiến trúc nhà thờ Phát Diệm. Nhà thờ Phát Diệm Nhà thờ Phát Diệm nằm trong địa phận Phát Diệm, cách thành phố Ninh Bình 28 cây số và nằm cách Hà Nội 120 cây số về phía nam. Nhà thờ có diện tích gần 22 mẫu tây (ha), là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và đá trong một thời gian khá dài, từ năm 1875 đến 1899. Quần thể nhà thờ Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam gồm một nhà thờ lớn, 5 nhà nguyện, trong đó có một nhà nguyện được xây dựng bằng đá tự nhiên được gọi là “Nhà thờ đá”. Bên cạnh đó còn có những kiến trúc khác như ao hồ, Phương Đình tức cổng tam quan và 3 hang đá nhân tạo. Chúng tôi đến gần địa phận nhà thờ. Cảnh trí càng ngày càng được mở rộng ra. Nhìn tổng quát toàn khu vực, kiến trúc của quần thể nhà thờ trông thật to lớn, uy nghi, bề thế. Những kiến trúc ấy lại mang sắc thái của chùa, đình phương Đông hơn là xây cất theo kiểu kiến trúc gô-tích của phương Tây mà chúng tôi thường gặp. Cụ Thống đứng lại ngay trước cổng nhà thờ, bên hồ nước lớn, nói cho chúng tôi nghe vài điều tóm lược về tiểu sử của người đã từng là kiến trúc sư của toàn bộ công trình thuộc khu vực quần thể nhà thờ Phát Diệm này, đó là Cha Sáu. Tiểu sử của Cha Sáu (1) Tên thật là Trần văn Hữu, sinh năm 1825, quê ở làng Mỹ Quan, tổng Cao Vịnh, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Thân phụ là ông Trần văn Nhu, người Nam Định. Khi rửa tội, ông có tên thánh là Phêrô. Năm 1845, ông được nhận vào Tiểu chủng viện Vĩnh Trị, đổi tên thành Trần văn Triêm. Tốt nghiệp, ông chịu chức Sáu. Năm 1850, được nhận vào Đại chủng viện Kẻ Non ở Hà Nam. Năm 1858 ông bị bắt và bị đi đầy ở Lạng Sơn vì lệnh cấm đạo Kitô của vua Tự Đức. Trong tù, người ta thường biết đến tên cụ Sáu. Trong họ đạo, vì ông giữ chức Sáu đã lâu năm nên quen gọi là Cha Sáu. Ông lấy tên gỉả là Trần Lục để không lộ thân phận. Năm 1862, vua Tự Đức bỏ lệnh cấm truyền đạo, ông được trả tự do. Năm 1865 ông được bổ nhiệm là Chánh xứ Phát Diệm. Năm 1875 ông khởi công cho xây dựng nhà thờ Phát Diệm như ta thấy hiện nay. Người ta đánh giá linh mục Phêrô Trần Lục là một giáo sĩ nhiệt thành, một nhà văn hóa, là người có công xây dựng nhà thờ Phát Diệm. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1899. Trước khi ông qua đời, ông trăng trối hãy mai táng xác ông giữa lối ra vào nhà thờ, san bằng “để người ta đi lại, xéo trên mồ”. Tuy nhiên giáo dân đã xây dựng mộ phần trên lối đi và làm vòng rào bảo vệ. Sau khi cho biết xong về tiểu sử Cha Sáu, cụ Thống lại tiếp tục dẫn chúng tôi đi. Cụ vừa đi vừa giảng giải. Gặp điều gì hay, cụ dừng lại giải thích thật cặn kẽ từng chi tiết một. Chúng tôi hết sức lắng tai nghe cụ và coi đây như đang được đọc một tài liệu sống đầy quý giá (2). Nhà thờ Phát Diệm gồm 10 công trình lớn nhỏ trên một diện tích là 3000 mét vuông, gồm: 1. Đường dẫn vào nhà thờ
2. Hồ nước (1925) ![]() Sau hồ nước, qua một sân rộng tới Phương Đình Ngay trước khuôn viên nhà thờ là một hồ nước, được gọi là Hồ nước, hình chữ nhật có kè đá bao quanh, diện tích một mẫu tây. Giữa hồ là hòn đảo nhỏ xanh mát bóng cây và trên đó có một bức tượng Chúa Jêsu (số 3 trong bản đồ mô hình) bằng đá trắng, dang rộng hai tay, mắt nhìn thẳng về phía trước. Bức tượng cao 3 mét, làm bằng bê tông, được xây dựng khoảng năm 1925. Hồ tạo nên quang cảnh của khu vực nhà thờ tăng thêm phần quyến rũ và nên thơ. Trong những ngày nắng đẹp ta có thể thấy bóng của tòa tam quan hay gác chuông Phương Đình uy nghi, lung linh phản chiếu trên mặt nước hồ. Hồ cũng là nơi được sử dụng như nơi để rửa chân trong những ngày mưa lầy lội trước khi khách hành hương bước vào khu thờ phượng. Đứng về mặt kiến trúc, đất lấy từ hồ đào lên được dùng vào việc nâng cao nền cho những kiến trúc tiếp theo. Ba mặt hồ được xây tường bảo vệ và chung quanh hồ là con đường trải nhựa. Sau khi đi qua bức tường thấp ta đến ba khu vườn: Đây là một trong những lối chính dẫn vào nhà thờ. 3. Phương Đình (Năm 1899) ![]() Mặt sau Phương Đình với lăng mộ Cha Sáu Sau hồ nước là một khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng, mát rượi. Từ đây, ta có thể chiêm ngưỡng hình ảnh toàn diện của tòa Phương Đình, một cổng tam quan nguy nga. Phương Đình cao 25m, rộng 17m, dài 24m, gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến xanh, có phiến nặng hàng tấn. - Trên 4 đỉnh tháp có 4 pho tượng tượng trưng cho bốn vị Thánh Sử. - Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép một cách tinh xảo. - Phía mặt bên ngoài và phía mặt bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với những đường nét thanh thoát. - Trên các bức tường là những phù điêu được sáng tác theo phong cách nghệ thuật dân gian Việt Nam. Những chấn song cửa sổ có hình lá trúc và cây trúc mềm mại, uyển chuyển. - Chóp của Phương Đình không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác, mà được uốn cong theo phong cách mái đình Việt Nam. Dù trên đỉnh có gắn thánh giá, song nhìn bao quát, Phương đình vẫn mang dáng dấp tam quan chùa hơn là nóc nhà thờ Kitô giáo. Ngay cả các đường nét, tư thế ngồi hay nếp áo của bốn pho tượng Thánh Sử trên bốn đỉnh tháp cũng khiến người ta liên tưởng đến những tượng Phật trong các ngôi chùa. - Trong khoảng sân giữa Phương Đình và Nhà Thờ Lớn đặt các đài sen, đặc trưng của kiến trúc nhà Phật.
- Phương Đình có chức năng vừa là tam quan vừa là gác chuông gồm 3 tầng: * Tầng dưới cùng là những gian rất rộng rãi, phóng khoáng, đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Trong mỗi gian đều có một phiến đá lớn. Ở gian chính giữa, đặc biệt có phiến đá lớn nhất, theo tương truyền đây là sập đá của Hồ Quý Ly ở thành Tây Đô trong Thanh Hóa xưa đem về. Bên ngoài lối vào có khắc chữ “Nhà tiệc ly của Chúa”. Phiên đá này được đặt trong khuôn đình, tượng trưng cho sập ngồi ăn bữa cơm cuối cùng với các tông đồ. Điều độc đáo và sáng tạo là chúa Jêsu ngồi ăn cùng môn đồ, mọi người sẽ ngồi khoanh tròn trên sập đá như người Việt Nam chứ không ngồi trên bàn ăn như bức danh hoạ nổi tiếng của Leonard de Vinci. Ngoài ra phiến đá vuông và hình vòm tròn còn tượng trưng cho “Trời tròn” và “Đất vuông” theo phong cách vũ trụ quan của văn hóa Việt Nam.
* Tầng thứ hai treo một trống lớn. * Tầng trên cùng. Trên đỉnh gác chuông ta thấy một quả chuông, được đánh bằng vồ. Đó là một điều khá lạ đối với chuông của người Kitô giáo thường dùng chuông kéo bằng dây. Quả chuông được đúc vào năm 1890, cao 1,90 mét, đường kính chỗ lớn nhất là 1,10 mét và trọng lượng khoảng 2 tấn. Khi đánh, tiếng ngân có thể vang xa tới 10 cây số. Một tiếng chuông vang xa cả 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa đều nghe thấy. Quả chuông cũng hài hòa hai nền văn hóa Đông-Tây. Mặt phía tây của chuông có chữ La tinh, phía đông của quả chuông có chữ Hán. Mặt phía tây-nam có chữ Hán “Phát Diệm xứ công vật” tức là “vật chung của xứ Phát Diệm”. Niên hiệu của chuông được viết bằng chữ Hán tính theo âm lịch “Thành Thái Canh Dần tạo”, tức chuông được đúc vào năm Canh Dần dưới đời vua Thành Thái. Chung quanh quả chuông có 4 núm với 4 chữ Hán: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mặt phía tây-bắc của chuông có dòng chữ La tinh in lời Chúa nói: "Tôi ca tụng Thiên chúa, tôi kêu gọi dân chúng, tôi điểm tô ngày lễ". 4. Nhà Thờ Lớn hay Nhà Thờ Chính. Tên chính thức là Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi (Năm 1891)
Từ Phương Đình, qua sân rộng, là tới Nhà Thờ Lớn đồ sộ, xây dựng năm 1891, có bốn mái và năm lối vào. Dưới các vòm đá được chạm trổ tinh tế, điêu luyện với các hoa văn, hoa tiết rất đẹp. Nhà Thờ Lớn có chiều dài 74 mét, rộng 21 mét, cao 15 mét. - Mặt tiền gồm 5 lối vào, được xây bằng những khối đá lớn chạm trổ công phu, nhẹ nhàng, thanh thoát. - Phía trên có 3 tháp chuông vuông và mái cong, “vuông” và “cong” là biểu tượng cho âm dương và con số 3 tượng trưng cho “tam tài” theo triết học Á Đông, tức Thiên-Địa-Nhân hay Trời-Đất-Người. Con số 3 cũng làm cho người tín hữu Kitô ý thức mầu nhiệm của chúa “ba ngôi”. Đứng về mặt kiến trúc, cũng từ mặt tiền ta nhận ngay ra đây là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc gô-tích, có khuynh hướng vươn cao lên khỏi cảnh vật chung quanh, và kiến trúc Á Đông, có khuynh hướng trải rộng, hoà nhập với cảnh vật chung quanh, với thiên nhiên, vạn vật.
- Trên mỗi cửa vào đều có ba bức phù điêu, tức tổng cộng ngay trên mặt tiền có 15 bức phù điêu, tất cả biểu hiện cho 15 “mầu nhiệm mân côi” tạc trên đá. Từ trái sang phải, bắt đầu là “5 sự vui”, “Thiên thần truyền tin vui”, “5 sự thương” nói về cuộc “tử nạn của chúa Jêsu”. . . và kết thúc ở những phù điêu phía tay phải là khi “đức Mẹ được hưởng triều thiên trên Thiên quốc”. Ngoài ra, ta thấy thật thích thú khi nhận ra những bông sen được thay thế cho hoa hồng trong dây tượng trưng cho “mân côi”. Những Thiên thần trong thế đấu vật của tranh Đông Hồ, kéo nhị, thổi sáo. . . tay cầm bình nước phép, phía trên có những dòng chữ La tinh lấy trong thánh kinh. Một trong những dòng ấy được dịch như sau “Hãy xin mở cửa cho anh em, hãy làm hoà với kẻ thù trước khi đến bàn thờ Chúa”. Những nhân vật trong kinh thánh đều mang khuôn mặt của người Á Đông. Các Thánh mặc áo gấm, đội mũ cánh chuồn.
- Trong lòng ngôi Chính Tòa Phát Diệm. Cũng như ngoài mặt tiền, kiến trúc bên trong mang sự hài hòa của hai nền kiến trúc Đông Tây: đầu nhà thờ và lòng nhà thờ cao vút lên của phương Tây, nhưng cách sắp đặt kèo, cột và các chi tiết chạm trổ hoa văn uyển chuyển, nhẹ nhàng, tinh tế của Á Đông. Lòng nhà thờ có 6 hàng cột, gồm 52 cột. Hai hàng cột chính giữa có 16 cột là lớn hơn cả, cao 11 mét, vòng chu vi cột lớn nhất là 2,65 mét. Càng lên cao thì trần nhà thờ càng hẹp lại. Cứ cao lên một mét thì cột nghiêng vào bên trong trung bình từ 1 tới 1,5 phân (cm). Có 9 vì kèo chạm trổ công phu, càng gần cung thánh thì nét chạm trổ càng tinh vi. Mỗi vì kèo nặng 25 tấn. Ta cứ tưởng tượng vào thời gian ấy, không có cơ giới mà mang được các cây kèo ấy lên cao như thế không phải phải là dễ. - Gian cung thánh, với bức “phông” vô cùng lộng lẫy và rực rỡ. Ở trên cùng là hình ảnh Đức Mẹ trao tràng hạt mân côi cho thánh Đa Minh. Chung quanh là những thiên thần với vẻ mặt đầy đặn của trẻ Việt Nam. Ở dưới, chính giữa, là hình Đức Chúa Jêsu làm vua, chung quanh là 6 vị tử vì đạo Việt nam gồm một vị giám mục, một vị linh mục, một vị quan triều đình, một anh lính, một lý trưởng và một phụ nữ nông thôn. Ở dưới nữa, chính giữa, là tượng Đức Mẹ Mân Côi, chung quanh là những vị Thánh. Bàn thờ chính giữa làm bằng đá nguyên khối có chiều dài tới 3 mét được chạm trổ cả 3 mặt chung quanh rất đẹp. Mặt chính giữa bàn thờ chạm những cụm hoa hồng đan xen vào nhau hết sức sắc sảo làm toát ra vẻ đẹp rất thanh thoát và tinh khiết. 5. Nhà nguyện Thánh Giuse (Năm 1896)
Với nội thất làm bằng gỗ lim. Gỗ đã được tạc thành những bông huệ đan kẽ vào nhau thành những sợi dây mảnh mai, những bức “rèm” vén lên mềm mại. Hai bên cung thánh là 14 bức phù điêu diễn tả cuộc đời thăng trầm, chìm nổi của thánh Giuse: lễ cưới thánh Giuse với Đức Mẹ, thiên thần báo tin cho Thánh Giuse, đi thăm bà Elizabeth nhưng bị xua đuổi đi, cảnh Giáng sinh, dâng chúa trong đền thờ, trốn sang Ai Cập, chúa Jêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi, Thánh Guise làm nghề mộc, . . . Thánh Giuse qua đời.
6. Nhà nguyện dâng kính Thánh Phêrô (Năm 1896)
Thánh Phêrô là “quan thầy” của cụ Sáu. Nội thất ngôi đền này làm bằng gỗ mít. Chiếc mũ “ba tầng”, chùm “chìa khóa” thể hiện quyền uy của Thánh Phêrô. Kiến trúc chạm trổ ở đây cũng tinh vi, có chỗ nhẹ nhàng, có chỗ mạnh mẽ, uy nghiêm. Những tác phẩm điêu khắc thật hài hòa, bổ túc cho nhau để hợp thành một tổng thể vô cùng linh động.
Bàn thờ chính cũng được làm bằng phiến đá nguyên khối với trọng lượng 20 tấn. Hai bên cung thánh là hai bức phù điêu giới thiệu 12 vị tông đồ. Mỗi bức phù điêu là một lời cầu bằng chữ nho của 112 họ đạo của xứ Phát Diệm. 7. Nhà nguyện Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ (Năm 1883) Cụ Sáu tiến hành xây dựng những công trình lớn này trước tiên, hầu như hoàn toàn làm bằng đá nên còn được gọi là “Nhà thờ đá”.
Nhà thờ đá này được chạm trổ rất công phu, người ta ví nó như viên ngọc quý trong quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm. - Mặt tiền, gồm 3 tháp cao đã phối hợp được những cái vững chãi, bề thế giữa những tảng đá lớn với cái mềm mại, tinh vi tạo bởi những bàn tay tài hoa của những nhà chạm trổ, điêu khắc. - Trên đỉnh ngọn tháp, ở chính giữa với bức phù điêu có hình trái tim bị cây kiếm xuyên qua biểu tượng cho trái tim vô nhiễm của Đức Mẹ. Trên tháp giữa này có khắc một lời nguyện bằng bốn thứ tiếng, tiếng quốc ngữ được ưu tiên khắc ngay trên hàng đầu “Lái tim rất tháng đức Bà, chẳng hiểu tội tổ tông truyền, cầu cho chúng tôi”. - Hai ngôi tháp hai bên có dáng dấp của cây Tháp Bút ở trước đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chỉ khác ở đây là cây thập tự giá thay thế cho ngọn bút lông. - Bên trong nhà nguyện, kiến trúc thật độc đáo. Từ cột, đà, kèo . . . đều bằng đá nhưng những nét chạm trổ tinh vi và uyển chuyển của nó vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của kiến trúc gỗ.
- Ở bốn góc Nhà Nguyện có 4 bức “thông phong” (cửa sổ thông gió) chạm bốn loại cây: mai, trúc, cúc, tùng. Đây là bốn loại cây tượng trưng cho bốn mùa và cũng tượng trưng cho người quân tử. Mai: của mùa Xuân, tượng trưng cho tính cách nhẹ nhành, thanh cao Trúc: của mùa hạ. Trúc có thân mọc thẳng tượng trưng cho sự cương trực và ngay thẳng. Cúc: của mùa Thu. Là loài cây đơm bông khi mọi loại cây khác thu mình lại, tượng trưng vượt lên ngoại cảnh. Tùng: của mùa Đông. Cây tùng luôn xanh tốt suốt mùa đông trong khi những cây khác rụng lá, tượng trưng cho sự hiên ngang, quân tử. - Bàn thờ chính cung được làm bằng phiến đá nguyên khối, có ba mặt chạm trổ hết sức tinh xảo.
- Mặt trước của bàn thờ nói về mẹ Maria qua thánh kinh. Ở chính giữa có bức phù điêu có hình trái tim bị lưỡi gươm xuyên qua. Đây là biểu tượng cho sự đau đớn của mẹ Maria chịu thay cho con cháu của ngài. Ở bên trái của bức phù điêu trái tim có một bức phù điêu thứ hai giới thiệu một chiếc giếng cổ kính, trên nắp giếng có khắc hàng chữ La tinh, có nghĩa “Giếng Niêm Phong”. Ở bên tay phải bức phù điêu trái tim là một bức phù điêu khác giới thiệu một khu vườn hoa, có rào và có khóa. Hai bức phù điêu sau là hình ảnh lấy từ sách “Nhiễm ca”. - Hai mặt bên của bàn thờ là hình ảnh của mẹ Maria được nhìn dưới con mắt văn hóa của người Việt Nam. Bức phù điêu mặt bên phải của bàn thờ đá là hình ảnh của một chùm bông hoa sen nằm theo một vòng tròn. Chiếc lá sen ở giữa có hình dáng của một thập tự giá. Theo người Việt Nam cũng như theo đạo Phật, sen tượng trưng cho sự trong trắng. Sen mang nhiều biểu tượng với nhiều ý nghĩa của Phật giáo. Hơn nữa trên bức phù điêu này, theo vòng tròn, cái hoa đầu tiên còn là nụ, cái thứ hai là hoa sen đã nở, cái thứ ba hoa già, cái thứ tư kết quả, thứ năm thì rũ xuống. Đây là vòng đời của bông sen hay cũng như vòng đời của con người. Cái lá trung tâm biểu tượng cho Kitô giáo.
Một trong những bức chạm lớn trong khuôn viên nhà thờ đá cũng mang một ý nghĩa rất xa lạ với người Kitô giáo. Bức chạm này được khắc cả hai mặt rất công phu. Ở chính giữa bức chạm là hình ảnh một hình “bát quái” âm dương theo Kinh Dịch, cái nhìn về vũ trụ quan, cội nguồn và về nguyên lý chi phối vạn vật trong vũ trụ của người phương Đông rất xa lạ với người Kitô. Hình vòng ngoài của bức chạm là con sư tử với khuôn mặt đang cười. Theo thánh kinh thì sư tử tượng trưng cho Chúa Jêsu vì chúa Jêsu được gọi là “sư tử chiến thắng nhà Juda”. Cũng trên bức chạm này có hình ảnh con phượng hoàng tượng trưng cho sự trong trắng và siêu việt của nữ hoàng. Con phượng hoàng lại ngậm mang theo trên mỏ một sợi dây buộc bút nghiên. Phải chăng cụ Sáu muốn nói đến Ngôi Lời Thiên Chúa trên thân xác ngài. 8. Nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa (Năm 1889)
Nội thất hoàn toàn bằng gỗ lim. Cửa vào nhà nguyện là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt vời. Có thể nói đây là tổng hợp của ngành điêu khắc gỗ. Ở đây ta có thể tìm thấy nghệ thuật tạc gỗ từ những nơi cung đình nhà vua đến những đình, chùa nổi tiếng về nghệ thuật tạc gỗ của Việt Nam. Bàn thờ bằng đá mang hình ảnh của những phù điêu, nơi thì con chim, nơi thì con chim bồ-nông lấy máu thịt mình nuôi con, nơi khác là con sư tử. 9. Nhà nguyện kính thánh Rôcô (Năm 1895)
Tên nguyên thủy là Nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô làm bằng gỗ mít. Những miếng gỗ lớn ở đây được chạm trổ công phu, mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển nên trông như những bức “rèm” buông. Ta không thể không thán phục tài điêu khắc của người xưa. Từ năm 1923 nhà nguyện này đổi tên là Nhà nguyện kính thánh Rôcô. 10. Núi Táng Xác (Năm 1875)
Núi này có tên là Núi Táng Xác (3), đây là công trình đầu tiên với mục đích thử độ lún của đất tân bồi. 11. Núi Lộ Đức (Năm 1876)
Núi này có tên nguyên thủy là Núi Giệtsimani (Gethsemane), Chúa Jêsu cầu nguyện trước đêm ngài chịu chết. Năm 1925, núi này được đổi tên là núi Lộ Đức. ![]() Núi Hang Bê Lem (núi Sọ) 12. Núi Hang Ba Lem (Năm 1878) Núi này có tên là Núi Hang Bê Lem (4). Hai bên hang có hai cây đại to. Sau khi hướng dẫn chúng tôi đi thăm toàn bộ quần thể nhà thờ Phát Diệm, cụ Thống kết luận: “Chúng ta cũng nên biết rằng cụ Sáu là người lớn lên trong giai đoạn đạo Kitô bị ngăn cấm, lại không được học về kiến trúc, lại không được ra nước ngoài bao giờ. Thế mà với ý chí bền bỉ, với nhiệt tâm và tha thiết với nền văn hóa dân tộc, Cụ đã làm nên tất cả”(2). *** TÓM TẮT LỊCH TRÌNH XÂY DỰNG Nếu tính theo thứ tự thời gian xây dựng các công trình chính của nhà thờ Phát Diệm, có thể tóm tắt như sau: - Năm 1875. Núi Xác Táng (3) (La grotte de Bethléem) (The Bethlehem Grotto) - Năm 1876. Núi Lộ Đức ( La grotte de Lourdes) có tên nguyên thủy là Núi Giệtsimani (Gethsemane), Chúa Jêsu cầu nguyện trước đêm ngài chịu chết. Năm 1925, núi này được đổi tên là Núi Lộ Đức. - Năm 1878. Núi Hang Ba Lem (4) (Le Calvarie – Rocher du Crâne) (Calvary Grotto). Hai bên hang có hai cây đại to. - Năm 1883. Cụ Sáu tiến hành xây dựng những công trình lớn, trước tiên là Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ (L’Église de pierre – La chapelle du coeur immaculé de Marie) (Stone Chapel). Công trình này hầu như hoàn toàn làm bằng đá nên còn gọi là nhà thờ đá. - Năm 1889. Nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa ( La chapelle du sacré-coeur de Jésus) với nội thất hoàn toàn bằng gỗ lim. - Năm 1891. Nhà Thờ Lớn hay nhà Chính Toà (La Cathédrale - The Cathedral). Tên chính thức là Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi. - Năm 1895. Nhà nguyện kính thánh Rôcô (La chapel Saint Roch). Tên nguyên thủy là Nhà nguyện kính thánh Gioan Tiên Hô làm bằng gỗ mít. - Năm 1896. Nhà nguyện thánh Giuse (La Chapelle Saint Joseph). Với nội thất làm bằng gỗ lim. - Năm 1896. Nhà nguyện dâng kính thánh Phêrô (La chapelle Saint Pierre - Chapel Saint Peters). Nội thất ngôi đền này làm bằng gỗ mít. - Năm 1899. Phương Đình (Le Phương Đình - The Phương Đình) *** HÌNH CHỤP CỦA NGƯỜI VIẾT
*** Ghi chú: (1) Theo tài liệu của Wikipedia. Tài liệu tham khảo trong chương này: Tham khảo: Coi liệt kê tài lệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". ![]() |