![]() |
||||||||||||||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG VI Phần 3 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) *** Trước khi đi thăm những cơ sở làm chiếu cói ở Phát Diệm, cụ Thống cho chúng tôi biết một chút ít về cói Kim Sơn. Cói mọc ở vùng đất bồi ven biển. Đất phù sa bồi đến đâu thì cói mọc tới đó tạo thành cả một vùng mầu xanh bát ngát, đủ cung cấp nguyên liệu cho cả huyện. Đất phù sa lấn biển, ruộng cói lấn đất, ruộng lúa lấn ruộng cói. Và cứ như thế, đất đai hoa mầu cứ được mở rộng mãi ra phía biển. Ban đầu cói mọc tự nhiên, sau cũng phải trồng và chăm bón thành ruộng cói. Cói trồng có phẩm chất cao và sản lượng nhiều hơn so với cói mọc tự nhiên. Công việc trồng cói cũng vất vả lắm. Tới mùa thu hoạch, ngoài việc cắt cói ra còn phải phân loại cói theo chiều dài ngắn. Sự phân loại này được thực hiện ngay khi cắt ở ngoài đồng lúc cói còn tươi. Chuyên chở một khối lượng lớn cói tươi về nhà bằng những phương tiện thô sơ quả là vất vả, không dễ dàng gì. Cói tươi được phơi khô. Cói khô lại được phân loại lần nữa theo độ to nhỏ của thân cói. Sau đó, cói được giữ mầu thô nguyên thủy hay đem nhuộm mầu. Cói được sản xuất ra nhiều mặt hàng khác nhau, sản phẩm chiếu chiếm phần chính, sau đó là những sản phẩm gia dụng, dùng trang trí hay hàng mỹ nghệ. Chúng tôi ra khỏi nhà cụ Thống để tới một xóm chuyên sản xuất chiếu. Vừa tới xóm, chúng tôi thấy ngay một hoạt cảnh buôn bán thật vui mắt. Chiếu được phơi khắp nơi với nhiều mầu sắc. Những người lái buôn tất tả chất những chiếc chiếu lên xe đạp để “thồ” đi. Tiếng dệt chiếu vang ra từ một vài căn nhà trong xóm nghe cũng rất vui tai. Cụ Thống đưa chúng tôi vào nhà một gia đình dệt chiếu thuộc người quen của cụ. Mọi người trong nhà đều bận bịu với công việc của mình. Mỗi người một công việc khác nhau. Chúng tôi được ông bà chủ nhà tiếp đón rất niềm nở. Sau khi được biết mục đích của chúng tôi, ông chủ nhà sẵn sàng giới thiệu những công việc sản xuất chiếu trong gia đình. Khung dệt chiếu khá cồng kềnh, chiếm hầu như gần hết một gian nhà. Hai người đàn bà đang miệt mài với công việc của mình. Một người ngồi bên, một người ngồi ở khoảng giữa khung dệt. Khung dệt gồm hai “con ngựa” kê cao để căng những sợi dây đay (dây gai) chạy dọc. Những sợi dây dọc được định vị trí và khoảng cách nhất định nhờ xuyên qua những lỗ của “cái go”. Khi người ngồi bên khung “chao” (lao) cói theo chiều ngang bằng “cây văng” thì đồng thời người ngồi dệt ở giữa dùng tay dật ép cái go xuống. Công việc đưa cói qua chiều ngang, dật ép cói xuống theo chiều dọc khung dệt, cả hai động tác ấy được lập đi lập lại cho tới khi hoàn tất chiếc chiếu. Căn bản, công việc chỉ có thế. Trông có vẻ dễ dàng và nhàn hạ lắm, nhưng thực ra nó cũng đòi hỏi nhiều sức lực và khéo léo.
Người dệt cứ phải “sấp ngửa” suốt ngày. Lại còn phải vặn người bên này, vặn người bên nọ để “vắt biên”. Người chao cói phải nhịp nhàng chặt chẽ với người dệt. Chao “văng” phải đúng lúc và chính xác. Nếu cây văng đâm chệch sẽ làm đứt những sợi dây đay chạy dọc. Ông chủ nhà nói rõ thêm về “cây văng” và “cái go”. Cây văng có chức năng giống như “con thoi” trong dệt vải. Nhưng con thoi chạy sợi chỉ ngang bằng sức bật của khung cửi, hay “con cò” giật bằng tay. Còn cây văng được dùng bằng chính sức của tay mình mà chao cây văng đi sao cho nhanh và chính xác. Cây văng dài chừng 2 mét, thường được làm bằng thân cây cau xẻ ra, vót tròn, nhẵn. Phải thật nhẵn vì nếu “sơ cau” bị tưa ra sẽ đâm sờn dây đay dọc. “Cái go” dệt chiếu có chức năng giống như cái go dệt vải, cũng cái go, cũng “răng go”. Răng go được làm bằng thân cây tre đực già. Sợi đay xuyên dọc qua răng go. Khi lỗ răng go bị dây đay dọc mài mòn, bị méo lệch, sẽ làm sợi dây đay không còn nằm đúng vị trí nữa, phải thay răng go mới. Thợ làm răng go cũng phải có tay nghề cao vì nó đòi hỏi sự chính xác. Kỹ thuật dệt chiếu không hẳn chỉ có thế. Ngoài dệt “chiếu thường”, người ta còn dệt “chiếu cải”. Đó là vừa dệt vừa tạo “hoa văn” trên chiếu như hoa, chim phượng, chữ thọ, chữ song hỉ, hay những cảnh trí với mầu sắc rất đẹp. Dệt chiếu cải phải là người có tay nghề cao. Mẫu cải thì có thật nhiều. Người ta tưởng chừng như một số mẫu chiếu cải đẹp đến có thể được dùng để trang trí thay tranh vẽ chứ không phải để nằm. Những người dệt giỏi có thể vừa nghĩ mẫu vừa cải theo. Cứ theo đó, ta thấy việc nhuộm cói rất khó. Có thể trên một sợi cói, có đoạn để trơn, có đoạn được nhúng mầu thích hợp mà không nhem nhuốc.
Muốn có chiếu tốt và đẹp thì phải có cói tốt. Cói tốt và quý nhất là “cói tố lạng” được chẻ làm ba, bỏ ruột, phơi nắng nhẹ. Thân cói ngót lại chỉ còn bằng sợi tăm. Cói này để dệt chiếu cải nên dầy, khít. Đánh đổ nước, nước không ngấm qua. Khổ rộng của chiếu tùy thuộc vảo chiều dài của cói. Cói mọc hoang, chỉ dệt được chiếu có chiều ngang từ 1.2 mét đến 1.5 mét. Cói do người trồng, dệt được chiếu có chiều ngang lên được từ 1.6 mét tới 1.9 mét, có khi lên tới 2 mét. Ngoài cói ra phải kể đến sợi đay. Dệt chiếu cần có đay tơ, nhỏ, săn. Chiếu cải cần hai sợi đay săn nhỏ, chiếu thường chỉ cần một sợi. Sợi đay được căng dọc trên hai “con ngựa” như đã nói. Lâu ngày những sợi dọc để lại trên lưng “ngựa” những vết khứa. Vết khứa sâu quá phải thay con ngựa mới. Nói đến “con ngựa” thì phải nhắc đến ông tổ nghề dệt chiếu làng Hới ở Thái Bình. Ở Thái Bình có câu : Ăn cơm Hom Cự Từ cho biết thêm: - Ninh Bình có mấy làng nghề đã lâu đời như nghề chạm khắc đá, nghề mộc, nghề thêu. Nghề dệt chiếu ở Kim Sơn thì chỉ mới có khoảng trăm năm trở lại thôi. Nghề dệt chiếu nổi tiếng nhất ở miền Bắc phải kể tới làng Hới ở Thái Bình. Câu chuyện ông tổ dệt chiếu làng Hới được kể như sau. Phạm Đôn Lễ, nhà nghèo, mẹ gốc người làng Hới, đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp (trạng nguyên), được bổ làm quan Thượng thư dưới triều vua Lê Thánh Tôn, năm 1495. Ông được cử đi sứ sang Tầu. Ở bên Tầu ông thấy dân chúng dùng những sợi cói dệt thành chiếu nằm. Ông biết sứ ta có nhiều cói nên ông cố tâm học nghề làm chiếu đề về dậy cho dân. Người Tầu rất dấu nghề nên ông phải học trộm. Về nước, vì thiếu “con ngựa” nên những sợi đay dọc cứ chùng không dệt được. Ông lại được đi sứ sang Tầu lần thứ hai. Lần này, ông tìm đủ mọi cách để có dịp nhìn cho thật rõ khung dệt chiếu. Thì ra, ông chưa làm “con ngựa” đỡ sợi dọc. Về nước, ông cho hoàn tất chiếc khung dệt một cách hoàn chỉnh và dệt được thành tấm chiếu. Sau đó, ông dậy cho cà làng nghề dệt chiếu. Chiếu Hới ở Thái Bình thì nổi tiếng lắm. Vừa đẹp lại vừa bền. Rời khỏi xóm dệt chiếu, chúng tôi lại được cụ Thống và Phong đưa sang xóm khác sản xuất các mặt hàng bằng cói. Nào đủ các loại mặt hàng gia dụng, trang trí và những sản phẩm mỹ nghệ xinh xinh dùng làm quà kỷ niệm. Mỗi cô trong chúng tôi đều chọn cho mình một vài món để đem về làm quà. Các cô hớn hở với những món quà nho nhỏ đầy mầu sắc, vừa đẹp, vừa dễ mang và tất nhiên là rất rẻ. Phong lúc nào cũng ở bên Uyên và các cô để trả lời các câu hỏi về những sản phẩm về cói.
Thi tất tưởi mang một chiếc túi xách tay đến hỏi tôi: - Anh thấy cái túi xách này đẹp không? - Đẹp lắm! Em mua đi! - Em mua về tặng chị Thìn. Tôi nhìn Thi mỉm cười rồi nói đùa: - Độ này em “yêu” chị Thìn quá nhỉ! Thi véo nhẹ vào cánh tay tôi: - Anh thật lắm chuyện! Mà em có yêu chị Thìn thì có sao nào? Hồi em còn bé, mỗi lần sang chơi, chị lại hái cho em quả bưởi nhỏ để đánh chuyền mà. Chị hay cho em ăn quà nữa. Tôi trêu thêm: - Chứ không phải để bà “chị chồng” đỡ bắt nạt cô em dâu tương lai hả? Thi định véo tôi thêm cái nữa nhưng khi vừa trông thấy Hội đang nhìn mình thì lại thôi. Tôi cầm lấy chiếc túi xách ngắm nghía. - Em để anh trả tiền cho nhé? Thi giật nhẹ chiếc túi xách lại từ tay tôi: - Em có tiền mà! Chị Uyên mới cho em. Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì Hội đứng cạnh đã lên tiếng: - Đừng lo cho thằng này! Nó học giỏi nên nhà trường mới cho nó học bổng, vừa được học, vừa được làm trong trường có lương, lại vừa có thêm kinh nghiệm. Lương đủ để cho hai “vợ chồng son” tiêu pha tằn tiện. Em nhớ giữ tiền cho nó! Thi nhìn tôi và Hội, ngượng ngùng bỏ ra chỗ mấy cô đang chọn quà. Hội vỗ vai tôi: - “Vợ” cậu vừa đẹp lại vừa ngoan. Tớ mừng cho cậu! Tôi nhìn Hội mỉm cười như một sự đồng ý, kèm theo một chút hãnh diện về lời khen đó. *** Trời đã ngả sang chiều. Cũng đã đến lúc chúng tôi phải từ giã Phát Diệm để trở về Hà Nội cho kịp. Trên đường ra bến xe, chúng tôi ngỏ lời hết sức cám ơn cụ Từ, cụ Thống và Phong đã dành cho chúng tôi những tình cảm ưu ái khó quên và cũng không quên mời Phong đến chơi nhà khi anh trở lại Hà Nội trong vài ngày sắp tới. Chúng tôi bịn rịn bên cụ Từ cho tới khi bước lên xe. Các cô nước mắt lưng tròng. Thư cứ đứng đấm lưng, bóp cánh tay cho cụ Từ mà hai mắt đỏ hoe. Cụ Từ sẽ ở lại chơi với cụ Thống qua đêm nay. Phong sẽ đưa cụ trở về Hoa Lư vào sáng sớm ngày mai. Dù xe đã chạy được một quãng mà chúng tôi vẫn còn thò đầu ra khỏi cửa sổ để vẫy chào tạm biệt ba người ở lại. Ba ngày đi chơi cố đô Hoa Lư qua mau. *** Tham khảo của riêng chương VI (1) Sách và bài vở tham khảo : (2) Hình minh họa (Nguồn Internet). Tham khảo: Coi liệt kê tài lệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". ![]() |