Trở về trang Mục Lục

CƯỠI NGỰA XEM HOA

PENNSYLVANIA

Du ký của NGUYỄN GIỤ HÙNG

***

Lời người viết: Tôi viết bài này với cái nhớ nhớ quên quên của tuổi “chớm già”.

 

Hôm nay chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình để đến thăm tiểu bang Pennsylvania, một tiểu bang rộng lớn, trù phú, có nhiều cảnh đẹp và di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ.

Chúng tôi dùng xa lộ 95N, lái xe từ thành phố Baltimore hướng lên phía Bắc. Xa lộ thẳng tắp. Hai bên đường cây cỏ còn tốt tươi, một số cây đã chớm đổi màu vì thời tiết đã vào thu. Tiết trời lành lạnh, cái lành lạnh êm dịu làm cảnh vật trong vùng mang vẻ êm đềm. Trời xanh cao tít, vài cụm mây đang lờ lững bay.

Dọc theo xa lộ, thỉnh thoảng có vài thị trấn nho nhỏ đủ để khách qua đường có thể dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống hay đổ thêm xăng.

Mục tiêu đầu tiên chúng tôi nhắm đến là thành phố Philadelphia, một thành phố đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu lập quốc mà nay nó đã trở thành cố đô. Sau đó chúng tôi sẽ đi thăm một vài di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh đặc biệt của tiểu bang nếu thời gian cho phép.

* * *

- Pennsylvania thuộc vùng nào của Hoa Kỳ?

- Pennsylvania thuộc vùng The Middle Atlantic States.

Theo sự phân chia của một số sách địa dư Hoa Kỳ thì The Middle Atlantic States, nằm giữa New England gồm 6 tiểu bang cực bắc(1)The South gồm 11 tiểu bang phía Nam - kể từ tiểu bang Virginia trở xuống tới tiểu bang Florida(2).

The Middle Atlantic States gồm 6 tiểu bang: New York, New Jersey, Pennsylvania, Maryland, Delaware và West Virginia. Trừ tiểu bang West Virginia, 5 tiểu bang còn lại đều nằm trên bờ biển Đại Tây Dương (Atlantic Ocean).

The Middle Atlantic là một trong những vùng quan trọng của nước Mỹ, nó chiếm một phần tư (1/4) dân số, một phần ba (1/3) tổng sản lượng kỹ nghệ của toàn quốc. Ba phần tư (3/4) sự trao đổi ngoại thương đi ngang qua 3 cảng quan trọng trong khu vực là New York City thuộc tiểu bang New York, Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania và Baltimore thuộc tiểu bang Maryland.

Nhìn một cách tổng quát thì đây là một vùng kỹ nghệ, có rất nhiều hãng xưởng công nghiệp lớn và quan trọng. Nó cũng là vùng tài chính vì có nhiều ngân hàng lớn ở New York City và Philadelphia cung cấp vốn cho những hoạt động kinh tế. Vì nặng về kỹ nghệ nên các hãng xưởng cần nguyên liệu và trao đổi hàng hoá, do đó hệ thống giao thông rất phát triển, nào là hệ thống xa lộ đường bộ, đường xe lửa, nào là đường hàng không, hàng hải đều có thể nối tới mọi miền trên đất nước. Đó là hệ thống giao thông lớn nhất trên thế giới.

Tuy Middle Atlantic States được coi là vùng kỹ nghệ, nhưng bên cạnh đó nó cũng là khu vực có nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp thu hút du khách tới thăm. Hàng dặm này qua hàng dặm khác với những cánh đồng bát ngát được mở rộng ra. Có đồi núi cao, có những thung lũng sâu cắt bởi 3 con sông lớn chảy ra biển. Sông Hudson chảy ngang qua tiểu bang New York; Sông Delaware bắt nguồn từ dẫy núi Catskill Mountains của tiểu bang New York, chạy xuống phía nam với chiều dài 350 dặm Anh để làm biên giới cho hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey; Sông Susquehanna chảy qua tiểu bang Pennsylvania. Nếu nhìn cả 3 con sông ấy trên bản đồ ta sẽ thấy chúng gần như chạy song song với nhau để rồi cùng đổ ra biển Đại Tây Dương.

Middle Atlantic States cũng là vùng canh nông trù phú, có nhiều nông trại. Nhưng những nông trại ở đây không lớn mênh mông như ở miền Viễn Tây Hoa Kỳ mà chỉ ở loại nhỏ hay trung bình để trồng ngũ cốc, rau quả đủ cung cấp cho những thành phố lớn chung quanh.

Chăn nuôi gia súc để lấy sữa, gà để lấy trứng là một phần quan trọng trong ngành canh nông. Những cây trái chính gồm táo tây, đào, lê được trồng nhiều ở tiểu bang New York và Pennsylvania. Nho cũng được trồng nhiều để sản xuất rượu nho “New York State” với phẩm chất khá nổi tiếng trên thế giới.

Nếu ai có hỏi làm cách nào để Middle Atlantic States đạt được những thành quả quan trọng và nổi tiếng như ngày nay, đặc biệt về mặt thương mại và kỹ nghệ, ta có thể liệt kê một vài yếu tố thuận lợi chính sau đây :

Thứ nhất, Middle Atlantic States là vùng cổ xưa nhất của nước Mỹ. Trừ tiểu bang West Virginia ra, năm tiểu bang còn lại đều nằm trong Liên Hợp 13 tiểu bang thuộc địa đầu tiên của Hoa Kỳ. Thuộc địa Anh đầu tiên được thiết lập ở 2 tiểu bang Virginia và Massachusetts. Sau đó vài năm, cùng với những dân nơi khác, họ di chuyển đến đây sinh sống và đã tạo điều kiện cho sự phát triển rất nhanh và khởi sắc, đặc biệt là hai tiểu bang New York và Pennsylvania. Vào thời gian Chiến Tranh Cách Mạng (American Revolution) của Hoa Kỳ, hai thành phố New York City và Philadelphia đã trở thành những thành phố lớn rồi, có thể so sánh với thành phố Boston ở Massachusetts.

Thứ hai, Middle Atlantic States có thuận lợi về mặt địa dư. Đa số những tiểu bang trong khu vực đều nằm trên bờ biển Đại Tây Dương nên ngành hàng hải và đánh cá rất phát triển. Trong thời gian đầu lập quốc, việc trao đổi hàng hoá được nhờ vào hệ thống sông ngòi của 3 con sông lớn Hudson, Delaware, Susquehanna như đã kể trên. Khi những tiểu bang miền Tây (Western States) (dòng sông Mississippi là ranh giới Đông-Tây vào thời đó) phát triển thì nông phẩm và nguyên liệu thô của họ được cung cấp sang miền Đông (Eastern States), hay xuất cảng ra nước ngoài đều phải đi ngang qua những hải cảng của vùng này, do đó New York City, Philadelphia và Baltimore đã nhanh chóng trở thành những hải cảng quan trọng.

Thứ ba, Middle Atlantic States có nhiều mỏ khoáng sản, đặc biệt là than đá và quặng sắt. Pennsylvania là tiểu bang đứng đầu toàn quốc về sản xuất than đá, West Virginia đứng hàng thứ hai. Trong thời lập quốc, những khu vực phát triển kỹ nghệ thường là những nơi có nhiều khoáng sản, tỷ như thành phố Pittsburgh của Pennsylvania đã đứng đầu toàn quốc về sản lượng thép, giản dị là, nhờ có mỏ than đá mềm (soft coal) ở ngay trong tiểu bang và nó được chở đến đó dễ dàng.

Thứ tư, nhiều sắc dân đã di cư đến đây. Những hải cảng New York City, Philadelphia và Baltimore là những trung tâm thu hút người di dân tới lập nghiệp nhiều nhất. New England và The South đa số người định cư là người Anh. Nhưng Middle Atlantic States lại là vùng mà những người đến định cư từ những nước Đức, Ba Lan, Áo, Nga, Hòa Lan, Thụy Điển, Tô Cách Lan và Wales (Anh). Những di dân này thường có nghề chuyên môn, không giống như những vùng khác. Họ sẵn sàng làm việc tại những hầm mỏ hay hãng xưởng. Họ là nguồn lao động quý liên tục đổ về, cung cấp cho những khu kỹ nghệ.

Thứ năm, có khí hậu ôn hoà, bốn mùa rõ rệt, và mưa nhiều giúp cho nông nghiệp. Vào mùa đông thì không lạnh lắm; mùa hè nóng nhưng ngắn và dễ chịu; mùa thu và xuân thì mát mẻ. Lợi điểm của những vùng có nhiệt độ ôn hòa thì công nhân thường có năng xuất cao.

%%%

Mỗi tiểu bang Hoa Kỳ, phần đông đều có một lịch sử thành hình riêng của nó. Pennsylvania cũng thế. Sự thành hình của tiểu bang Pennsylvania có một câu chuyện lịch sử đầy thích thú và hấp dẫn phát xuất từ những biến cố thật bất ngờ.

Câu chuyện được bắt đầu như thế này:

Vào tháng 10 năm 1682, một con tầu nhỏ mang tên Welcome đã từ Vịnh Delaware tiến vào con sông mang cùng tên, sông Delaware. Trên tầu gồm 70 người theo đạo Quaker. Họ từ nước Anh đến đây để tìm đất sống mới với cùng một hoài bão giống như những người Anh (Pilgrims) đến định cư 60 năm về trước. Hoài bão của họ thật đơn giản, chỉ mong là được tự do thực hiện niềm tin tôn giáo theo sự thờ phượng riêng của họ.

William Penn, người cầm đầu của đoàn. Ông còn trẻ, mới 38 tuổi, cao lớn và đẹp trai, đang đứng trước mũi tầu chăm chú nhìn về phía trước để tìm vị trí nơi mình sẽ định cư. Trong tay ông là những giấy tờ đã được vua nước Anh ký sẵn, ủy quyền cho ông cai quản một phần đất đã mang sẵn tên Pennsylvania, rộng lớn hơn cả chính nước Anh.

Thân phụ của William Penn là Đô đốc Hải quân Anh, do đó ông đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong những môi trường tốt. Ông theo học tại trường đại học Oxford. Nhưng tại Oxford, ông lại chỉ thích thú với những môn học có liên quan tới tôn giáo mà đặc biệt là đạo Quaker. Chẳng bao lâu, ông đã trở thành tín đồ của đạo này. Ông đã làm thân phụ ông thất vọng nhiều vì cha ông đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi con mình trên con đường tiến thân về sự nghiệp như ông.

Ta cũng nên biết, vào thời gian đó, nhóm người theo đạo Quaker chống lại một cách mạnh mẽ sự áp chế trong việc thờ phượng theo đức tin của các nhà thờ Anh chính thống. Người theo đạo Quaker, họ muốn hành lễ trong những ngôi nhà bình thường, không cần người chủ tế; người trong đạo hữu tự đứng lên nói về sự suy nghĩ, nhận thức và trao đổi những chứng nghiệm về đức tin của riêng mình. Họ rất dân chủ và tôn trọng sự bình đẳng của mỗi người, như từ chối việc phải ngả mũ chào với bất cứ ai, kể cả nhà vua. Họ ăn mặc giản dị, muốn sống trong tình thương, hòa ái và đồng thời chống lại mọi cuộc chiến tranh dưới bất cứ hình thức nào.

Tất nhiên, nhà cầm quyền Anh đã tìm đủ mọi cách để tiêu diệt nhóm đạo Quaker này, nhóm mà thường được gọi là “Xã hội của Bằng hữu” (Society of Friends). Chính quyền đã đàn áp những cuộc hội họp, bắt họ bỏ vào tù, đốt phá những nơi được dùng để cầu nguyện, đôi khi có đến 1.500 người Quaker bị bắt và bỏ tù trong cùng một lúc trên nước Anh.

William Penn trở thành người đứng đầu của nhóm đạo Quaker. Ông đã từng bị vào tù nhiều lần, có lần lâu tới cả năm trời. Trong tình trạng ấy, người Quaker hướng trông về America như một miền đất hứa, nơi mà họ mong đến đó định cư để có được một cuộc sống yên bình và tự do hành đạo.

Vào năm 1680, William Penn viết thư cho vua Charles II nhắc lại món nợ mà nhà vua đã mượn của cha ông tức Đô đốc Hải quân đã từ trần trước đó mấy năm. Ông đề nghị nhà vua nhượng lại đất đai tại thuộc địa ở America cho ông để trừ số nợ 16 nghìn bảng Anh đó của cha ông. Nhà vua đồng ý. Những giấy tờ giao kết đã được ký kết giữa đôi bên.

Ông xin nhà vua cho đặt tên vùng đất mới này là “Sylvania”, tức là vùng của những khu rừng. Nhà vua đồng ý và thêm chữ Penn vào như để tỏ lòng yêu quý và vinh danh cha ông để trở thành Pennsylvania.

Ngay từ đầu, nhiều người Quaker đã tìm tới, và cả những người không phải đạo Quaker ở vùng đất khác cũng di chuyển tới hòa nhập cuộc sống với họ. Thuộc địa non trẻ này, chưa đầy một năm, dân cư đã lên tới ba nghìn người. Họ là những người chăm chỉ, cần cù, sống đơn giản và thật thà. Họ có quan hệ tốt đẹp với người dân da đỏ bản sứ. Vùng đất Pennsylvania này phát triển rất nhanh. Vào thời kỳ Chiến tranh Cách mạng (American Revolution), nó đã là thuộc địa lớn thứ hai trong 13 thuộc địa đầu tiên được thành lập.

Ngày nay, vai trò quan trọng của người Quaker ở vùng này đã giảm dần, tuy nhiên ảnh hưởng của họ trong nếp sống gia đình và đời sống kinh tế vẫn còn được thể hiện một cách tích cực tại thành phố Philadelphia, thủ đô của Pennsylvania. Dấu vết quan trọng của người Quaker ở đây là họ đã xây dựng được nhiều trườnghọc nổi tiếng, trong đó có hai trường đại học SwarthmoreBryn Mawr. Nhiều chính khách người Quaker đã tham gia sinh hoạt chính trị một cách thành công. Trên toàn nước Mỹ hiện có hơn 200.000 người Quaker, đa số sống tại tiểu bang Pennsylvania.

%%%

Thành phố Philadelphia đã hiện dần trước mắt chúng tôi. Xa xa, những ngôi nhà cao tầng đứng sừng sững bên kia bờ sông Delaware. Càng tiến gần hơn, những ngôi nhà cao tầng và thành phố càng hiện lần những nét cổ kính của nó với dáng vẻ của một cố đô đã được xây dựng từ khoảng trên hai trăm năm mươi năm (250) trước đây.

Chúng tôi lái xe băng qua chiếc cầu lớn bắc ngang sông Delaware. Trên sông, tàu bè đi lại nhiều. Không xa cầu là mấy, có một căn cứ hải quân với sự hiện diện của những chiếc tầu chiến đang đậu.

Qua cầu, chúng tôi bắt đầu đi vào ranh giới của thành phố. Xe cộ đi lại tấp nập, mọi sinh hoạt trên đường phố ở đây đúng là quang cảnh tiêu biểu của một thành phố lớn ở Hoa Kỳ, nghĩa là “ngựa xe như nước” và “áo quần như nêm”. Có một điểm đặc biệt mà chúng tôi nhận ra ngay, đó là số người da trắng đi trên đường phố thuộc về thiểu số (minority), rất thiểu số, mà thành phần đa số (majority), và rất đa số, lại thuộc về người da đen. Lịch sử đã minh chứng ở đây, sau thời kỳ nội chiến Nam-Bắc chấm dứt, những người da đen được giải phóng khỏi kiếp nô lệ đã di chuyển từ những tiểu bang miền Nam lên những tiểu bang miền Bắc, mà Philadelphia là một trong những thành phố mà người da đen tới định cư đông nhất.

Chúng tôi chỉ lái xe qua vài con đường trong trung tâm thành phố rồi tìm đường ra khu “chợ” Việt Nam cũng không cách xa đó là mấy. Chung quanh khu thương mại này là những “buildings” gạch đỏ cũ kỹ. Tôi đoán, dù có mới lắm thì chúng cũng được xây cất lên ít nhất từ trên một trăm năm nay.

Khi vừa tới “chợ”, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc ồn ào phát ra từ những trung tâm bán băng nhạc Việt Nam. Băng “Paris by Night” được vặn to hơn cả, đánh át những tiếng nhạc khác, dầu vậy, âm thanh hỗn hợp ấy vẫn trở nên hỗn độn.

Trung tâm thương mại của đồng hương Việt Nam ta ở Philadelphia quá nhỏ so với những trung tâm khác như ở San Jose thuộc miền Bắc California, nơi chúng tôi đương sinh sống, và tất nhiên là nó cũng còn quá nhỏ hơn nữa so với những trung tâm thương mại lớn như ở Los Angeles của miền Nam California hay ở Houston của tiểu bang Texas, và nó không thể so sánh được cả với những trung tâm cỡ bậc trung như ở Virginia hay Dallas. Khu thương mại ở đây tuy nhỏ nhưng vẫn có đầy đủ mọi mặt hàng và những văn phòng dịch vụ cần thiết.

Từ bãi đậu xe, chúng tôi thấy một số tiệm nằm ngay mặt tiền của khu “chợ” có mang những tên như Phát Ký Duck Noodle Home, Kim Phượng Music, Hương Quê, Wing Phát Supermarket . . . Bên trong khu “chợ” là những hàng ăn và một số tiệm có những mặt hàng khác nhau mà ta thường thấy ở các trung tâm thương mại khác của người Việt. Wing Phát Supermarket khá lớn, sạch sẽ và có khá đủ mặt hàng kể cả rau tươi, hoa quả, thịt thà, đồ biển và những thức ăn khô.

Chúng tôi ghé vào một tiệm phở để thưởng thức món ăn “đặc sản” của người Việt Nam ta. Phở ở đây cũng ngon như ở San Jose, cũng là một tô phở có “chất lượng”, nghĩa là thịt nhiều hơn bánh phở. Và nếu hỏi nhà hàng có bỏ nhiều “mì chính” (bột ngọt) vào không, thì câu trả lời bao giờ cũng là một câu mà ta thường nghe thấy ở một số đông nhà hàng ăn uống Việt Nam ta ở Mỹ là “có một tí xíu thôi”. Nghe trả lời như thế, dù biết là không đúng, nhưng khách ăn vẫn cứ tự cảm thấy là món ăn đó tinh khiết và sẽ an tâm hơn khi thưởng thức.

Đã no bụng, chúng tôi trở lại khu trung tâm thành phố để đi xem những thắng cảnh và di tích lịch sử.

Khi nói đến Philadelphia thì trước tiên là người ta nghĩ tới ngay “Bản Tuyên ngôn Độc lập” của Hoa Kỳ và cái “chuông Tự do” bị nứt. Chúng còn ghi lại dấu vết và hình ảnh một cách rõ rệt về những ngày trọng đại của quốc gia này trong thời kỳ lập quốc. Ngày mà cả dân tộc Hoa Kỳ quyết tâm giành lấy độc lập, tự chủ từ tay người Anh để tiến lên, trở thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới từ nhiều thập niên hay thế kỷ qua. Đó cũng là “mục tiêu” mà chúng tôi muốn ghé thăm ở thành phố này.

Quảng trường Lịch sử Quốc gia Độc lập” (Independence National Historical Park) chiếm một khu đất rộng ở ngay trung tâm thành phố. Quảng trường này gồm nhiều khu lịch sử cổ kính, các khu văn hoá nghệ thuật và những công viên nhỏ trồng hoa như Franklin Square, Washington Square.

Nhà Tuyên Bố Độc Lập

Tháp chuông

Phòng họp Quốc hội

Dự thảo Bản Tuyên Bố Độc Lập

Thảo luận tại Quốc hội

Bản Tuyên Ngôn ĐL

Những khu lịch sử chính mà du khách thường lui tới nhiều nhất phải kể đến là:

- “Nhà Tuyên bố Độc lập” (Declaration House) hay “nhà Độc lập” (Independence House), nơi đây cũng vừa là toà án (suppreme court), toà Thị sảnh cũ (old City Hall), nhà Tiểu bang (State House) và Quốc hội. Quốc hội, nơi hội họp của những đại biểu của 13 thuộc địa đầu tiên (Original Thirteen Colonies), được lần lượt gọi là “Đệ nhất Quốc hội Lục địa”, “Đệ nhị Quốc hội Lục địa”, “Quốc hội Hợp bang” tùy theo vai trò cần thiết của từng giai đoạn lịch sử trước khi chính thức trở thành Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ được dời về Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C) như hiện nay.

- Kế đến là chiếc chuông nứt mang tên “Chuông Tự do” (Liberty Bell).

Đặc biệt là ở hai địa điểm này có “hướng dẫn viên” (Ranger of the National Park) giải thích về diễn tiến của những biến cố lịch sử xảy ra.

Trước tiên, chúng tôi đến thăm ngôi Nhà Tuyên bố Độc lập. Đây là ngôi nhà hai tầng, tầng dưới được sử dụng làm phòng họp, có những bàn hình chữ nhật, trải khăn bàn màu xanh lá cây đậm. Trên mỗi bàn có cây đèn nến trắng kiểu cổ.

Ở nơi đây, theo lịch trình đã định trước, “hướng dẫn viên” giải thích về những biến cố lịch sử diễn ra tại phòng này. Tầng trên có phòng triển lãm, tòa án, phòng họp của Nghị viên thành phố . . . Chúng tôi không đi hết tầng trên này nên không ghi nhận được có những gì thêm nữa. Ít du khách bước lên tầng lầu thứ hai nên không tạo cho chúng tôi sự tò mò về nó.

Như ta đã biết, ngày 4 tháng 7 năm 1776 là ngày trọng đại của dân tộc Hoa Kỳ, ngày “Bản Tuyên ngôn Độc lập” được “Đệ nhị Quốc hội Lục địa” (xin được gọi tắt là Quốc hội trong bài này)(3) thông qua. Nó đánh dấu sự ra đời của một quốc gia non trẻ: Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ.

Nào nhé, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về bối cảnh của sự hình thành “Bản Tuyên ngôn Độc lập”, mà tự bản thân nó, quả thật có nhiều điều rất khó khăn, nhưng xem ra cũng có nhiều điều khá lý thú.

Những thành viên trong Quốc hội lúc đó có nhiều ý kiến chống đối nhau về việc nên hay không nên tuyên bố độc lập đối với nước Anh đang cai trị 13 thuộc địa này. Số đông thì chống đối, họ cho là việc làm như vậy sẽ đưa tới chiến tranh. Một số thì cho là chưa sẵn sàng. Một số nhỏ ủng hộ, gồm những người thiết tha với việc phải tách những thuộc địa ra khỏi nước Anh để trở thành một quốc gia độc lập. Nhóm thiểu số này cho là chiến tranh đang xảy ra rồi ở Lexington và Concord gần thành phố Boston, và nếu cần, họ có thể nhờ sự trợ giúp của một nước thứ ba như Pháp chẳng hạn.

Ngày 7 tháng 6 năm 1776, một thành viên Quốc hội là ông Richard Henry Lee của Virginia đã đưa ra một giải pháp, trước nhất là hãy soạn thảo “Bản Tuyên ngôn Độc lập”. Đề nghị này được Quốc hội thông qua và một tiểu ban được thành lập gồm năm người chuyên trách về công việc soạn thảo văn kiện, trong số đó có ông Thomas Jefferson.

Thomas Jefferson

Tượng 4 vị tổng thống Mỹ: George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt. và Abraham Lincoln trên núi Rushmore

Thomas Jefferson là một người thông minh và lịch thiệp. Ông viết giỏi, lời văn của ông bao giờ cũng được cân nhắc sao cho những điều ông viết ra phải được giản dị, rõ ràng và chính xác nhất. Và trong quá khứ ông đã từng viết một số văn kiện quan trọng cho Quốc hội. Trong trường hợp soạn thảo “Bản tuyên ngôn độc lập”, ông đã mất hai ngày trời để hoàn tất. Bản này được chia ra làm 3 phần.

- Phần đầu nêu lên sự việc chính quyền Anh đã tước đoạt những quyền căn bản của người dân trong những thuộc địa.

- Phần thứ hai nói lên sự yếu kém của vua George III.

- Phần thứ ba, tức phần trọng tâm, là tuyên bố độc lập, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng của Quốc hội và toàn dân bảo vệ sự sống còn, tương lai và danh dự cho quốc gia non trẻ này.

“Bản Tuyên ngôn Độc lập” được đệ trình Quốc hội và được thông qua sau những ngày tranh luận gay gắt.

Chắc ai cũng biết bản gốc của “Bản Tuyên ngôn Độc lập” của Hoa Kỳ hiện nay được cất giữ trong tòa nhà Văn khố Quốc gia (Archives Building), tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Nó đã trở nên màu vàng cũ theo thời gian của hơn 200 năm nay. Cuối trang là 56 chữ ký của những thành viên Quốc hội lúc đó, trong đó có những tên tuổi lừng danh trong lịch sử Hoa Kỳ như Benjamin Franklin, John Adams, John Hancock . . . Và cũng trong số đó có nhiều người đã ký tên với sự lo ngại và do dự vì tình hình chiến cuộc vào thời điểm này không khả quan chút nào. Hơn nữa, chính quyền Anh chắc chắn sẽ trừng trị những người bị cáo buộc cho là phản quốc, tất nhiên là phải kể đến những người ký tên trong “Bản Tuyên ngôn Độc lập” này.

Thế còn Jefferson, nhân vật chính viết bản dự thảo, đã có nhận thức và cảm xúc ra sao trong ngày lịch sử trọng đại ấy?

Thế này nhé, sáng ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, Jefferson dậy sớm như thường lệ. Vì là đại biểu từ thuộc địa Virginia đến, ông được dành cho một căn nhà hai phòng để ở trong suốt thời gian tham dự cuộc họp Quốc hội tại Philadelphia.

Ngôi nhà ông ở tọa lạc tại góc đường số 7 (Seventh Street) và đường High (nay là đường Market). Sau khi tắm rửa, thay quần áo chỉnh tề mà người hầu đàn ông da đen đã chuẩn bị cho ông từ đêm hôm trước. Ông ăn sáng và sau đó ông dùng vài giờ để viết. Viết, đó là thói quen mỗi ngày của ông từ bao lâu nay. Ông đã cố gắng viết, nào là thư từ, nào là mọi vấn đề dưới nhiều đề tài khác nhau. Những bài viết của ông để lại, tính cho đến cuối đời ông, người ta có thể thu thập và đóng lại thành hai mươi tập sách lớn. Ông luôn luôn tự nhủ trong khi viết là, những điều gì được ông viết ra phải giản dị và rõ ràng nhất. “Bản Tuyên ngôn Độc lập” là một tiêu biểu điển hình.

Sáng nay Jefferson ngồi viết vài lá thư mà trong lòng ông đang lo ngại về một số chuyện ở nhà. Vợ ông đang ốm. Đứa con gái nhỏ vừa mới mất mấy tháng trước. Ngôi nhà của ông ở Monticello, Virginia, còn đang xây dở dang, mới được một nửa. Mùa màng năm nay thất thu. Ông lại nghĩ thêm về những chiếc tầu chiến của Anh đã khai hỏa ở Norfolk thuộc Virginia quê nhà, và tình hình chiến sự biến chuyển có thể lan ra mau chóng đến toàn tiểu bang.

Gần 9 giờ sáng hôm ấy, Jefferson rời nhà để tới dự buổi họp Quốc hội. Khi vừa tới trung tâm thành phố, ông có cái cảm giác thật thích thú và phấn khởi khi thấy dân chúng của thành phố, với dân số 28.000 người, đã đổ về đây đông hơn thường lệ. Tất cả 13 thuộc địa đang hướng về đây chờ đợi sự tách rời của họ ra khỏi sự cai trị của người Anh.

Ngay tại cửa ra vào của Nhà Tiểu bang, nay được gọi là Nhà Độc lập, nơi Quốc hội họp, ông nghe thấy tiếng hoan hô của dân chúng và cùng lúc ấy ông Benjamin Franklin cũng vừa xuất hiện. Hai ông, tay khoác tay, cùng tiến vào bên trong phòng họp. Hai ông trao đổi vài câu chuyện với ông John Adams trước khi vị Chủ tịch Quốc hội là ông John Handcock tuyên bố khai mạc buổi họp.

Một vài vấn đề nhỏ được Quốc hội đem ra bàn thảo trước. Sau đó, tới phần chính của chương trình nghị sự ngày hôm ấy, đó là sự bàn cãi cuối cùng cho bản dự thảo “Bản Tuyên ngôn Độc lập”.

Thật ra, sự tranh cãi đã diễn ra từ mấy ngày trước, nhưng vẫn còn những điều tồn đọng cần được xem xét kỹ lưỡng thêm để hoàn chỉnh. Ông Jefferson cảm thấy thật đau lòng mỗi khi có sự thay đổi nào. Nhưng chung kết, người ta thấy những thay đổi ấy chỉ là những chi tiết nhỏ không đáng kể mà thôi.

Sau vài giờ tranh cãi, cuối cùng, “Bản Tuyên ngôn Độc lập” được thông qua. Nó được đọc to trước Quốc hội. Khi vừa đọc dứt, sự phấn khích được nổ bùng lên giữa những thành viên trong Quốc hội. Họ chạy tới bắt tay nhau, cười nói và chúc mừng nhau về sự thành công. Tin tức được loan truyền ra ngoài. Những tiếng hoan hô vang lên từ đám đông. Súng cà-nông được chuẩn bị sẵn, bắt đầu khai hỏa chào mừng. Cả thành phố như sôi sục trong sự vui mừng trong suốt ngày hôm đó cho tới mãi buổi chiều tối.

Vào khoảng 5 giờ chiều, Jefferson rời phòng họp để đến Smith’s City Tavern, nơi tụ tập của những thành viên trong Quốc hội hay những người quan tâm tới chính trị. Đây cũng là nơi người ta thường nghe thấy những tin tức sốt dẻo về chiến sự như Paul Reverse mang tin về sự đóng cửa cảng Boston, tin tức về trận đánh ở Lexington hay Concord.

Ông Jefferson dùng cơm tối với bạn bè ở đây. Họ nói với nhau về những biến cố trong ngày, bàn thảo về tương lai của quốc gia vừa mới thành lập.

11 giờ đêm, ông trở về nhà, mệt mỏi leo lên tầng hai của căn nhà ông ở trên đường High. Đối với ông, hôm nay quả thật là một ngày dài, nhưng thật là một ngày vui. Ông sung sướng với kết quả đạt được. Ông nghĩ, một quốc gia bé nhỏ với dân số khoảng 3 triệu người của ngày hôm nay, biết đâu, trong tương lai nó lại chẳng trở nên một quốc gia vĩ đại và “Bản Tuyên ngôn Độc lập” do ông soạn thảo sẽ trở thành một văn kiện lịch sử sau này.

Mặt khác ông lại nghĩ tới cuộc chiến tranh đang diễn ra có nhiều bất lợi so với ưu thế của quân Anh. Đây thật là thời gian khó khăn cho tất cả mọi người. Ông cũng tự hỏi một cách tiêu cực, chẳng lẽ ông và các bạn đồng viện của ông lại vừa chiến đấu cho một cuộc chiến thất bại và để rồi những thành quả vừa đạt được sẽ tan ra mây khói? Ông chợt nghĩ về nhà, về người vợ đau yếu mà chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm.

Ông lấy chiếc đàn vĩ cầm ra chơi một lúc để mong quên đi những suy nghĩ vừa rồi đã làm ông trở nên mệt mỏi và xáo trộn trong lòng.

Tiếng chuông vẫn còn tiếp tục reo vang trong thành phố Philadelphia để chào mừng ngày ra đời của một nước Hợp Chủng Quốc. Ông tắt đèn, đứng yên trong bóng đêm nhìn ra cửa sổ hồi lâu rồi mới lên giường ngủ.

Thomas Jefferson (1743-1826) là tổng thống thứ ba của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông là một trong những tổng thống được xem là nghèo nhất. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình, trong đó có cả trách nhiệm kế thừa một khoản nợ từ cha vợ. Nguồn thu nhập chính từ đồn điền không đủ sống và cho đến cuối cuộc đời, ông nợ nhiều đến nỗi phải đệ đơn lên tiểu bang Virginia xin bán đấu giá đất tư của mình, nhưng chính phủ tiểu bang từ chối. Chỉ sau khi ông chết, bất động sản đó của ông mới được đem ra bán đấu giá để trả nợ và người con gái thì phải sống nhờ vào quỹ từ thiện.

Chúng tôi rời toà nhà Tuyên bố Độc lập để đến Quảng trường Lịch sử xem chiếc Chuông Tự do (Liberty Bell) nổi tiếng.

“Chuông Tự do” và đường nứt của nó đã dính liền với nhiều biến cố lịch sử. Những câu chuyện về nó đôi khi đã trở thành huyền thoại rất nhiều thú vị và cũng đã gây nhiều tranh cãi.

Một điều chính yếu mà mọi người công dân Hoa Kỳ không ai chối bỏ và hãnh diện, đó là: “Chuông Tự do” là một biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ.

Chúng ta hãy tìm hiểu một chút ít về chiếc chuông này.

Chuông được treo nhiều năm ở gác chuông trên nóc Tòa nhà Tiểu bang của thành phố Philadelphia. Chuông được sử dụng vào thời đó để triệu tập các nhà lập pháp tới họp ở Quốc hội hay thông báo cho dân chúng biết trong những buổi họp công cộng.

Trong năm 1848, vì sự nổi tiếng của chuông, thành phố đã quyết định đem chuông từ nóc chuông xuống tầng thứ nhất và được đặt trong phòng họp Quốc hội (Assembly Room) trong khoảng 1/4 thế kỷ.

Sau Thế chiến Thứ hai chuông được giao cho cục Công viên Quốc gia (National Park Service) ở Philadelphia quản giữ để công chúng đến xem. Chuông được di chuyển từ “Tòa nhà Tiểu bang” tới trung tâm “Quảng trường Quốc gia Lịch sử Độc lập” vào năm 1976.

Năm 2003 người ta xây cho nó một căn nhà riêng biệt rộng rãi và khang trang hơn trước được gọi là “Trung tâm Chuông Tự do” (Liberty Bell Center) như ta thấy hiện nay trong Quảng trường này. Chuông có chu vi 12 feet (3,7 mét), nặng 2.080 lb (900kg).

Chuông được đặt trong Nhà Độc Lập

Nhà Độc Lập năm 1770

Chuông được đặt mua từ công ty London Lester và Pack (nay là Whitechapel Bell Foundry) ở bên Anh năm 1752. Chuông đã được đem về Philadelphia và bị nứt vành ngay lần rung chuông đầu tiên. Chuông đã hai lần được đúc lại bởi hai hãng đúc nội địa là John Pass và John Stow. Đúc lại lần đầu, tiếng chuông không được tốt, đúc lại lần thứ hai thì tiếng chuông mới đạt yêu cầu vào tháng 6 năm 1753.

Sau đó, một chiếc chuông thứ hai tương tự được đặt mua thêm, cùng hãng đúc London Lester và Pack, với điều kiện trả lại chiếc đầu tiên. Nhưng sau cùng Quốc hội chấp thuận giữ lại cả hai. Chiếc chuông thứ hai sau đó được bán lại cho nhà thờ Công giáo trong thành phố năm 1828. Chiếc thứ hai này về sau cũng bị hư chảy bởi một vụ hoả hoạn của nhà thờ năm 1884.

Sự tranh cãi về vết nứt và thời điểm bị nứt của chuông lần thứ hai được bình luận nhiều trong dư luận quần chúng Hoa Kỳ, đặc biệt trong giới sử gia mà trong giới hạn bài này chúng tôi không đề cập tới.

Đứng về mặt lịch sử của chuông

Tiếng rung của chiếc chuông này cũng được nhắc tới trong một bức thư của ông Benjamin Franklin gửi cho ông Chaterine Ray đề ngày 16 tháng 10 năm 1755: Chuông được rung lên để đánh dấu ngày lên ngôi của vua nước Anh George III năm 1760, cũng như rung lên để chào mừng “Bản Tuyên ngôn Độc lập” được công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Trong năm 1799, thủ đô Philadelphia phải dời tới thành phố Lancaster (Pennsylvania) và lưu lại đây chỉ có một ngày, chuông cũng được rung lên để mời các vị đại biểu Quốc hội đến họp.

Ta cũng nên biết thêm về một sự kiện lịch sử. Tháng 2 năm 1861, Tổng thống Abraham Lincoln đã đến “Phòng họp Quốc hội” ở Philadelphia để đọc một bài diễn văn nhân dịp trên đường đi đến Washington D.C. nhậm chức.

Năm 1865, thi hài Tổng thống Lincoln sau khi bị ám sát cũng đã được quàn tại “Phòng họp Quốc hội” này để dân chúng tới nhìn mặt lần cuối trước khi được đem đi mai táng ở Springfield, Illinois. Do thời gian có hạn, chỉ một số nhỏ người có thể đi ngang qua linh cữu. Tuy vậy, cũng đã có khoảng 120.000 tới 140.000 người toại nguyện. Đoàn người xếp hàng vào thăm viếng không lúc nào dài dưới 3 dặm Anh (4,8 km). Chiếc chuông “Tự do” được đặt ngay trước đầu linh cữu và có hàng chữ “Proclaim Liberty throughout all the land unto all the inhabitants thereof” (Tự do phải được rao truyền đến tới tất cả mọi nơi và cho tất cả mọi người).

Về mặt biểu tượng của chuông

Năm 1830, chuông được coi như là biểu tượng của phong trào Bãi-Nô (Anti-Slavery) và cũng là lần đầu tiên người ta gọi nó là “Chuông Tự do.

Trong năm 1835,Tổng thống Franklin Pierce đến thăm Philadelphia đã tuyên bố chiếc chuông này là biểu tượng cho cuộc Cách mạng và nền Tự do của Hoa Kỳ. Ngoài ra chuông cũng là biểu tượng cho “Tự do” trong thời gian chiến tranh lạnh (Cold War) giữa hai khối Tự do và Cộng sản sau Thế chiến Thứ hai.

Đặc biệt, có những sử gia cho là chuông này đã không rung vào ngày “Bản Tuyên ngôn Độc lập” được công bố và ngay cả ngày công bố bản tuyên ngôn đó cũng không rơi vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 như người dân Hoa Kỳ đã công nhận làm ngày Quốc khánh, mà lại là ngày 8 tháng 7 năm 1776.

Cũng có thêm một câu chuyện khá lý thú về chiếc chuông này là vào ngày 11 tháng 9 năm 1777.Trước khi quân Anh tấn công chiếm Philadelphia, thành phố đã phải dùng tất cả chuông để nấu đúc thành súng đạn. Để tránh chiếc chuông “Tự Do” bị cùng chung số phận với những chiếc chuông khác, người ta đã di chuyển nó đi “tỵ nạn” tới thành phố Allentown. Chuông được đem trở lại vào tháng 6 năm 1778 sau khi quân Anh rút khỏi thành phố Philadelphia.


Hình ảnh cuộc diễn hành năm 1908 để kỷ niệm
việc di chuyển chuông từ Philadelphia tới Allentown năm 1777

Vài sự kiện khác của chuông

Chuông “Tự do” được di chuyển bằng xe lửa đi khắp nơi trên đất Mỹ. Xe lửa đã dừng lại tại nhiều thành phố để mọi người chiêm ngưỡng. Hàng triệu người có cơ hội nhìn thấy nó và cũng có vài triệu người được hôn nó. Nó cũng hiện diện tại những lễ hội hay hội chợ quốc tế như biểu tượng cho tự do của toàn cầu.

Trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1915, Chuông “Tự do” đã thực hiện 7 chuyến du hành. Có một lần đặc biệt, chuông dừng lại thành phố Biloxi thuộc tiểu bang Mississippi. Ở đây, Tổng thống của “Liên minh miền Nam” (Confederacy) trong chiến tranh Nam-Bắc là Jefferson Davis đã đọc một bài diễn văn tỏ lòng chiêm ngưỡng ý nghĩa của chuông này, kêu gọi sự thống nhất và đoàn kết quốc gia.

Sau “Thế chiến Thứ hai”, và sau nhiều lần thảo luận tranh cãi, thành phố Philadelphia đã đồng ý chuyển nhượng chuông “Tự do” và “Toà nhà Độc lập”, đồng thời cùng với một số tòa nhà cổ khác trong khu vực, cho chính phủ Liên bang. Quốc hội Liên bang chấp thuận năm 1948. Ba năm sau,“Quảng trường Quốc gia Lịch sử Độc lập” được thành lập và được kết hợp trong việc điều hành những tài sản lịch sử ở đây cùng với cơ quan “Cục Công viên Quốc gia”. Ta cũng nên biết thêm, từ ngày đó, ba “blocks” đường được dọn quang để thành lập quảng trường lịch sử này.

Sau khi xem chiếc chuông “Tự do”, chúng tôi tới một khu lịch sử khác: Khu kỷ niệm của 13 tiểu bang đầu tiên gia nhập chính thức Liên bang Hoa Kỳ sau ngày tuyên bố độc lập.

13 tiểu bang thuộc địa đầu tiên

Trong khu vực Quảng trường Lịch sử này gồm cả một khu kiến trúc có 13 cột cờ của những tiểu bang đầu tiên được cắm trước 13 gian phòng nhỏ kế tiếp nhau, không có cửa. Mỗi gian phòng tượng trưng cho một tiểu bang. Trước mỗi gian phòng có một tấm bảng lớn bằng đồng đúc gắn trên nền xi măng, trên đó có ghi vài chi tiết của tiểu bang như: tên tiểu bang, ngày gia nhập liên bang, tên thủ đô và dân số tiểu bang lúc gia nhập. Bên trong mỗi phòng có treo một tấm bảng huy hiệu (Logo) biểu tượng cho tiểu bang ấy.

Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về hoàn cảnh đất nước Hoa Kỳ sau khi giành được độc lập hoàn toàn từ tay người Anh.

Sau khi “Bản Tuyên ngôn Độc lập” được công bố ngày 4 tháng 7 năm 1776, Vương quốc Anh liền mở một cuộc chiến với 13 thuộc địa đầu tiên. Cuộc chiến này được kéo dài từ năm 1776 đến năm 1783. Chung cuộc, cuộc “Chiến Tranh Cách Mạng” của những người dân thuộc địa đã đạt được chiến thắng cuối cùng nhờ sự trợ giúp của nước Phổ, Hoà Lan và đặc biệt là Pháp. Vương quốc Anh đã phải ký Hiệp Ước Paris 1783 công nhận Hợp Chủng Quốc là một quốc gia độc lập và rút toàn bộ quân đội Anh ra khỏi những thuộc địa cũ này.

Khi Hợp Chủng Quốc thành hình, quyền hạn thật sự còn nằm trong tay của các thuộc địa, chính quyền Trung ương chỉ được đại diện bởi Quốc hội gồm những đại biểu của 13 thuộc địa gửi tới họp. Quyền hạn của các thuộc địa lớn hơn quyền hạn của Trung ương, như Quốc hội không có quyền thu thuế mặc dù Quốc hội có quyền thay mặt các thuộc địa tuyên chiến, ký kết các văn bản ngoại giao, bổ nhiệm các đại sứ.

Càng ngày những nhu cầu về ngoại thương, các thuộc địa nhận thấy cần phải có một chính phủ Trung ương mạnh nên đã đồng lòng mở một hội nghị để bàn về vấn đề này. Vì lý do đó, bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được thành hình và thông qua ngày 17 tháng 9 năm 1789 dựa trên nguyên tắc Tam quyền phân lập rõ ràng gồm Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

Những thuộc địa cũ được công nhận chính thức thành tiểu bang do sự xin gia nhập Liên bang của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ theo thời gian tính sau đây:

1. Delaware 12-07-1787
2. Pennsylvania 12-12-1787
3. New Jersey 12-18-1787
4. Georgia 01-02-1788
5. Connecticut 01-08-1788
6. Massachusetts 02-06-1788
7. Maryland 04-28-1788
8. South Carolina 05-23-1788
9. New Hampshire 06-21-1788
10. Virginia 06-25-1788
11. New York 07-26-1788
12. Carolina 11-21-1789
13. Rhode Island 05-29-1790

Rời thành phố Philadelphia vào lúc trời cũng đã xế chiều, chúng tôi lái xe ra xa lộ theo hướng thành phố Atlantic City và dự định ở lại thành phố ấy qua đêm nay rồi sau đó sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào sáng sớm ngày mai.

Thành phố Atlantic thuộc tiểu bang New Jersey và nằm ngay trên bờ biển Đại Tây Dương, cách thành phố Philadelphia khoảng một giờ lái xe. Sinh hoạt chính yếu của thành phố này là các “sòng bài” (casino). Tôi đoán, có lẽ thành phố này là thành phố “casino” lớn nhất của miền Đông Hoa Kỳ. Tất nhiên, ta không thể so sánh nó với những thành phố cùng loại như Las Vegas hay Reno thuộc tiểu bang Nevada.

Thành phố tuy nhỏ nhưng cũng tấp nập lắm. Nhiều “casino” sang trọng hiện diện ở đây với đèn điện sáng trưng vào ban đêm. Vì là thành phố ven biển nên buổi chiều ta có thể dạo mát trên “đường bằng gỗ” của khu “sòng bài” để hưởng chút gió biển với cảnh thanh bình ngồi nhìn mặt trời lặn.

Chúng tôi đi ăn cơm tối rồi trở lại khách sạn Trump. Khách sạn chúng tôi ở là một nhà cao tầng, trọn tầng dưới cùng dành làm “sòng bài”, những tầng phía trên dành làm phòng ngủ. Trước khi lên phòng ngủ, chúng tôi đã “đóng” ít tiền cho “sòng bài” để thử vận “đỏ đen”. Tất nhiên là chúng tôi gặp vận đen rồi, nhưng cũng may là không đen lắm.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục lên đường theo hướng thành phố Lancaster thẳng tiến. Trên đường đi Lancaster, phải ngang qua thành phố Philadelphia nên tiện đó chúng tôi ghé vào một tiệm phở ngay tại khu dân cư đông đúc ở vùng trung tâm thành phố. Tiệm phở này do người Hải Phòng sang đây định cư lập ra.

Hương vị phở thì ăn ở đâu cũng thế, ngon nhiều hay ít tuỳ theo lúc đó mình đói nhiều hay đói ít. Và phải đặc biệt lắm hay khác biệt lắm người ăn phở loại như tôi mới nhận ra được tô phở thuộc loại thật ngon hay thật dở một cách rõ ràng.

“Chủ nhân ông” của tiệm phở rất hiếu khách, nghĩa là ông ta cứ “rề rà” tới bàn chúng tôi ngồi tán chuyện gẫu, nào là chuyện khó khăn lúc ban đầu khi mở tiệm, rồi lan sang cả chuyện vượt biên, chuyện gia đình đến chuyện nhà cửa lẫn con cái của ông. Ông nói không ngừng như chưa bao giờ ông được nói tự do như thế. Chúng tôi đôi khi phải ngừng ăn để nghe một đoạn chuyện khá hấp dẫn mà ông đem ra kể. Khi ra tính tiền, ông “giảm giá” cho chúng tôi một nửa, nghĩa là “50% discount” so với giá bình thường ghi trên thực đơn.

Chúng tôi đoán có lẽ ông chủ giảm giá vì tình cảm của ông dành cho chúng tôi hay cũng có thể vì chúng tôi đã “lịch sự” tiếp chuyện ông nên đành phải ăn phở nguội. Chúng tôi biết dù phở nguội cũng phải ăn cho hết vì tô phở vừa mới được bưng ra chúng tôi đã “khen rối rít” là mùi phở thơm quá. Quả thực, dù phở có nấu dở đến đâu nhưng mùi của nó vẫn cứ thơm phức làm người đói như tôi lúc đó phải thòm thèm. Nói như thế không có nghĩa là tôi chê tiệm phở này mà là ngược lại.

Chúng tôi rời tiệm phở và không quên chụp với ông chủ cùng vài nhân viên phục vụ trong tiệm một tấm ảnh làm kỷ niệm. Và tất nhiên là chúng tôi cũng không thể quên câu “hẹn ngày trở lại” thường dùng mỗi khi đi ăn.

Trước khi tới thành phố Lancaster, chúng tôi gọi “phôn” cho một người bạn thân hẹn sẽ gặp và ở lại tối nay. Hẹn như thế, tất nhiên là tối nay, chúng tôi tin là sẽ được gia chủ “chiêu đãi” một bữa cơm tối thịnh soạn vì coi như chúng tôi đã báo trước cho bà chủ nhà có đủ thời giờ chuẩn bị.

Cảm thấy còn “ngày rộng tháng dài”, còn nhiều thời giờ để đến thăm một ngôi làng của người Amish.

Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish.

Ngôi làng chiếm một diện tích không lớn lắm, nhưng bên trong khu vực có nhiều căn nhà mang kiểu kiến trúc xưa của hàng vài thế kỷ trước với những chậu hoa trang trí trước cửa, hay một vườn hoa nho nhỏ sau nhà.

Vài ba chiếc xe “ngựa kéo” kiểu “song mã” được để trong một khu đất trống, tôi không biết những chiếc xe ấy có dành cho du khách hay không. Điểm tô thêm cho khung cảnh ấy, một cô “thôn nữ” ăn mặc trang nhã theo lối y phục truyền thống xưa kia ở nông thôn phương Tây thuộc những thế kỷ trước, đang tắm rửa cho đám ngựa kéo xe bằng bàn chải xơ, không phải làm bằng ni lông mà ta thường gặp. Gần đó có đống đất lớn trộn phân bò dùng trong canh nông rất quen thuộc như ở quê nhà.

Có vài cửa hiệu bán quà lưu niệm. Một cửa hàng trông rất đẹp mắt và khang trang nhất nổi bật trong khu trưng bày một số mặt hàng như quần áo, chăn màn, khăn . . . với màu sắc trang nhã và được thêu bằng tay với những hình ảnh hay hoa văn thật đẹp mang tính chất cổ xưa. Du khách vào trong tiệm không được quay phim hay chụp hình. Giá cả những sản phẩm cũng phải chăng, không “cắt cổ” du khách.

Vì đang ở vào mùa thu, những cây lá đỏ, lá vàng điểm tô thêm nét đẹp rực rỡ và thanh bình cho ngôi làng.

- Người ta biết đến người Amish và đôi khi được gọi là Mennonites Amish như những người từ Âu Châu đến và định cư tại Pennsylvania từ thế kỷ 18. Ngày nay họ vẫn tiếp tục duy trì được tiếng nói truyền thống của họ được gọi là tiếng “Pennsylvania-Đức” hay “Pennsylvania-Hoà Lan”. Họ là một nhóm thuộc chi nhánh của các giáo hội Mennonites xuất thân từ đạo Thiên Chúa Giáo (Christian).

Thành viên của nhà thờ Amish được bắt đầu bằng bí tích rửa tội, thường là trong độ tuổi từ 16 tới 25. Việc rửa tội là một yêu cầu thiết yếu của hôn nhân, họ chỉ có thể kết hôn trong đức tin.

- Người ta cũng biết đến người Amish như những người có cuộc sống đơn giản, và chỉ áp dụng những tiện ích của xã hội công nghệ tiên tiến như một sự miễn cưỡng, bao gồm các điều cấm hoặc hạn chế việc sử dụng năng lượng điện, điện thoại, xe hơi và có cả các quy định về quần áo. Nhiều thành viên của nhà thờ Amish không có thể mua bảo hiểm hay nhận trợ cấp của chính phủ như An Sinh Xã Hội.

Chúng tôi lái xe theo đường hương lộ qua những khu trang trại của người Amish. Những trang trại này có diện tích trung bình, không lớn lắm, chỉ áng chừng vài mẫu tây được dùng phần lớn làm đất trồng trọt và một khoảnh đất vừa đủ để chăn nuôi gia súc trong gia đình. Nhà cửa cũng khang trang không khác gì nhà ở thành phố. Nhà nào cũng có dây chăng hay sào ngang để phơi quần áo. Ngoài đồng chúng tôi thấy người ta cầy bằng ngựa. Và trên hương lộ chúng tôi thỉnh thoảng thấy có loại xe ngựa “đóng thùng” làm phương tiện chuyên chở. Nếu không có những xe hơi chạy trên đường thì chúng ta có cảm tưởng như đang được sống lui lại hai hay ba thế kỷ trước bên Âu Châu.

Chúng tôi lái xe đến một vài nơi trong khu vực để quan sát những sinh hoạt hàng ngày của người địa phương. Thỉnh thoảng dừng xe lại bên đường ngắm cảnh đẹp và chụp vài tấm ảnh kỷ niệm nơi mình đã đến.

Trời cũng đã ngả về chiều, chúng tôi tìm đường vào thành phố Lancaster để đến nhà người bạn thân như đã hẹn lúc sáng nay.

Thành phố Lancaster là một thị trấn lớn cỡ trung bình. Gia đình người bạn tôi ở trong một khu nhà mới xây cất, trông thật khang trang và thanh bình. Buổi chiều hôm đó trời có sương mù sớm nên cảnh vật khu nhà trở nên thơ mộng, êm đềm. Vì là lần đầu tiên đến đây thăm bạn nên tôi hơi ngỡ ngàng trước sự đồ sộ của căn nhà hai tầng.

Người bạn của tôi tên Chấn và “người thương” của Chấn tên Oanh. Chấn Oanh có hai con, một trai và một gái, đều đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại thành phố Philadelphia.

Chúng tôi vừa bấm chuông ngoài cửa thì cả hai vợ chồng đều chạy ra đón tiếp. Tay bắt mặt mừng khi gặp nhau. Oanh cho biết Chấn đã xin về sớm để phụ vợ nấu ăn đãi khách phương xa. Chấn Oanh đều là người rất hiếu khách.

Chấn hiện nay làm việc cho cơ quan nhà nước, nghĩa là một công chức “sáng cắp ô đi, tối xách về”. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, bươn chải, tung hoành với vài ngân hàng tại địa phương, nay “chàng” quyết định gắn bó với cơ quan nhà nước để hưởng cái an nhàn ở tuổi “chớm già”.

Tôi và Chấn quen biết nhau từ khi Chấn vừa tròn 20 tuổi ở quân trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Chấn vào quân ngũ theo lệnh tổng động viên toàn quốc. Tôi hơn Chấn khoảng gần mươi tuổi. Tôi thì được Công Ty Điện Lực gửi đi học quân sự rồi sau đó sẽ trở về nhiệm sở cũ dưới dạng biệt phái.

Trong quân trường, Chấn và tôi cùng ở trong tiểu đội súng cối, trực gác hàng đêm tại phòng tuyến quân trường. Tuy tuổi tác có chênh lệch nhưng chúng tôi lại “tâm đầu, ý hợp” và đã mau chóng trở thành hai người bạn thân, ngay từ những buổi gặp gỡ ban đầu.

Sau này Chấn được giải ngũ, lấy bằng cử nhân ban kinh tế tại đại học Luật Khoa Sài gòn, làm việc cho ngân hàng “Việt Nam Ngân Hàng” cho đến ngày Sài Gòn thất thủ. Việt Nam Ngân Hàng được thành lập năm 1927, là ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam.

Chấn vượt biên trước tôi mấy tháng nhưng tình cờ chúng tôi lại cùng gặp nhau trong trại tỵ nạn KuKu ở Nam Dương. Rồi lần lượt, chúng tôi cũng cùng đi định cư ở Mỹ vào cuối năm 1980. Chấn định cư tại thành phố Lancaster này từ ngày đó đến nay.

Trong suốt 40 năm quen biết nhau và coi nhau như người tri kỷ với lòng quý mến nên mỗi lần gặp nhau hẳn chúng tôi phải có nhiều chuyện để nói, để nhắc lại những kỷ niệm xưa. Sau bữa cơm tối, chúng tôi quây quần nói chuyện tới khuya mới chia tay đi ngủ. Chúng tôi được nghe Chấn đọc thơ và nghe Oanh hát.

%%%

Sáng sớm hôm sau chúng tôi tạm rời nhà Chấn Oanh để lên đường đi thăm hai di tích lịch sử không xa thành phố Lancaster là mấy.

Có hai địa điểm quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử của Hoa kỳ nằm trong tiểu bang Pennsylvania là Valley Forge trong thời Chiến Tranh Cách Mạng và Gettysburg trong thời Nam-Bắc chiến tranh. Ngày nay, cả hai đã trở thành Công Viên Quốc Gia (National Park).

Valley Forge

Vào mùa thu năm 1777 tức trong thời gian Chiến Tranh Cách Mạng, quân đội Anh, dưới sự chỉ huy của tướng Howe, di chuyển từ New York tới Pennsylvania. Philadelphia lúc này là thủ đô “Hợp Bang” của 13 Thuộc địa đầu tiên mới được thành lập. Tướng Howe tin tưởng rằng nếu chiếm được Philadelphia thì đó là một đòn rất nặng đánh vào tinh thần chiến đấu của nghĩa quân.

Được tin có sự chuyển quân của quân Anh, chỉ trong có vài giờ, những cơ quan hành chính và “Quốc Hội Hợp Bang” đã rời thủ đô Philadelphia để tới thành phố York, một thành phố khá xa nhưng vẫn thuộc Pennsylvania. Đồng thời, tướng George Washington cũng vội vã di chuyển đoàn quân của mình tới cánh đồng Valley Forge và quyết định đóng quân ở đó (từ tháng 12 năm 1777 đến tháng 6 năm 1778) để có thể thuận tiện theo rõi mọi hoạt động của quân đội Anh qua suốt mùa đông năm đó.

Valley Forge cách Philadelphia 22 dặm về phía tây bắc.

Washington không bị tổn thất về quân sự bởi vì quân đội Anh, sau khi chiếm được Philadelphia, tướng Howe đã hài lòng với sự chiến thắng của mình nên đã ở lại đấy và tự cho mình được quyền vui hưởng sự êm ấm và ăn chơi cho đến hết mùa đông băng giá. Trong khi đó, ngược lại, quân đội của Washington đã phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt ở Valley Forge vì lạnh giá, thiếu lương thực, thiếu thuốc men và không có đủ quần áo ấm.

Vào đầu mùa đông, quân đội Washington có 11.000 người. Trong suốt mùa đông ấy đã có 3.000 người đã đào ngũ, một số trở về với gia đình, một số sang đầu hàng quân Anh. Những người còn lại để chiến đấu thì đa số bịnh hoạn. Nhiều người đã lấy làm ngạc nhiên tại sao quân đội Anh đã không tấn công những nghĩa quân Hoa Kỳ trong thời gian thuận lợi này.

Tinh thần chiến đấu của quân đội Washington đã sa sút tới điểm thấp nhất. Tuy nhiên với ý chí giải phóng dân tộc ra khỏi sự cai trị của người Anh, Washington và các nghĩa quân đã đoàn kết và sát cánh bên nhau chiến đấu dù với quân số còn lại thật ít oi so với địch quân.

Sang xuân năm 1778, những quân trang, quân dụng, thực phẩm, tiếp liệu đã được gửi tới tiếp viện kịp thời. Valley Forge đã trở thành cứ điểm phản công. Và từ nơi đó, vào tháng 6 cùng năm, Washington đã chuyển quân tấn công quân đội Anh để đem về chiến thắng đầu tiên ở mặt trận Mommouth. Chiến thắng này tiếp theo những chiến thắng khác. Và cuối cùng, Washington đã đem lại chiến thắng vinh quang toàn diện cho người Hoa Kỳ vào năm 1781 trong công cuộc Giải phóng dân tộc.

Gettysburg

Đây là chiến trường đẫm máu và nổi tiếng nhất trong cuộc chiến tranh Nội chiến (Civil War), hay Chiến tranh Nam Bắc của người Hoa Kỳ. Chiến tranh diễn ra giữa người miền Nam và người miền Bắc, kéo dài trong suốt bốn năm từ 1861 tới 1865.

Trận Gettysburg xảy ra vào tháng 7 năm 1863. Tướng Robert E.Lee, Tư lệnh lực lượng quân đội miền Nam, chuyển quân từ Virginia tới phía nam của Pennsylvania với hy vọng là tiếp tục tiến thêm lên phía Bắc rồi chuyển hướng về phía Nam để bất chợt tấn công thủ đô Washington D.C. Như đã đoán được mưu tính của tướng Lee, quân đội miền Bắc, dưới sự chỉ huy của tướng George Meade đã chuyển quân tới chận đứng sự tấn công của quân miền Nam. Quân đội hai bên gặp nhau ở Gettysburg. Một trận thư hùng đẫm máu đã xảy ra và kéo dài ba ngày liên tiếp. Kết quả là quân đội miền Nam đã thiệt hại 20.000 người, chiếm 1/3 tổng số lực lượng của toàn quân đội miền Nam. Quân đội miền Bắc cũng thiệt hại với con số tương tự. Quân đội miền Nam đã từ từ rút lui trở lại Virginia. Tinh thần chiến đấu của quân đội miền Nam sa sút một cách thảm hại.

Ngày nay, nếu ai đến thăm thành phố Gettysburg thì đó chỉ là một thành phố nhỏ, im lìm, không khác mấy với thành phố của những năm 1863. Chung quanh thành phố vẫn còn là những nông trại. Chúng tôi ghé vào “Information Center” trong thành phố này để xin một số tài liệu cần thiết.

Để có thể quan sát toàn bộ chiến trường Gettysburg năm xưa, chúng ta sẽ phải lái xe một quãng đường vòng dài 22 dặm Anh (miles) bao quanh chiến trường ấy và sẽ đi qua 2.388 di tích gồm những tượng đài, kỷ vật như súng “cà-nông” đủ loại lớn nhỏ . . . được xây dựng và thiết trí dọc hai bên đường.

Những tượng đài của những tiểu bang tham chiến được xây dựng trong phạm vi khoanh vùng theo quy hoạch, định sẵn cho mỗi tiểu bang, để vinh danh kể cả phe thắng lẫn phe thua trận. Điểm này làm tôi nhớ tới nghĩa trang Quân đội Biên Hoà tiêu điều hiện nay ở quê nhà. Phải chăng sự suy nghĩ và hành xử của một nước tân tiến có chỗ khác nhau ấy? Nhưng nghĩ cho cùng, ông cha ta thuở xưa, sau khi vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh, giải phóng Thăng Long, dân ta đã dựng miếu “cô hồn” ở Đống Đa để thờ cúng cả những vong linh liệt sĩ của ta lẫn của quân thù tử trận. Khi chết họ đã được đối xử như nhau. Tinh thần nhân bản trên đất nước ta có sự khác biệt giữa xưa và nay chăng?

Đứng trên mỏm đồi cao, nơi mà một danh tướng miền Bắc đã đứng tại đây chỉ huy mặt trận năm xưa, tôi nhìn xuống một cánh đồng rộng mênh mông và bằng phẳng có những con đường nhỏ chạy băng qua lại. Và tôi mường tượng ra trận đánh oai hùng và oanh liệt của cả hai bên. Gió thổi vù vù bên tai, tôi đứng lặng và cảm thấy bùi ngùi, thương cảm cho những người nằm xuống.

Chúng tôi lái xe vòng quanh chiến trường. Tại mỗi tượng đài của mỗi tiểu bang chúng tôi đều dừng lại chụp vài tấm ảnh.

Nói về trận chiến Gettysburg, chúng ta không thể không nhắc tới một câu chuyện thật lý thú. Đó là bài diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Lincoln.

Diễn văn của Tổng thống Lincoln


Abraham Lincoln

Một điều thích thú là có một sự kiện lịch sử đã diễn ra ở nơi đây, đó là bài diễn văn lịch sử được đọc vào ngày 19 tháng 11 năm 1863 của Tổng thống Abraham Lincoln tại nghĩa trang Gettysburg.

Qua bài diễn văn này, những nhà sử học có thể tìm hiểu được cá tính cũng như tác phong trước công chúng của Tổng thống Lincoln.

Để vinh danh những chiến sĩ miền Bắc đã hy sinh trong chiến trận Gettysburg, chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ đã cho xây dựng một nghĩa trang cho họ. Trong lễ khánh thành nghĩa trang, nhà hùng biện và là nhà diễn thuyết tài ba lừng danh của Hoa Kỳ thời đó là ông Edward Everett được mời là nhân vật chính đọc bài diễn văn tưởng niệm trước tiên. Tổng thống Abraham Lincoln cũng được mời đọc một bài diễn văn phụ kế tiếp sau đó.

Ông Edward Everett đã từng là Thống đốc của tiểu bang Massachusetts, Đại sứ tại Anh quốc, Hiệu trưởng trường Đại học Harvard và là tác giả của 4 cuốn sách đã in về những bài diễn thuyết của ông.

Còn ông Abraham Lincoln được coi là một nhà chính trị tài ba nhưng không phải là một nhà hùng biện. Vả lại người trưởng ban tổ chức, ngay từ đầu, đã không có ý định mời Tổng thống tham dự buổi lễ tưởng niệm này. Nhưng trước ngày khai mạc hai tuần, ông Lincoln nhận được một lá thư mời từ Ban tổ chức với nội dung xin nói vài lời sau bài diễn văn của ông Everett.

Vào gần 11 giờ sáng ngày làm lễ, Tổng thống Lincoln cưỡi ngựa cùng đoàn tháp tùng từ thành phố Gettysburg đến nghĩa trang. Người ta thấy Tổng thống ngồi cong người trên lưng ngựa với dáng điệu vô cùng mệt mỏi. Sự mệt mỏi đến từ những vấn đề khó khăn của quốc gia, của hậu chiến tranh “nội chiến” cần phải được giải quyết. Nó đòi hỏi nhiều đến sự suy nghĩ và tính toán của ông.

Ông Lincoln đến khán đài vào 11 giờ 15 phút đúng. Ngồi trên khán đài cùng Tổng thống gồm các sĩ quan cao cấp, những nhân vật lập pháp trong Quốc hội, những nhà ngoại giao đoàn. Số người tham dự buổi lễ tưởng niệm gồm khoảng 15.000 người.

Giờ khai mạc được Ban tổ chức ấn định là 11 giờ 15, nhưng vẫn chưa thấy sự xuất hiện của ông Everett. Ban nhạc chơi liên tục để trám vào thời gian chờ đợi sự có mặt của ông.

Ông đã đến vào lúc 12 giờ đúng. Sau khi mở lời chào Tổng thống và quan khách, ông Everett đã đọc bài diễn văn tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến trận. Bài diễn văn là một bài hết sức tiêu biểu của thời đó với những lời hoa mỹ. Ông nhắc đến ba ngày đẫm máu trong trận chiến, ông nhắc cả tới những lịch sử Châu Âu, lịch sử Hy Lạp và “Quyền Tiểu bang” (State’s Right). . . Bài diễn văn kéo dài 1 giờ 57 phút. Khi bài diễn văn vừa chấm dứt, những tràng pháo tay hoan hô và tán thưởng vang lên và dài tưởng chừng như vô tận.

Đến lượt Tổng thống Lincoln lên diễn đàn. Thật là một hình ảnh trái ngược. Ông Everett là một người cao lớn, đẹp trai, ăn mặc thật lịch sự. Ông Lincoln thì ăn mặc quá đơn giản với khuôn mặt đầy mệt mỏi. Ông đứng với dáng gù gù trong chiếc áo măng-tô dầy cộm. Chậm rãi, ông đeo cặp kính trắng lên rồi rút tờ giấy viết sẵn trong túi áo ra đọc. Ông đọc một cách từ tốn, rõ ràng nhưng bài diễn văn chỉ chứa đựng có 9 câu và kéo dài được khoảng 5 phút. Bài diễn văn được kết thúc bằng một câu nói lịch sử và để đời không những cho dân tộc Hoa Kỳ mà còn cho những quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ trên thế giới: “Government of the people, by the people, and for the people”(Chính quyền của dân, do dân và vì dân). Và để vinh danh cho những chiến binh nằm xuống trong trận chiến Gettysburg, ông nói: “The world will little note, nor long remember, what we say here, but it can never forget what they did here”(Thế giới sẽ ít lưu ý, cũng không nhớ lâu, những gì chúng ta đang nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ có thể quên những việc họ đã làm ở nơi này).

Bài diễn văn của ông thật thân ái phát xuất từ trái tim ông và cũng là kim chỉ nam, đặt một nền móng dân chủ cho xứ sở Hoa Kỳ trong tương lai.

Khi bài diễn văn của ông vừa chấm dứt, sự yên lặng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Sự yên lặng ấy không phải để dành cho sự kính phục hay ngưỡng mộ mà là một sự thất vọng vì mọi người trông đợi một bài diễn văn dài hơn như họ nghĩ. Khi ông trở về chỗ ngồi, những tiếng vỗ tay rời rạc dành cho ông chỉ đủ để tỏ sự lịch sự cần thiết.

Buổi lễ tưởng niệm chấm dứt. Mọi người vội vã trở về nhà. Không một ai tỏ ra hứng thú hay bàn bạc về bài diễn văn của Tổng thống Lincoln. Đêm hôm đó, trên chuyến xe lửa trở về Tòa Bạch Ốc, ông tâm sự cùng đoàn tháp tùng: "Bài diễn văn của tôi thật nhàm chán và đã làm mọi người thất vọng”. Đa số giới truyền thông, báo chí cũng cho là như vậy. Có nhà báo còn đi xa hơn nữa, cho bài diễn văn của ông là một điều làm mọi người cảm thấy xấu hổ cho một vị Tổng thống Hoa Kỳ.

Nhưng sau này, một số người đã đánh giá khác đi và đã đưa bài diễn văn này vào kho tàng văn học (literature) vì tính giản dị, đi trực diện vào trung tâm vấn đề với những ngôn từ thật chính xác.

Về phần ông Everett, ngay ngày hôm sau, ông đã gửi thư cho Tổng thống Lincoln để bầy tỏ ý kiến của mình: "Tôi đã tự cảm thấy mình được sung sướng vì đã đi gần đến được ý chính mà tôi muốn nói, nhưng tôi đã phải mất tới hai giờ đồng hồ, mà với ông, chỉ cần có hai phút là ông đã có thể đi thẳng vào được trung tâm vấn đề một cách rõ ràng”.

Ông Lincoln viết trả lời: "Cám ơn ông, ông đã cho tôi cái cảm giác là bài diễn văn của mình không hoàn toàn nhàm chán”.

Để nói thêm một phần về cá tính của Tổng thống Lincoln tôi xin kể một giai thoại nữa về ông, được đóng trong ngoặc {} dưới đây, trích từ cuốn “How to win friends and influence people” của Dale Carnegie (do ông Nguyễn Hiến Lê dịch dưới tựa đề cuốn sách là Đắc Nhân Tâm). Câu chuyện đưới đây tôi tin là đã xảy ra ở mặt trận Gettysburg này.

{Trong thời Nam Bắc chiến tranh, có một lần bại quân phương Nam, ban đêm chạy tới một dòng sông, vì mưa bão mà nước dâng lên cao không thể qua nổi. Ông Lincoln đánh “dây thép”, rồi muốn cho chắc chắn hơn, lại sai người mang hiệu lệnh cho tướng Meade cầm đầu quân phương Bắc phải lập tức tấn công quân phương Nam do tướng Lee cầm đầu. Nhưng Meade vì ngần ngừ, trễ nãi đã làm ngược hẳn lệnh của ông và để quân phương Nam thừa lúc mực nước xuống, qua sông mà thoát được, lỡ một cơ hội độc nhất vì chỉ cần thắng một trận đó là có thể chấm dứt cuộc Nam Bắc tương tàn ngay tức khắc.

Ông Lincoln giận lắm, la lên: "Trời cao đất dầy, như vậy là nghĩa lý gì?”. Đoạn ông hậm hực viết lá thư này:

Đại tướng thân mến,

Tôi không tin rằng ông nhận chân được sự đại tướng Lee trốn thoát tai hại là dường nào! Quân đội y ở trong tay ta, và y đã bại trận nhiều phen, nên đánh ngay lúc đó thì chỉ một trận là chiến tranh đã kết liễu. Nay thì nó sẽ kéo dài ra không biết đến bao giờ. Thứ hai trước, ông đã không thắng nổi Lee, bây giờ y đã qua sông, mà lực lượng của ông chỉ có thể bằng hai phần ba hôm đó thì làm sao thắng nổi y được nữa ?

. . . Dịp may nghìn năm một thuở của ông đã qua rồi và không ai thấu nổi nỗi buồn khổ của tôi ! . . .

Nhưng bức thư đó, bức thư trách nhẹ nhàng có vậy, ông viết rồi mà không gởi đi. Sau khi ông chết người ta mới tìm thấy nó trong đống giấy tờ của ông.

Ông Theodore Roosevelt kể lại rằng hồi ông còn làm Tổng thống Hoa Kỳ, mỗi lần gặp điều gì khó xử, thường ngả lưng vào ghế, nhìn lên tấm hình của Lincoln treo trên tường và tự hỏi :” Lincoln ở địa vị mình, sẽ xử trí ra sao ?”}

Theo tôi thì Tổng thống Roosevelt đã học được ở ông Lincoln nhiều hơn nữa, nhất là đức tính ôn tồn mà ông Roosevelt đã áp dụng để lôi kéo những người trong chính trường ở New York đã từng chống đối ông để trở thành những người ủng hộ ông khi ông còn làm Thống đốc của tiểu bang này.

Khi nói đến trận chiến Gettysburg chúng ta cũng không thể không nhắc tới một nhân vật nổi tiếng của quân đội miền Nam và cũng từ đấy ta có thể tìm hiểu thêm được bối cảnh của chiến trận này. Đó là tướng Robert E. Lee

Robert E. Lee

Robert E. Lee

Chiến trường Gettysburg

Ngay từ đầu thế kỷ thứ 17, những trại chủ thuộc miền Nam Hoa Kỳ đã dùng người nô lệ da đen đưa từ Phi Châu sang để làm công việc đồng áng nặng nhọc hay giúp việc trong nhà. Những công việc này không đòi hỏi một sự hiểu biết chuyên môn nào mà chỉ thuần túy là lao động chân tay. Dần dần, sự phát triển nông nghiệp của miền Nam phải phụ thuộc rất nhiều vào thành phần nô lệ ấy.

Ngược lại, những tiểu bang miền Bắc Hoa Kỳ lại không cần tới nô lệ. Ngoài ra họ còn dựa vào đức tin tôn giáo mà chống lại sự hiện hữu của chế độ nô lệ nữa. Để phản bác sự chỉ trích của người miền Bắc về vấn đề nô lệ, người miền Nam đã trả lời lại là những người nô lệ miền Nam được đối xử tốt hơn những công nhân miền Bắc làm việc trong các xí nghiệp.

Bên cạnh đó, có những vấn đề có tính cách chính trị khác làm sứt mẻ và chia rẽ giữa những tiểu bang trong một Liên bang lỏng lẻo của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Vào thời gian đó, một người thường tự nhận mình là “người Pennsylvania” (Pennsylvanian) hay là “người Virginia” (Virginian) chứ không phải cùng nhận là người Hoa Kỳ (American) như ngày nay. Những tiểu bang miền Nam đều tự cho mình có cái quyền tự do hoạch định đường lối riêng để phát triển cho tiểu bang của mình được gọi là “Quyền Tiểu Bang” (State’s Rights) và họ có quyền rút chân ra khỏi Liên bang nếu họ muốn. Những tiểu bang miền Bắc thì lại cho rằng cần có một chính quyền trung ương mạnh của Liên bang.

Người phải chịu đựng nhiều nhất trong những vấn đề nan giải của quốc gia Hoa Kỳ lúc đó là ông Robert E. Lee. Ông được sinh trưởng trong một gia đình giầu có và quyền uy nổi tiếng tại Virginia. Cha ông nổi tiếng trong Chiến Tranh Cách Mạng của Hoa Kỳ và là bạn thân của cựu Tổng thống Washington. Mẹ ông là bà Ann Carter, một gia đình vọng tộc nổi tiếng của tiều bang này.

Vợ ông là bà Maria Custis. Bà Maria Custis lại là con gái của một gia đình tiếng tăm của Virginia là gia đình Grorge Washington Park Custis, con nuôi của Tổng thống George Washington.

Ông còn có cái hãnh diện nữa vì ông là người Virginia, một tiểu bang có tới 7 trong số 13 vị Tổng thống Liên bang tính tới thời gian đó, mà trong đó có những người nổi tiếng như George Washington, Patrick Henry, Thomas Jefferson, James Madison.

Bản thân ông là một người cao lớn, đẹp trai, con nhà quyền quý và tốt nghiệp tại trường Đại học Quân sự West Point (Military Academy at West Point) năm 1829. Hiện tại lúc đó ông là Đại tá trong quân đội Liên bang.

Sau khi tốt nghiệp West Point, ông phục vụ trong quân ngũ suốt 15 năm với chức vụ sĩ quan cấp thấp. Ông đã chứng tỏ là một sĩ quan sáng chói trong trận chiến tranh với người Mễ Tây Cơ (Mexican War) và có công lớn đem chiến thắng về cho Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh này. Ông được thuyên chuyển về làm Chỉ huy trưởng của trường Quân sự West Point. Ông ở chức vụ này vài năm, sau đó được chuyển về Texas để đánh nhau với người Da đỏ và bảo vệ vùng biên giới với Mễ Tây Cơ.

Khi ông ở Texas thì South Carolina tuyên bố tách rời ra khỏi Liên bang vào tháng 12 năm 1860. Tới tháng Hai năm sau, Mississippi, Florida, Alabama, Louisiana, GeorgiaTexas cùng tuyên bố tách ra khỏi Liên bang để cùng với South Carolina lập nên một Liên minh được gọi là “Confederacy” (Liên bang miền Nam) của những tiểu bang miền Nam vừa kể. Ông được gọi về Washington D.C và người chỉ huy cũ của ông trong trận chiến tranh với người Mễ Tây Cơ là tướng Winfield Scott đề nghị giao cho ông chức vụ Tư lệnh quân đội của phe “Union” là tên gọi phe Liên minh của những tiểu bang miền Bắc. Ông trả lời là ông chưa sẵn sàng để nhận nhiệm vụ này.

Thật sự ra là ông đang chờ đợi tình hình biến chuyển của tiểu bang Virginia. Lúc này Virginia chưa tuyên bố tách ra khỏi Liên bang. Ông vẫn còn hy vọng là trong những tháng sắp tới tình hình sẽ được giải quyết và tránh được chiến tranh.

Khoảng hai tháng sau, vào ngày 24 tháng Tư năm 1863, ông lại được đề nghị giữ chức vụ như lần trước, đây là lần thứ hai ông được đề cử. Nhưng cùng ngày hôm ấy, Virginia tuyên bố tách ra khỏi Liên bang và cùng đứng chung trong Liên minh “Confederacy” miền Nam.

Giờ quyết định khó khăn của ông đã đến. Và ông đã có sự lựa chọn không thể nào khác hơn. Ông đã từ chối sự đề nghị của Washington D.C với sự giải thích là ông không thể nào tấn công những người trong cùng tiểu bang ông, nơi ông đã sinh trưởng. Và sau đó, ông chấp nhận làm Tổng tư lệnh quân đội miền Nam.

Robert E. Lee cũng biết được cán cân lực lượng của miền Bắc hơn hẳn miền Nam. Quân đội miền Bắc có nhiều lợi điểm hơn miền Nam như:

- Phía “Confederacy” miền Nam chỉ gồm 11 tiểu bang với dân số là 9 triệu người, trong số đó có 4 triệu người là nô lệ.

- Phía “Union” miền Bắc gồm 21 tiểu bang với 23 triệu người.

- Những tiểu bang miền Nam chuyên về canh nông, chỉ có vài con đường xe lửa. Lại nữa, họ không có nổi một cơ xưởng nào chế tạo giầy hay có thể dệt vải để cung cấp quần áo cho dân chúng và quân đội. Mặt khác, những tiểu bang miền Bắc thì chuyên về kỹ nghệ, có nguồn cung cấp vô tận về sản xuất, chuyên chở và tài chính dồi dào.

Sự chọn lựa của Lee dựa trên cảm tính hơn là sự phán đoán về lý trí. Ông nặng về tình gia đình, truyền thống và niềm kiêu hãnh về tiểu bang quê hương sinh trưởng của mình. Ta có thể gặt hái được một kinh nghiệm ở đây, đứng về phương diện quốc gia, một sự chọn lựa sai lầm có thể đưa cả dân tộc vào thảm họa.

Chúng tôi rời khu chiến trường Gettysburg vào buổi chiều để trở lại thành phố Lancaster. Tôi đoán giờ này hai bạn Chấn Oanh đang bận rộn chuẩn bị cho một bữa ăn tối thật thịnh soạn cho tối nay khi chúng tôi trở về đấy ngủ lại thêm một đêm nữa để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình.

Quả không ngoài dự đoán, khi chúng tôi trở về tới nhà thì Chấn Oanh đã gần như hoàn tất bữa cơm thịnh soạn ấy. Đặc biệt bữa cơm tối nay có hai cháu Khánh và Kim từ Philadelphia trở về. Cháu Khánh được sinh ra ở Việt Nam. Khi còn ở trại tỵ nạn trên đảo KuKu (Nam Dương), cháu Khánh còn mới lẫm chẫm biết đi và nay đã trở thành một thanh niên chững chạc. Cháu Kim, một cô con gái xinh đẹp giống mẹ được sinh đẻ ở bên đây. Nhìn hai cháu, tôi mới thấy thời gian đi nhanh thật.

%%%

Sáng sớm hôm sau chúng tôi chia tay gia đình người bạn trong bịn rịn và không quên hẹn ngày tái ngộ. Tôi đã cảm động đến rớt nước mắt khi Chấn tặng riêng tôi một bài thơ dài Chấn làm. Tôi chép lại ở đây:

Bạn Tôi,

. . . (cắt đoạn) . . .
Những lần về thành phố,
Ghé nhà đèn Chợ quán
Trong căn phòng ồn ào tiếng máy
Cười và nắm chặt cổ tay anh
Vì ông Trưởng Sở nhà Đèn
Lúc nào cũng bận,
Tay đầy dầu đang sửa máy với nhân viên

. . . (cắt đoạn) . . .
Giờ đây, đến tuổi “cổ lai hy”
Mừng anh có thời giờ hơn cho chị,
Quây quần bên con cháu
Du lịch đó đây,

. . . (cắt đoạn) . . .
Anh ở miền Tây, tôi ở Đông,
Thỉnh thoảng gặp nhau,
Mừng rỡ chuyện trò,
Câu chuyện mãi nối tiếp không ngưng.

Tri kỷ,
Một đời,
Được mấy ai.

Đặng Minh Chấn
1/2012

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến thăm vườn hoa Longwood Gardens.

Longwood Gardens

Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ.

Vườn hoa được xây dựng trên một thửa đất rộng 1.077 mẫu Tây, với trên 11.000 loại hoa và thảo mộc khác nhau được trồng ở đây. Thật là một cảnh trí với bao “kỳ hoa dị thảo” được đem từ nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như trên thế giới về đây. Bên cạnh đó là những vòi phun nước, những thảm cỏ xanh, hồ nước. Người thưởng ngoạn còn được xem trình chiếu về phim, nhạc với số lượng khoảng 400 lần một năm gồm cả những buổi đốt pháo bông. Riêng mỗi ngày có chương trình “water dance” (múa nước) theo những điệu nhạc cổ điển Tây phương hay nhạc hiện đại đương thời.

Đứng về mặt lịch sử của vườn hoa này thì khởi đầu vào năm 1700 khi một gia đình Quaker tên Peirce mua thửa đất này từ chủ nhân là William Penn. Dòng họ Peirce đã xây dựng một trang trại trồng cây vào năm 1798. Đến năm 1850 trại trồng cây này được coi như một trại cây sưu tầm được nhiều loại cây quý giá nhất của quốc gia. Nó cũng đã mau chóng trở thành một “công viên” công cộng có giá trị cả về phương diện mỹ thuật lẫn giá trị về nghiên cứu thực vật. Sau đó trại cây được bán cho gia đình Pierre du Pont (gốc Pháp) vào năm 1906, lúc đó Pierre 36 tuổi.

Kể từ năm 1907 tới năm 1930 ông Du Pont đã xây dựng nên một vườn hoa đẹp đẽ với kiến trúc và sự bố trí quang cảnh của nhiều khu vườn hoa gần giống như những gì ta thấy ngày nay. Vì đi nhiều nơi trên thế giới nên ông đã có cơ hội tìm hiểu, học hỏi về một số công trình nổi tiếng từ những vườn hoa, lâu đài, hoàng cung sang trọng vùng Âu châu, Á châu, Trung đông, hay từ các vùng tuyết lạnh tới vùng nhiệt đới hay sa mạc. Ông đã mang về đây biết bao nhiêu kiến thức và cây thảo mộc quý hiếm từ những vùng ông đã đi qua để xây dựng riêng cho ông một cảnh quang hỗn hợp, hài hòa riêng biệt cho khu vườn của ông.

Tới năm 1946 khu vườn này được hoạt động như một “foundation” dưới tên Dupont. Ông Dupont qua đời vào năm 1954. Sau khi ông Dupont chết, người ta phải mướn một một “giám đốc” để thay thế ông trông nom khu vườn. Và cũng từ đó trở đi, khu vườn đã trở nên một nơi tuyệt đẹp để mọi người đến thưởng lãm và học hỏi.

Chúng tôi vừa tới cổng khu vườn Longwood Gardens đã thấy ngay một khu đất phía trước và bên hông cổng vào được trồng nhiều loại hoa màu sắc thật rực rỡ làm du khách cảm thấy thích thú ngay từ giây phút ban đầu.

Vừa mua vé xong, chúng tôi được hướng dẫn vào phòng kế bên để xem đoạn phim dài chừng mười phút. Đoạn phim này trước tiên giới thiệu lịch sử của vườn hoa Longwood từ ngày mới thành lập. Sau đó là phần giới thiệu quang cảnh vườn hoa thay đổi theo bốn muà. Mỗi mùa có những loại hoa, cảnh trí, màu sắc và sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật theo mùa ấy. Và cuối cùng là phần hướng dẫn du khách đi thăm ngôi “nhà kính” to lớn và kỳ thú, nhạc viện, những con đường thơ mộng uốn lượn theo những bờ hồ, những hồ có vòi phun nước “water dance” tân kỳ nhún nhẩy theo điệu nhạc, lung linh dưới sự thay đổi của ánh đèn màu chiếu vào.

Cũng kế ngay phòng tiếp khách (lobby) và ngay đằng sau quầy bán vé là một phòng lớn cung cấp những chi tiết hay tin tức (information) mà du khách muốn biết. Tại đây cũng bán hàng lưu niệm và sách có liên quan đến vườn hoa Longwood Gardens.

Khi vừa qua khu vực bán vé chúng tôi bước vào trong sân khu vườn. Vườn hoa được mở rộng ra. Trong vườn, nhiều con đường gạch đỏ hay tráng xi măng chạy theo một lộ trình đầy nghệ thuật. Bên các con đường ấy là những vườn hoa đủ loại, đủ màu sắc được sắp xếp sao cho những “mảng” màu sắc ấy thật hài hòa với nhau. Để thưởng thức cho hết cảnh đẹp ấy và để chụp hình chúng ta cũng phải mất cả giờ đồng hồ.

Càng đi về phía sâu của vườn, chúng ta càng thấy mình đi gần với cảnh trí thiên nhiên: nào với những cây lớn mọc rải rác trên đồi xanh; nào với những cây liễu rủ bên hồ. Trong hồ vài con ngỗng trắng hay thiên nga bơi lội thảnh thơi trong đó. Rải rác đây đó vài khu có nhiều cây cao hợp lại như một cánh rừng nho nhỏ. Vào mùa thu, những cây lá đỏ, lá vàng làm rực rỡ cả khu rừng ấy. Ngồi trên ghế đá, dưới tàn cây lớn, nhìn sóng nước lăn tăn trong hồ, nhìn những con thiên nga bơi lờ lững và nghe chim hót thì quả thực đó là thởi gian mà ta có thể tận hưởng được sự thanh bình đến lắng đọng.

Chúng tôi cứ thảnh thơi đi thong dong trong khu vườn rộng. Sau đó ghé vào ngôi “nhà kính” lớn có kiến trúc rất đẹp, đồ sộ, mái thật cao và được trang trí thật nguy nga.. Trong ngôi “nhà kính” này cũng có hồ, có suối chảy róc rách.

Ngôi nhà này được chia ra làm nhiều khu vực. Có khu trồng những loại hoa lan, có loại ta thường gặp, có loại hiếm quý. Có khu trồng những cây miền hàn đới. Có khu trồng những cây thuộc vùng Địa Trung Hải và sa mạc, ta được thấy nhiều cây “xương rồng” có hình dáng kỳ lạ mà ta có thể chưa từng thấy bao giờ. Có khu trồng những cây vùng nhiệt đới rất quen thuộc với tôi, có lúc tôi đứng lặng nhìn vài khóm cây mà tôi thường gặp ở quê nhà. Có khu mà khi ta bước vào ta cứ tưởng như ta đang bước vào vườn “thượng uyển” của một cung điện bên Âu Châu. Có khu triển lãm hàng vài chục cây “bonsai” lâu đời hàng trăm năm. Nhiều thứ để xem lắm. Nếu chúng ta đi cho hết ngôi “nhà kính” này thì cũng phải mất đến cả giờ.

Chúng tôi ra khỏi “nhà kính”, ngồi nghỉ chân trên một “terrace” ngay phía trước nhà kính. Trên “terrace” này có nhiều hàng ghế dài được xếp ngay ngắn và có hàng lối. Từ đây ta có thể nhìn xuống một khu vườn cây cảnh rộng lớn ngay phía dưới. Những cây cảnh này gồm những cây xanh được cắt tỉa theo những hình khối kỷ hà, vuông, chữ nhật, tròn, hình côn hay xoắn ốc rất đẹp và trông rất lạ mắt.

Chúng tôi xuống khu vườn phía dưới chụp vài tấm ảnh rồi lững thững ra về trong nuối tiếc và tự hứa sẽ có ngày trở lại để thăm tiếp vườn hoa Longwood Gardens này.

Cũng thật tình cở một cách thích thú là khi đi ngang qua “nhạc viện”, chúng tôi được xem một màn múa nước “water dance” thật ngoạn mục vừa bắt đầu khởi diễn. Nước được phun lên từ hồ phun nước (fountain) bằng một hệ thống “thuỷ động lực” (hydraulic) qua 750 vòi phun với áp suất cao. Nước có thể phun cao lên tới 130 feet. Hồ phun nước này là hồ phun chính của vườn hoa. Được xem những “show” nước nhẩy múa này làm tôi liên tưởng tới hồ nước phun tương tự như ở Las Vegas trước khách sạn Bellagio, nhưng tất nhiên là hồ nước phun ở vườn hoa này thì nhỏ hơn rất nhiều. Ngồi nhìn nước múa theo nhạc điệu của những bản nhạc cổ điển Tây phương êm dịu cũng đủ mang đến cho du khách nhiều thích thú. Màn biểu diễn múa nước vừa rồi như gửi đến chúng tôi một lời tạm biệt trước khi chúng tôi rời nơi đây.

Chúng tôi lái xe tới thành phố lớn để thuê khách sạn nghỉ lại đêm nay và cũng để chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày mai, tiếp tục tiến về phía Bắc của miền Đông Bắc Hoa Kỳ.

Trên đường lái xe về chúng tôi không quên ghé vào một thị trấn nhỏ mang tên Hershey để thăm một cơ xưởng sản xuất kẹo “chocolate” mang hiệu Hershey trên đường Chocolate Avenue.

Hãng chocolate này do ông Milton Hershey Snavely thành lập vào năm 1903.

Khi vừa bước vào nơi văn phòng tiếp khách, chúng tôi thấy ngay một bức ảnh 3 chiều (3D) in hẳn lên một bức tường lớn. Bức ảnh chụp ông Hershey với vài thanh thiếu niên. Bức ảnh nhìn thật sống động và nổi bật lên như thật. Tôi “quê mùa” định ghé ngồi nghỉ chân vào thềm đá thì mới giật mình biết là đó chỉ là tấm ảnh phẳng.

Chúng tôi được dẫn đi xem những thiết bị, máy móc được triển lãm trong phòng trưng bày “lịch sử” của hãng kẹo chocolate Hershey. Trong phòng trưng bày này, ta có thể hình dung và gợi nhớ lại một số hình ảnh của những thỏi kẹo được sản xuất từ những năm rất xa xưa với giá tiền chỉ tính bằng xu (cent). Chúng tôi được xem phim ảnh chiếu giới thiệu tiến trình sản xuất của vài loại kẹo thường gặp.

Bên cạnh phim ảnh với nội dung về sản xuất kẹo chocolate, chúng tôi còn được xem một đoạn phim rất thích thú với những hình ảnh mà hãng kẹo Hershey đã chăm lo cho công nhân làm việc của họ ra sao. Ngay từ ban đầu, khi vừa lập hãng xưởng sản xuất, ông Hershey đã tạo nhiều điều kiện tiện nghi và xây dựng một cộng đồng tốt đẹp cho công nhân làm việc ở đây. Ông đã phục vụ công nhân của ông bằng cách xây cất những khu nhà khang trang bán trả góp với giá trả hàng tháng thấp hơn đi thuê; xây dựng trường học cho con em, câu lạc bộ thể thao, nhà nuôi trẻ mồ côi, “nhà hát lớn” rộng tới 6 mẫu tây với rạp chiếu phim và cả phòng khiêu vũ sang trọng; sân vận động có thể dùng làm nơi hòa nhạc ngoài trời. . . Cộng đồng công nhân ấy vẫn tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.

Chúng tôi cũng được thực tập, mỗi người làm một cái kẹo chocolate hình “bán cầu” to bằng nắm tay, có thành rất mỏng như nửa quả bóng cao su nhỏ.

Kết luận:

Sau vài ngày lang thang trên tiểu bang Pennsylvania chúng tôi gặt hái được nhiều điều thích thú, được xem nhiều cảnh đẹp, được chiêm ngưỡng nhiều di tích lịch sử, biết được những khó khăn của thời lập quốc cùng với bao sự hy sinh của những lớp người đi trước. Cách đây cả hơn 200 năm, có những khối óc tuyệt vời đã xây dựng cho đất nước này một nền tảng căn bản cho hệ thống điều hành quốc gia “tự do dân chủ” trong tinh thần của một chính quyền mạnh của dân, do dân và vì dân với một hiến pháp dựa trên tam quyền phân lập một cách phân minh mà nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay đang noi theo như một kim chỉ nam trên con đường tạo dựng nền tự do dân chủ cho xứ sở mình. Chúng tôi được đến thăm những địa danh nổi tiếng mà ở nơi đó đã từng diễn ra những trận chiến khốc liệt nhưng cũng đầy oanh liệt của thời kỳ Chiến tranh Cách mạng và của thời Nội chiến Hoa Kỳ.

Chúng tôi cũng được tìm hiểu về nền văn hóa và cách sống hết sức đặc biệt của người Amish; được đi thăm một vườn hoa nổi tiếng về đẹp và lâu đời; một cơ sở sản xuất công nghiệp có một tổ chức “an sinh phúc lợi” tuyệt hảo cho công nhân từ những ngày trước cuộc Cách mạng Liên Xô xảy ra năm 1917.

Tôi nghĩ cho vui, phải chi ông Lenine đến đây thăm cộng đồng công nhân Hershey này trước khi ông hô hào đạp đổ hệ thống Tư bản để thiết lập một xã hội Cộng Sản không tưởng. Tuy nhiên, nói cho cùng và nói cho đúng hơn thì lý thuyết cộng sản quả thực là một phương tiện quá lý tưởng để phục vụ cho một hệ thống cai trị độc tài chuyên chế cho những ai đeo đuổi mục tiêu cai trị ấy. Ngày nay, người Cộng Sản nói “đổi mới” có nghĩa là họ quay trở lại với những cái gì mà họ đã từng ra sức đạp đổ trước đó và quay trở về với cộng đồng nhân loại văn minh.

Và vượt lên trên tất cả, trong chuyến đi thăm tiểu bang Pennsylvania này là chúng tôi thật vui sướng khi được gặp lại gia đình người bạn Chấn Oanh mà chúng tôi đã từng quen biết và đã trở thành những người bạn tri kỷ của nhau trong suốt hơn 40 năm qua. Cám ơn bạn Chấn đã tặng tôi một bài thơ, một bài thơ mà tôi sẽ không bao giờ có thể quên được. Thật quý thay cho một tình bạn vĩnh cửu!

NGUYỄN GIỤ HÙNG

***

Vài hình ảnh trong vườn hoa Longwood Gardens

***

Ghi chú

(1) Sáu tiểu bang thuộc New England: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, Connecticut.

(2) Mười một tiểu bang thuộc The South: Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Mississippi, Tennessee, Kentucky, Louisiana, Arkansas.

(3) * Đệ nhất Quốc hội Lục địa được triệu tập ngắn hạn để đối phó với Vương quốc Anh vừa thông qua những đạo luật không khoan nhượng (intolerable acts) đối với người thuộc địa. Nếu người Anh không chấp thuận giải quyết thì sẽ triệu tập Đệ nhị Quốc hội Lục địa.

* Đệ nhị Quốc hội Lục địa nhóm họp năm sau đó để giải quyết những vấn đề phòng vệ và điều hành chống lại người Anh qua cuộc Chiến Tranh Cách Mạng và thông qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

* Quốc hội Hợp bang thay thế Đệ nhị Quốc hội Lục địa, sau khi đã hoàn toàn độc lập, để soạn thảo các “điều khoản Hợp bang” hầu thống nhất 13 thuộc địa cũ. Sau đó Bản Hiến Pháp ra đời thay thế những “điều khoản Hợp bang” để có một chính quyền Trung ương mạnh và để tiến đến Quốc hội Liên bangTổng thống qua dân cử như ngày nay.

Tài liệu tham khảo:

- Những dữ kiện lịch sử trong bài này được người viết sưu tầm, chọn lọc và dịch hoặc phỏng dịch từ những nguồn sử liệu Hoa Kỳ

- Hình ảnh lấy từ Internet và do người viết bài chụp.

Trở về đầu trang