BÒ CẠP: Thức ăn và vị thuốc.

 Trần Minh Quân

https://thumbs.dreamstime.com/z/corpions-snack-insects-street-market-bangkok-thailand-photo-taken-november-fried-scorpions-snack-insects-118583486.jpg

Ảnh minh họa của Dreamstime.com

Người Tàu tại Quảng Đông có một câu ngạn ngữ: ‘Người Hoa ăn tất cả những gì bay được, trừ máy bay; tất cả những gì có 4 chân, trừ cái bàn và tất cả những gì bơi được, trừ cái tầu ngầm..’ và do đó khách du lịch trong kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 đã có dịp thưởng thức các món ăn kỳ dị, có thể quái đản mà người Trung Hoa quảng cáo là rất bổ dưỡng như phổi dê, đuôi kỳ đà, bọ hung, óc chó, nhọng tằm, hải mã… Một trong số các món này là món bọ cạp nướng, xâu thành từng que như kiểu kebab grill của các nước Tây Phương.

Tác giả Jerry Hopkins trong tập sách ‘Strange Foods’ đã viết về cảm giác khi thưởng thức món bọ cạp như sau: ‘Lần đầu tiên tôi ăn món bọ cạp là tại một nhà hàng nổi tiếng ở Singapore, chỉ cách khách sạn Raffles chừng 2 phút đi bộ. Đó là nhà hàng Imperial Herbal Restaurant , một nhà hàng sang trọng, nơi gặp gỡ của những nhà Đông dược sĩ Trung Hoa và những người muốn ăn theo các phương pháp dinh dưỡng trị liệu. Món bọ cạp tẩm rượu chiên giòn ăn với măng tây (deep-fried drunken scorpions with asparagus) là một trong những món đặc biệt được bán với giá 3 USD một con. Bọ cạp được ngâm rượu vang, lăn bột rồi chiên giòn và ăn nguyên con kể cả phần kim nhọn chứa nọc nơi đuôi..’ Bọ cạp tại nhà hàng tương đối nhỏ, chỉ dài chừng 5 cm đo từ càng đến chấm đuôi.., khi cắn rất giòn và có lẽ tan ngay trong miệng khi vừa nhai, với vị vừa bùi vừa béo, nhấp chung với rượu nho Chardonnay. Hopkins cũng giới thiệu một món bọ cạp tại Hoa Kỳ là món ‘bọ cạp bọc kẹo'(Scorpion candy) do Công ty Nevada W&S Corp 7 Switchbud Pl, # 192178, The Woodlands, TX 77380 chế biến, được quảng cáo là chế tạo bằng bọ cạp ‘đã nấu chín và chế biến cẩn thận’, có thể mua bằng đường bưu điện, đặt hàng qua điện thoại

Trong khoa Tử Vi Tây Phương, cung Scorpius hay Hổ Cáp, với hình tượng bọ cạp, chiếm một trong 12 cung số dành cho những người sinh từ 24 tháng 10 đến 22 tháng 11. Người trong cung số này thường được xem là thich mạo hiểm và gan lì.

Đặc tính sinh học:

Bọ cạp là động vật trong ngành thân có đốt (arthropod), lớp Arachnida (bao gồm nhện,ve, bét..).Có khoảng 2000 loài bọ cạp, phân bố rộng rãi nhất tại những vùng phía nam của vĩ tuyến 45 Bắc ngoại trừ Tân Tây Lan và Nam Cực.

Thân bọ cạp chia làm hai phần: phần đầu-ngực (prosoma) và phần bụng (opisthosoma), phần bụng này gồm cả bụng dưới (mesosoma) và đuôi metasoma).

Phần đầu-ngực là phần ‘đầu’ của bọ cạp gồm bộ vỏ thân hay giáp, mắt, bộ miệng hay kìm miệng, chân kìm hay kẹp và bốn đôi chân để di chuyển. Bộ giáp của bọ cạp dầy và chắc, giúp bảo vệ bọ cạp chống lại kẻ thù. Bọ cạp có 2 mắt trên đỉnh đầu và từ 2 đến 5 đôi mắt khác dọc theo góc trước của đầu. Vị trí của mắt tùy thuộc độ cứng hay mềm của đất nơi bọ cạp sinh sống.

Phần bụng dưới, thường gọi chung là đuôi, gồm 6 đốt. Đốt cuối cùng chứa hậu môn và bộ phận chích (telson) gồm một túi chứa, một đôi tuyến độc và mũi chích.

Đa số các loài bọ cạp sinh sản theo phương thức hữu tính, và có đực- cái riêng biệt, ngoại trừ vài loài như Hottentotta, Tityus.. có cách sinh sản vô tính kiểu parthenogenesis. Sự sinh sản do truyền giống sẽ khởi đầu khi bọ cạp đực chuyển bào tinh (spermatophore) sang con cái. Trước khi giao phối, đôi bọ cạp cần trải qua một số tiến trình ‘ve vãn’ như xác định vị trí và giới tính của nhau qua các rung động, hóa chất tiết ra… Con đực sẽ giữ chân sờ của con cái và đôi bọ cạp sẽ cùng nhẩy một vũ điệu, ‘promenade à deưx’ (thật ra đây là phương thức để con đực tìm một vị trí thích hợp để đặt bào tinh), ngoài ra trong cuộc ve vãn còn có một số hành động khác như rung động thân, đặt chân kìm của con đực vảo chân kìm con cái (như hôn), và có khi con đực chích một ít nọc vào thân con cái. Cuộc ve vãn ái ân này có thể kéo dài từ 1 đến 25 giờ tùy theo con đực tìm ra nơi đặt tinh bào nhanh hay chậm. Khi tìm được vị trí thích hợp, con đực đặt túi bào tinh và hướng dẫn con cái giữ túi để tự đưa vào nắp sinh dục của mình. Sau khi kết hợp, bõ cạp đực sẽ rút lui thật nhanh để tránh bị ăn thịt.

Khác với đa số sinh vật thuộc loài Tri-thù (nhện) đẻ trứng, bọ cạp đẻ con, sinh từng con một và mang con trên lưng trong một thời gian ít nhất là một kỳ lột vỏ. Số bọ cạp con sinh ra trong một lứa thay đổi tùy loài và tùy môi trường chung quanh, trung bình khoảng 8 con/ lứa nhưng cũng có loài sinh đến 100 con. Bọ cạp con rất giống bố mẹ, lớn bằng cách lột vỏ, thường trưởng thành sau từ 5 đến 5 kỳ lột vỏ. Trong mỗi kỳ lột vỏ, lớp vỏ mới rất mềm nhưng sau đó cứng dần theo tiến trình keratin hóa.

Bọ cạp có thể sống 4-25 năm (loài Hadrurus arizonensis thọ 25 năm). Trong thiên nhiên, loài Hadogenes sống được 25-30 năm.

Bọ cạp thích sống tại những vùng nhiệt độ thay đổi từ 68 đến 99 độ F (20-37 độ C), nhưng vẫn chịu được nhiệt độ đông lạnh và sức nóng nơi sa mạc. Chúng sinh hoạt vào ban đêm và ban ngày đào hang tìm nơi trú ẩn hay nấp dưới khe đá dể ban đêm chui ra ăn và săn mồi; chúng sợ ánh sáng, có lẽ giúp chúng tránh được các kẻ thù như chim, chuột, thằn lằn.. Bọ cạp ăn sâu bọ và những động vật thân khớp nhỏ, dùng càng để bắt con mồi và tùy loài có thể dùng càng để nghiền mồi hay dùng ngòi chích để làm mồi tê liệt trước khi dùng chân kìm (chelicerae) để nhai, chúng chỉ tiêu thụ được thực phẩm dưới dạng lỏng.

Vài loài bọ cạp đáng chú ý:

Tại Hoa Kỳ, bọ cạp thường gặp tại vùng phía Nam Arizona trong khu vực kéo dài từ vùng Trung Texas sang đến Trung Oklahoma. Loài Centruroides vittatus, hay bọ cạp vằn, thuộc họ sinh vật Buthidae, có lẽ là loài thường gặp nhất tại Hoa Kỳ, tập trung nhiều nhất tại Texas và có mặt trong vùng từ Bắc Mexico sang đến Nam Colorado, Kansas, Missouri và Louisiana. Bọ cạp vằn lớn trung bình 5.2 cm, có thể đến 7.5 cm, thân màu từ vàng nhạt đến xậm hơn, có 2 vằn đen khá rõ nơi phần bụng trên, đuôi mỏng manh. Chúng có thể sinh sống cả trong nhà lẫn ngoài thiên nhiên, sinh sản trung bình mỗi lứa 30 con, và có thể đến 50 con. Bọ cạp vằn có thể tấn công người khi bị đụng. Nọc độc thuộc loại độc tố ảnh hưởng trên hệ thần kinh, gây khó chịu cho người bị chích nhưng không gây tử vong. Bọ cạp giống Vaejovis có mặt trong vùng Georgia, Carolina, Tennessee và cả ở California..Parunoctonus boreus gặp tại vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ và Canada. Bọ cạp có mặt tại 31 tiểu bang, kể cả Hawaii (Isometrus maculatus) nhưng không có tại khu vực phía Đông Hoa Kỳ, nơi đã trải qua thời kỳ đóng băng Pleistocene. California và Arizona là những nơi tập trung nhiều giống bọ cạp nhất..

Tại Anh, có 5 quần tụ bọ cạp Euscorpius flavicaudis có lẽ chúng theo trái cây nhập cảng từ Phi Châu sang. Đây là loài bọ cạp nhỏ và vô hại đối với người.

https://www.australiangeographic.com.au/wp-content/uploads/2018/06/Cercophonius_squama.jpg

Ảnh minh họa của australiangeographic.

Bọ cạp có mặt tại Úc nhưng lại hoàn toàn vắng bóng tại Tân Tây Lan..

Việt Nam cũng có nhiều loài bọ cạp, đa số thuộc các chi Buthiurus và Heteronetrus. Bọ cạp nâu loài Lychas mucronatus gặp rất phổ biến từ Quảng Trị xuống đến Biên Hòa, Phan Thiết. Bọ cạp rừng Pelamnerus silenus, dài chừng 12 cm, phân bố rộng tại miền núi và cả ngoài hải đảo. Loài thường dùng làm thuốc là bọ cạp thân nhỏ Archisometrus mucronatus, chỉ dài 5-6 cm; riêng loài Buthus martensii là loài dùng làm thuốc trong Đông dược vẫn phải nhập cảng từ Trung Hoa.

Bọ cạp trong các nghiên cứu khoa học:

Nọc độc trong vòi chích của bọ cạp là chủ đề được nghiên cứu nhiều nhất về hoạt tính cũng như về ứng dụng, nếu có thể được, để làm thuốc.

Nọc độc của bọ cạp:

Tất cả các loài bọ cạp, được biết cho đến nay, đều có nọc độc. Bọ cạp dùng nọc để giêt hay làm tê liệt con mồi trước khi ăn thịt.

Trong hơn 2000 loài bọ cạp, đa số khi chích người chỉ gây ra những cảm giác đau nhẹ như bị ong chích. Chỉ có 50 loài có độc tố gây các tác hại toàn diện cho người, và trong số này (đa số thuộc họ Buthidae) chỉ có chừng 25 loài là có khả năng chế tạo đủ lượng chất độc để có thể gây tử vong. Tuy nhiên vẫn có hàng ngàn trường hợp bị phản ứng nặng và chết do bọ cạp chích xẩy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Đa số các trường hợp tử vong xẩy ra nơi trẻ em, người lớn tuổi và người tàn tật tại các vùng nông thôn ở Phi Châu, Nam Mỹ và Mexico là những nơi có rất nhiều bọ cạp. Riêng tại Mexico, mỗi năm có đến khoảng trên 250 ngàn trường hợp bị bọ cạp chích. Bọ cạp rất ít khi tự động tấn công người, chúng chỉ phản ứng tự vệ khi bị đè, chặn hay săn bắt, thường chúng hay chui vào giầy, dép để ngoài nhà để ẩn tránh và sẽ chích lúc chủ nhân xỏ chân vào giày. Hai trong số các bọ cạp có nọc độc nguy hiểm nhất là loài L. quinquestratus, được gọi là deathstalker scorpion (tử thần rình-rập) và Androctonus = fat-tailed scorpion (bọ cạp đuôi mập), chúng cũng là những thủ phạm gây chết người nhiều nhất. Cả hai đều sinh sống tại các vùng sa mạc và đồng cỏ ở Bắc Phi Châu và Trung Đông gây khoảng trên 75% các trường hợp chết vì bị bọ cạp chích mỗi năm trên thế giới. Tuy bọ cạp có thể gây chết người nhưng trong phần lớp các trường hợp bị chích, nạn nhân thường bị cảm giác khó chịu kèm theo các phản ứng toàn thân như nôn mửa, bắp thịt co tê, mắt mờ sợ ánh sáng, chảy nưóc bọt, khó nuốt và tinh thần bất ổn..

Tại Hoa Kỳ, trong số 30 loài bọ cạp địa phương chỉ có loài Arizona bark scorpion là có khả năng gây chết người : tùy số lượng nọc độc tiết ra bark scorpion có thể gây các vết thương rất đau và sưng to, gây tử vong nơi chừng 1% người lớn không chữa trị và khoảng 25% trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Arizona mỗi năm có hàng ngàn trường hợp bị bọ cạp chích nhưng không đưa đến bệnh viện vì không có thuốc trừ nọc bọ cạp. Theo Arizona Poison Center thì chỉ đưa trẻ em đi cấp cứu khi trẻ bị khó thở và đau quá mức, và thường các phản ứng sau khi bị bọ cạp chích sẽ mất dần sau 24-48 giờ.

Một bản báo cáo đang trên báo Lancet 2007; 370 :1664 ghi nhận một trường hợp trẻ em 10 tuổi, tại Ấn Độ bị bọ cạp Mesobuthus tamulus chích được đưa đến bệnh viện sau gần 24 giờ vì ở nơi quá xa (46 km).. Khi đến bệnh viện, em ở trạng thái sưng phù người, khó thở, nhịp tim lên đến 188, áp huyết xuống ơ 70 và nhịp thở là 60/ phút.. Em được chữa trị bằng furosemide 20 mg, IV, aminophylline 50 mg và prazoxin 250 mcg (uống) sau đó tiêm truyền dobutamine 10mcg/kg/ phút trong 12 giờ.. Em được xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Nọc độc của bọ cạp là một hợp chất thuộc loại protein có tác động gây hủy hoại hệ thần kinh (ngoại trừ nọc của Hemiscorpius lepturus có hoạt tính gây hoại tế bào). Muốn có 1 gram nọc độc phải cần đến 8000 con trong một lần.

Nọc gồm những một nhóm các peptides = chuỗi acid-amin, dây ngắn có khả năng úc chế “cổng” potassium (K+ channel blocking): một vai trò sinh lý quan trọng của KCNA3 (hay Kv1.3) là giúp giữ một thăng cấp điện tử, cần thiết cho việc chuyển vận các ions như Ca 2+ kiểm soát sự bội sinh các tế bào T lymphô. Do đó các chất chặn Kv1.3 có thể là những chất ức chế miễn nhiễm dùng để trị các bệnh do nhiễu loạn hệ đề kháng như chứng tự đề kháng (autoimmune disorders).

Các độc tố đang được nghiên cứu:

Chlorotoxin là một peptide gồm 36 acid amin, tìm được trong bọ cạp Leiurus quinquestrians, có hoạt tính chặn một số “cổng” Chloride nhỏ. Chlorotoxin có ái lực kết bám vào các tế bào glioma, có thể giúp khám phá ra những phương pháp mới để chữa trị và thử nghiệm truy tìm một số loại ung thư.

Maurotoxin từ nọc của loải bọ cạp Tunisia Scorpio maurus palmatus Maurotoxin là một peptid gồm 34 acid amin liên kết bằng 4 cầu di-sulfid, tác động trên các “cổng” K+ của hệ thần kinh.

Các nghiên cứu sinh học về bọ cạp gần đây ghi nhận bọ cạp có thể tiết ra cùng một lúc hai loại độc tố khác nhau: trong giai đoạn đầu, một loại độc tố nhẹ (có thể gọi là tiền độc tố=pretoxin) gây tê cứng con mồi và sau đó là một độc tố mạnh hơn, dịch lỏng như sữa để có thể giết con mồi. Bọ cạp có thể phóng độc tùy đối tượng để tiết kiệm độc tố.

Bọ cạp dùng làm thực phẩm:

Nhân loại đã biết dùng côn trùng làm thực phẩm từ thời xa xưa: Châu chấu, cào cào, ong, mối.. đã có trong thực đơn của nhiều dân tộc, nhưng bọ cạp do hình dạng và nọc độc thì chưa được phổ biến rộng rãi mãi cho đến những năm gần đây.

Cũng như một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Kampuchea, tại Việt Nam từ khoảng 1980 đã có ‘phong trào’ dùng bọ cạp làm món ăn nhậu. Bắt bọ cạp đã trở thành một phương thức sinh sống của nhiều gia đình tại xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Đây là miền ‘đất hứa’ của bọ cạp, chúng sinh sôi nhiều đến mức có thể gặp tại bất cứ nơi nào dưới các tảng đá. Mỗi ngày có thể bắt được từ 1-2kg (1kg bọ cạp có từ 60 con loại to hoặc 85 con loại nhỏ) và bán được từ 55 đến 85 ngàn/ kg cho các Nhà hàng đặc sản tại Sài Gòn để chế biến thành bọ cạp chiên giòn, bọ cạp chiên bột, bọ cạp rang me với giá 10 ngàn 1 con (Thư Sàigòn, VietBao on line số 379 ngày 8/6/2005) . Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Sinh Vật Việt Nam hiện đang tổ chức nuôi và khai thác nọc bọ cạp, tuy nhiên chưa có những báo cáo cụ thể về kết quả kinh tế.

Giá trị dinh dưỡng của bọ cạp:

Theo kết quả phân chất tại Federal College of Agriculture, Akure, Ondo State Nigeria( Journal of Entomology số 3, 2006, trang 156-160)

100 gram bọ cạp loại đuôi mập Androctonus australis chứa:

– Calories 331

– Chất béo 10.83 g

– Chất đạm 52.91 g

– Chất sơ 9.81 g

– Carbohydrate 5.61 g

– Kẽm 5.22 mg

– Sắt 13.7 mg

– Sodium 43.3 mg

– Magnesium 49.5 mg

– Calcium 59.5 mg

– Potassium 68.5 mg

Xét chung bọ cạp cung cấp nhiều protein hơn rết, cào cào và mối, đồng thời chứa nhiều chất béo hơn. Lượng Calcium trong bọ cạp cao hơn là trong chanh và đu đủ (39-49 mg/100 gram) nhưng thấp hơn thịt cá rô phi (281 mg/100gram cá). Các khoáng chất khác cũng tương đối cao khi so với một số cá nước ngọt khác tại Phi Châu).

Bọ cạp trong Y học cổ truyền:

Y dược học cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên.. dùng bọ cạp làm thuốc. Loài dùng làm thuốc tại Trung Hoa là Buthus martensi phân bố tại các vùng Hồ Nam, Sơn Đông, Hồ Bắc, An Huy. Khi dùng cả con, vị thuốc được gọi là Toàn yết (Nhật dược gọi là zenkatsu, Triều tiên là Chônhôi). Khi chỉ dùng phần đuôi, vị thuốc được gọi là Yết vĩ. Vị Toàn Yết đã được ghi chép trong ‘Thái Bảo bản thảo’

Vị thuốc là bọ cạp được bắt vào các mùa Xuân-Hè, thả ngay vào nước hay nước pha muối, đun sôi trong vài giờ, vớt ra rồi phơi cho khô.

Bọ cạp được xem là có vị mặn/ ngọt, tính bình, có độc tác động vào các Kinh-Mạch thuộc Can và có các tác dụng ‘trấn kinh’, ‘khu phong’..

Toàn yết có tác dụng:

Khu phong, làm ngưng động kinh và run rẩy, gây ra do ‘Phong nhập Can’ gây các triệu chứng kinh giật, co quắp, trẻ em động kinh cấp tính hay kinh niên. Toàn yết được xem là vị thuốc tốt nhất để trừ phong. Thường được dùng phối hợp với Ngô công=Rết (Scolopendra Subspinipes) để trị trúng phong gây méo miệng, hoặc phối hợp với Linh dương giác= Sừng linh dương (Cornu Antelopes), Hoàng liên để trị nóng sốt gây co giật..

Trấn áp và trừ ‘Hỏa độc’, phá ứ. Dùng thoa ngoài để trị các khối u sung làm mủ. Khi dùng thoa ngoài pha trộn thêm bột quả dành dành (Chi tử), và sáp ong.

Trị đau trong các trường hợp Thiên đầu thống (Migraine)

Liều thường dùng: 2.4 đến 4.5g (Khi dùng yết vĩ chỉ dùng 0.9-1.5 g) dưới các dạng thuốc viên hay bột tán (0.6-0.9 g).

Theo truyền thống, yết vĩ được dùng để trị phong giật và các trường hợp sốt cao gây co giật, còn toàn yết được dùng để trị bán thân bất toại.

Theo Dan Bensky và Andrew Gamble trong Chinese Herbal Medicine Materia Medica, tại Trung Hoa có một số nghiên cứu về các chế phẩm từ Buthus Martensi với các kết quả được ghi nhận:

Thành phần của Buthus Martensi: Katsutoxin (hay còn gọi là Buthotoxin), trimethylamine, taurocholic acid, lecithin

(Theo nghiên cứu tại Laboratoire de Toxicologie, ĐH Louvain, Bỉ thì nọc độc của Buthus martensi là một peptides có 51 acid amin tác động các “cổng” Na+ của hệ thần kinh)

Hoạt tính trấn kinh (chống co giật): Hỗn hợp với trọng lượng bằng nhau bột Toàn yết và bột Ngô công, khi cho uống, có tác động làm ngưng sự co giật nơi chuột thử nghiệm (sự co giật được tạo ra do strychnine), hoạt tính chống co giật yếu hơn với nicotine, và không xẩy ra khi chuột dùng cocaine.

Toàn yết có hoạt tính an thần nơi hệ Thần kinh trung ương, và không gây ngủ.

Khi cho chó thử nghiệm uống hay chích qua bắp thịt chế phẩm từ toàn yết, áp huyết giảm hạ và kéo dài trong một thời gian khá lâu. Hoạt tính này được giải thích là do gây ra sự giãn mạch và ức chế trực tiếp hoạt động của tim bằng cách chặn các thụ thể adrenergic.

Tài liệu sử dụng:

– Introduction to the Scorpions (S.A Stockwell)

– Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1 (Viện Dược liệu)

– Chinese Herbal Medicine Materia Medica (Dan Bensky & Andrew Gamble)

– The Food Insects Newsletter.

– The Human Use of Insects as a Food Resource (Gene De Foliart)

Tran Minh Quân, 11 tháng Mười 2009

Nguồn: https://www.tvvn.org/forums/threads/b%C3%92-c%E1%BA%A0p-th%E1%BB%A9c-%C4%83n-v%C3%A0-v%E1%BB%8B-thu%E1%BB%91c.3760/

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

letruy: You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s