(Những mẩu chuyện vui buồn thường ngày của một vài thân hữu trao đổi qua vi thư)

26 th.10, 2007 – Võ Văn Hoàng (Aix-en-Provence, France) : Kể chuyện về Tuổi trẻ ngây thơ... Mai Lan và bó hoa hồng...

Tháng 7 vừa qua, hai cháu nội Mai Lan (6 tuổi) và Kim An (4 tuổi), theo ba mẹ và ông bà nội đi ăn đám cưới của Olivier Wiedenhofer và Liliane Van ở Marseille... Tiệc cưới đãi tại La Vieille Charité từ 6 giờ chiều đến sáng hôm sau... Kim An còn nhỏ, chạy chơi vui vẻ với các bạn cùng tuổi, quên cả ăn, Mai Lan thì vừa chạy chơi vừa ghé lại mỗi bàn tiệc xin vài đóa hoa hồng, vừa nói chuyện với các người lớn… rồi vừa chạy chơi cùng Kim An và bạn bè, trong tay vẫn cầm bó hoa hồng cho đến hơn 1 giờ sáng mới ra xe về Aix...

Cháu Mai Lan và bó hoa hồng

Cháu Mai Lan và bó hoa hồng.

Về đến nhà, Mai Lan nhờ bà nội cắm bó hoa hồng trong cái ly có để nước, rồi đi ngủ để sáng mai dậy sớm về lại Paris bằng xe hơi với cả gia đình sau một tháng hè sống với ông bà nội đầy yêu thương cả hai bên...

8 giờ sáng, lên xe, Patrick lại về Paris... Kim An và Mai Lan kể chuyện và thay nhau hát cho ba mẹ và ông bà nội nghe, nhờ vậy mà gần 1000 cây số, không thấy xa và mệt... Ai cũng nhìn Mai Lan với bó hoa hồng chừng 5 cái hoa màu trắng, hồng và đỏ... một nỗi sung sướng hiện ra trên khuôn mặt em bé ngây thơ, dễ thương quá... Bó hoa hồng trong tay, Mai Lan nâng niu từng cái hoa, nhìn hoài và khen đẹp lắm... có lúc lấy cái mũ của Mai Lan để che ánh nắng hè chiếu qua cửa kính xe, sợ hoa héo. Có lúc đổi tay phải sang tay trái, để nằm trên ngực... để bó hoa luôn ở trong người Mai Lan...

Mai Phuơng, bà nội đề nghị cầm dùm Mai Lan, nhưng Mai Lan nói để Mai Lan cầm đến Paris...12 tiếng đồng hồ trên xa lộ, có lúc Mai Lan ngủ, có lúc xe ngừng để nghỉ mệt, ăn trưa... trong tay Mai Lan vẫn cầm bó hoa...

Về đến nhà ở Paris gần 8 giờ tối, trời mưa và lạnh, Mai Lan chạy vào nhà trước, kiếm cái ly để đầy nước, rồi cắm bó hoa đã cầm trên tay từ chiều hôm qua, hơn 30 tiếng đồng hồ, miệng vẫn tươi cười như đóa hoa hồng Mai Lan vừa đem về từ miền nam nước Pháp... Mỗi sáng Mai Lan thay nước để hoa tươi mãi... rồi một tuần sau hoa tàn... Mai Lan vẫn tiếp tục vui sống với tuổi thơ êm đẹp, yêu mến gia đình, bạn bè và bông hoa ...

Một câu chuyện dễ thương biết bao...

Ông bà nội viết tặng Mai Lan... kèm tấm hình chụp Mai Lan cầm bó hoa hồng, phía sau la Vieille Charité, một nơi nhiều lịch sử của Marseille...

22 th.2, 2008 – Nguyễn Thị Lan Phương (Boston, MA) : Bản tin THDL

Đọc BT THDL kỳ nầy qua những bài viết về chuyện cơm ghe bè bạn, chuyện thành lập THDL của các anh và những bài viết về cảm nghĩ của các anh chị về THDL, tôi chắc chắn cũng là một trong những người thật bâng khuâng, nhiều suy nghĩ. Tôi không biết phải viết gì, tôi biết về mình rất rõ, tôi thèm những trận cười nghiêng ngửa "không chênh lêch …", một tình bạn chân thành không gò bó, những cuộc họp mặt thịt kho dưa giá, những cuộc nói chuyện trên trời dưới đất, những tâm sự vụn vặt...

Vậy thì tui xin được đáp lại lời kêu gọi "ơi ới" của các anh biên tập: anh Thuần, anh Dũng, anh Dậu, … viết, viết bà con ơi ... Trước để cám ơn anh Thuần, kế là anh Dũng, anh Dậu, và tất cả các anh chị của năm một ngàn chín trăm... hồi đó đã thành lập THDL đầu tiên, cũng cám ơn các chị đã cũng rất "xẩu mình" để các anh "làm trời làm đất" với vợ con qua những lần đi trễ về sớm và những khó khăn bực mình mà các anh mang về nhà "làm quà" cho các chị ... Thôi cho tui gọi mấy anh nầy là "Những Anh Chàng Ngự Lâm Quân Pháo Thủ" vậy.

Chắc các bạn còn nhớ câu chuyện đời xưa một gia đình nghèo: ông chủ nghèo, bà chủ nghèo, ông tài xế nghèo, anh làm vườn nghèo... Ngày nay có một gia đình lớn, có nhiều người không ai biết ai nhưng rất dễ thương ơi là dễ thương : cha dễ thương, mẹ dễ thương, các con dễ thương, dâu và rể cũng rất là dễ thương, mà không ai là lớn, không ai là nhỏ, một gia đình mà mọi người đều giống nhau, dù tuổi tác không giống nhau, mọi người đều có gia đình và cuộc sống riêng và đủ mọi thứ nghề nghiệp nhưng hàng năm đều cố gắng họp mặt nhau một lần để biết và nhắc nhở với nhau rằng "tụi mình cùng một cha một mẹ, nếu có ai hỏi tên cha mẹ chúng ta là ai, chúng ta có quyền trả lời rằng "ba má tui tên họ Nhà Đèn Việt Nam."

Tui xin phép được viết những dòng chữ nầy đến các anh chị để nói lên sự kính trọng, lòng quý mến và sự biết ơn của mình rằng nhờ có nhóm THDL nầy mà tui đã gặp lại gần như tất cả các bạn cũ, tình bạn chúng tôi càng gần gũi và thông cảm nhau dễ dàng hơn, nhờ THDL mà tui cũng được biết nhiều anh chị "của mình" và thêm được những người bạn mới thật chí tình, những người bạn mà lúc nào cũng "ừa, tui nè..." hoặc "bà ngoại hả, ông nội bà nội nè..." hoặc "chị P hả, nè tui đã nói vụ chị không có bản tin THDL đó nha, chờ đi, không có thì cho tui hay", hoặc "bà với mấy đứa nhỏ ra sao, chừng nào tới đây hú tui với ông T một tiếng – tour guide của tui lúc tui mới đến Boston nầy", hoặc "tui nói lén cô H để nói với cô điều nầy - email cho tui và copy cho cô H ... ha ha", và "tìm được một người bạn không phải dễ ..." và ngon lành hơn là điều lệ của "gia đình" là tất cả gọi nhau bằng anh chị, kể cả Bác Phát cũng phải qua cái quy luật nầy… Mà thôi Bác Phát ơi, cháu và một vài chị có bàn đến vụ nầy, tụi cháu cũng muốn cố gắng theo luật lệ nhưng rồi cuối cùng tụi cháu đồng ý "làm ơn xin đừng gọi Bác Phát bằng anh" …

8 th.3, 2008 – Cao Thị Liên Hương (Calgary, ALB, Canada) : 25 thành phố dơ bẩn nhất thế giới.

Anh Tùng, Tôi đang ở trên thành phố Calgary đây. Danh sách chỉ đưa ra 25 thành phố nên tôi không biết thành phố tôi ở là đệ nhất dơ bẩn, đệ nhất về đời sống hay đệ nhất về nhà cửa.

Độ mười năm trước chắc thành phố này có thể hãnh diện về hệ thống sức khoẻ. Đi bác sĩ không tốn tiền, chỉ đóng một ít tiền bảo hiểm là tha hồ đi bác sĩ. Muốn mua thuốc, răng, mắt kiếng khỏi tốn tiền thì đóng thêm chút bảo hiểm nữa là bảo đảm bệnh không ... lo. Nay thì cái đảng cầm quyền cắt, cắt, cắt, nên có chút bị dân than phiền đó là đi cấp cứu phải chờ từ 5-6 giờ đồng hồ mới được vào khám. Đi chụp quang tuyến, có loại như chụp bao tử phải chờ 3-4 tháng, làm mammogra-phy phải chờ 3-4 tháng (ngoại trừ có lump hay bác sĩ nghi ngờ có ung thư thì được làm liền), còn ngoài ra thì tất cả đều rất dễ chịu.

Nước uống thì họ khuyên uống nước ... vòi, vì nước vòi sạch gần như là tinh khiết. Thế nhưng vẫn có người chê nước... vòi, chỉ uống nước đóng chai. Và có ngày bổ ngửa khi xem TV thấy Aquafinda đóng chai tại... vòi. Còn hệ thống xe công cộng thì có thể nói toàn Canada tuyệt vời. Nếu làm dân ba lô qua đây, chỉ cần mua 1 tập vé xe bus là có thể ngao du sơn thủy không cần làm phiền thân nhân, bạn bè đưa rước. Chỉ phải một tội là ... lạnh quá. Nhà cửa cỡ 5 năm trước, giá rẻ lắm, giờ thì không thua Santa Ana !!!

Tóm lại bây giờ thì Calgary không lý tưởng lắm nhưng nếu muốn kiếm... job thì dễ, ngành nào cũng thiếu người. Đào tạo xong là bị ... Mỹ bợ hết !!!

8 th.3, 2008 – Lê Quan Tâm (Worcester, MA) : Bawstin (Boston) Chào Mừng Quí Khách!

Đối với Quí Vị chưa từng đến Bawstin, dưới đây là một số điều hướng dẫn hữu ích, chúng tôi mong Qui Vị sẽ tính đến việc viếng Bawstin trong thời gian tới. Con đối với những ai xem vùng Tân Anh Cát Lợi (New England) như là quê quán, thì những điều này thật quả là tuyệt!

Thông Tin về T. P. Boston và Vùng Lân Cận:

- Không có Trường Học nào trên Đường School Street.
- Không có Toà Án nào trên Đường Court Street.
- Không có Cầu Cảng nào trên Quảng Trường Dock Square.
- Không có Bến Nước, Sông Rạch, Hồ Vịnh nào dọc theo Đường Water Street.

Các đường phố vùng Back Bay được đặt tên theo thứ tự A,B,C; (Ùm) như Arlington, Berkeley, Clarendon, Dartmouth, vân vân; đường phố vùng South Bawstin cũng thế: A,B,C, vân vân.

Nếu đường phố có tên các loại cây, như Walnut, Chesnut, Cedar..., thì Quí Vi đang ở vùng Beacon Hill; con nếu đường phố mang tên các thi sĩ thì Quí Vị đang ở vùng Wellesley.

Đại Lộ Massachusetts Avenue được gọi là Mass Ave; Commonwealth Avenue là Comm Ave; South Bawstin là Southie; Khu Vực South End là South End; East Bawstin là Eastie; Khu Vực North End nằm về phía Đông của Khu Vực West End trước đây; còn Khu Vực West End và Quảng Trường Scollay Square nay không còn nữa, một người tên là Rappaport đã xóa đi 2 tên này qua một đêm.

Roxbury được gọi là The Burry, còn Jamaica Plain thì được gọi là JP.

Đọc tên các Thị Thành của Massachusetts một cách đúng (giọng):

- Boston được đọc là : Bawstin
- Worcester được đọc là : Wuhsta, (hoặc là Wistah)
- Gloucester được đọc là : Glaw-sta
- Leicester được đọc là : Lesta
- Dedham được đọc là : Dead-um
- Revere được đọc là : Re-vee-ah
- Quincy được đọc là : Quinzee
- Tewsbury được đọc là : Tooks-berry
- Leominster được đọc là : Leminsta
- Peabody được đọc là : Pee-ba-dee
- Waltham được đọc là : Walth-ham
- Chatham được đọc là : Chad-dum
- Samoset được đọc là: Sam-oh-set, (hoặc là Sum-aw-set); nhưng không bao giờ đọc là: Summerset !

Định nghĩa của một số từ thông dụng :

- Frappes : Thức giải khát có pha trộn kem đá (ice cream), còn Milkshakes thì không có ice cream.

- Soda : là Club Soda (nước có hơi được phục vụ tại các Câu Lạc Bộ ), nếu có thêm mùi vị thì được gọi là Tonic. Khi muốn dùng nước có hơi và mùi vị (Tonic WATER), thì gọi Tonic WATER.

- Pop có nghĩa là Cha.

- Scrod là bất cứ gì mà người ta nói là Scrod, thường là một loại Cá. Nếu Quí Vị trả hơn $6 cho 1 pound, thì đó là Scrod.

- Phần Bia nhỏ nhứt là 1 Pint.

- Vòi nước uống công cộng (ngoài phố hoặc tại các cơ quan) không gọi là Water Fountain, mà là Bubblah.

- Thùng chứa rác không gọi là Trash Can, mà là Barrel.

- Bánh mì có nhét thịt, cá, rau, thịt nguội... không được gọi là Spucky, Hero hoặc Grinder, mà được gọi là Sub.

- Xe đẩy dùng lúc đi shopping hoặc đi chợ không gọi là Shopping Cart, mà là Carriage

- Ví đựng tiền không được gọi là Purse, mà là Pockabook.

- Loại sausage đỏ không được gọi là Franks, mà là Halt Dahgs (Hot Dogs). Còn Franks chỉ về tiền ở Switzahland (Đồng Quan Thụy Sĩ).

- Cảnh sát không dùng các Xe Tuần Tra, hoặc Xe Sơn Trắng Đen, mà họ lái các xe 'Crooza' (Police Cruiser).

- Looza Crooza có nghĩa là xe buýt.

- Khoanh dây cao su (dùng để bó cột) không được gọi là Rubber Band, mà là Elastic.

- Bùng Binh Giao Thông không được gọi là Traffic Circle, mà là Rotary.

- Đi ra Đảo có nghĩa là đi đến Martha's Vineyard & Nantucket (là các đảo của Massachusetts).

- The Sox có nghĩa là The Red Sox (Đội baseball của Bawstin)

- The C's có nghĩa là The Celtics (Đội basketball của Bawstin).

- The B's có nghĩa là The Bruins (Đội hockey của Bawstin).

Những Điều Người Bawstin KHÔNG làm :

- Người Bawstin không đậu xe của họ tại bãi đậu Hahvid Yahd, mà họ đậu SUV của họ nơi họ muốn (Bostonians don't park their cah in Hahvid Yahd, They park their SUV where they wannah.)

- Không nên ngủ tại công viên Bawstin Common (Don't sleep on the Common - Bawstin Common)

- Không mặc quần áo màu cam tại vùng Southie (South Bawstin) vào ngày Lễ St Patrick (Don't wear Orange in Southie on St. Patrick's Day).

Những Điều Cần Biết:

- Tại Bawstin, có 2 Nhà Quốc Hội Tiểu Bang, 2 Tòa Đô Chánh, 2 Toà Án, 2 Cao Ốc Hancock (1 mới và 1 cũ đối với mỗi nơi).

- Cột đèn trên nóc Cao Ốc Hancock cũ là cột đèn báo thời tiết. Người Bawstin có bài thơ vần về đèn báo thời tiết này như sau:

Solid blue, clear view...
Flashing blue, clouds due...
Solid red, rain ahead...
Flashing red, snow instead...

(except in summer; flashing red means the Red Sox game was rained out)

- Xa Lộ Route 128 đồng thời là Xa Lộ I-95 South, mà cũng là Xa Lộ I-93 North. Nhiều người sống cả đời trong vùng này cũng không hiểu nổi trần gian - địa ngục ra sao mà có chuyện như vậy!

- Xe điện ngẩm không gọi là xe subway, mà là xe T, và hệ xe này không hoạt động suốt đêm (mà Thánh Thần ôi, đây đâu phải là Niểu Ước, hay Noo Yawk kia).

- Gọi Trà Lạnh sau 2 giờ khuya tại khu Phố Tàu, Quí Vị sẽ được một ấm đầy bia!

- Người Bawstin tin là Thượng Để ban cho họ quyền lái xe cắt trước đầu xe khác trên đường lộ,

- Theo người Bawstin, bộ chữ vần chỉ gồm 25 chữ, không có chữ R, ngoại trừ vài trường hợp như Dear, hoặc Quelter.

- Người Bawstin cho là có đợt khí nóng khi nhiệt độ lên đến 90 độ F trong 3 ngày liên tục; khi có 6 inches tuyết rơi chỉ là lớp bụi tuyết phủ trên vùng; khi nhiệt độ nước biển đạt 63 độ F là biển ấm.

- Người Bawstin luôn "Chặt Trái" thật nhanh ngay lúc đèn giao lộ vừa chuyển sang xanh, và mọi người lái xe đều đoán trước được việc này; họ cho là dùng đèn hiệu báo quẹo là dấu hiệu của sự nhát nhút.

- Người Bawstin cho là giọng nói tại Rhode Island rất khó chịu.

14 th.3, 2008 – Nguyễn Trọng Dzũng (Livermore, CA): Bí mật của lava rocks tại Hawaii

Những thân hữu tham dự Đại hội Họp mặt THDL tại Hawaii năm ngoái chắc đã có nghe hướng dẫn viên nói về tính chất huyền bí của những hòn đà phún thạch [lava rocks] trên quần đảo này. Để biết thêm xem có nên tin hay không, xin mời đọc :

* Rock hounded tại http://www.snopes.com/luck/pele.asp

* và "Return Lava Rock to Hawaii" tại http://www.volcanog allery.com/lavarock. htm

Anh NT Chiếu có kinh nghiệm hay nhận xét gì không ?

16 th.3, 2008 – Nguyễn Tranh Chiếu (Hilo, HI) : Bí mật của lava rocks tại Hawaii

Mặc dầu không tin những chuyện huyền bí đó nhưng tôi đã nghe rất nhiều chuyện liên hệ tới đá lava và nữ thần Pele. Một ranger trong Volcano National Park đã nói với tôi là họ đã nhận được một tảng đá lava to bằng cái bàng, nặng mấy tấn, do một người từ mainland gởi trả.

Một tin liên hệ: Nơi sanh của nữ thần Pele mới hôm qua đã xịt khói lên rất nhiều, nhiều nhất từ năm 1979, khi họ bắt đầu theo dõi hoạt động của bà. Và mới đây, lava đã lại tiếp tục chảy xuống biển sau khi ngừng từ tháng 7, 2007. Thiên hạ đi coi đông lắm…

30 th.3, 2008 – Trần Quốc Thái (Oakland, CA) : Thư thân hữu

Thời gian qua, các thân hữu đã nhận được gần 50 cái PPS gửi qua Thân Hữu Điện Lực Group nên điều trước tiên cần phải nói là tôi thành thật cám ơn thân hữu NC Thuần đã chấp nhận phổ biến và chuyển cho group cùng xem giải trí.

Group chỉ chấp nhận chuyển những PPS nào dưới 1 MB, nên tất cả các PPS trên với dung lượng lớn đều được chuyển qua trung gian Mediafire, và điều này xin được cám ơn thân hữu Nguyễn Thu Hoa đã chỉ dẫn.

Vạn sự khởi đầu nan, tôi mới làm quen với máy vi tính chỉ gần đây thôi (2005) nên mọi chuyện đều là mới mẻ, bỡ ngỡ và lần mò ..., người chỉ dẫn tôi làm Album, cho tôi tài liệu hướng dẫn là thân hữu NT Dzũng, một lần nữa cám ơn thân hữu Dzũng.

Các PPS được chuyển qua Mediafire, nhờ có vậy nên tôi mới có số liệu thống kê được cập nhật hàng ngày, số lượng người coi từng PPS. Thân hữu điện lực Group chỉ có trên dưới 70 người coi mà thôi vì qua nhiều PPS, đã chứng minh con số thân hữu coi PPS không thay đổi. Nhưng có những PPS lại được đặc biệt quan tâm và phổ biến rộng rãi đến các thân nhân, bạn hữu khác một cách không ngờ :

- PPS Phố cổ Hà Nội với số lượng người coi ghi nhận lần đầu ngày 25.3.08 là 94 lượt người coi. Ghi nhận lần 2 ngày 27.3.08 là 267 lượt người coi, nhưng ghi nhận lần thứ 3 ngày 28.3.08 là 676 lượt người coi. Chỉ cách biệt 1 ngày, hơn 400 lượt người coi, và cập nhật hôm nay 30.3.08 là 1063 lượt người coi.

- PPS Hoa Sen, Lotus có 485 lượt người coi.

- PPS Việt Nam Quê Hương Nhìn Lại 1 (Miền Bắc) có 442 lượt người coi.

- PPS Việt Nam Quê Hương Nhìn Lại 2 (Miền Trung) có 296 lượt người coi.

- PPS Việt Nam Quê Hương Nhìn Lại 3 (Miền Nam) có 92 lượt người coi.

- PPS Việt Nam Quê Hương Nhìn Lại 4 (Miền Bắc) được lập lại với những hình ảnh khác có 146 lượt người coi.

- PPS Tuyết Mai - Đông Mai có 259 lượt người coi.

- PPS Ngàn Cánh Hạc, Đất Lành Chim Đậu có 201 lượt người coi.

Các PPS khác đều dưới 200 lượt người coi.

Thưa các thân hữu,

… Từ sau thư này, các PPS sẽ không nhờ Group thđl chuyển nữa và các PPS sẽ được chuyển thẳng đến từng thân hữu..., XIN các thân hữu XÁC NHẬN và HỒI ĐÁP thư này (Reply) là muốn được nhận các PPS để tôi có được địa chỉ Email của các thân hữu.

Thêm một chi tiết khác nhưng nhiều thân hữu chưa biết là lâu lâu có một PPS đặc biệt (X) được vài thân hữu đánh giá là nhẹ hều... thiên về nghệ thuật cũng được gởi giới hạn đến một số thân hữu, thân hữu nào chưa có và cũng muốn có, xin xác nhận luôn.

Tất cả PPS sẽ được gởi dưới dạng Add Bcc nghĩa là người nhận không biết ai khác, ngoài mình.

21 th.7, 2008 – Nguyễn Trọng Dzũng (Livermore, CA) : Hệ số an toàn và "phát huy" sáng kiến

Cột đèn ngày trước đã được tính toán với hệ số an toàn tối đa nên ngày nay "Tập đoàn Điện lực VN" (EVN) mới có thể "phát huy sáng kiến" (Hình 1).

Vì sao "Tập đoàn Điện lực VN" không đầu tư vào việc mở rộng hệ thống dẫn điện ?

Lý do : nguồn vốn được đầu tư vào những "dịch vụ" như thế này đây. Còn cột đèn và an toàn cho người sử dụng điện thì "sống chết mặc bay." (Xin coi hình 2)

Phát huy sáng kiến
Nguồn vốn đầu tư đi đâu ?

Hình 1 - Cột đèn trước 30-4-1975 đã được tính toán với hệ số an toàn tối đa nên ngày nay mới có thể "phát huy sáng kiến" như thế này.

Hình 2 : Trước 30-4-75 đây là văn phòng Trung tâm Điện toán.

15 th.8, 2008 – Nguyễn Thiệp (Oakland, CA) : Thân gởi bà con, bạn bè,

Chúng tôi xin cám ơn bà con bạn bè đã thư từ, điện thoại, email thăm hỏi, tặng sách báo, mua sách, mời tham dự họp mặt, đám cưới, đã gởi cho chúng tôi trong thời gian qua. Chúng tôi xin lỗi đã "biệt vô âm tín" từ hơn ba tháng nay. Lý do là chúng tôi đi chơi xa, nơi ở không có điện thoại, không có internet, và điện thoại cầm tay thì đắt quá, hơn 1 dollars một phút, hà tiện không dám xài.

Sau ba tháng đi chơi Âu châu, ở London hơn một tháng, và hai tháng thì lang thang tại các quốc gia khác, đi theo tour, đi theo bạn, nay chúng tôi đã trở về nhà tại Oakland, California. Về đến nhà mừng và thở phào sung sướng. Thế mới biết không đâu dễ chịu và êm ấm bằng nhà mình, dù có là căn chòi lá đi nữa!

Kỳ đi chơi nầy, tôi thấy sức khỏe xuống, nhiều khi ngồi trên xe, trên tàu mà cũng cảm thấy khá mệt, nhưng sau đó, được nghỉ ngơi vài mươi phút, thì khỏe lại. Từ đó, tôi nghĩ rằng, đi chơi bây giờ là đúng, vì biết đâu năm sau không còn sức để đi, uổng lắm. Mai mốt có chết xuống, cũng có chút chuyện mà nói dóc với Diêm vương.

Có người hỏi, đi chi mà đi lâu thế, có chán không? Tôi đi chơi theo lối "thiền", tà tà, thong thả, sống với, và sống trong giòng sinh hoạt của dân chúng địa phương. Muốn cảm nghiệm được cái tâm tình của con người, của xứ sở đó. Khi thì nhàn nhã ngồi hàng giờ bên hè đường của quán cà phê, cùng dân chúng địa phương nhâm nhi, nhìn sinh hoạt thành phố. Cũng có cái vui lạ của nó. Có khi nằm trong phòng, giữa London mà nghe mưa rơi, thấy trời xám xịt bên ngoài, cũng cảm được cái thi vị an nhàn trong tuổi già. Những khi đi chơi thuyền rất thú vị trên sông Thames (Anh quốc), sông Seine (Pháp), sông Rhin (Đức), kinh rạch của Amsterdam (Hoà lan), kinh rạch của Bruges (Bỉ), của hồ Constante (ba nước Đức, Áo, Thụy sĩ). Nhìn cảnh đẹp, phố phường, núi non, ruộng đồng ở hai bên bờ sông, bờ hồ. Được thăm nhiều thành phố cổ đã xây dựng trên năm trăm năm, mà vẫn còn bảo tồn được nét xưa cũ, với đường lát đá xanh, có làng nhà phải lợp lại bằng rạ như thời mấy trăm năm trước, ai không lợp rạ thì bị phạt đến 50 ngàn bảng Anh (bằng một trăm ngàn dollars Mỹ), và bắt dỡ ra, lợp lại. Thăm viếng nhiều lâu đài cổ mà vua chúa xưa đã bắt dân chúng đổ xương máu, mồ hôi, tài sản dựng nên, cho họ vui chơi. Cũng có đêm ngủ trong khách sạn bên sườn núi, cạnh hồ, khách sạn là một nông trại chuyển đổi lại thành nơi trú ngụ cho du khách. Toàn khu biến thành vùng du lịch và cắm trại. Nằm nghe lục lạc bò leng keng, bò rống to như tiếng hổ gầm, dê kêu văng vẳng, làm tôi liên tưởng đến những truyện đồng quê của Pháp, đã rán đọc từ thời thơ ấu. Nói là muốn hòa mình trong cuộc sống của dân chúng địa phương, nhưng đâu phải dễ. Họ thì tất tưởi chạy lo cơm áo, mình thì nhàn nhã đi chơi, làm sao mà hòa mình được. Cũng có khi chúng tôi đi theo các tour, chạy xồng xộc như bị ma đuổi, đến thăm viếng các nơi, hốt hoảng liếc sơ phong cảnh, rồi vội vã ra đi. Cũng xem phớt được nhiều nơi trong thời gian ngắn ngủi.

Chúng tôi có ghé thăm trại tập trung Do thái ở Dachau, nơi Đức quốc xã đày ải dân Do thái trong thời đệ nhị thế chiến. Tôi nhìn những giường gỗ ba tầng, mỗi giường chiều ngang chừng một mét, chiều dài khoảng hai mét rưỡi, và trên mỗi giường có kệ cho tù nhân đựng đồ cá nhân, bên tường có nhiều hộc tủ, mà có lẽ mỗi tù nhân được một hộc để cất đồ dùng cá nhân. Đầu dãy nhà là một khoảng trống, khá rộng, có bàn ghế, có lẽ để tù nhân sinh hoạt. Bên hông, là một khu lớn, có bàn dài, ghế dài, có lẽ là bàn ăn. Phía gần cuối dãy nhà, trong phòng ngăn riêng, có hai bồn nước máy, giống như bồn nước giữa công viên. Để tù nhân đánh răng, rửa ráy. Chung quanh một cái bồn như vậy, có thể hơn mười người vệ sinh cùng một lúc. Bên cạnh phòng nước, là cầu tiêu, mười cái bồn cầu ngồi, xếp hai hàng đối diện. Bỗng tôi thấy cay mắt, tim nhói đau, và nghẹn ngào thốt lên "sang quá!" Vì tôi chợt so sánh hoàn cảnh khi tôi đi tù "cải tạo", và cách đối xử của những người anh em miền Bắc khi họ thắng trận trong cuộc chiến tranh mà họ bày ra. Ông bạn đưa tôi đi thăm trại này nói rằng nhiều người cũng đã nói như tôi, cũng nói y hệt là "sang quá!" Tôi cũng biết rõ đây là tình trạng trong thời gian những năm đầu, về sau đông quá thì có thể hai người phải ngủ chung một giường. Chật chội và khó khăn hơn. Đối xử với kẻ thù mà bọn Đức quốc xã muốn tiêu diệt còn nhân đạo như vậy, làm tôi xấu hổ khi nghĩ đến người mình, cùng tổ tiên, cùng giòng máu, sao mà khắc nghiệt với nhau đến thế?

Đức quốc xã lấy thân xác người Do thái làm thí nghiệm y khoa, lừa họ vào phòng hơi ngạt, và đem thiêu. Vô cùng tàn bạo. Người anh em cọng sản của chúng ta không làm vậy, nhưng tôi nhớ lời nhiều tù nhân "cải tạo" đã nói, vào những lúc vô cùng đói khát, kiệt quệ và khổ ải, họ cho rằng bọn Đức giết người bằng hơi ngạt là nhân đạo hơn nhiều, vì chết là chấm dứt cái khổ triền miên. Đày đọa cho hao mòn đến chết, còn tàn bạo hơn.

Trại tập trung Dachau được bảo tồn và dựng lại, không phải để nuôi hận thù, mà là để nhân loại nhìn vào đó, thấy lỗi lầm của quá khứ, đừng bao giờ tái phạm. Tôi nghĩ, Việt nam cũng cần bảo tồn và dựng lại những trại cải tạo, với đầy đủ chứng tích, tài liệu. Cũng không phải để nuôi hận thù, không phải để khơi dậy căm hờn. Mà là để biết, để nhớ, để mai sau con cháu chúng ta tránh bước sai lầm. Nhiều người nói rằng, phải tha thứ, nhưng đừng cố tình quên, cố tình dấu diếm, cố tình không biết, là có tội với lịch sử.

Thiên hạ bảo "đi một ngày đàng, học được một sàng khôn." Chúng tôi không cầu học được một tí ti khôn nào hết. Cả một đời lỡ dại dột, muộn quá, nên cũng không tha thiết học khôn làm gì. Nhờ có chút điều kiện thuận lợi, chúng tôi đi cho thỏa lòng mong ước, chứ đôi khi cũng chẳng có ngắm cảnh, đôi khi ngắm cảnh mà lòng lại đửng dưng, không chút xôn xao xúc động. Bây giờ tôi mới biết tại sao nhiều người không thích đi chơi đâu cả, vì ở nhà khỏe hơn, tiện nghi hơn, dễ chịu hơn. Họ không tha thiết chi với cảnh lạ đường xa, vì thiên nhiên thì nơi đâu cũng tương tự, giống nhau. Những nơi đặc biệt, thì họ xem phim tài liệu, còn kỹ càng chi tiết hơn cả mấy chục lần khi đến tận nơi. Cả một đời miệt mài với công ăn việc làm, mấy chục năm làm việc, đủ rồi. Có khi dại dột, ham làm, ham đọc, ham học, quên sống. Bây giờ thì nhờ già nên khôn hơn, làm biếng cho sướng thân, sống cho riêng mình, sống cho vui, sống cho thanh thản trước khi đi về với đất bụi. Có ai chê trách, thì cũng xin nhận lời trách móc chê bai đó với cái tâm không buồn không vui.

Mong sao trong thời gian đến, có nhiều cơ duyên thuận lợi, được gặp gỡ bạn bè, bà con nhiều hơn, để hàn huyên, nói vài câu chuyện bâng quơ, nhưng vẫn thích thú trong lòng. Chúc bà con bạn bè vui, mạnh, thong dong, nhàn nhã...

15 th.10, 2008 – Nguyễn Thu Hoa (Dallas, TX) :

Dữ Kiện và Bộ Nhớ

Từ thuở khai thiên lập địa, Thượng Đế đã ban cho con người một bộ não tuy rất nhỏ nhưng lại rất tinh vi trên mọi phương diện, từ việc điều khiển tất cả mọi hoạt động của cơ thể cho đến việc thu thập các dữ kiện đến từ bên ngoài rồi trả lời, rồi lưu trữ. Bên cạnh đó bộ não còn điều khiển cho trái tim biết xúc cảm, biết giao tiếp với nhân quần xã hội, biết phân biệt cái hay cái dở, cái đẹp cái xấu, biết tạo ra cái ăn cái mặc, biết tổ chức và phát triển cuộc sống ngày càng hoàn hảo hơn.

Bộ não được hình thành và phát triển lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào tuổi tác, trọng lượng cơ thể con người. Bộ não cũng còn tùy thuộc vào sắc tộc, địa thế nơi mà mình được sinh ra; lục địa và đất nước, xã hội nơi mình lớn lên và sinh sống. Bộ não giống như một cái nhà kho để chứa, để lưu trữ tất các dữ kiện của con người kể từ khi mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành, lúc lão niên rồi đến khi xuôi tay nhắm mắt. Cái nhà kho nầy không cần máy móc, không cần phải nạp dữ kiện, nhưng tự nó đã biết sắp xếp và lưu trữ những gì mà bộ óc con người đã cảm nhận để ghi vào bộ nhớ.

Lúc mới lọt lòng, đứa bé đã ngước đôi mắt ngây thơ nhìn mặt Mẹ lúc đang bú mớm và thế là gương mặt của người Mẹ đã tự động in sâu vào tâm não đứa bé, rồi nếu sau đó bé nhìn thấy một người khác, một gương mặt khác cho bú, thì bé òa khóc thét lên không chịu bú, chứng tỏ cháu biết đấy không phải là Mẹ mình. Đến khi biết ê a bập bẹ những tiếng nói đầu đời thì cũng là lúc bé ghi nhận được giọng nói, tiếng cười của Bố Mẹ, Ông Bà, anh chị em trong gia đình nên luôn mừng rỡ mỗi khi được nghe tiếng hay được bồng ẵm, dỗ dành nựng nịu từ những người thân yêu ấy. Rồi đến lúc cắp sách đi học, lúc đến tuổi vị thành niên thì cũng là lúc tình cảm bắt đầu phát triển và bộ não cũng bắt đầu ghi nhận thêm nhiều dữ kiện: biết rung động, biết nhớ thương, biết mơ mộng…

Song song với tình cảm êm đẹp đó là những giao tiếp thân mật với bạn bè cùng trường, Thầy Cô trong lớp, người thân trong gia đình, bà con lối xóm ngoài xã hội với biết bao là buồn vui, giận hờn, thương ghét… Tất cả những diễn tiến đó đều được bộ não ghi nhận một cách vô tư và ngày càng chất chứa nhiều thêm theo thời gian, theo tuổi tác mà không hề than van hay kêu ca làm nhàm là nhà kho đang hay đã bắt đầu đầy, mặc dù bộ não con người chỉ lớn độ bằng cái bát cơm to hay cái tô phở cỡ trung bình.

Chúng ta đã được Thương Đế ban cho bộ nhớ tuyệt vời đó để mỗi khi bất chợt gặp lại cảnh cũ người xưa, mỗi khi được nghe lại tiếng nói thân quen, điệu nhạc êm ái mà ta đã từng yêu mến thì tất cả các sự kiện trong quá khứ bỗng chợt quay về, được khơi dậy tràn ngập tấm lòng với niềm hạnh phúc dâng trào, với sự mừng vui hớn hở hay với những nhớ nhung ray rứt khôn nguôi. Những dữ kiện trong bộ não đó tự động phát ra hết sức nhanh, hết sức chính xác mà có đôi lúc chúng ta không ngờ, không ra lệnh, không chờ đợi, không hoài mong, thế mới biết bộ não mà Thượng Đế ban cho con người nó tuyệt vời đến mức nào.

Rồi, có một ngày nào đó ở vào giữa thế kỷ XX, có một cái máy vi tính (computer) ra đời, cái máy này có khả năng thu thập dữ kiện hết sức tuyệt vời y như của bộ não con người vậy. Dần dà, với sự cải tiến không ngừng, chiếc máy vi tính ngày càng trở nên tinh vi hơn, siêu việt hơn, hiện đại hơn. Từ chỗ thu gọn dung tích của cái máy ngày càng nhỏ hơn, gọn nhẹ hơn thì trái lại cái bộ nhớ ngày càng chứa được nhiều dữ kiện hơn, tinh vi hơn, khoa học hơn… Đấy là cái ưu việt trong sự phát minh của con người, của ông tổ ngành điện toán.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự việc một cách duy tâm hơn thì ta sẽ thấy bên cạnh cái bản sao y chang với bộ não con người đó, vẫn còn có một điểm hoàn toàn khác biệt, khác rất xa.

Đó chính là khi muốn xóa sạch những dữ kiện trong máy vi tính thì ta có thể thực hiện ngay tức khắc chỉ với một cái click nhẹ trên bàn phím thôi. Nhưng với bộ não của con người thì ta không thể nào xóa được những xúc cảm đã hằn sâu trong ký ức, những kỷ niệm đẹp trong tình yêu, những sóng gió bão giông trong cuộc sống, những đau thương sầu thảm đã xảy ra trong cuộc đời, cho dù thời gian có là 10 năm, 20 năm, hay cả cuộc đời với quan niệm "thời gian là liều thuốc để quên", nhưng làm sao quên được, làm sao delete hết những gì đã in thành dấu ấn trong tâm não, những gì đã lưu trữ trong ký ức của mình được.

(Oct, 2008. TH)

Những Cánh Chim Thiên Di

Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về thì lại có những đàn chim thi nhau lũ lượt bay đến Dallas. Chúng đang giã từ nơi trú ẩn sau cái giá lạnh của mùa đông để tìm về nơi có nắng ấm, vừa để tìm thức ăn vừa để tìm nơi sinh sản, bảo tồn nòi giống. Vào thời điểm nầy, đi bất cứ nơi đâu trong thành phố người ta đều thấy những đàn chim với bộ lông đen mượt, bay từng đàn, từng đàn, có lúc đen rợp cả một vùng trời, có lúc cùng đáp xuống bãi đất trống bên vệ đường thành một thảm cỏ đen kịt hay cùng đậu trên những đường dây điện cao thế dọc hai bên đường.

Những lúc nầy là lúc tôi thích ngắm chúng nhất, không những chỉ để thấy được cái nguyên tắc cơ bản của môn điện học là khi một vật thể không chạm mặt đất thì không bao giờ bị điện giật cho dù đấy là điện cao thế; mà bên cạnh đó lại còn có một điều hết sức đặc biệt nếu không quan sát kỹ, ta sẽ không phát hiện được: đó là cái tri giác rất bén nhạy của một sinh vật tuy chỉ bé bằng nửa nắm tay, nhưng lại thông minh đến lạ; tức là sau khi đã cùng đáp xuống trên các sợi dây điện rồi thì tất cả những chú chim đều quay đầu về cùng một hướng. Nếu trong đàn có một vài chú nào đậu quay đầu về hướng khác thì ngay tức khắc sau đó, chúng cũng quay đầu trở lại để rồi tất cả những chiếc đầu đều cùng nhìn về một hướng! Tôi thầm thán phục tinh thần tập thể của những cánh chim thiên di, phục vô cùng.

Để rồi hàng năm cũng vào thời điểm này, tôi lại ước muốn được đi trên những con đường này, để được có dịp nhìn ngắm đàn chim thiên di ấy. Những chú chim với một bộ lông đen tuyền mới thoạt trông tôi cứ ngỡ đấy là những chú sáo hay những chú quạ trong truyện cổ tích Ngưu lang Chức nữ của Việt nam ta, nhưng dường như nó không giống lắm loài quạ đen của phương Đông, vì chiếc mỏ của nó đen và ngắn hơn. Tôi rất muốn tìm hiểu thêm về tên, về chủng loài của chúng, nhưng tiếc là tôi chưa có điều kiện, chưa gặp được một nhà khảo cứu sinh vật nào nơi đây.

Sở dĩ tôi thích đến đường Jupiter vào thời điểm nầy là để vừa được ngắm những cánh chim di trú quay về với khung trời Dallas nơi tôi cư ngụ, mà cũng vừa được cùng hít thở với chúng cái không khí ấm áp trong lành của mùa Xuân sau cái giá băng của mùa đông Trung Mỹ. Tôi say mê ngắm những cánh chim thiên di không phải chỉ vì những chú chim nầy đẹp ở bộ cánh đen mà nó còn toát lên một cách sống nhân quần, một nếp sống đẹp, một đoàn thể có sự kết hợp hết sức chặt chẽ mặc dù chúng không hề có kỷ cương, pháp luật, không có sự khen chê trừng phạt, không có một mái nhà, không một tổ ấm hay một địa điểm cố định nào. Nhưng tất cả đã răm rắp theo cùng một phương cách, một hướng đi và một nẻo đường trải thật dài hàng nghìn hàng vạn cây số từ những nơi băng giá nhất của đất nước Hoa kỳ cho đến những nơi có đồng bằng xanh tươi, phì nhiêu ngập tràn nắng ấm của miền Trung Nam nước Mỹ.

Đôi lúc tôi có cảm tưởng dường như mình cũng gần giống những cánh chim thiên di ấy, cũng bỏ xứ đi tìm nơi ngập tràn nắng ấm để cư ngụ, để sinh sống và để tạo dựng tương lai cho con cho cháu. Và cũng có đôi lúc quay nhìn về các bạn bè, đồng hương chung quanh, trên khắp nước Mỹ, trên toàn cầu, thấy con số người Việt ly hương của chúng ta cũng không phải là nhỏ, và dù muốn dù không, hầu hết chúng ta ai cũng cùng là những cánh chim thiên di đã bay đi tìm miền nắng ấm trong nhiều thập niên qua.

Nhưng ắt hẳn trong tấm lòng của mỗi người chúng ta ai ai cũng có một niềm ước mơ. Sẽ có ngày quê hương mình ngập tràn nắng ấm để cùng tung cánh bay trở về. Ước mơ đó sẽ là trong tầm tay nếu như tất cả chúng ta cùng quay nhìn về một hướng, cùng chung một lối đi, có phải không các bạn.

(Oct,2008. TH)

Nhiều thân hữu


Trở về đầu trang