![]() |
Những Năm Tháng Ấy
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ
Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG
CHƯƠNG III
TAM CỐC - THÁI VI - BÍCH ĐỘNG
***
Phần 3
Khi chúng tôi ra đến bờ sông thì hai cô lái đò còn đang ngồi nói chuyện với nhau trên bờ, dưới gốc cây cổ thụ. Cụ Từ nói với hai cô cho chúng tôi đi thăm chùa Bích Động. Thuyền lại ngược dòng sông Ngô Đồng về hướng trở về bến đò nơi xuất phát sáng nay.
Hai chiếc đò đi song song nên chúng tôi vừa được ngồi nhìn phong cảnh hữu tình, nên thơ lại vừa được nói chuyện với nhau như ở trên bờ. Nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền và tiếng chèo khua nước thật vui tai. Tiếng gió thổi, tiếng rừng cây xào xạc, tiếng vượn hú xa xa, tiếng chim kêu rời rạc của đàn chim trắng bay ngang qua trên nền trời trong xanh, những tiếng vịt bơi lội trên đồng gọi nhau. Tất cả như hòa quyện lại để tạo nơi đây như “lạc lối đào nguyên”.
Bỗng Thi sợ hãi ôm cứng lấy tay tôi khi nàng nhìn thấy một con rắn đang trườn trên mặt nước trước mũi thuyền. Cô lái đò trấn an:
- Các anh chị đừng sợ! Đấy chỉ là con rắn nước đó thôi, không có nọc độc đâu. Chúng em gặp hàng ngày ấy mà.
Thuyền cứ ngược dòng nước mà đi. Mỗi lần đi qua hang, nay chúng tôi đã quen nên không còn có cảm giác sợ đụng đầu như trước nữa nên an tâm ngắm nhìn những thạch nhũ đẹp đẽ, một kỳ công của tạo hóa đã tốn hàng nghìn năm, hàng vạn năm hay nhiều hơn thế nữa để tạo ra nó.
Có lẽ Hội thích thú với những cảnh thiên nhiên kỳ thú này nên lớn tiếng từ thuyền bên kia sang:
- Các cậu có đi chơi đâu nữa thì nhớ cho “vợ” tớ đi theo với nhé!
Uyên hỏi:
- Thế anh không đi à?
Hội cười:
- “Vợ” đâu thì “chồng” phải đi theo đấy chứ!
Cả bọn cùng cười. Mơ đánh vào tay Hội:
- Anh làm em sợ hết cả hồn.
Mơ nhìn Thư rồi nói thêm:
- Nhưng phải có Thư cùng đi thì em mới đi!
Thư đứng lên, chống nạnh, vênh mặt lên:
- Em không đi!
Mơ thật thà nhìn Thư năn nỉ:
- Thư cùng đi chơi với anh chị đi mà!
Thư vẫn đứng chống nạnh, vênh mặt nhìn Hội:
- Em không đi!
Hội nhìn Mơ:
- Thư nó muốn anh năn nỉ đó thôi!
Hội quay sang Thư, dơ hai tay lên trời:
- Thôi được rồi! Anh rủ cô đấy! Chịu chưa?
Thư vẫn vênh mặt nhìn ông anh:
- Rủ thì không đi, mời mới đi!
Mơ vội cướp lời Hội:
- Ừ, ừ! Anh chị mời! Anh chị mời mà!
Thư cười cười ngồi xuống ôm lấy lưng Mơ đang ngồi đằng trước với Hội:
- Cám ơn chị Mơ! Em đi theo để bảo vệ chị, không cho anh ấy bắt nạt. Ở nhà anh ấy sợ em lắm vì em hay mách mẹ.
Câu nói của Thư làm mọi người cùng cười. Hai cô lái đò bao giờ cũng là người cười to nhất.
Bỗng Thư lại đứng lên hỏi tôi:
- Sao anh nhớ sử Việt Nam thế?
Tôi vội trả lời ngay:
- Tại cô học trò bé nhỏ này của anh đây (tôi chỉ vào Thi) “lười” học sử Việt Nam nên anh phải học dùm.
Thư nói với Thi:
- Mình ganh tỵ với bạn đấy! Mình chẳng có ai học dùm cả. Anh bạn của mình thì chỉ thích rủ mình đi ăn quà thôi.
Thi cứ ngồi cười cười nhìn tôi, nắm chặt bàn tay tôi mà không nói gì. Tôi biết Thi rất cảm động trước lời nói nửa đùa nửa thật của tôi. Uyên thì nhìn tôi cười tủm tỉm ra chiều đắc ý lắm.
Cụ Từ từ nẫy đến giờ ngồi nghe chúng tôi đùa nghịch, bây giờ mới lên tiếng:
- Các cháu làm tôi nhớ tới thời còn trẻ quá!
Chúng tôi cùng nói:
- Cụ kể cho chúng cháu nghe đi ạ!
Cụ lắc đầu:
- Thời chúng tôi, trai gái không được tự do vui chơi, đùa nghịch hồn nhiên như các cháu bây giờ đâu. Phần lớn là yêu thầm cả để rồi có khi dang dở, nuối tiếc. Thời buổi nào thì có cái biểu lộ tình yêu của thời đó. Các cháu cởi mở như thế rất tốt.
Uyên quay lại nhìn tôi rồi lại nhìn Thi:
- May quá! Chẳng bao lâu nữa, anh cũng sẽ là người cùng nhà và em có nhiều dịp để học hỏi ở anh.
Tôi nói đùa với Uyên:
- Thưa chị Uyên, thật rất hân hạnh!
Thi ngồi bên cạnh “véo” một cái vào đùi tôi rồi nhìn bà chị mỉm cười. Uyên nhìn tôi cười:
- Anh lại trêu em nữa rồi! Em không muốn anh gọi em bằng “chị” đâu, lúc đó anh cứ gọi em là “Uyên” cho tiện. Lúc nào em cũng kính trọng và coi anh là người anh của em mà.
Tôi nhìn Thi hỏi:
- Ý em thì sao?
Thi cúi mặt xuống, mỉm cười bẽn lẽn, nhẹ lắc đầu phụng phịu:
- Em không biết!
Tôi biết đây là cách trả lời duy nhất của Thi mỗi khi nàng gặp phải câu hỏi khó trả lời.
Bỗng thuyền bên kia, Mơ chợt lên tiếng:
- Chị Lan ơi (tên cô lái đò)! Lúc nãy chị Phấn bên thuyền kia hát rồi, nay chúng em mời chị hát đại diện cho thuyền bên đây đi.
Cô Lan cứ nhìn cô Phấn bên thuyền bên tôi như hỏi ý. Cô Phấn vui vẻ dục:
- Chị Lan hát đi! Chị Lan hát hay lắm đấy ạ!
Cô Lan, đứng suy nghĩ một chút rồi nói:
- Em mời cụ và các anh chị nghe một bài hát dân ca mang điệu “Hát ru” của miền Bắc nhé.
Chúng tôi vỗ tay hoan hô để cổ võ. Thư đứng lên vỗ tay to nhất. Mơ phải kéo tay Thư xuống cô mới chịu ngồi yên.
À…à…ời! À …à…ơi!
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
À…à…ời! À…à…ơi!
Bờm rằng Bờm chằng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
À…à…ời! À…à…ơi!
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi hòn xôi. Bờm cười!
Xin mời nghe Điệu ru em
Khi Lan vừa hát xong chúng tôi lại vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Thư lại đứng lên khua chân múa tay ra điều thích thú lắm. Mơ khen:
- Chị Lan hát hay quá!
Cụ Từ:
- Bài hát “ru em” hay “ru con” này, tuy lời hát thật dung dị nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều triết lý dân gian lắm đó.
Uyên nghe cụ Từ nói thế vội quay lại nhìn tôi như hỏi ý. Tôi đưa tay lên môi ra dấu để Uyên đừng hỏi nữa. Tôi nói nhỏ chỉ đủ để Uyên nghe:
- Về nhà anh nói cho nghe!
Uyên cũng đưa tay lên môi nhìn tôi mỉm cười như vừa để đùa nghịch vừa như có ý nói rằng em đã hiểu ý anh rồi. Tôi tự mỉm cười vì tôi biết Uyên đã cho tôi là người có thể giải đáp cho nàng mọi vấn đề mà nàng cần biết. Thật sự thì lại không phải là thế.
Thuyền lại tiếp tục đi trên dòng sông Ngô Đồng. Bích Động nằm ngược hướng với đường tới Tam Cốc.
Cụ Từ cho biết là đã tới nơi. Rời bến thuyền, chúng tôi phải đi bộ một đọan đường khá dài để đến chùa Bích Động. Trên đường đi, cảnh trí cũng thật tươi mát, yên tịnh và thanh bình làm sao dù là trời đã gần trưa. Được biết là vào mùa lúa mọc, cả một vùng xanh ngát một mầu. Đến mùa lúa chín thì nó trở nên rực rỡ như trải thảm vàng.
Cũng như đến những nơi khác, tới Bích Đông cũng vậy, cụ Từ luôn luôn là người dẫn đường và sẵn lòng giải thích cho chúng tôi cặn kẽ về những điều mà chúng tôi được nhìn thấy, được nghe thấy trong chuyến đi. Nhìn bề ngoài, với dáng vẻ nông dân mộc mạc của cụ, người ta thật khó mà có thể đánh giá cho đúng mức về sự hiểu biết về Hoa Lư của cụ.
Từ xa xa chúng tôi đã thấy thấp thoáng một quần thể ba ngôi chùa cổ mầu rêu phong, mang hình dáng chữ “Tam” theo Hán tự. Chúng không liền lạc nhau, tạo thành tam cấp nằm dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng. Núi với cây cối xanh um, động và chùa cùng ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên. Nhìn toàn cảnh trông như một bức tranh tuyệt mỹ của núi rừng. Có chi nhánh của sông Hoàng Long chảy uốn khúc quanh 5 ngọn núi Ngũ Nhạc quây quần với nhau. Được biết dưới gầm chùa lại có “động xuyên thủy”. Càng đến gần, cảnh trí càng thấy đẹp đẽ và kỳ thú hơn lên.
Cụ Từ cho biết:
@Về vị trí. Chùa được xây dựng trên sườn núi Bích Động, nằm trong dẫy núi đá Ngũ Nhạc, thuộc thôn Đàm Khê, xã Ninh Hảỉ, huyện Hoa Lư. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình được chúa Trịnh Sâm ban tặng cho danh hiệu là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam, sau động Hương Tích ở Hà Đông.
@ Về lai lịch của chùa. Chùa được trùng tu và mở rộng theo quy mô lớn vào thời Hậu Lê. Năm 1705, có hai vị sư, pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể, một người quê ở Đông Xuyên, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng chùa chiền. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa sẵn, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, sửa sang chùa cũ, xây dựng lại thành ba ngôi chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành. Đây là di tích thuộc loại “chùa hang” (chùa trong hang động) được khởi dựng năm 1705 với nhiều lần trùng tu, khoét sâu vào hang để cải tạo làm nơi thờ Phật. Tại chùa Trung người nhà chùa đục các tảng “trầm tích” trong lòng hang làm nơi thờ tự. Các tảng trầm tích mầu vàng, kết cấu rắn chắc, đôi chỗ tìm thấy vỏ hầu biển, chứng tỏ hang này đã từng là nơi trú ẩn và sinh sống của người tiền sử, có thể là trong thời kỳ biển tiến.
@ Về tên chùa, chùa Bích Động nguyên có tên "Bạch Ngọc Thanh Sơn Động", mang ý nghĩa một ngôi chùa bằng đá đẹp như ngọc trắng ở trong động trong chốn núi xanh. Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa Bích Động. Bích Động có nghĩa là động mầu xanh, cõ lẽ khi chúa Trịnh Sâm đến đây, nhằm mùa lúa xanh tốt, nhìn toàn cảnh đều xanh tươi.
@ Về kiến trúc, chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói, các góc của mái đều có đầu đao cong vút lên làm cho mái có hình dáng uốn lượn uyển chuyển. Ngoài gỗ lim chùa còn được xây dựng bằng những đá tảng nguyên khối trạm trổ công phu.
Chùa Hạ. Chúng tôi vào thăm chùa Hạ phải qua một cầu đá 3 nhịp. Chùa được xây trên một nền kè đá cao khoảng 2 mét, ngay dưới chân núi. Kiến trúc chùa theo kiểu chữ “Đinh” trong Hán tự. Hai bên chùa là hai tòa “giải vũ” và phía trước chùa là sân rộng và phương đình. Chùa có 5 gian, nóc chùa hai tầng, gồm 8 mái lợp bằng ngói mũi hài to bản. Các cột thềm đều làm bằng đá liền nguyên khốt, liền lạc, cao hơn 4 mét. Vì kèo, xà ngang, xà dọc thì đều bằng gỗ lim.
![]() |
|
Chùa Hạ |
Chữ “Đinh” |
Ngay giữa chính điện là bức đại tự bốn chữ Hán “Mạo Cổ Thần Thanh” (Tiếng vang thanh bạch và cổ kính từ xưa tới nay). Trong chùa thờ Tam bảo, thờ Phật và các vị La Hán như ba vị cai quản tầng Trời, tầng Đất và tầng Âm; Phật Di Đà, Quán Âm, Đại Thế Trí, Phật Bà nghìn mắt nghìn tay tức bà chúa Ba, Phật Thích Ca Mầu Ni đứng tay chỉ lên trời tay chỉ xuống đất; Bát Đại Kim Cương mặc võ phục và Tứ Trực Công Tào coi việc chính sự trong nhà Phật. Ngoài ra còn tượng thờ ba vị sư Trí Kiên, Trí Thể, Trí Tâm có công xây dựng chùa Bích Động.
Bên ngoài chùa có tượng đá Nam Tào - Bắc Đẩu coi sổ sinh tử. Và một tấm bia ghi công đức những người đóng góp xây dựng chùa.
Chùa Trung. Chúng tôi ra khỏi chùa Hạ, trở ra sân, leo men theo sườn núi để lên chùa Trung. Trên đường đi có nhiều cây thị cổ thụ rợp bóng mát. Tới lưng chừng núi là tới chùa. Chùa có một kiến trúc thật đặc biệt, một nửa phía ngoài gắn vào hang động, một nửa phía trong lộ thiên. Chùa có 3 gian, thờ Phật Như Lai và 3 vị Bồ Tát gồm: Phổ Hiền, Văn Thù và Thánh Hiền.
![]() |
||
Chùa Trung |
Chuông treo ngay cửa động chùa Trung. |
Chùa Thượng |
Từ trong Thượng điện chùa Trung, leo thêm khoảng 20 bậc đá là tới động. Đây là động khô rất đẹp, gọi là động Tối. Trước cửa động có treo một quả chuông lớn với nét chạm khắc tinh vi. Chuông này được hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể cho đúc vào năm 1707. Trong động, thạch nhũ tạo nhiều hình thù mà ta dễ có thể tưởng tượng ra, nào ông tiên, cô tiên, tiểu đồng; nào là rồng, rùa, voi, hổ... lại có 3 tượng Phật đứng uy nghi gồm đức Phật A Di Đà, Quan Âm Thị Kính, Văn Thù Bồ Tát, hình tượng Lão Thọ bằng đá. Nhìn ra phía ngoài là cầu Giải Oan. Người ta cho rằng khi đánh 3 tiếng chuông thì mình như được qua cầu Giải Oan để cho tâm hồn thanh thản.
Chùa Thượng. Từ chùa Trung, chúng tôi đi thêm khoảng 40 bậc đá nữa thì tới chùa Thượng. Chùa còn có tên là chùa Đông. Đây là chùa trên cùng, gần đỉnh núi Bích Động. Đứng từ chùa này chúng tôi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn thật đẹp đẽ, hùng tráng, thơ mộng với núi, với sông, với cánh đồng Ngũ Môn bát ngát nên thơ. Hai bên chùa có hai miếu, miếu Thổ Địa và miếu Sơn Thần. Cạnh chùa có bể nước “Cam Lồ” của Phật Bà Quán Âm. Trong chùa thờ Phật Quán Thế Âm.
Chúng tôi đứng hưởng gíó mát ở chùa Thượng. Tôi hít thở những hơi thật dài như cố nén vào buồng phổi mình không khí trong lành. Chợt Hội cúi xuống hôn nhẹ vào gáy Mơ rồi dùng hai tay tạo thành cái loa, hét to:
- Mơ ơi!
Tiếng “Mơ ơi” vang đập vào vách đá tạo thành nhiều tiếng vang tiếp nhau “Mơ ơi!... Mơ ơi!... Mơ ơi!...” Tiếng vang dội nhỏ dần rồi tỏa tan vào không gian yên tĩnh. Mơ giật mình quay lại trố mắt nhìn Hội.
Hội lại hét to:
- Anh yêu em!
Tiếng hét lại vang vào vách núi từng chập, vang xa rồi tan đi. Mơ cảm động trước hành động của Hội, nhưng xấu hổ vì có chúng tôi đứng chung quanh nên cứ đánh vào tay Hội nói:
- Cái anh này...!
Hội bất ngờ bế bổng Mơ lên hỏi:
- Em có yêu anh không? Nếu không, anh sẽ vứt em xuống chân núi!
Mơ không trả lời mà hai tay cứ ôm cứng lấy cổ Hội mà cười. Hội buông Mơ đứng xuống đất cười nói:
- “Vợ” tôi cũng nặng đáo để!
Mơ xấu hổ chạy lại cứ ôm bám vào cánh tay Thư. Chúng tôi được một trận cười thoải mái. Thư ôm ngang lưng Mơ nói:
- Em bảo vệ chị, đừng có lo!
Tôi cũng bắt chước Hội dùng tay làm loa hét lớn:
- Thi ơi!... Thi ơi!... Thi ơi!...
Một chuỗi tiếng “Thi ơi” lại đập vào vách đá thành chuỗi âm thanh vang dài trong không trung. Thi kéo vội Uyên đi xuống bậc thang, không kịp để “véo” tôi. Uyên tiếp hơi tôi cũng hét to:
- Anh yêu em!... Anh yêu em!... Anh yêu em!...
Thi vội đưa bàn tay bịt miệng chị lại. Chúng tôi lại được dịp để cười đùa thêm lần nữa trước khi cùng lần theo đường cũ trở xuống dưới chân núi. Cụ Từ cũng vui lây với cái vui của chúng tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy Uyên đùa nghịch.
Tôi nghe văng vẳng phía sau lưng, Mơ thủ thỉ với Hội:
- Sau chuyến đi chơi này, khi trở về Hương Sơn, chắc đêm nằm em phải khóc nhiều lắm vì nhớ anh!
Hội an ủi:
- Anh cũng nhớ em nhiều lắm! Anh hứa sẽ về thăm em luôn! Chịu không?
- Thật hả? Anh về, em sẽ nấu cơm thật ngon cho anh ăn!
- Em hứa đấy nhé!
- Em hứa mà!
Tiếng hai người cười khúc khích tình tứ nho nhỏ với nhau.
Rời Bích Động, chúng tôi trở lại thuyền. Cùng nhau ăn trưa với cụ Từ và hai cô lái đò. Sau bữa ăn, chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đi thăm khu Tràng An cho kịp chiều nay.
Xin mời nghe Mười nhớ-1.
Xin mời nghe Mười nhớ-2.
PHỤ BẢN
Vài tấm hình ảnh thuộc khu Tam Cốc do người viết chụp