Trở về trang chính

Những Năm Tháng Ấy
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

(Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống câu chuyện)
Xin thành thật cám ơn các anh:
NGUYỄN CÔNG THUẦN : Hiệu đính (Edit)
NGUYỄN TRỌNG DZŨNG : Trình bày
HOÀNG GIA THỤY: Góp ý

CHÚNG TA ĐI MANG THEO QUÊ HƯƠNG

CHƯƠNG IV
TRÀNG AN

***

Phần 1

 

Rời khỏi Bích Động, trời đã hơi xế ngả sang chiều, chúng tôi tất tả theo cụ Từ để tới Tràng An. Gió đồng nội thổi nhè nhẹ mát, đôi khi chúng tôi như cảm thấy có chút lành lạnh của gió heo may nơi đất thấp với những cây cổ thụ chen vai mọc hai bên đường tạo thành những cụm rừng nhỏ. Lá cây reo xào xạc vui tai. Thanh bình quá và nên thơ quá.

Trên đường tới Tràng An cụ Từ cho chúng tôi biết:

Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư khoảng 3 cây số (km) theo hướng nam, cách thành phố Ninh Bình 6 cây số theo hướng tây, cách thị xã Tam Điệp 16 cây số theo hướng bắc và cách Hà Nội 96 cây số theo hướng nam.

Đứng về mặt địa thế, Vùng trung tâm hay “lõi” của Tràng An có diện tích hơn 2.000 mẫu tây (ha). Nơi đây có những dẫy núi đá vôi. Tương tự như vùng Tam Cốc, núi cao từ 70 mét tới hơn 100 mét. Lại có tới hàng chục hồ (30), đầm nước, được nối thông với nhau bởi hàng chục hang động (50). Trong đó có những hang “xuyên thủy” dài ngắn khác nhau, từ vài chục mét, vài trăm mét, có khi lên tới cả hơn cây số như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây. Tổng cộng chiều dài các hang “xuyên thủy động” ở Tràng An có thể lên tới cả chục cây số. Những hang, động này có dòng nước đối lưu chảy thông qua nhau từ khe núi này đến khe núi kia.

Đứng về mặt quân sự, Tràng An là thành lũy bảo vệ phía nam cho kinh thành Hoa Lư nên còn được gọi là thành Nam. Đó là một quần thể gồm những dẫy núi cao, hồ, lạch, hang động “xuyên thủy” và những đường thủy quanh co, khép kín. Chúng ăn thông chằng chịt với nhau thành một thế trận liên hoàn, có đường vào nhưng khó tìm được đường thoát ra. Do đó, nó được ví như một “trận đồ bát quái.”

Về mặt tài nguyên thiên nhiên, Đây là vùng có môi trường sinh thái khá sinh động gồm nhiều tài nguyên thiên nhiên rất đa dạng và phong phú. Những rừng hoang chưa được khai thác. Nhiều sinh, thực vật sinh sống trong những môi trường thích hợp của chúng như rừng, núi, hang động, thủy vực... Mỗi thứ phải kể có hàng trăm loại khác nhau, trong đó có hàng chục loại thuộc hiếm quý. Thảo mộc, có nhiều loại quý như dược thảo, cây cảnh... Gỗ có đinh, sến, lát... Động vật sống dưới nước có nhiều loại cá, kể cả rùa cổ sọc ... Động vật sống trên bờ có dê núi, khỉ, rái cá, mèo rừng, trăn, rắn... Chim muông có sáo, chim cu, cò... và đặc biệt là phượng hoàng đất, một loại chim quý còn sống thành từng đàn.

Về mặt địa chất, Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An nói riêng, vùng Hoa Lư nói chung, xưa là một “vùng biển cổ.” Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các dấu tích của biển. Sự có mặt của các ngấn nước của biển cổ, nhiều nơi ở độ cao từ năm tới mười mét so với mực nước biển hiện tại, đã chứng tỏ trong quá khứ, biển đã từng xâm nhập sâu vào các thung lũng trũng giữa những rặng núi đá vôi này. Mức ngấn biển được hình thành từ đợt biển tiến cách đây khoảng 7.000-4.000 năm.

Nguyên nhân làm cho “vịnh biển cổ Hoa Lư” của Ninh Bình trở thành một “vịnh Hạ Long trên cạn” xuất phát từ sự tuần tự thành hình và phát triển đồng bằng châu thổ sông Hồng như đắp đê, ngăn lũ, lấn biển của người Việt liên tục từ cả hàng chục thế kỷ nay. Trong đợt biển lùi (biển rút), các con đê tiếp tục ngăn cản không cho phù sa tràn vào bồi đắp cho các vùng trũng này mà trôi thẳng ra biển. Phù sa mới cứ tiếp tục bồi đắp thành đất liền và mở rộng ra phía biển để vùng Tràng An-Tam Cốc càng ngày càng bị đẩy lùi sâu vào trong lục địa, và lâu dần, trở thành vùng đất trũng trên cạn như ta thấy ngày nay.

Thế nhưng, mặc dù biển đã trở nên “xa” vùng Tràng An hàng nghìn năm nay, song, hình ảnh biển xâm lấn và biến cải vẫn được giữ nguyên gồm các núi và đảo. Chúng vẫn mang nhiều dấu tích của biển như các mỏm đá, các ngấn sóng vỗ, có hàu hà bám, các thềm mài mòn, các hang luồn,… và những thắng cảnh đẹp tương tự không thua kém các thắng cảnh của một “Vịnh Hạ Long” trên cạn.

Về mặt khảo cổ, Các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều di vật, và dấu tích chứng minh sự có mặt của người tiền sử từ 5.000-30.000 năm. Đặc biệt là ở những di chỉ khảo cổ ở hang Bói, hang Trống, hang Chợ và hang núi Thung Bình. Việc sử dụng các công cụ đá vôi, săn bắn, kỹ thuật mài, cưa, đồ gốm và trồng trọt trong những rặng núi đá vôi và đồng trũng, đồng lầy có nét độc đáo riêng tạo nên nền văn hóa hết sức đặc thù được phát triển một cách liên tục và bền vững trong thời kỳ đó.

Về mặt thắng cảnh, Mỗi nơi như mỗi bức tranh thủy mạc khác nhau vì thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh nước biếc hòa quyện với nhau, lúc ẩn lúc hiện. Núi bao bọc quanh hồ nước, giữa hồ có đảo nổi lên với rừng cây mọc bao phủ xanh tươi. Bên cạnh những thắng cảnh đó là những khu di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh như các đền, chùa, phủ, miếu của hai triều đại Đinh, Tiền Lê xưa và triều đại nhà Trần.

* * *

ĐỀN TRẦN - PHỦ ĐỘT

Đến Tràng An, chúng tôi cũng lại thuê hai chiếc thuyền như sáng nay, ngay bến đò trung tâm khu vực Tràng An thuộc thung Áng Muông. Ngồi trên thuyền, chúng tôi lại được hưởng những giờ phút thanh bình trên “sông nước” và được ngắm nhìn cảnh vật nên thơ chung quanh. Mỗi nơi, mỗi góc cạnh, cảnh vật đều đẹp như những bức tranh vẽ.


Thắng cảnh Tràng An

Tôi thấy Tràng An khác với Tam Cốc. Ở Tam Cốc thì cảnh đẹp nhờ vào thế núi, thế sông với những cánh đồng chiêm hay đồng lầy mở rộng tỏa ra. Còn ở Tràng An thì cũng núi non trùng điệp, cũng rừng hoang vu xanh ngát một mầu như ở Tam Cốc, nhưng lại có thêm nhiều hồ nước trong xanh, suối ngòi uốn khúc luồn lách quanh co với nhiều hang “xuyên thủy”, đặc biệt chúng như được thu gọn lại gần nhau. Mọi cảnh vật ở đây, vì như gần gũi với chúng tôi nên ai cũng có cảm giác như có thể tiếp xúc được với thiên nhiên một cách gắn bó và dễ dàng hơn.

Cụ Từ còn cho biết, ngoài việc thuyền chúng tôi sẽ có dịp luồn lách trong những hang động “xuyên thủy”, còn được lần theo những con lạch nhỏ để vào những hồ nước lớn trong xanh của một vùng sinh thái thiên nhiên chưa được khai phá. Và, chúng tôi sẽ lần lượt được đi thăm vài nơi di tích mang đầy tính chất lịch sử lẫn văn hóa của cố đô Hoa Lư không nên bỏ qua như Đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, đền Trình, phủ Bặc hay phủ Đạo. Thuyền sẽ qua hang Luồn, rồi tiện hướng đi, trở về khu Hoa Lư nơi có hai đền Đinh-Lê mà chúng tôi đã đi thăm ngày hôm qua.

Theo đề nghị mà cụ Từ vừa đưa ra, thì quả thật, đây là một chương trình đi chơi vô cùng hứng thú mà cụ Từ đã ưu ái dành cho chúng tôi.

Địa điểm đầu tiên cụ đưa chúng tôi đến là đền Trần.

Cụ Từ cho biết thêm, từ khu trung tâm Tràng An vào đền Trần, chúng tôi có thể đi bằng hai ngả, hoặc đường bộ, hoặc đường thủy.

*/ Theo đường bộ.


Thung và hang Nấu Rượu.


Thung đền Trần.

Nếu đi bằng đường bộ thì chúng tôi có thể bắt đầu từ một hòn núi gần bến đò Tràng An này, qua hai “thung” dài gần hai cây số thì tới.

Với đường bộ, chúng tôi sẽ được thưởng ngoạn một môi trường tự nhiên của núi rừng với hàng trăm loại thực vật tốt tươi. Nào với những cây si hàng trăm tuổi, rễ phụ mọc chằng chịt. Nào được nghe, được thấy đủ loại chim hót. Những con chim sáo bay chuyền cành, chim “phượng hoàng đất” còn sống thành từng đàn ở đây. Bên cạnh loài chim người ta còn thấy, nào là sơn dương (dê núi), nào là vượn, sóc chuyền cành... Thật là một cảnh thiên nhiên hoang sơ kỳ thú như đang đi trên một vùng đất chưa có ai đặt chân tới đang được cụ vẽ ra trước mắt chúng tôi.

Trước khi tới đền Trần chúng tôi phải đi băng qua ba thung, thung Cậy rồi qua thung Nấu Rượu rồi tới thung Trần. Đường bộ qua cảnh núi rừng tuy đẹp và được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, nhưng đường đi đôi khi lại cheo leo trên sườn núi cao, nguy hiểm.

Và, từ những đường mòn quanh co trên sườn núi cao, chúng tôi còn có thể quan sát cả một vùng thung lũng rộng chung quanh phía dưới như thung Nấu Rượu. Ở thung này có hang Nấu Rượu dài 250 mét ăn thông sang với hang Tối Trong. Hang Nấu Rượuhang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm, trong, sâu hơn 10 mét. Khu hang núi còn có dòng nước trong, người xưa lấy nước ở đây để cất rượu thì rượu rất ngon không đâu sánh bằng, thường được tiến vua. Ngày nay, người ta tìm thấy được ở chung quanh đây những mảnh vại, hũ, bình bằng sành, dụng cụ để chưng cất rượu ngày xưa.

Từ thung Nấu Rượu, theo đường núi và rừng vào thung Trần để tới đền Trần.

Vì đi theo đường bộ thì vất vả cho các cô “tiểu thư” nên cụ Từ khuyên chúng tôi nên dùng đường thủy.

*/ Theo đường thủy.

Trước tiên cũng từ bến đò Tràng An, chúng tôi dùng thuyền đi trong hồ độ 800 mét thì đến hang Tối Ngoài. Qua hang này, để vào quần thể hang động trong thung hang Tối Ngoài. Thung hang Tối Ngoài có diện tích khoảng 140 mẫu tây (ha), có ba cửa hang, đó là cửa hang Đột, cửa hang Địa Linh và cửa hang Tối Ngoài. Hang Tối Ngoài, đúng với cái tên Tối của nó, vừa tối, vừa dài, vừa ngoắt ngoéo quanh co. Hang Tối Ngoài có chiều dài 315 mét là lối thủy đi duy nhất để vào các hang động và thung lũng bên trong.


Bến đò


Cửa hang Tối Ngoài


Thạch nhũ trong hang Tối Ngoài

Thung Tối Ngoài có một dòng lịch sử trôi trảy theo dòng nước qua đây đã kéo dài cả nghìn năm nay.

Tương truyền, vào thời vua Đinh, có hai vị tướng được vua Đinh rất tin dùng, phong cho là “Tả Thanh Trù” và “Hữu Thanh Trù”. Đương triều, họ là hai Giám sát Đại tướng quân giúp vua trong việc nội chính trong cung, lại cai quản kho vàng, kho bạc của vua. Nhưng hai người đã không lường được hành động của tên đầu bếp Đỗ Thích đã hãm hại hai cha con vua Đinh. Do đó, sau khi vua Đinh băng hà, hai người đã đau buồn đến tột độ, xin từ quan vào ở ẩn trong thung hang này. Và cũng theo tương truyền hai vị tướng này đã dấu ấu chúa Đinh Toàn vào thung hang Tối để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn (1). Khi hai ông chết đi, dân Cố đô lập đền thờ hai ông ở đây được gọi là phủ Đột. Nhưng với thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi đền này không còn nữa mà chỉ còn lưu lại vài dấu vết khắc trên những phiến đá. Sau này, để tiện việc thờ cúng, dân chúng đã chuyển đền thờ đến vị trí mới ở ngay cửa hang Đột năm Ất Sửu, tức năm 1825.


Phủ Đột (cũ)


Đại tự “Nhật Quán Nguyệt”


Phủ Đột (mới ngày nay)

Phủ Đột, còn gọi là Đền Trình là phủ thờ hai vị quan này ở đây để tưởng nhớ, ghi công trung nghĩa. Chính giữa phủ có ghi đại tự “Nhật Quán Nguyệt.” Người xưa có câu “Trung trinh nhật quán nguyệt” biểu thị cho những bậc trung thần quân tử. Ngay trước cửa phủ có mấy câu đối:

Nhất phiến trung can hồ nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà.

Và:

Thái Bình danh tướng truyền thiên tải
Ất Sửu linh từ hoán nhật tân

Chữ Thái Bình ở đây là niên hiệu của vua Đinh Tiên Hoàng và cũng là tên của đồng tiền Thái Bình thời vua Đinh.

Chúng tôi đi qua thung hang Tối Ngoài thì tới thung hang Sáng có diện tích 15.4 mẫu tây. Thung hang Sáng có bốn hang và bốn “quèn” phân đều ra bốn góc đông, tây, nam, bắc. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ, có chiều dài 112 mét và cách hang Tối Ngoài chưa đầy 40 mét.


Cửa vào hang Sáng


Cửa ra hang Sáng

Chúng tôi cứ tiếp tục đi thuyền trên lạch nước của một vùng sinh thái xanh tươi, hoang sơ, trong lành thì đến thung hang Tối Trong. Thung này có diện tích 135 mẫu tây, có 5 cửa hang đi ra 5 hướng. Nếu đi rẽ về hướng bên trái thì sẽ thấy hang Nấu Rượu, dài 250 mét để thông qua thung Nấu Rượu (như đã nói trước đây) để đưa đến đền Trần.

Thuyền tiếp tục đi quanh co trên lạch nước một lúc nữa để đưa chúng tôi đến được đền Trần.


Đền Trần với bốn cột đá


Sân đền Trần

Chúng tôi xuống thuyền, lần theo những bực thang đá để vào đền. Những bực đá từ bến đò lên tới sân đền cũng khá cao.

Thư uể oải theo sau mọi người. Chúng tôi đứng lại chờ Thư ở một chỗ ngoặt gần đó. Hội cùng với cụ Từ dẫn đầu, vừa đi vừa nói chuyện, hăm hở lần theo bậc đá bước lên. Tôi thấy Thư nói với Mơ với giọng tinh nghịch:

- Để em trả thù cho chị nhé!

Mơ vừa định lên tiếng hỏi nhưng Thư ra dấu cho Mơ không được nói hay hỏi gì thêm nữa. Bỗng Thư ngồi bệt xuống bậc đá, lớn tiếng gọi Hội:

- Anh Hội ơi! Em đau chân quá!

Hội nghe thấy tiếng Thư vội xin phép cụ Từ để quay lại với Thư. Chúng tôi cũng vội bước đến. Thư đề nghị:

- Chân em đau quá! Anh Hội cõng em lên đền đi!

Hội khoanh tay nhìn cô em hỏi:

- Cô lại dở trò gì đây?

- Em đau chân!

Hội ngập ngừng nhưng rồi cũng cúi xuống cõng cô em. Cũng may, anh ta khá cao lớn và khoẻ. Hội tiếp tục bước lên phía trước với cô em trên lưng. Thư cứ tiếp tục rên rỉ và thỉnh thoảng quay lại nháy mắt với Mơ và cười với chúng tôi. Hội cứ tiếp tục leo lên cao. Và Mơ bước theo sau, riu ríu với bộ mặt đầy ái ngại và thương cho Hội.

Vừa đến sân đền, Hội thả Thư xuống đất:

- Cô còn dở trò gì thêm nữa không?

Thư không trả lời câu hỏi của Hội mà hỏi lại:

- Anh có mệt không?

Hội trả lời cụt ngủn:

- Không! Sao?

Thư nhìn Hội, nhìn Mơ rồi nhìn chúng tôi với bộ mặt đầy thất vọng. Cô hỏi lại Hội:

- Anh không mệt thật hả?

Hội trả lời cô em với sự chán nản:

- Ừ thì mệt! Nhưng sao?

Thư tỏ vẻ hớn hở, hỏi thêm:

- Anh mệt thật hả?

- Ừ! Sao?

Thư dơ hai tay lên trời múa múa như reo mừng:

- Có thế chứ! Em trả thù được cho chị Mơ rồi!

Mọi người ngạc nhiên nhìn Thư. Thư cười nói tiếp:

- Sáng nay, ở chùa Bích Động, anh dọa vứt chị Mơ xuống núi mà!

Hội cười to:

- À, thế ra hai chị em cô hùa nhau “trả thù” anh phải không?

Mơ cứ đứng nhìn Hội, một tay bịt miệng, một tay đưa lên khua khua như muốn nói không phải, không phải thế. Hội quàng tay lên vai Mơ kéo đi, vừa đi vừa nói:

- Anh biết không phải là em! Thư nó đòi cõng, anh đã đoán ngay là nó có ý định dở trò gì đây rồi.

Lúc này mọi người mới cười ồ vui vẻ. Cụ Từ nhìn chúng tôi, cũng cười theo.

Mơ bỏ Hội để đi lùi xuống phía sau với Thư. Hai chị em cứ bấm nhau cười khúc khích.

Vừa vào cổng đền, chúng tôi may mắn gặp ngay ông từ đền Trần đang quét lá ngoài sân. Ông từ đền Trần tuổi tác không cao như cụ Từ nên vóc dáng có vẻ lực lưỡng và tiếng nói còn sang sảng. Cụ Từ và ông từ đền Trần có lẽ khá thân nhau nên hai người tỏ vẻ thân mật lắm. Chúng tôi được mời vào “nhà khách” uống nước trà. Nhân câu chuyện thăm hỏi, cụ Từ giới thiệu chúng tôi và ngỏ ý nhờ ông từ đền Trần giảng giải cho chúng tôi nghe đôi điều về ngôi đền này. Ông từ vui vẻ nhận lời. Chúng tôi cùng đứng dậy cám ơn ông.

Ông từ đền Trần dẫn chúng tôi đi thăm đền, đi tới đâu ông giải thích tới đó. Sự hiểu biết của ông từ đền Trần làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Ông luôn tỏ ra hết sức năng động, hoạt bát và thu hút người nghe, vi giọng nói chắc nịch, tự tin và nhất là những lời giảng giải thật mạch lạc đầy thuyết phục.

Đền Trần nằm tại thung Trần. Thung Trần có diện tích khoảng 240 mẫu tây và thung này có thể đại diện cho nhóm rừng nguyên sinh, đồng lầy. Chúng tôi cũng phải lấy làm lạ vì nơi thâm sâu cùng cốc này sao lại có một ngôi đền với kiến trúc đá uy nghi và những bức phù điêu chạm khắc thật tinh xảo. Và đặc biệt, nghe nói nơi đây, dân Cố đô thường lui tới khấn lễ đông đảo, khói hương nghi ngút quanh năm.

Ông từ đền Trần kể:

- Đọc lại văn bia, ngôi đền trước kia ở dưới thung, cách vị trí hiện nay độ 800 thước. Ta quay lại lịch sử vào thế kỷ thứ X (10), khi Đinh Tiên Hoàng Đế dẹp xong loạn 12 sứ quân, ngài lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, niên hiệu Thái Bình. Ngài cho xây những ngôi đền như thế này ở những góc thành gọi là Tứ trấn, để nhờ thần linh trấn giữ bảo vệ kinh thành. Ngôi đền Trần này thuộc về trấn phía Nam.

Ngôi đền cũ bằng gỗ do Đinh Tiên Hoàng Đế xây dựng đã đổ nát. Năm 1258, vua Trần Thái Tôn cho xây dựng lại và từ đó được nhân dân quen gọi là đền Trần. Vua Trần còn cho xây dựng thêm bên cạnh đền một ngôi chùa thờ Phật và thờ Mẫu Hiền Thiên công chúa tức tiền thân của chúa Liễu Hạnh đang được thờ ở phủ Tây Hồ, Hà Nội và ở “Tam tòa Thánh mẫu” ở Nam Định. Nhưng sau gần 600 năm, ngôi chùa này không còn nữa, chỉ còn bệ thờ Mẫu. Vào tháng 8 năm Mậu Thân (1909), các vị chức sắc trong Nội Lâm đã hưng công sửa chữa và di chuyển đền về vị trí hiện nay nên còn được gọi là đền Nội Lâm. Đền trước thì được xây dựng bằng gỗ, nhưng khi di chuyển vào vị trí mới thì được xây dựng lại bằng đá với kiến trúc chạm đá rất công phu và tinh xảo như ngày nay.

Ông từ đền Trần cho biết thêm:

- Đền Trần thờ một vị tướng quân dưới thời vua Hùng Duệ Vương, vị Hùng Vương thứ 18. Vị tướng này là Thánh Quý Minh Đại Vương. Điều đó được khẳng định một cách rõ ràng bởi những câu đối trong đền.

“Khuông phù hùng quý Trung Hưng Tướng”
“Tĩnh trấn Nam Thiên Thượng Đẳng Thần”

(Ý nói: Khi phò vua Hùng thì ngài mới chỉ là Trung Hưng Tướng, nhưng khi giao cho trông coi trời Nam ở Ninh Bình thì ngài được phong là Thượng Đẳng Thần.)

Vì vậy tượng ngài, tay phải cầm “Bảo trượng” như cầm “Thượng phương bảo kiếm” biểu tượng quyền lực thay vua ngoài biên ải. Tay trái đặt trên đầu gối biểu tượng sự mạnh mẽ, ngay thẳng. Khăn đai mũ áo biểu tượng cho văn võ song toàn. Bên cạnh là đức phu nhân, tay phải cầm quạt, tuy đã khép nhưng biểu tượng cho nhà tham mưu cho Quý Minh Đại Vương. Hai tượng tuy không to nhưng hoàn mỹ về dáng vẻ.


Thánh Quý Minh Đại Vương và phu nhân

Hai câu đối hai bên trong hương án thờ, bên phải:

Kính chiêu xã tắc trung tâm tại
Văn địa sơn hà chính khí lưu

(Ý nói: Giúp yên đất nước, hồn thiêng lưu lại cho con cháu muôn đời.)

Hai câu đối bên trong hương án thờ, bên trái:

Địa tiếp cồ đô thiên cổ thắng
Cát lâm cương xứng nhất hoàng thanh

(Ý nói: Đền này được xây sát với thành nhà Đinh. Các cụ muốn lấy trời xanh, non xanh bao bọc lấy ngôi đền, vì ngôi đền này được xây trên lưng chừng núi.)

Phía trước đền là ngôi rừng nguyên sinh rộng 54 mẫu được gọi là “thung nhà Trần” hay “thung Trần”, nghĩa là triều đại nhà Trần đã từng lưu trú ở vùng đây.

Cụ từ đền Trần cho biết tiếp:

*/ Thân thế của Thánh Quý Minh Đại Vương. Tiền thân của ngài có từ đời vua Hùng Duệ Vương. Bắt đầu từ cụ Nguyễn Hạnh, sinh ra hai người con trai, con cả tên Nguyễn Xương, con thứ tên Nguyễn Cao. Đến 50 tuổi mà hai người chưa có con. Vào muà xuân năm ấy, hai người lên núi, nay gọi là núi Tản Viên để du ngoạn. Dọc đường gặp được tiên ông chỉ cho chỗ có địa lý tốt để mồ mả ông cha. Sau đó hai anh em đều có con.

- Người anh, tức Nguyễn Xương, sinh được con trai tên Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn sau này trở thành Tản Viên sơn thánh quốc chủ Thượng Đẳng Thần, được thờ ở đền Thượng tại chân núi Tản Viên, tỉnh Sơn Tây. Đó là Sơn Tinh mà ta thường nghe, và cũng là con rể của vua Hùng Duệ Vương. Tản Viên là một trong “Tứ bất tử” thần của Việt nam. Ta biết Hùng Duệ Vương có 20 hoàng tử và hai công chúa. Một công chúa là Tiên Dung gả cho Chử Đồng Tử, tình yêu nẩy nở trên bãi cát. Chử Đồng Tử cũng là một trong “tứ bất tử” thần. Công chúa Mỵ Nương thì được gả cho Nguyễn Tuấn tức thánh Tản Viên.

- Người em, tức Nguyễn Cao, sinh được hai người con sinh đôi. Người anh tên là Nguyễn Sùng, tức là Thánh Cao Sơn Đại Vương hiện nay được thờ ở đền Và, tỉnh Sơn Tây. Người em song sinh với Nguyễn Sùng là Nguyễn Hiền tức là Quý Minh Đại Vương đang được thờ ở đền này. Bên cạnh là Nương Nương phu nhân. Nước ta lúc đó theo chế độ mẫu hệ nên bà được thờ, ngồi song song với ngài.

*/ Kiến trúc của đền. Đền làm bằng đá, mái lợp bằng ngói, bên trong có cuốn “vòm” bằng vật liệu vôi, mật mía và giấy bản. Đền có 12 cột đá, trong đó, đặc biệt có 4 cột ngay mặt tiền bằng đá xanh nguyên khối, chạm trổ hoa văn đẹp, tinh vi, sắc sảo và rất công phu. Đá xanh nguyên khối này lấy từ núi Nhồi, Thanh Hóa. Trên 4 cột trụ đá có khắc bộ “tứ linh” gồm long, ly, quy, phượng. Loại phượng này còn sống từng đàn ở đây. Những nét hoa văn được khắc rất mềm mại và sống động.

Hình rồng chạm khắc trên bốn cột đá trước đền

Con phượng đang dang hai cánh rộng, mỏ to, mắt sáng, bay cao, bay xa, nhìn chếch về phía dưới. Đây là biểu tượng cho thế “thượng võ.” Mỏ phượng ngậm dải lụa đào và cuốn thư ở phía dưới biểu tượng cho thế “thượng văn”, tượng trưng cho văn võ song toàn. Long (rồng) ở đây biểu tượng cho “quyền lực”, ly đại diện cho “sức mạnh” và quy (rùa) đại diện cho sự “trường tồn.” Trên tác phẩm này tả thế rồng đang hút nước, nước được cuốn lên. Rùa từ trong đầm sen ló ra. Con cá chép cũng muốn mình được hóa long (rồng) vì vậy cũng lao theo dòng nước để ngoi lên.

Vài hình khắc trên cột đá: phượng, rồng hút nước, cá rô mgoi lên

Cổ nhân có để lại đây một câu thơ:

Mồng năm cá đi ăn thề,
Mồng tám cá về, cá vượt Vũ môn.

Và đặc biệt ở đây là con cá lao lên theo dòng nước rút lên của rồng để hóa long thì lại là con cá rô, con cá mang tính chất địa phương.

Khi đi nhớ cậu cùng cô,
Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường.
(Tổng Trường đây là Tổng Trường Yên - Hoa Lư)

Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Sau khi giảng giải xong về 4 cây cột đá trước cửa đền, ông đưa chúng tôi trở lại phòng tiếp khách. Chúng tôi ngỏ lời cám ơn ông từ đền Trần và xin phép được từ giã ông để còn tiếp tục cuộc hành trình. Ông đưa cụ Từ và chúng tôi tới cổng đền rồi mới quay trở lại.

Trên đường xuống bến đò, tôi cũng giả vờ đau chân bắt Thi cõng. Thi nhìn tôi cười nói:

- Em không bắt anh cõng là may cho anh lắm rồi đó!

Thi nắm tay Uyên dẫn đi. Uyên quay lại chỉ Hội đang bá vai Mơ đi phía trước, nói vội với tôi:

- Em đoán cặp này thể nào họ cũng sẽ lấy nhau trước dự định. Họ yêu nhau quá anh nhỉ!

Tôi trả lời:

- Ừ, anh cũng đoán thế!

Uyên, Thi và tôi cùng sánh bước tới bến đò. Hai cô lái đò còn đang chờ đợi ở đó.

* * *

HANG ĐỘNG “XUYÊN THỦY” VÀ PHỦ KHỐNG

Sau khi thăm đền Trần, chúng tôi lại xuống thuyền. Cách đền Trần độ 100 mét, ẩn chứa dưới rừng cây một hang cao, rộng, có 4 cửa đi ra bốn hướng ăn thông sang nhau với những tên khác nhau.

Hang thứ nhất này có tên hang Địa Linh, dài 1500 mét, xuyên từ tây sang đông.

Hang thứ hai từ phía bắc, dài 300 mét, thông với hang Địa Linh.

Hang thứ ba, có cửa phía nam, phía thung Mây nên gọi là hang Mây, dài 1200 mét.

Hang thứ tư, có cửa cách bến đò khu trung tâm Tràng An 200 mét gọi là hang Đột (như đã nói ở trên). Hang dài 70 mét.


Cửa hang Địa Linh


Thạch nhũ trong hang


Thạch nhũ trong hang

Cứ dựa trên sự việc các hang động ăn thông với nhau như thế, thuyền chúng tôi có thể di chuyển bằng cách luồn lách trong lòng núi, với chiều dài khoảng 3 cây số, để đi qua các thung Cậy, thung Nấu Rượu và thung Trần. Nếu không biết đường đi hoặc thiếu người hướng dẫn chắc chắn chúng tôi sẽ cứ loanh quanh rồi lại trở về nơi cũ.

Những ai có dịp vào thăm những hang động này thì sẽ phải hết sức kinh ngạc và thích thú về sự tạo hình và mầu sắc của những thạch nhũ trong hang. Thiên nhiên đã kiên nhẫn tạo dựng liên tục từ những giọt nước nhỏ giọt trong động hàng chục ngàn năm tới hàng triệu năm để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật này của tạo hóa.

Thuyền chúng tôi lại theo đường cũ trở lại thung Tối Trong.

Nếu tiếp tục đi theo lộ trình trong thung hang Tối Trong ta sẽ gặp hang Sính dài 80 mét, hang Si dài 200 mét. Hai hang này đều đưa ta tới thung Láng. Thung Láng có diện tích 165 mẫu tây, có 4 cửa hang, hang Sính, hang Si, hang Thuốc (Sinh Dược) và hang Ao Trai. Giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m.

Từ hang Thuốc người ta có thể tới hang Trường Sinh, dài 500 mét, tới hang Long Ẩn và vùng thắng cảnh của hồ Đàm Vị.

Thuyền chúng tôi tiếp tục tới hang Ba Giọt, dài 156 mét. Vì hang có một dòng nước thứ ba từ trong vực chảy ra, nước nóng ấm nên trong mùa đông tháng giá, cá về đây trú ẩn để tránh rét. Nhũ đá trong hang này thì thật đẹp. Có một điều làm ta thú vị và ngạc nhiên là qua hang Ba Giọt lại có thể đưa ta về thung hang Sáng.


Cửa hang Ba Giọt


Thạch nhũ trong hang


Thạch nhũ trong hang

Chúng tôi tiếp tục tới hang Xeo, dài 98 mét. Trần hang cao rộng, đường đi thuyền trong hang, khi sang phải, khi sang trái, ngoắt ngoéo, quanh co. Qua hang Xeo thì vào thung Sao Bé, có diện tích hơn 16 mẫu tây. Ở cuối thung có một chiếc hang dài 80 mét, xuyên sang thung Xeo Lớn. Phía bên trái là hang Sơn Dương, dài 210 mét, thông sang thung Khống.


Cửa hang Ba Giọt


Thạch nhũ trong hang


Thạch nhũ trong hang


Thung Khống

Thung Khống có diện tích 85.5 mẫu tây, có hai hang tập trung về đây là hang Sơn Dương mà chúng ta vừa đi qua. Còn đây là cửa hang Khống. Ngay cửa hang Khống có ngôi phủ thờ một vị quan trấn ải triều Đinh gọi là phủ Khống. Tục truyền rằng khi vua Đinh băng hà, có 7 vị quan trung thần đã trực tiếp khâm niệm và tự tay chuyển 100 bộ quan tài bằng đồng, trong đó chỉ có một quan tài có thi hài của vua Đinh, để đem đi mai táng. Sau đó 7 vị quan này cùng uống thuốc độc tự tử để đem đi tất cả những bí mật về những chiếc quan tài này. Vị quan trấn ải ở thung Khống vô cùng thương tiếc đã đem bát hương thờ của 7 vị quan trên đặt trên một hòn đá và trồng cạnh bên một cây thị. Hàng ngày, tới mỗi bữa ăn, ông ngồi bên bát hương, mỗi miếng ăn ngon, ông đều gắp vào bát cơm để bên cạnh bát hương để mời các vị trung thần kia. Mỗi chén rượu ông uống, ông lại chia một nửa rót vào gốc cây thị và cầu khẩn cây thị mau lớn và sớm ra hoa kết trái để cúng giỗ vua Đinh vào dịp rằm tháng Tám. Khi ông chết đi, dân cố đô lập một phủ thờ bên gốc cây thị mà ngày nay gọi là phủ Khống. Cây thị này nay vẫn còn, cây thị nghìn tuổi, cho hai loại trái, một tròn, một dẹt. Đã từ lâu lắm, không biết từ bao giờ, dân cố đô mỗi khi đem đồ tế lễ tới phủ Khống xong thì sau đó lại bưng đồ tế lễ ấy ra cúng tại bát hương trên tảng đá để cúng tế 7 vị quan trung thần rồi mới hạ lễ. Do thời gian trôi đi hơn ngàn năm nên rễ cây thị đã nâng hòn đá và bình hương lên hơn một mét.

Phủ Khống

Bát hương ở gốc cây thị - Gốc cây thị (có hai loại quả: tròn,dẹp)

Ngôi phủ đã được tôn tạo uy nghi với những dòng câu đối ghi rõ công đức của vị quan trấn ải:

Trợ tá nhân gian cao nhật nguyệt
Quảng thông thiên hạ mãn càn khôn

Và:

Khai quốc vạn niên công đức đại
Thái Bình thiên cổ hiển phương danh

Chữ Thái Bình ở đây là niên hiệu của vua Đinh.

Thuyền chúng tôi rời phủ Khống để tiến vào con lạch nhỏ để đi tới sông Sào Khê theo hướng trở về hai đền Đinh, Lê của cố đô Hoa Lư

* * *

(Coi tiếp Phần 2)


Ghi chú:

(1) Theo chính sử thì Đinh Toàn được Lê Đại Hành phong là Vệ Vương (theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim) và vào năm 1000 vùng Cự Long (Thanh Hóa) nổi dậy. Vua Lê Đại Hành thân chinh đi dẹp, Vệ Vương đi theo và bị giết trong trận này (theo Nhìn Lại Sử Việt của GS Lê Mạnh Hùng).

Tham khảo và trích đoạn: (Tạm lươc kê. Xin đọc toàn phần tham khảo ở cuối chương VI)
Chúng tôi thành thật cám ơn các soạn giả và xin lỗi về những tham khảo, trích đoạn mà người viết đã không có cơ hội để xin phép trước.

1- Di tích và thắng cảnh Hoa Lư (Nguyễn văn Trò và Dương Thanh Lam)

2- Nghìn năm văn hiến (Trần Quốc Vượng)

3- Tìm về bản sắc văn hóa Việt nam (Trần Ngọc Thêm)

4- Bồi bổ sức khoẻ bốn mùa (BS Nguyễn Ngọc Thông-Phương Thúy-Cao Tự Thanh)

5- Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính)

6- Bách thần Hà Nội (Nguyễn Minh Ngọc)

7- Mỹ thuật cổ truyền Việt nam (Nguyễn Khắc Ngữ)

8- Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)


Trở về đầu trang