Trở về trang chính

Những Năm Tháng Ấy
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

(Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống câu chuyện)
Xin thành thật cám ơn các anh:
NGUYỄN CÔNG THUẦN : Hiệu đính (Edit)
NGUYỄN TRỌNG DZŨNG : Trình bày
HOÀNG GIA THỤY: Góp ý

CHÚNG TA ĐI MANG THEO QUÊ HƯƠNG

CHƯƠNG IV
TRÀNG AN
(Tiếp theo)

***

Phần 2

LÀNG TRÀNG AN VÀ HANG LUỒN

Thuyền tiếp tục đi trong vùng sinh thái Tràng An. Cảnh vật nơi đây thật hoang vu chắc chỉ có người địa phương mới đặt chân tới mà thôi.

Thuyền vào sông Sào Khê thì Cụ Từ cho biết là thuyền đang đi dọc làng Tràng An. Làng Tràng An nằm hai bên bờ sông Sào Khê. Những thôn xóm lúc đông đúc nhà cửa san sát, lúc lưa thưa tùy theo thế đất rộng hẹp hai bên bờ sông.

Cụ Từ cũng cho biết thêm, sông Sào Khê có thượng nguồn từ sông Hoàng Long. Sào Khê có chiều dài 14 cây số chảy dọc theo cố đô Hoa Lư theo hướng tây bắc-đông nam, chảy qua “xuyên thủy động” hang Luồn, lách mình qua những dẫy núi đá có cây xanh và những thung lũng rồi gặp sông Vân Sàng đổ vào sông Đáy chẩy ra biển cả.

Làng Tràng An với dòng sông Sào Khê uốn khúc

Cụ Từ đề nghị thuyền cập vào bến Đá Bàn để hưởng cảnh đẹp thiên nhiên và tìm hiểu những di tích lịch sử ở đây. Cụ cho biết vào triều Đinh, nơi đây vừa là điểm trấn giữ đài kiểm soát, vừa là nơi truyền tin hai chiều, vừa là nơi hội họp của 31 tướng trấn giữ các thung lũng ở khu Tràng An. Ngày xưa thông tin bằng cách dùng người, cách nhau một khoảng, rồi dùng tay làm loa gọi to để truyền tin đi khắp nơi hay nhận tin từ các nơi truyền về. Do đó có một người đứng ở hòn Đá Bàn này dùng loa truyền tin đi bốn hướng đông, tây, nam, bắc. để có thể truyền đi mệnh lệnh của triều đình hay nhận tin từ các thung chuyển về. Vua Đinh đã cử hai viên tướng trấn giữ ngày đêm. Khi cần thông tin khẩn cấp thì đốt lửa hiệu trên đỉnh núi cao kề bên khu Đá Bàn. Núi ấy nay mang tên núi Lửa Hồng. Vạt núi khu Đá Bàn nay còn mang tên Bát Quái, dân thường đọc trẹo ra là Bát Khoái.

Sau khi hai tướng và binh sĩ ở đây chết đi theo biến cố lịch sử của vua Đinh, người dân Tràng An lập một phủ thờ hai vị tướng quân và binh sĩ dưới quyền ở chân núi Bát Quái.


Khu vực hòn Đá Bàn


Núi Lửa Hồng


Miếu thờ ông Phạm văn Nghị

Cũng ở nơi khu Đá bàn này đây, có một nhà chí sĩ chống quân Pháp về đây ẩn dật, đó là ông Phạm Văn Nghị. Ông sinh ngày 24 tháng 12 năm 1805 tại làng Tam Đăng, huyện Ý Uyên, tỉnh Nam Định. Ông đã thi đậu Hoàng giáp nên gọi ông là ông Hoàng Tam Đăng. Năm 1858, khi quân Pháp nổ phát súng xâm lược đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, ông tuyển 365 nghĩa quân đem vào phía nam chống giặc Pháp. Sau ông không đồng ý với vua Tự Đức về việc chuyển nhượng đất cho nước Pháp nên ông đã từ quan về đây ẩn dật tại Đá Bàn này vào năm 1874. Ông đã cùng dân chúng ở đây trùng tu lại ngôi phủ thờ hai vị tướng quân và đặt lại tên phủ là phủ Liên Hoa.


Phủ Liên Hoa


Miếu thờ hai vị tướng quân


Bia tạc trên vách đá

Ông Phạm văn Nghị đã lập miếu trên hòn Đá Bàn và cùng bạn tâm giao ngồi uống rượu hay câu cá, làm thơ. Ông đã mở truờng dậy cho dân chúng Tràng An. Sau khi sống ở đây 7 năm, tức từ năm 1874 đến năm 1881, do ông bị ốm nặng phải đưa ông về quê dưỡng bệnh. Ông mất vào ngày 11 tháng Giêng năm 1881, thọ 76 tuổi.

Ông để lại hai thi tập “Tùng văn biên tập” và “Nghĩa trai thi tập.” Có nhiều bài thơ nổi tiếng làm tại Đá Bàn. Trong số đó có bài Nhàn, thơ tứ tuyệt.

Một chiếc cần câu bến Thạch Bàn
Cá câu chẳng được vẫn ngồi gan
Có ai ngó giỏ cười không nói
Không cá nhưng ta được chữ nhàn.

Chúng tôi trở lại thuyền để tiếp tục cuộc hành trình trên sông nước Tràng An.


S. Sào Khê dưới chân núi Ô. Trạng


Núi ông Trạng


Núi Hòm Sách, đối diện núi Ô. Trạng

Ở đây có núi Ông Trạng và quả núi khác bên kia sông hình hòm sách vì được cấu tạo bởi các lớp đá phẳng xếp thành tầng gọi là núi Hòm Sách là cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng bên ven bờ sông Sào Khê. Tục truyền rằng, giặc Ngô ở phương Bắc, nghe nói nước Nam có một ông Trạng nguyên bằng đá ngồi uy nghi, đường bệ bên một hòm sách lớn từ khai thiên lập địa. Chúng tức tối vô cùng, đem quân, đem thừng chão mong kéo đổ ông Trạng để nước Nam không còn người tài giỏi nữa. Nhưng kết quả, ông Trạng không đổ mà chão lại đứt tung. Do mất đà, quân Ngô bị ngã lăn ra phía trước nên giải đất ấy gọi là ruộng Ngô Ngã. Chão đứt văng sang cánh đồng bên trái nên gọi là ruộng Vũng Chão. Còn hai vạt đất dân ta đứng reo hò khi thấy chão đứt nay gọi là cánh đồng Reo Lớn và cánh đồng Reo Con.

Qua khỏi núi ông Trạng và núi Hòm sách, nay thuyền chúng tôi đang theo dòng sông Sào Khê để tới hang Luồn hay “Xuyên thủy động.”


Hang Luồn


Bên trong hang


Bên trong hang

Từ bến thuyền cửa phía nam của “xuyên thủy động” hang Luồn, chúng tôi lại xuống thuyền để thực hiện cuộc du ngoạn, ngắm cảnh thiên nhiên hòa quyện với di tích lịch sử của triều Đinh. Và hơn nữa, để chúng tôi hiểu thêm sự sâu sắc về quân sự của buổi đầu khai quốc cùng bao di tích lịch sử dân tộc chống ngoại xâm và những giá trị nhân văn truyền thống đậm đà, khởi sắc của kinh thành cố đô Hoa Lư được lưu truyền từ xưa tới nay.

Chúng tôi được cụ Từ cắt nghĩa thật tỉ mỉ về hang Luồn như sau:

*/ Dẫy núi đá trùng điệp ẩn chứa hang Luồn là tường lũy gắn kề bảo vệ hoàng cung. Hang Luồn dài 100 mét, và là gạch nối, là huyết mạch giao thông duy nhất bằng đường thủy giữa hoàng cung và căn cứ Tràng An phía nam.

*/Tục truyền rằng Đinh Bộ Lĩnh đã tập hợp nghĩa quân xưng Vương với tôn hiệu là Vạn Thắng Vương tại cửa hang Luồn này rồi cất binh dẹp loạn 12 sứ quân. Trước khi xuất binh, binh đội triều Đinh bao giờ cũng tập hợp làm lễ tế cờ ở cửa phía nam hang Luồn. Khi thắng trận trở về, đích thân vua cũng đến tế lễ, tạ ơn trời đất tại đây. Khi xuất binh bao giờ cũng xuất binh ở nơi phía nam này để bảo đảm bí mật .

*/Khi đất nước đã thu về một mối, năm 968, sau khi lập đàn tế trời, Đinh Bộ Lĩnh bố cáo thiên hạ lên ngôi vua, xưng hiệu Đinh Tiên Hoàng Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình cũng tại nơi đây. Vua Đinh vinh danh người có công, khao thưởng binh sĩ rồi cho những thiền sư, cao tăng lập đàn tràng lớn cầu siêu ba ngày ba đêm cho những linh hồn tướng sĩ, những người vì nước mà vong thân. Vì vậy nên trên vách đá cửa hang Luồn còn lưu giữ rõ nét những hình họa chạm khắc: phía trên là hình đài tháp kính thiên, ngay phía dưới là hình lửa rực cháy thả trên mặt nước. Chung quanh là hình những con thú làm vật hiến tế cho thánh thần. Hình khắc họa những con chim, con cá dùng để phóng sinh khi hành lễ cầu siêu.


Cá, chim được phóng sinh


Hình kính thiên đài


Rồng trấn giữ

*/Tục truyền rằng “xuyên thủy động” hang Luồn là một linh huyệt thiêng liêng của kinh đô Hoa Lư nên nhà vua đã cử nhiều vị cao tăng, những đạo sĩ giỏi và lập một đàn trấn yểm. Truyện xưa kể rằng một đàn trấn yểm, người xưa phải dùng mộc, nhân, tượng, mã, xà, ngũ sắc và ngũ cốc. Vì vậy hình của “linh phù” từ phía dưới lên ta thấy rất rõ một số chi tiết: Một hình chữ nhật như biểu tượng một tấm gỗ, bên trên là một hình người với một chân quỳ một chân chống, hai tay nâng cao một chiếc lư hương. Phía trên là hình mặt trời biểu thị cho ngũ sắc và trên cùng là biểu thị của ngũ cốc rất sinh động. Đã hơn một nghìn năm, thế mà những đường nét chạm khắc của đạo bùa “linh phù” vẫn còn rất rõ nét như thách thức với thời gian.


Hình chữ nhật như miếng gỗ


Người chân quỳ chân chống


Hai tay nâng lư hương

Qua hang Luồn, ngược hướng tây-bắc khoảng 300 mét, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho xây dựng hoàng cung từ phía nam chân núi Đại Vân ra phía bắc tức là khu đền thờ vua Đinh và vua Lê hiện nay.

Tràng An giữ trọng trách là một căn cứ quân sự bất khả xâm phạm liền kề cung điện để bảo vệ hoàng thành.

*/Khu vực hang Luồn này còn gọi là khu “Cái Hạ” (Cái là chính, Hạ là dựa trên hình thể của những dẫy núi chung quanh tạo thành chữ Hạ), là nơi an toàn, cơ mật để vua cùng các quan hội họp, luận bàn việc nước.


Núi Tràng An trùng điệp


Thung Cái Hạ


Thung Cái Hạ nhìn từ phủ Bặc

*/Sau này và cũng nơi này, biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách cùng về nơi đây để du sơn ngoạn thủy. Các vua, chuá cũng về đây để cầu trời đất, thánh thần và anh linh của vua Đinh Tiên Hoàng Đế cùng các trung thần, nghĩa sĩ tại nơi thiêng liêng đắc địa này.

Năm 1770 chúa Trịnh Sâm tới đây như trăn trở, bộc bạch nỗi niềm tâm sự với núi sông, với anh linh của các bậc tiền nhân nên đã làm một bài thơ chữ Hán, cho khắc trên vách núi thành một bia lớn ngoài cửa hang Luồn, được dịch:

Quay thuyền về đến bến Tràng An
Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền
Như tấm lụa trăng hang dội nước
Có từng núi mọc, cửa trồng then
Cố đô đã mấy lần thay đổi
Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền
Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên
(Thơ dịch của Đinh Gia Thuyết)

Quay thuyền về đến bến Tràng An
Đường dạo Hoa Lư cũng thuận miền
Sông như giải lụa hang nhỏ nước
Điệp trùng núi mọc cửa cài then
Cố đô dời đổi đâu dấu tích
Chỉ thấy quanh co núi nước liền
Hưng phế người xưa coi đã rõ
Lòng dân đáng sợ chớ nên quên.
(Không biết tên dịch gỉả)

* * *

PHỦ BẶC

Cụ Từ đưa chúng tôi đi thăm phủ thờ ngài Nguyễn Bặc gọi là phủ Bặc. Cụ cho biết:

- Ngôi phủ nằm trên sườn núi như một viên ngọc quý lọt giữa hàm rồng. Phía dưới là “xuyên động thủy” hang Luồn có dòng sông Sào Khê uốn lượn qua thật là “sơn thủy hữu tình”, một tuyệt tác của thiên nhiên. Phủ “thờ vọng” vua Đinh Tiên Hoàng và thờ khai quốc công thần Thái Tế Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc và công đồng tướng sĩ triều Đinh do con cháu, hậu dụê của Nguyễn Bặc dựng nên. Tên phủ còn gọi là Phủ Đại.

Nguyễn Bặc là người cùng làng, cùng sinh năm 924 với vua Đinh. Thuở nhỏ cùng là bạn chăn trâu, kề cận với Đinh Bộ Lĩnh như hình với bóng. Sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn 12 sứ quân. Tương truyền rằng Nguyễn Bặc là người thao lược, văn võ song toàn. Nguyễn Bặc đích thân cầm quân đi đánh sứ quân nào thì sẽ thắng sứ quân ấy. Khi dẹp xong 12 sứ quân, Nguyễn Bặc là nguời tham mưu cho Đinh Bộ Lĩnh phải xưng đế và chọn Hoa Lư để đóng đô. Ông đưa kế sách nào, vua Đinh Tiên Hoàng cũng theo kế sách đó. Vua Đinh phong cho ông vào bậc khai quốc công thần, tứ trụ triều đình. Lịch sử coi Nguyễn Bặc là đệ nhất công thần dưới triều Đinh.

Sau 12 năm trên ngôi, vào đêm rằm tháng 8 năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng bị kẻ nghịch thần, nội nhân Đỗ Thích sát hại. Nguyễn Bặc cùng các bậc khai quốc công thần như Đinh Điền, Phạm Hạp, Lưu Cơ (“Tứ trụ triều đình” của Nhà Đinh là Định quốc công Nguyễn Bặc, Thái sư Trịnh Tú, Đại tư đồ Đinh Điền, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ) và các tướng trung thành bảo vệ ấu chúa Đinh Toàn, đưa ấu chúa vào Tràng An ẩn dấu quyết phục hưng triều Đinh. Nguyễn Bặc bị bắt và bị giết vào rằm tháng 10 cùng năm đó bên dòng sông Chanh.

Lịch sử đã coi Đinh Bộ Lĩnh và Nguyễn Bặc như tam đồng: đồng sinh, đồng hươngđồng chí hướng.

Chúng tôi vào thăm khu Phủ Đại.


Phủ Đại nằm bên cạnh, phía nam


Nghi môn


Sân phủ


Trung Nghĩa Tác Sơn Hà

Qua Nghi môn rồi qua hệ thống bậc thang chúng tôi tới trước sân Phủ. Hai cột trụ vươn cao với đôi câu đối trên thân cột:

Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa
Thiên thu hiển hách đối Nam sơn
(Muôn đời hồn thiêng nước Việt hội tụ nơi đây/ Ngàn năm hiển hách trường tồn cùng núi Nam.)

Qua sân chúng tôi thấy có bốn cột đá khắc những câu đối trên mỗi cột. Phía trên hàng hiên có hàng đại tự : Khai Môn Kiến Hỉ (mở cửa gặp may).

@Vào trong Phủ, ngay phía trên chính điện có bức hoành phi đề: Trung Nghĩa Tác Sơn Hà (Lòng trung nghĩa được dựng xây và trường tồn cùng xã tắc).

@ Tiếp theo là tới nhà nhà tiền đường gồm 5 gian được phân bố:

- Ba gian giữa dùng để tế lễ.

- Hai ban thờ ở hai gian hai bên: Ban thờ bên phải thờ các đấng tôn thần hậu duệ dòng dõi Nguyễn Bặc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng và các vị vua triều Nguyễn v.v… Ban thờ bên trái thờ các tôn thần liệt nữ hậu duệ của dòng dõi Nguyễn Bặc.

Hai bên cột giáp tường có đôi câu đối:

Nguyễn tộc tiết liệt tồn kim cổ
Như vũ lâu đài kỷ hậu lai
(Khí tiết họ Nguyễn truyền mãi xưa nay/ Đền miếu uy nghi rạng danh muôn thuở.)

Hai bên của nhà tiền đường còn lưu giữ những cổ vật do hậu duệ dòng họ Nguyễn Bặc sưu tầm được và được lưu trữ ở đây. Trong số cổ vật có những đồng tiền đủ loại, đại diện cho tất cả triều đại của nước ta, trong đó có đồng tiền Thái Bình của triều Đinh. Đây là đồng tiền đầu tiên của nước ta, đúc năm 970 sau hai năm lên ngôi, với bốn chữ “Thái Bình Hưng Bảo” ở mặt trước và chữ Đinh in nổi ở mặt sau và kết thúc lưu hành vào năm 980 sau khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà. Đồng tiền này được thay thế bằng đồng tiền của nhà Tiền Lê sau đó.

Bên cạnh những đồng tiền, nơi đây còn lưu trữ những cổ vật khác của thời Đinh, Lê, Lý, Trần được các nhà khảo cổ tìm thấy trong khu vực cố đô Hoa Lư, Tràng An.

@ Tiếp theo, Ban thờ phía ngoài hậu cung có một lư hương lớn thờ công đồng và tướng sĩ triều Đinh.


Ban thờ công đồng

@ Tiếp theo, Ban thờ chính giữa hậu cung là nơi thờ Khai Quốc Công Thần Định Quốc Công Nguyễn Bặc.


Kiếm lệnh


Ban thờ chính giữa


Bát bửu

@ Trong cùng là cung tẩm, điện trong cùng là cung “vọng đế” thờ vua Đinh. Bài vị thờ trên ngai vàng đề: “Khai cơ sáng nghiệp Đinh Tiên Hoàng Đế, húy Bộ Lĩnh bệ hạ.” Trên tường, ngay sau ngai vàng có gắn một chiếc quạt bằng đồng đúc nổi hình “lưỡng long chầu nguệt”, tượng trưng như quạt dâng cho Hoàng đế mỗi khi xa giá vi hành về ngự tại đây.


Chiếc quạt bằng đồng đúc

Ra khỏi sân Phủ, rẽ trái khoảng 15 mét thì chúng ta sẽ tới một hang nhỏ khô ráo. Trong hang này là một kho tàng cổ vật thời triều Đinh lưu giữ ở đây như đồ sứ, đồ sành, đồ đá. Những hòn đá mài đủ cỡ lớn nhỏ và đa dạng để mài binh khí. Bên cạnh đó lại có vại, chum, vò tìm được ở khu vực này.


Những hòn đá mài lớn, nhỏ


Lưỡi giáo, tên


Cối đá


Đồ sứ


Đồ sành

Chúng tôi ra khỏi hang, tiếp tục leo những bậc thang đá để leo lên cao hơn, gặp một ban thờ bạch hổ. Cạnh ban thờ là một giếng nước sâu vào lòng núi, sâu tít tới tận mặt nước của con sông phía dưới chân núi.


Ban thờ thần Bạch hổ


Giếng “giải oan”


Long thần

Chúng tôi tiếp tục leo thêm, rẽ bên trái, gặp thêm một di tích lịch sử. Xưa có một đài quan sát, truyền tin để bảo vệ cho kinh thành Hoa Lư và để bảo vệ cho những cuộc hội họp của vua Đinh cùng các quần thần ở khu vực hang Luồn. Sau dân Tràng An lập một đền thờ nhỏ để thờ vua Đinh và tướng sĩ của ngài trong một hang khô ráo rất đẹp gọi là động Đại. Cửa động thờ “long thần” và bên cạnh là giếng “giải oan”, không ai biết giếng sâu tới đâu trong lòng núi.

Đứng từ nơi cao này, chúng tôi có thể quan sát được một cảnh rộng với thế núi thế sông tạo nên thế phong thủy của chữ Hạ. Do đó ta gọi thung này là thung Cái Hạ.

Bề mặt đất phẳng ở phía dưới Phủ có đền thờ Nguyễn Trãi, hậu duệ của Nguyễn Bặc. Người lập đền thờ này là người đến từ Côn Sơn.


Đền thờ Nguyễn Trãi


Sân đền

Hàng chục ngọn núi bao bọc và chầu về thung Cái Hạ. Có giải núi trông như con rồng uốn khúc, hổ quỳ, voi phục. Ngọn núi đối diện với Phủ Đại, bên cạnh sông Sào Khê còn lưu rõ nét khắc một con rồng. Tương truyền rồng khắc này tượng trưng như một vị giám quan trấn giữ khu trước cửa ngõ thung Cái Hạ.

* * *

ĐƯỜNG TRỞ LẠI HOA LƯ

Rời phủ Bặc, chúng tôi lại xuống thuyền đi qua hang Luồn, hướng về phía tây-bắc tức về phía hoàng cung. Cửa hang phía này rộng tới 35 mét. Qua cửa hang, một không gian mở rộng, tương truyền rằng đây là nơi hội họp của vua Đinh Tiên Hoàng và các trọng thần ở trên thuyền.

Thuyền tiếp tục đi thì gặp phủ Mộc, một vị trí canh phòng của quân lính triều Đinh. Sau đó là Ghềnh Tháp, còn nguyên di tích nơi vua Đinh đứng duyệt thủy binh và đứng xem bơi chải trong những ngày hội Cờ Lau vào mỗi tháng 3 âm lịch. Đây cũng là thẳng cảnh nổi tiếng. Ven sông có hòn núi Mã Yên. Tới đây, thuyền đã vào địa phận cố đô Hoa Lư.

Cửa ra hang Luồn (phía Hoa Lư)

“Ghềnh tháp” và đường vào động Cổng đền vua Đinh. Am Tiên

Qua hang Luồn khoảng 300 mét là trở về hai ngôi đền Đinh và Lê.

Một điểm có thể lưu tâm là từ phủ Khống đi xuôi về đền vua Đinh, Lê có khoảng cách là 1.5 cây số. Và đi ngược lại từ phủ Khống trở lại bến đò trung tâm Tràng An của thung Áng Mương cũng có khoảng cách là 1.5 cây số. Nghĩa là phủ Khống nằm ngay chính giữa của hai đền Đinh, Lê tới bến đò trung tâm Tràng An. Bến đò Tràng An cách đền Đinh, Lê khoảng 3 cây số về hướng nam.

Tôi thấy Thi hơi lạnh vì nước trong hang Luồn nhỏ từ trần xuống làm ướt đầu và hai vai nàng. Tôi vội lấy áo trong “ba lô” của tôi khoác lên vai Thi. Thi nhìn tôi với đôi mắt cám ơn và đầy trìu mến. Tôi nhẹ ghì nàng vào người tôi như muốn truyền cho nàng thêm chút hơi ấm. Thi cầm bàn tay tôi bóp nhẹ, những ngón tay nàng đan vào những ngón tay tôi. Thi ghé miệng vào tai tôi nói nhẹ “Anh ...” như muốn nói thầm điều gì với tôi. Tôi ghé sát tai gần vào miệng nàng hơn như để lắng nghe. Bất chợt Thi cắn nhẹ vào vành tai tôi rồi vội nhả ra ngay, hai tay bịt miệng cười. Tôi trợn mắt nhìn, mím môi, dơ tay lên nhứ nhứ như muốn “cốc” nàng. Thi vội lấy hai tay ôm đầu kêu nhỏ:

- Không được đánh em!

Uyên ngồi phía trên quay đầu xuống nhìn hai chúng tôi. Uyên hỏi ngay:

- Thi nó lại trêu gì anh phải không?

Tôi chỉ cười mà không nói. Thi vẫn lấy hai tay bịt miệng vừa cười vừa trả lời chị:

- Không ạ!

Uyên vừa quay đầu đi, thình lình tôi thổi mạnh vào lỗ tai Thi. Thi giật mình, cười lên khanh khách:

- Em không đùa nữa đâu!

Uyên quay vội lại thấy Thi cứ bịt tai mà cười. Uyên cũng mỉm cười dù nàng chẳng biết chúng tôi vừa làm gì ở phía sau lưng.

Cô lái đò chợt hỏi:

- Anh vui tính quá! Anh có cháu nào chưa?

Tôi vội trả lời ngay một cách rất nghiêm trang:

- Tôi có hai cháu, một đứa lên 5 và một đứa lên 3.

Cô lái đò trợn mắt nhìn Thi. Thi cũng trợn mắt nhìn tôi. Cô lái đò chỉ Thi ngập ngừng:

- Chị đây ... còn... trẻ ... !?

Thi tỏ ra lúng túng định nói thì tôi lại lên tiếng:

- Một trai, một gái.

Cô lái đò hết nhìn tôi rồi lại nhìn Thi, không nói gì. Tôi đoán cô không hỏi thêm vì ngờ là tôi đang trêu cô nên cô chỉ tủm tỉm cười một mình. Thi vẫn trợn mắt nhìn tôi. Tôi cười nói với cô lái đò:

- Tôi nói thật đấy! Hai đứa cháu tôi, con của bà chị, chúng nó ngoan lắm!

Tôi vừa nói xong câu ấy, mọi người trong thuyền đều cười. Cụ Từ cũng cười theo. Thi được thể, hai tay đấm vào cánh tay tôi nhõng nhẽo nói:

- Em ghét anh lắm! Chị Thìn chưa có chồng mà anh dám nói chị ấy có con. Em về mách chị ấy cho anh bị đòn luôn.

Uyên thấy thế nói với Thi:

- Chẳng mấy năm nữa có chồng, với tính nhõng nhẽo này, không biết cô có ăn tranh của con không đây!

Tôi cười nói:

- Uyên, anh không sợ “cô ấy” ăn tranh của con, mà anh chỉ sợ “cô ấy” ăn tranh của chồng thôi.

Mọi người lại cười. Thi chồm tới cắn vào cánh tay tôi mà không chịu nhả ra cho tới khi tôi cù vào cổ nàng. Chợt cô lái đò than:

- Hai năm nay, vợ chồng chúng em “cố” mãi mà chưa được đứa con nào!

Chúng tôi im lặng để tôn trọng lời than vãn của cô.

Tôi an ủi:

- Cô còn trẻ mà!

Cô lái đò lại nói:

- Vâng, năm nay em 20 tuổi rồi. Chồng em là con một nên mẹ chồng em muốn có cháu trai sớm để nối dõi tông đường. Bà sốt ruột, cứ nhắc chúng em suốt thôi. Em chỉ sợ vài năm nữa không sinh đẻ được, mẹ chồng em lại đi cưới vợ khác cho anh ấy. Em cũng lo lắm!

Chúng tôi yên lặng không nói gì thêm trước sự lo âu của cô.

Tôi ghé vào tai Thi nói thật nhỏ chỉ đủ nàng nghe:

- Anh cũng là con trai một đấy!

Thi ngửng lên nhìn tôi mỉm cười rồi bẽn lẽn cúi xuống, lấy ngón chân cái bấm mạnh vào bàn chân tôi. Nhìn đôi mắt long lanh của Thi, tôi muốn hôn lên má nàng.

Thuyền tiếp tục đi trên dòng sông Sào Khê. Tiếng mái chèo khua nước, tiếng sóng vỗ mạn thuyền nghe êm ả làm sao. Tôi nhìn ngắm Thi ngồi thu mình, hai tay chống cằm nhìn cảnh vật bên bờ sông. Tôi để tay lên bờ vai nàng bóp nhẹ. Thi quay lại nhìn tôi mỉm cười rồi lại quay đi lơ đãng ngắm cảnh. Tôi biết trong lòng Thi đang vui với cái hạnh phúc mà tôi đang mang đến cho nàng. Tôi mỉm cười một mình với ý nghĩ ấy.

Tôi quay lại nhìn sang thuyền Hội đang đi ở phía sau. Thư đang khua chân múa tay nói gì mà Mơ cứ bịt miệng cười ngặt nghẽo. Thỉnh thoảng Mơ lại đánh vào tay Thư. Hội thì lúc nào cũng trong tư thế như chỉ sợ ai cướp giật mất Mơ, nghĩa là cứ ôm cô chầm chập. Tôi ra dấu cho cô lái đò đi chậm lại chờ thuyền Hội tới gần để nói chuyện cho vui.

Khi thuyền Hội tiến gần đến thuyền chúng tôi, tôi hỏi vọng sang:

- Hai cô nói chuyện gì mà cứ cười như “nắc nẻ” vậy? Kể cho chúng tôi nghe với!

Vừa nghe tôi nói thế, Thư đứng ngay dậy, nói sang:

- Em đang tả cảnh chị Mơ vác cái “bầu” to tướng trước bụng trong ngày ra trường của anh Hội. Một tay ôm bụng, một tay khoác lên vai em để được dìu đi, nặc nè theo chồng. Đúng lúc chồng lãnh bằng thì chị ấy đau đẻ. Các anh chị thấy cảnh đó có vui không?

Vừa nói Thư vừa làm điệu bộ ôm bụng đau đẻ làm mọi người cùng cười. Thư giả vờ đau quằn quại, kêu lên:

- Đưa em đi đẻ! Anh Hội ơi, đưa em đi đẻ! Mau lên! Mau lên!

Mọi người trên hai thuyền đều cười trước sự pha trò có duyên của Thư. Mơ cứ cười rũ ra với cái bản tính hồn nhiên của cô. Mơ vừa cười vừa đánh vào tay Thư:

- Cái cô này...!

Hội cười nói với cô em:

- Còn cái thân cô đấy! Cứ chế riễu người ta đi!

Thư nhún nhẩy, hai tay làm như chim bay, trả lời ông anh;

- Ai bảo anh nói sẽ lấy chị Mơ sang năm. Lấy sớm thì phải có “bầu” sớm chứ, chị Mơ nhỉ?

Mơ nhìn Hội cười nói:

- Em không muốn có “bầu” sớm đâu!

Hội véo vào má Mơ nói:

- Cứ lấy nhau đi đã rồi hãy tính! Không lấy em ngay, nhỡ có anh trai làng nào “cuỗm” mất của anh thì sao! Mơ sung sướng, thật thà nói lại:

- Em đã hứa lấy anh rồi mà!

Hội lại véo má Mơ:

- Em hứa thật rồi đấy nhé!

Vừa nói Hội vừa đưa ngón tay ra cho Mơ “móc ngoéo”. Mơ cười và cũng đưa ngón tay ra “móc ngoéo” lại với Hội:

- Nếu em có chết thì em cũng chỉ là vợ của anh thôi mà!

Hội cười nói:

- Nhớ đấy nhé! Không được nuốt lời đấy!

Mơ nhìn Hội đầy thương yêu, dơ tay phải lên:

- Em thề!

Thư vỗ tay to:

- Em làm chứng cho hai người! Mai về Hà Nội phải đưa em đi ăn kem Cẩm Bình đấy!

Mơ nhìn Thư nói:

- Anh chị mời, mời cả cậu bạn của em nữa! Xin mời các anh chị ở đây luôn!

Thư cười vang:

- Anh bạn của em chỉ thích ăn phở gánh ở vỉa hè thôi. Anh ta ăn mấy bát phở lớn lận, anh chị không có tiền trả đâu.

Nghe Thư nói thế lại làm mọi người cùng cười.

Hội đứng lên tuyên bố:

- Xin mời tất cả mọi người đi ăn kem cốc Cẩm Bình.

Mọi người vỗ tay hoan hô. Tôi nói nhỏ với Uyên:

- Anh em mình đoán đúng đấy chứ nhỉ! Thế nào cặp này cũng cưới nhau sớm mà.

Uyên nhìn tôi mỉm cười gật đầu.

Thuyền đi thêm một đỗi nữa thì cập bến. Chúng tôi lên bờ và hết lời cám ơn hai cô lái đò cùng với một số tiền đò hậu hĩnh. Cụ Từ và chúng tôi thuê xe về nhà trọ ở thành phố Ninh Bình. Chúng tôi mời cụ Từ cùng ăn cơm tối với chúng tôi ở nhà hàng nơi chúng tôi ở trọ như tối hôm qua. Chúng tôi đưa cụ tới nhà người quen của cụ rồi mới về nhà trọ. Trên đường về chúng tôi rảo quanh thành phố mua một vài món quà cho mọi người ở nhà. Uyên và Thi mua cho bố mẹ tôi một chiếc khăn giải bàn thêu rua, một đặc sản của tỉnh Ninh Bình. Mơ và Thư cũng thế, mỗi người đều mua quà để mang về. Tôi không quên mua quà biếu cụ Từ.

Chúng tôi vừa về tới nhà trọ, ông bà chủ chạy ra chào đón. Chúng tôi biếu ông bà chủ một ít trái cây để ăn “lấy thảo”. Ai về phòng nấy, tắm rửa và thay quần áo, chuẩn bị cho buổi ăn tối hôm nay cùng với cụ Từ.

Một giờ sau, chúng tôi lục tục kéo lên sân thượng để ăn tối như hôm qua. Chúng tôi quây quần nói chuyện với nhau để chờ đợi cụ Từ sang. Trong những câu chuyện vãn, Thư luôn luôn là người có nhiều đề tài nhất, biết xoay xở câu chuyện để mọi người cùng tham gia và thích thú. Người bị đem ra trêu chọc nhiều nhất vẫn là cặp Hội, Mơ. Thi và Uyên thì luôn tham gia câu chuyện bằng những nụ cười rất vui.

Tôi và Hội tách ra đứng nói chuyện riêng với nhau ở góc sân thượng. Hai chúng tôi vừa nhìn mặt trời lặn vừa trao đổi vài câu chuyện để giết thì giờ trong khi chờ đợi nhà hàng chuẩn bị thức ăn. Tôi hỏi Hội:

- Cậu định cưới Mơ sớm hơn dự định đấy à?

Hội không nhìn tôi, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra xa:

- Mình định thế!

Tôi hỏi thêm:

- Cậu yêu Mơ lắm phải không?

Hội quay nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao cậu lại hỏi tớ thế? (Hội ngừng lại một chút rồi mới nói tiếp.) Tất nhiên là mình yêu cô ấy, nhưng mình phải cố gắng sao để “cô ta” gột bỏ được cái mặc cảm về sự thua kém thân phận của mình. Làm được chuyện đó xong, mình sẽ làm đám cưới. Lấy được Mơ, mình tin là sẽ có nhiều hạnh phúc. Mình đang rất tỉnh táo.

Tôi nắm cánh tay Hội vừa nói vừa dẫn Hội đi tới nhập bọn với đám đông:

- Chúc mừng cậu!

Hội nói thêm:

- Cậu chuẩn bị làm phù rể cho tớ đó.

Tôi cười:

- Sẵn sàng!

Khi chúng tôi vừa đến chỗ mấy cô thì Thư lên tiếng hỏi:

- Hai anh nói chuyện gì mà rù rì với nhau ở đằng kia thế? Nói xấu tụi em hả?

Hội nghiêm trang nói:

- Anh nhờ “ông bạn” đây làm phù rể cho anh. Năn nỉ mãi đấy.

Vừa nói Hội vừa đi ra sau lưng Mơ, vòng tay ra trước ôm lấy vai cô, cúi xuống ghé tai hỏi:

- Thế em đã có ai làm phù dâu chưa?

Mơ nhìn Uyên, Thi và Thư rồi nói:

- Em có mấy chị em chúng em đây rồi.

Mơ ngước mặt lên nhìn Hội:

- Nhưng sao anh tính sớm thế. Em đợi được mà. Anh phải học xong đã chứ!

Hội cười:

- Lấy vợ phải lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha. Đợi cũng được, nhưng phải xin làm đám hỏi sớm để thầy u em không còn lo cho cô con gái của mình. Vả lại, cũng để tránh hàng xóm láng giềng trong làng dị nghị, nhất là anh với em lại thân nhau quá nữa. Có lễ nghi chính thức của hai bên người lớn với nhau thì phải lẽ hơn. Các bạn nghĩ sao?

Tôi lên tiếng ngay:

- Anh Hội nghĩ thế cũng phải. Chuyện này cần cho rõ ràng minh bạch, có lễ nghi trước sau cho đúng, không thể buông thả mà tự vượt ra ngoài vòng lễ giáo được. Xong phần của hai người thì cũng sẽ tới phần chúng tôi.

Tôi quay sang Thi cười hỏi:

- Phải không Thi?

Thi ôm lấy canh tay chị, e thẹn nói:

- Em không biết !

Uyên nhìn Thi, mỉm cười nói:

- Em không biết nhưng chị biết. Để chị trả lời dùm em nhé, “Thưa anh, phải ạ!”

Thi lại nhõng nhẽo đánh vào tay chị:

- Chị này!

Thư vỗ tay, nhìn tôi nói:

- Hoan hô! Em làm chứng cho hai người. Hai người cũng phải đưa em đi ăn kem Cẩm Bình nữa đấy.

Hội cười, nạt ngay cô em:

- Ăn lắm kem thế! Không sợ đau bụng à?

Thư vênh mặt lên nói:

- Em không sợ đau bụng mà chỉ sợ “sún” răng thôi!

Mọi người cùng cười vui vẻ trước lời nói đùa của Thư. Chúng tôi đang cười vui vẻ thì cụ Từ xuất hiện. Chúng tôi cùng đến vây quanh chào cụ:

- Chào cụ ạ!

Cụ Từ nhìn chúng tôi rồi hỏi:

- Các cháu đang nói chuyện gì mà vui thế?

Hội nhanh nhẩu đáp:

- Chúng cháu đang bàn là hôm nay làm sao phải mời cụ uống rượu thật say đấy ạ.

Cụ Từ khua tay:

- Không được say! Sáng mai chúng ta nên đi thêm một hai nơi nữa gần đây thôi. Gần trưa các cháu đi Phát Diệm, “lão” này xin đi theo, nhân thể đi thăm người bạn già ở đó. Ông bạn của “lão” sẽ hướng dẫn các cháu đi thăm nhà thờ Phát Diệm. Ở đó cũng có lắm điều hay. Sau đó các cháu lên xe về Hà Nội cũng vẫn còn kịp chán.

Nghe cụ Từ nói thế, chúng tôi đồng vỗ tay hoan hô và cám ơn cụ. Thư lại dở trò cũ, chạy lại đấm lưng, đấm vai và bóp tay cho cụ. Cụ Từ cứ cười ha hả, vui với đám thanh niên.

Chúng tôi cùng cụ tới bàn ăn và ngồi theo vị trí đã định sẵn. Nhà hàng cũng đã bắt đầu mang thức ăn lên. Chiếc đèn “măng xông” vặn nhỏ cũng đã được treo lên. Tôi cũng yêu cầu nhà hàng cho kê thêm một chiếc ghế sẵn để dành cho ông chủ nhà hàng nếu ông có dịp ghé bàn ăn chúng tôi.

Chúng tôi nhờ Hội đại diện đứng lên cám ơn cụ Từ và gửi cụ ít quà mà tôi đã chuẩn bị mua từ buổi chiều gồm một gói trà mạn, một lạng trà Tầu và một hộp trà sâm. Ngoài những món quà kể trên chúng tôi cũng gửi cụ một phong bì tiền để cụ chi dùng. Cụ Từ nhất định từ chối món tiền gửi cụ. Chúng tôi cố nói thế nào cụ cũng vẫn không chịu nhận, cuối cùng phải nhờ tới Uyên là người gần gũi với cụ nhiều nhất trong suốt chuyến đi. Cụ Từ cảm động đứng lên cám ơn chúng tôi:

- Cám ơn các cháu! Các cháu cho tôi được mấy ngày vui. Tôi phải cám ơn các cháu mới đúng cơ đấy. Có dịp nào các cháu về đây lần nữa, nhớ tới Đền thăm tôi nhé.

Chúng tôi lại vỗ tay sau lời cám ơn của cụ.

Thức ăn và thức uống đã sẵn sàng. Chúng tôi chúc mừng sức khoẻ cụ Từ rồi cùng nâng ly. Tôi vừa thoáng trông thấy ông chủ nhà hàng, vội chạy lại mời ông tới bàn ăn để cùng cụ Từ nhấp chút rượu Kim Sơn. Ông hoan hỉ nhận lời và hứa sẽ trở lại với chúng tôi sau.

Thức ăn nhà hàng nấu rất ngon. Cụ Từ cứ khen nhà hàng chọn món ăn khéo dành cho người phương xa. Cụ Từ nhìn Mơ hỏi:

- Thức ăn thì ngon rồi nhưng có bổ không cháu?

Mơ tủm tỉm cười thưa:

- Nhà hàng nấu khéo lắm ạ, có món ăn bổ cho đàn ông hơn, có món ăn bổ cho đàn bà hơn, có món bổ cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Thầy mẹ cháu dậy cháu là đàn bà nên phải học làm những món ăn ngon cho chồng con, vừa bổ cho sức khỏe, vừa phòng ngừa hay chữa được bệnh tật và vừa tiết kiệm được tiền bạc.

Mơ liếc nhẹ sang Hội rồi nói tiếp:

- Cả nhà khỏe mạnh thì gia đình mới có hạnh phúc. Cháu chỉ học y học trong các món thức ăn, nước uống và cây quả thay đổi theo bốn mùa “xuân hạ thu đông”. Mỗi mùa có cách ăn uống khác nhau. Cháu cũng chỉ biết một chút ít thuốc bắc dùng để nấu chung với các món ăn để tăng cường dinh dưỡng hay phòng, chữa vài thứ bệnh thông thường trong gia đình thôi ạ.

Hội trợn mắt hỏi Mơ:

- Sao em giỏi thế! Trên bàn này có món ăn nào bổ cho đàn ông đâu, em chỉ cho anh nào?

Mơ, một tay bịt miệng cười, một tay chỉ vào hai đĩa thức ăn trên bàn:

- Món cật dê xào và đĩa chim sẻ rán này là bổ cho đàn ông nhiều hơn. Theo y học Đông phương thì thận là “gốc của tiên thiên”, chủ việc phát dục và sinh sản, chủ về thủy dịch, và hai đường bài tiết.” Cật dê, cật lợn, cật bò đều là những thức ăn bổ dương. Nó còn chữa được những thứ bệnh như đau lưng, mỏi lưng, tai ù, tai điếc, tiểu gắt, tiểu sót. Cật có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào, nấu cháo hay chưng cách thủy. Có thêm đỗ trọng, nhân hạt đào thì tốt trong việc trị bịnh “đàn ông” (yếu sinh lý). Chim sẻ cũng bổ dương lắm, có khả năng giúp người ta có con nhiều. Chim sẻ có thể chưng hoặc hầm với vài vị thuốc bắc thì còn chữa được những bệnh đau nhức đầu gối, chóng mặt, và nó cũng là món ăn lý tưởng của người già (2).

Hội đứng lên vỗ vai Mơ khen:

- Vợ tôi giỏi quá! Thế còn món ăn nào khác bổ dương nữa không?

Mơ cười nói:

- Còn nhiều lắm chứ! Em chỉ kể mấy món ở trên bàn đây thôi mà. Sao anh hỏi em kỹ thế?

Hội cúi xuống hôn lên tóc Mơ nói:

- Tại anh muốn đông con.

Mơ trả lời với vẻ mặt hơi buồn:

- Anh muốn bao nhiêu con cũng được. Em chiều. Nhưng đừng để chúng sống nghèo khó quá. Chúng phải lên núi kiếm củi hay đi hái mơ rừng, đào rễ củ mài như em thì tội lắm.

Mọi người khựng lại vì câu nói của cô. Hội ôm lấy vai Mơ nói:

- Anh không để em và các con khổ đâu! Anh hứa mà!

Thư chạy lại ôm Mơ:

- Em thương chị Mơ lắm! À, mà chị Mơ này, chị nhớ nấu món ăn nào “thật thật” bổ để giúp cho em học giỏi đấy nhé!

Mơ nắm lấy cánh tay Thư nói:

- Được rồi, hôm này về chị nấu món thịt bồ câu hầm với thuốc bắc cho thầy mẹ và các em ăn. Ăn thịt bồ câu hầm với vài vị thuốc bắc sẽ tăng cường sức trong công việc nặng nhọc hay học tập, rất tốt cho người già. Nó còn có thể làm làn da mịn màng, giữ được sự hấp dẫn của phụ nữ nữa đấy. Em chịu không?

Thư vỗ tay hoan hô. Hội cúi xuống hỏi nhỏ Mơ:

- Hầm bồ câu cho thầy mẹ và cho các em ăn, thế còn anh đâu?

Mơ đánh vào tay Hội:

- Em không cho anh ăn món này vì món này cũng bổ dương lắm. Ăn xong lại cứ đòi hôn em là không được. Em dặn, về nhà anh không được hôn em nữa đâu đấy. Thầy mẹ trông thấy thì xấu hổ chết.

Thư đứng cạnh cười to nói:

- Chị không cho anh ấy hôn thì cho anh ấy cù được không?

Thư vừa nói xong liền cù Mơ. Hội bắt chước cô em cũng cù theo làm Mơ phải đứng lên uốn éo người và cười rũ ra. Chúng tôi cũng cười theo. Hội ngồi xuống và Thư cũng về chỗ ngồi. Chúng tôi lại tiếp tục ăn.

Cụ Từ cứ ngồi cười. Bây giờ mới lên tiếng:

- Cháu Mơ giỏi lắm! Hai cháu sẽ có nhiều hạnh phúc lắm đấy. Tôi chúc mừng!

Vừa nói dứt lời cụ nâng cốc rượu lên mời mọi người cùng uống. Các cô chỉ uống nước ngọt nhưng cũng nâng cốc lên. Hội dìu Mơ đứng lên cám ơn mọi người.

Hội đứng lên thưa với cụ Từ:

- Hôm nào đám cưới chúng cháu, thể nào chúng cháu cũng về xin đón cụ đến dự để cụ chúc phúc cho chúng cháu ạ.

Cụ Từ cũng đứng lên nói:

- Thế thì quý hóa quá! Cám ơn hai cháu trước.

* * *

(Trở về Phần 1)
(Coi tiếp Phần 3)


Ghi chú:

(2) Những câu chuyện liên quan tới vấn đề y học trong loạt bài này chỉ nhằm trong phạm vi câu chuyện mà thôi. Người viết không chịu trách nhiệm về sự ứng dụng trong thực tế.

Tham khảo và trích đoạn: (Tạm lươc kê. Xin đọc toàn phần tham khảo ở cuối chương VI)
Chúng tôi thành thật cám ơn các soạn giả và xin lỗi về những tham khảo, trích đoạn mà người viết đã không có cơ hội để xin phép trước.

1- Di tích và thắng cảnh Hoa Lư (Nguyễn văn Trò và Dương Thanh Lam)

2- Nghìn năm văn hiến (Trần Quốc Vượng)

3- Tìm về bản sắc văn hóa Việt nam (Trần Ngọc Thêm)

4- Bồi bổ sức khoẻ bốn mùa (BS Nguyễn Ngọc Thông-Phương Thúy-Cao Tự Thanh)

5- Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính)

6- Bách thần Hà Nội (Nguyễn Minh Ngọc)

7- Mỹ thuật cổ truyền Việt nam (Nguyễn Khắc Ngữ)

8- Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim)


Trở về đầu trang