![]() |
||||||||||||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG II Phần 2 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) ***
Cụ Từ cùng chúng tôi xuống tới chân núi Mã Yên. Ánh nắng trưa đã trở nên gay gắt hơn. Lúc ở trên núi cao có nhiều gió nên không thấy nóng lắm, nhưng khi xuống vừa tới chân núi thì mọi người cảm thấy oi bức hơn. Chúng tôi mời cụ Từ trở lại quán nước lúc nẫy để cụ nghỉ mệt và dùng nước giải khát. Cụ nhận lời. Vừa tới quán, bà hàng vội múc ngay cho chúng tôi mỗi người một bát nước chè tươi nóng. Lúc này được uống nước chè tươi thì thật sảng khoái biết bao. Bà hàng cũng không quên đưa cho cụ Từ cái “điếu cầy” để hút thuốc lào. Tôi mời cụ ăn vài cái bánh, kẹo và không quên đứng lên đại diện để cám ơn cụ đã dành thì giờ và sức lực để giảng giải về những di tích và thắng cảnh Hoa Lư. Cụ Từ khoan thai nói: - Thấy thanh niên như các cô, các cậu còn trẻ tuổi về đây thăm cố đô là chúng tôi mừng lắm! Tôi có mệt nhọc gì đâu. Lên xuống núi Mã Yên này, một ngày mấy lần cũng chẳng mệt. Hồi còn trẻ như các cô cậu, tôi trèo lên những quả núi cao chót vót ấy chứ, còn quả núi Mã Yên cỏn con này thì ăn thua gì. Bây giờ dù tuổi có cao nhưng nhờ giời (trời) sức lực tôi vẫn còn khoẻ lắm. Chúng tôi nhìn nhau cười. Cụ tiếp: - Có sợ mệt chăng là sợ cho các “cậu công tử” và các “cô tiểu thư” ở Hà Nội này thôi. Cụ vừa nói vừa chỉ tay vào chúng tôi. Chúng tôi ngồi nói chuyện với cụ. Cụ cho biết cụ thường ở đền nhiều hơn ở nhà. Có khi tối đến, cụ cũng ngủ ở đền cho rộng và thoáng mát hơn. Con cháu phải mang cơm ra đền cho cụ ăn. Chúng tôi cũng không quên mời cụ ra thị xã Ninh Bình cách đó không xa để ăn cơm tối. Cụ chần chừ, nhưng thấy chúng tôi khẩn khoản quá nên cuối cùng cụ cũng miễn cưỡng nhận lời. Tôi cũng không quên cám ơn bà hàng nước đã giới thiệu cụ Từ cho chúng tôi. Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với cụ Từ thì bỗng Mơ đứng vụt lên, chỉ về phía đất trống, phía có hai người, một trai, một gái đang đeo “ba lô” như chúng tôi đi về phía đền. Chúng tôi nhận ra ngay là Hội và cô em gái tên Thư. Mơ chỉ nói lên được “Kìa anh Hội” thế là cô phóng chạy như bay về phía đó. Chiếc váy bị gió cuốn vào chân cô trông đến thật buồn cười. Cụ Từ và bà hàng nước cứ trố mắt nhìn theo Mơ mà không biết chuyện gì. Hội cũng đã trông thấy Mơ nên vội bỏ cô em chạy phóng lại với Mơ. Hai người vừa gặp nhau, Hội xốc nách nhấc bổng Mơ lên khỏi mặt đất rồi hạ xuống. Tôi có cảm tưởng như họ đã xa nhau đến mấy năm trời bây giờ mới gặp lại chứ không phải mới có mấy tiếng đồng hồ. Hội trông thấy chúng tôi nên vẫy tay chào từ xa. Tôi vội nói với cụ Từ: - Đấy là hai anh em người bạn thân của chúng cháu cũng từ Hà Nội mới tới. Anh bạn cháu là chồng sắp cưới của cô Mơ đấy ạ. Cụ Từ nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên vì Hội ăn mặc đúng theo kiểu một công tử nhà giầu ở Hà Nội, còn Mơ thì không thể che dấu được những nét quê mùa của mình. Tôi cũng phải giới thiệu Hội và Mơ như vậy để phòng khi “ông” Hội nổi hứng lại hôn lên má cô Mơ đến cái “chụt” một cách rất tự nhiên trước mặt cụ Từ thì thật phiền quá. Đã là vợ chồng sắp cưới thì có hôn nhau một chút giữa nơi công cộng cũng còn có thể tha thứ được. Chỉ tội cô em gái của Hội lót tót theo sau, cũng vội bước nhanh cho kịp ông anh, nửa đi nửa chạy, làm chiếc ba-lô nhỏ trên lưng cô cũng nhẩy lên theo bước chân đi vội vã. Rồi ba người, kẻ trước người sau, cũng tới chỗ chúng tôi ngồi. Tôi đứng dậy giới thiệu Hội với cụ Từ. Hội chắp tay trước ngực chào cụ. Tôi hú hồn vì tưởng “ông Tây con” này chìa tay ra bắt tay ông cụ. Tôi lần lượt giới thiệu mọi người với nhau. Thư, cô em gái của Hội, ôm lấy vai Mơ hướng về cụ Từ giới thiệu: - Đây là “chị dâu” tương lai của cháu ạ! Cụ Từ nhìn Mơ, chỉ mỉm cười chứ không nói gì. Mơ thì ngượng đỏ cả mặt, nhưng với vẻ mặt lộ đầy sung sướng, cười đánh nhẹ vào tay Thư: - Cái cô này. . .! Thư quay sang Uyên và Thi: - Em chào chị Uyên ạ! Bạn Thi đẹp quá! Anh Hội hay nói về bạn cho mình nghe lắm. Thi lúng túng lí nhí trong miệng vài câu xã giao. Tôi biết Thi không quen với lối ăn nói tự nhiên và “rất Tây” này ở nơi công cộng. Chúng tôi đồng ngồi xuống uống nước và ăn bánh, kẹo. Thư tuy đồng trạc tuổi với Thi nhưng lúc nào cô cũng tỏ ra hoạt bát và đầy tự tin như ông anh của mình. Cô lại thẳng thắn, cởi mở, dễ lôi cuốn sự chú ý của những người chung quanh. Đó là vài nét về cá tính của Thư mà tôi vừa nhận xét được. Cụ Từ và bà hàng cứ nhìn chúng tôi tủm tỉm cười bởi những câu chuyện “nhí nhố” của đám thanh niên thiếu nữ. Bỗng Thư nhìn Mơ nói nhỏ: - Mẹ em sắp sửa đuổi em ra khỏi buồng của em rồi đó! Mơ giật bắn mình hỏi Thư: - Sao vậy? Có phải lỗi tại chị không? Thi làm mặt giận: - Phải rồi! Chẳng phải tại chị thì còn tại ai vào đây nữa! Mơ lại càng sợ hơn, nhìn Hội như cầu cứu rồi hỏi Thư: - Chết chửa! Sao vậy em? Thư vẫn còn làm mặt nghiêm nói với Mơ: - Mẹ bảo em chuẩn bị dọn sang buồng khác vì khi nào chị và anh Hội làm đám cưới thì anh chị sẽ ở buồng rộng của em. Thế là chẳng còn bao lâu nữa em phải dọn về ở căn buồng nhỏ hơn của anh Hội, (Thư vờ phụng phịu) lại ở gần buồng hai thằng em trai nữa. Tiện gần ngay đấy, chắc chúng nó sẽ lẻn sang lục lọi buồng em suốt ngày. Mơ thì một tay để lên ngực thở phào, một tay nắm chặt lấy tay Thư. Hội chồm lên hỏi: - Cô nói thật không đấy! Hay cô bịa chuyện để chạy tội hồi sáng? Thư vênh lên mặt hỏi Hội: - Anh nói em có tội gì mà phải chạy? - Tội sáng nay! Anh đã bảo cô soạn trước quần áo để đi chơi, tới lúc anh về đón mà cô còn chưa làm gì. Làm trễ hết cả! Thư nguýt ông anh một cái dài, cười: - Em cứ tưởng anh “mời rơi” thôi! Hai người đi chơi riêng với nhau chắc thích hơn nhiều. Em nghĩ hai anh chị còn trốn em để đi chơi một mình nữa cơ chứ! Ai dè đâu anh rủ em đi thật. Nghe đến đây, cả bọn cùng cười. Thư nói với Mơ: - Em thấy anh Hội và chị cứ lo mẹ không ưng thuận. Anh Hội cứ thở ngắn than dài với em là chưa biết ý mẹ ra sao. Mấy người lo làm em cứ cười thầm. Này nhé, nào mẹ đưa chị Mơ đi chợ này, nào rồi hai mẹ con cùng vào bếp nấu ăn này, thế mà anh Hội vẫn không thấy. Thư nhìn Hội: - Kể cũng lạ nhỉ! Em cứ tưởng anh có con mắt tinh tế lắm chứ! Bây giờ, em chỉ tức là sắp bị mất cái buồng rộng của em. Hội búng nhẹ vào má cô em, cười: - Thôi được rồi, để anh nói với mẹ là để anh chị ở buồng của anh! Mới gặp người lạ mà cô cứ ào ào. Chẳng trách mẹ hay mắng cô về cái tật này cũng phải. Muốn nói là nói. Thư lại vênh mặt nói với ông anh: - Anh cũng như thế chứ bộ! Mẹ đâu có mắng một mình em như thế đâu! Hội không trả lời lại cốc vào đầu Thư một cái nhẹ rồi nắm tay Mơ cười sung sướng: - Thoát rồi! Thế là thoát rồi! Tối nay tụi mình sẽ khao mọi người một bữa cơm tối thật sang. Mơ nhìn liếc về phía cụ Từ, lén bấm nhẹ vào tay Hội như ra dấu. Hội hiểu ý, quay sang cụ Từ mời: - Chúng cháu xin mời cụ nữa ạ. Mong cụ nhận lời! Cụ Từ nhìn chúng tôi cười: - Vui thế này thì tôi phải nhận lời thôi. Từ chối sao được. Cả bọn chúng tôi cùng vỗ tay hoan hô. Mơ cứ đứng ôm chặt lấy cánh tay Hội, mắt rơm rớm nước mắt vì cảm động trước cái tin vui và sự chân tình của Hội. Sau khi mọi người lại ngồi nói chuyện thân mật và vui vẻ hồi lâu, cụ Từ mới nhắc: - Các cháu nói chuyện xong chưa? Thôi chúng ta vào thăm đền đi chứ! Chúng tôi vội đứng lên: - Thưa vâng ạ! Cụ đứng lên đi trước. Tôi vơ vội bốn xâu bánh gai vị chi là hai chục cái bỏ vào ba lô để chút nữa ai đói thì ăn tạm. Thi giật lại hai xâu bánh: - Để em mang hai xâu này cho anh đỡ nặng! Tôi giựt lại một xâu, chỉ cho Thi mang một xâu thôi và nói đùa: - Giữ nhiều thế, em ăn hết của anh thì sao! Thi “véo” nhẹ tôi một cái rồi lẳng lặng cho xâu bánh vào ba lô của mình. Chúng tôi trả tiền và chào bà hàng nước rồi cùng bước nhanh cho kịp cụ Từ. Bắt kịp đám đông, tôi và Hội đi song song và ngang hàng với cụ. Các cô nói chuyện lao xao ở phía đằng sau, cô nào cũng vui với những câu chuyện của nhau. Tôi biết riêng Mơ có lẽ là người vui nhất trong bọn ngày hôm nay. Tôi cũng cho là Thư đã khá khôn khéo báo tin vui này cho Hội và Mơ thật đúng lúc, và tôi cũng đoán thêm Thư làm như thế là muốn ngầm cám ơn “ông” anh đã bất chợt rủ mình đi chơi xa. Khi tới gần cổng đền, Uyên vội tiến lên gần cụ Từ để nghe cho rõ hơn. Cụ đứng lại đợi mọi người quây quanh rồi cụ mới nói: - Trong những di tích còn lại ở Hoa Lư thì hai ngôi đền, đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền vua Lê Đại Hành là quan trọng, có nhiều ý nghĩa hơn cả. Đây là đền vua Đinh. Cách đây hơn 500 mét, phía đằng kia, là đền vua Lê. Theo các nhà khảo cổ thì hai ngôi đền này được xây trên móng của điện Đại Vân, cung điện chính được dùng để vua cùng các vị quan trong triều bàn bạc việc nước. Dưới đất sâu khoảng từ 1 đến 2 mét người ta đào lên được các phế tích của đời Đinh, Lê nghĩa là tầng văn hóa Đinh, Lê này đã nằm sâu dưới lòng đất với độ sâu như vậy. Ở dưới độ sâu ấy, người ta đã tìm được những viên gạch thuộc thời nhà Đinh, Lê có khắc chữ trên gạch là “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, nghĩa là gạch dùng xây quân thành của Đại Việt. Và gạch có khắc chữ “Giang Tây quân” mang hình hoa sen hay đôi chim phượng vờn nhau được dùng để xây cất trong triều đình. Có thêm hai kiểu gạch in chữ dấu “Quốc”. Việc ghi quốc hiệu trên gạch chỉ gặp ở Hoa Lư vào thế kỷ X. Các thời trước và sau đó đều không có hiện tượng này. Ngói có rất nhiều loại, ngói lợp mái, ngói ống, ngói mũi lá, ngói mũi sen… Các nền kiến trúc được xây dựng cao thấp khác nhau, có nền chỉ cách mặt đất hiện tại 45 cm, có nền ở độ sâu 1 mét, 2 mét. Nhiều kiến trúc, nhiều kiểu gạch ngói chứng tỏ có rất nhiều công trình xây dựng khác nhau trong thành Hoa Lư.
Chúng tôi tiếp tục đi thêm một quãng, cụ Từ nói tiếp: - Chúng ta biết, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì dân chúng đã xây hai đền thờ hai vị anh hùng dân tộc là Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành để tưởng nhớ đến công ơn hai ngài, tức là đền đã có từ đời nhà Lý. Trải qua bao triều vua khác nhau, hai ngôi đền được trùng tu, tân tạo theo từng thời kỳ. Hai ngôi đền này, đầu tiên quay về hướng bắc theo hướng núi Cột Cờ, nơi cắm cờ của thành Hoa Lư, như có ý phục tùng Bắc triều vì nước ta là nước nhỏ. Qua đến đầu thế kỷ 17, tức năm 1600, Phong quận công Bùi Thời Trung vào đời nhà Hậu Lê, cho tân tạo lại hai ngôi đền cũ. Lúc này dân tộc ta đã độc lập, tự chủ, tự cường mạnh mẽ nên hai ngôi đền được xoay lại về hướng đông như ngày nay. Năm 1606 khắc bia lưu lại. Năm Bính Thìn (1676) dân Trường Yên lại trùng tu lớn hai ngôi đền. Đến năm Thành Thái thứ 10 (1898), cụ Dương Đức Vĩnh đã cùng dân Trường Yên Thượng sửa đền vua Đinh, nâng cao đền lên.
Đền được xây trên đất bằng phẳng, theo kiểu “nội công, ngoại quốc” (theo hình dạng chữ “công” và chữ “quốc” của Hán tự), nghĩa là bên trong là chữ công, bên ngoài chữ quốc, đường ra lối vào lát gạch theo chữ “vương” (hình dạng chữ “vương” của Hán tự). Các công trình xây dựng mang tính chất đối xứng và mang tên của những cung điện xưa.
Cụ Từ chỉ lên cổng đền vua Đinh: - Ngoài cùng đây là Ngọ môn quan (cổng ngoài), quay về hướng bắc, bên trên cổng có bốn chữ đại tự “Bắc Môn Tỏa Thược”, Bắc là hướng bắc, Môn là cửa, Tỏa là chìa khoá, Thược là ổ khóa, ý nói là dùng chìa khóa và ổ khóa khóa chặt phía bắc lại. Như vậy có phải chăng kinh nghiệm chống phương Bắc cả nghìn năm mà ông cha ta đúc kết lại, ghi lên đó để răn con cháu mai sau phải cảnh giác, đề phòng giặc phương Bắc. Cụ vừa đi tới đâu cụ vừa giảng giải cho chúng tôi đến đấy. Phía bên trong Ngọ môn quan, bên trên có 4 đại tự “Tiền Triều Phượng Khuyết” (cửa Phượng triều trước). Qua cửa Ngọ môn, ngay ở giữa lối vào có một sập bằng đá, hai bên có “nghê” chầu cũng được tạc bằng đá xanh nguyên khối khá đẹp. Vào sâu thêm là Nghi môn ngoại (cửa ngoài), đi sâu thêm vào chút nữa là Nghi môn nội (cửa trong).
Tiếp tục đi sâu thêm vào bên trong nữa, phía bên tay phải đền là nhà Khải thánh, xưa kia thờ Vương phụ và Vương mẫu tức cha mẹ vua Đinh; bên tay trái, đối diện với nhà Khải thánh là căn nhà 5 gian gọi là nhà Vọng để các cụ họp bàn việc tế lễ thời trước. Trước cửa nhà Khải thánh có vườn hoa, ở gìữa vườn hoa có hòn non bộ có dáng “Cửu Long” (hình thù 9 đầu con rồng); trước cửa nhà Vọng có vườn hoa tương tự, chính giữa có hòn non bộ có dáng “hình nhân bái tướng”. Rồi qua hai cột đồng trụ là tới sân rồng. Giữa sân rồng có sập long sàng bằng đá, hình khối hộp chữ nhật dài 1,8 mét, rộng 1,4 mét, cao 0,95 mét kể cả bệ. Long sàng tượng trưng cho bệ rồng khi vua ra ngự triều. Hai bên long sàng có hai hàng lỗ để cắm cờ, bát biểu, vũ khí . . . trong những ngày lễ hội. Trong đó phải kể đến mười thanh đao tượng trưng muời đạo quân (thập đạo) của vua Đinh. Bên cắm đao tượng trưng cho quan võ, bên cắm bát biểu tượng trưng cho quan văn. Sự giải thích của cụ hết sức tỷ mỉ nên chúng tôi lĩnh hội được ngay một cách dễ dàng. Uyên thì lắng nghe và bận rộn với việc ghi ghi chép chép. Cô giáo mà. Cụ dừng lại tại sập long sàng. Cụ gọi chúng tôi lại đông đủ mới giảng giải một cách chi tiết những hình khắc và tượng tạc trên long sàng(1).
Cụ đưa chúng tôi vào trong đền, vừa chỉ dẫn vừa giải thích tiếp. Đền vua Đinh có ba tòa, kể từ ngoài vào trong: Bái đường, Thiên hương và Chính cung. Đặc điểm của các ngôi đền, chùa hay nơi thờ bái của Việt Nam thường để khá tối. Đền vua Đinh cũng thế, kiến trúc bên trong đền được bao kín nên ít ánh sáng. Cái mờ ảo tạo nên sự linh thiêng như có một sức mạnh huyền bí. * Ngoài cùng là tòa Bái đường thờ các quan, công đồng. Ơ giữa có bốn đại tự “Chính Thống Thủy” tức “mở nền chính thống”. Hai cột giữa có hai câu đối: Cồ Việt đương Tống Khai Bảo * Tòa giữa là Thiên hương thờ “Tứ trụ” và các quan khai quốc công thần của nhà Đinh. Nơi đây có một hương án khá đẹp. Trên hương án có mũ “Bình thiên”, tượng trưng cho vương miện, biểu tượng đế quyền của vua Đinh. * Trong cùng là tòa Chính cung thờ vua Đinh và ba người con. Ở đây có hai câu đối ca ngợi sự thống nhất đất nước của nhà vua: Ngã Nam đế thống đệ nhất kỷ
Chính giữa Chính cung có tượng vua Đinh Tiên Hoàng bằng đồng, đội mũ bình thiên, mặc áo long bào. Vua Đinh ở ngôi được 12 năm, thọ 56 tuổi, việc làm của ngài là người anh hùng dân tộc, có công dẹp loạn, thống nhất đất nước, qui về một mối. Với cái công đức lớn lao của ngài, cả hai ngôi đền vua Đinh và vua Lê, chỉ có pho tượng của ngài được làm bằng đồng, còn các pho tượng khác đều làm bằng gỗ cả. Hai bên bệ thờ vua có hai rồng chầu bằng đá rất đẹp, nét điêu khắc rất mềm mại khác với những nét rất uy dũng của hai con rồng ở hai bên sập long sàng ở ngoài sân. Tương truyền, ngày xưa dưới tượng vua Đinh còn có tượng Đỗ Thích. Hàng năm cứ tới ngày tế vua Đinh thì lại đem tượng Đỗ Thích ra đánh 3 roi hay khảo 3 vồ. Ngày tế lễ vua Đinh thì không được cúng lòng lợn và tiết canh với ý nghĩa là Đỗ Thích đã cho thuốc độc vào đó để giết hại hai cha con ngài. Phía bên trái vua Đinh (nhìn từ cửa đền vào) là tượng của Nam việt vương Đinh Liễn, người con trai cả. Đinh Liễn là người có tài, xông pha trận mạc, từng theo cha đi diệt giặc, thống nhất đất nước với vua. Qua các đợt khảo cổ học, người ta tìm được hàng loạt các cột đá ở chùa Bà Ngô, xã Trường Yên. Các cột đó là kinh lăng nghiêm viết bằng chữ Phạn (chữ Ấn Độ) và đã có nói về đạo Phật ở nước mình. Có cột còn ghi năm Quý dậu (973). Đinh Liễn đã cúng dường hàng trăm cột kinh phật vào các chùa đền ở kinh thành. Phía bên phải của vua là tượng Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn là hai con trai thứ. Đinh Hạng Lang được vua yêu mến hơn cả, được phong làm Hoàng thái tử, nghĩa là khi vua mất, Đinh Hạng Lang sẽ được nối ngôi chứ không phải con trưởng là Nam việt vương Đinh Liễn. Vì quyền lợi và ngai vàng sau này, Đinh Liễn đã cho thủ hạ thân tín giết chết người em của mình để tiếm lại ngôi. Tượng thứ ba là Đinh Toàn, còn được gọi là Ấu chúa lên ngôi mới 6 tuổi. Theo sử thì vua Đinh và Đinh Liễn sau một bữa tiệc rằm tháng 8 năm 979, hai cha con bị ngộ độc chết cả, do tên Nội chi hầu nhân Đỗ Thích là người trông nom về bếp núc. Theo cái điềm y nằm mơ thấy một ngôi sao rơi vào miệng, tưởng cái điềm ấy sẽ làm vua, cộng thêm các phe phái bên ngoài khích động nên khởi động giết vua. Như vậy, trong một năm 979, vua và con cả, con thứ đều mất. Tương truyền, trước đây trong tòa Chính cung có tượng thờ bà Dương Vân Nga, tức vợ vua Đinh, nhưng sau đó được chuyển sang đền thờ vua Lê Đại Hành. Theo sử liệu, năm 979, sau khi vua Đinh và hai người con trai mất, lúc đó nhà Đinh chỉ còn Đinh Toàn mới 6 tuổi lên làm vua. Theo tục lệ thời phong kiến xưa, cha truyền con nối, con vua thì lại làm vua. Nhưng một ông vua mới 6 tuổi thì không thể đảm trách được công việc đất nước. Ngoài ra, vào cuối đời nhà Đinh, quan quân tranh dành ngôi báu. Lại thêm, lợi dụng ở trong nước ta tình hình lúc đó rối loạn, giặc Tống chia quân làm ba ngả, Bạch Đằng, Chi Lăng và Tây Kết tiến vào xâm lược. Trước nguy cơ của đất nước như nghìn cân treo trên sợi chỉ. Lúc đó bà mẹ của vua Đinh Toàn là bà Thái hậu Dương Vân Nga đứng lên tuyên bố thay con, sẽ nhường ngôi cho người nào có tài đánh giặc để giữ đất nước. Toàn bộ triều đình lúc đó tiến cử Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua tức vua Lê Đại Hành. Để hợp lòng quân, lòng dân, bà Dương Vân Nga chạy vào cung lấy áo long bào khoác lên Lê Hoàn và trao kiếm báu. Trong bối cảnh lịch sử đó, triều đại nhà Đinh đã chấm dứt, chuyển sang nhà Lê. Bà Dương Vân Nga sau ba năm đoạn tang chồng, tức vua Đinh Tiên Hoàng, tái giá với vua Lê Đại Hành. Theo nho giáo phong kiến nước ta thì xuất giá phải tòng phu, đi lấy chồng phải theo chồng. Theo truyền thuyết, một lần do ông An phủ sứ Lê Thúc Hiền đến thăm đền, thấy thờ Bà Dương Vân Nga bên đền thờ vua Đinh, như vậy không hợp với lễ giáo phong kiến Việt Nam nên ông lập tức về trình với quan trên và rước tượng bà lên kiệu chuyển sang thờ bên đền vua Lê Đại Hành, tức người chồng thứ hai của bà. Theo tương truyền, khi đưa tượng bà Dương Vân Nga ra ngoài, tượng bà sợ toát mồ hôi (có lẽ trời nóng, nước sơn chảy rịn ra). Và để tỏ lòng còn nhớ nhung tới nhà Đinh như lúc sinh thời, tượng bà Dương Vân Nga chịu thiệt hơn con, không được thờ bên trái vua Lê Đại Hành mà phải thờ bên phải để hướng mặt về đền Đinh chứ không quay lưng lại (nhìn từ cửa đền vào). Cũng có truyền thuyết nói là bà Dương Vân Nga sinh ra đã khóc dạ đề ba tháng liền đến khi có một ông đạo sĩ đi qua cho một lá bùa làm thuốc, trong bùa đó có hai câu thơ: Nín đi thôi! Nín đi thôi! Cụ Từ đã giảng giải cho chúng tôi thật cặn kẽ, chậm rãi và mạch lạc để chúng tôi có thể hình dung ra được những sự kiện liên kết giữa những tài liệu lịch sử với những hiện vật trước mặt làm chúng tôi cảm thấy những nhân vật lịch sử ở nơi đây như thật gần gũi. Uyên vẫn bám sát cụ ghi chép không ngừng. Thỉnh thoảng Uyên lại hỏi cụ vài câu và được cụ giảng giải rộng thêm cho. Tôi thấy Uyên như một nhà sử học đi nghiên cứu nhiều hơn là chỉ đến đây du ngoạn. Điều này làm tôi rất hài lòng. Cụ Từ cũng không quên giới thiệu cho chúng tôi những nét đặc thù của kiến trúc và những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình trên gỗ, trên đá trong đền vua Đinh ở thế kỷ thứ XVII tức thời Hậu Lê. Ở riềm bên trái cửa đền có tạc hai cô tiên đang cưỡi rồng, một tay giang ra như múa, cánh xòe như cánh chim, thắt lưng bay theo gió. Rất đẹp. Bên trái “Nghi môn nội” lại có bức tạc người săn thú, tay phải nắm lấy con thú như con nai, tay trái cầm con dao bầu đâm mạnh vào con thú. Con thú quay đầu lại sợ hãi cố vùng vẫy để chạy trốn. Bức tạc nói lên sức mạnh của con người. Đề tài thể hiện nhiều nhất là rồng. Có khi rồng được thể hiện chi chít. Có con chạm lộng (chìm), có con chạm nổi. Nào là rồng mẹ, rồng con, rồng đàn, rồng ổ v.v… Có rồng bơi lượn trong mây, đầu nhô ra khỏi bức tranh tạc, theo sau là những con rồng con đang nô đùa. Ngoài ra lại còn có lưỡng long chầu lá đề, lưỡng long chầu nguyệt, trong nguyệt có chữ “vạn”. . . rồi phượng, lân. Có những bức thể hiện “tứ linh” như long , ly, quy, phượng và “tứ quý” như thông, mai, cúc, trúc hay mai, lan (sen), cúc, trúc. Lại có cả những bức điêu khắc tạc phong cảnh. Nghệ thuật tạc trên gỗ và trên đá cách nay 400 năm cũng đã tinh vi lắm rồi và người nghệ sĩ dân gian đã thể hiện công trình nghệ thuật của mình thật linh động và mang nhiều ý nghĩa của đời sống dân gian. Sau đền vua Đinh là dẫy núi Phi Vân, hình dáng như một đám mây bay.
* * * Vài hình ảnh do người viết chụp
*** Ghi chú (1) Trích đoạn trong “Di tích và thắng cảnh Hoa Lư” của Nguyễn Văn Trò và Dương Thanh Lam : Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". |