Trở về trang Mục lục

ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG I
TUYẾN CHÙA HƯƠNG TÍCH

Phần 2
CHÙA TIÊN - CHÙA GIẢI OAN -
ĐỀN CHẤN SONG - CHÙA HƯƠNG TÍCH

***

Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève.

***

Chúng tôi cùng cười vui vẻ tìm đường ra cổng chùa để tiếp tục cuộc hành trình vào “chùa Trong” tức vào chùa động Hương Tích.

Vừa ra khỏi cổng chùa Thiên Trù, tôi mời mọi người vào một quán cơm bên lề đường ăn bữa trưa cho no bụng rồi mới tiếp tục lên đường. Tôi cũng không quên mua cho mỗi người một vòng tràng hạt đeo cổ tay làm bằng một loại hạt trắng ngà to nhỉnh hơn hạt sen.

Tôi sang hàng khác, mua thêm một cặp nhẫn bằng đá, một chiếc màu nâu cho tôi, một chiếc màu xanh cẩm thạch và một chiếc vòng đeo tay cùng màu với nhẫn cho Thi. Tôi dấu ngay cặp nhẫn và chiếc vòng tay dành cho Thi vào trong ba-lô rồi vội vã bỏ đi.

Đi được một quãng ngắn trên đường dốc núi đá gồ ghề. Tôi ghé vào gian hàng mua cho mỗi người một cây gậy tre để chống và riêng cho Mơ một đôi dép cao su màu trắng hiệu “con hổ” ta thường thấy bán trong các chợ ở Hà Nội. Mơ nhất định từ chối không nhận đôi dép. Tôi phải lên mặt giận, Mơ mới chịu xỏ chân đi đôi dép ấy. Tôi biết Mơ không cần đi dép vì đây là con đường cô đi hàng ngày bằng đôi chân trần. Tuy nhiên tôi không muốn trông thấy cảnh chúng tôi đều đi săng-đan da mà Mơ lại đi chân đất. Cái cảnh tượng khác biệt ấy thật khó nhìn.

Uyên như biết được thâm ý của tôi nên nắm lấy cánh tay tôi siết nhẹ biểu lộ sự đồng tình. Uyên nhìn tôi mỉm cười, sẽ gật gật đầu một cách kín đáo để khen tôi đã làm được một việc tế nhị đáng làm.

Đường đá gồ ghề, chỉ cần lơ là không cẩn thận là bị hụt chân hay vấp ngã. Đường đi càng ngày càng nhỏ lại, càng ngày càng dốc cao. Chúng tôi đã băng được hai đoạn dốc nên cũng đã thấm mệt. Mơ đi với Uyên phía trước bỏ tôi và Thi lại phía sau. Tôi đi bên Thi để giúp đỡ Thi khi cần.

Tôi và Thi đi thêm đoạn ngắn nữa thì đã thấy Uyên và Mơ đứng đợi chúng tôi bên gốc cây hoa đại già bên đường. Mơ đề nghị:

- Các anh chị nghỉ mệt một tý rồi chúng ta vào chùa Tiên.

    
Chùa Tiên với tượng bà Chúa Ba.

Nhìn theo đường chim bay, chùa Tiên coi như kế cận chùa Thiên Trù mà đi thì lại mất tới hai cái dốc. Đứng trên sân chùa Thiên Trù ta có thể thấy người leo dốc để vào chùa Tiên. Nói cách khác, khi ta lên hết dốc, qua Tam quan chùa Tiên, đứng trước động ta có thể nhìn xuống thấy toàn cảnh quần thể chùa Thiên Trù ở phía dưới và một vùng khá rộng gồm núi và thung lũng xung quanh.

Chùa Tiên nằm bên trong động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn không sâu lắm cũng không rộng lắm, nhưng có vẻ bề thế. Thạch nhũ bên trong động đẹp và có nhiều hình thù phong phú. Chùa Tiên có lẽ cùng xây dựng đồng thời với chùa Thiên Trù và chùa động Hương Tích.

Cứ theo sử liệu của chùa, do một biến cố thiên nhiên đã vùi lấp động một thời gian. Nhân một hôm, có một người tiều phu đi đốn củi tìm lại được cửa hang động. Khi mò vào bên trong thấy nhiều hình người, sợ quá người đó liền về báo với dân làng. Dân trong khu vực tới khám phá thêm thấy bên trong có tượng, có thạch nhũ như hình người và có cả phiến đá có đề thơ. Cứ theo văn bia và lời truyền miệng thì cũng thế, chỉ nói rõ hơn là người tiều phu đó thuộc người làng Yến Vĩ tìm ra cửa động vào năm Quý Mão (1903).

Bài thơ Nôm khắc trên đá gồm tám câu theo thể thơ Đường của Tĩnh Vương Trịnh Sâm đề năm Canh Dần (1770). Như vậy là khi đó, động Tiên Sơn đã có và đã là nơi thờ phượng đẹp đẽ rồi.

Chợt khỏi Thiên Trù, thoạt rẽ lên
Che che cửa động một đường len
Chở mây quanh quất lồng hương Phật
Gõ đá vang lừng trỗi nhạc Tiên
Bảo cái đùn đùn trên Bảo tọa
Kim quan chăm chắm trước kim liên
Thanh sa dấu cũ còn di để
Quyến được xe loan biết mấy phen.
(Trịnh Sâm, bài “Thăm Động Tiên Sơn”)

Cứ dựa vào bài thơ của Trịnh Sâm ta có thể biết được cái đẹp phong phú của những thạch nhũ trong động Tiên Sơn này. Nào trên chỗ Phật ngồi giống như có tàn có tán rủ xuống, nào nơi tòa sen có chỗ giống như mũ vàng, và có nhũ đá mỗi khi gõ vào nghe như trổi nhạc Tiên.

Động Tiên Sơn ngày xưa chỉ có một cửa (Che che cửa động một đường len), nay cửa động được mở thành hai cửa.

Năm Giáp Thìn (1904), khi mở rộng cửa thì thu được ba phiến đá sáng như gương. Ba phiến đá này được dân Kiện Khê, tỉnh Hà Nam, tạc thành tượng năm Đinh Mùi (1907).

Hiện nay trên bàn thờ có năm pho tượng bằng đá trắng như ngọc thạch. Năm pho tượng này gồm gia đình Phật Bà Quán Âm Diệu Thiện, tục gọi là Bà Chúa Ba trong truyền thuyết. Ở ngay giữa là Phật Bà. Phía sau Phật Bà là vua Diệu Trang Vương và Hoàng hậu tức là bố mẹ của Phật Bà. Phía trước Phật Bà là bà Diệu Thanh, cưỡi sư tử xanh và bà Diệu Âm cưỡi voi trắng, tức chị Cả và chị Hai của Bà Chúa Ba. Sau bao năm tu hành, trải qua bao thử thách, Bà Chúa Ba đã thành chính quả, sum họp với gia đình. (Xin đọc phần PHỤ BẢN-tiểu sử bà Chúa Ba)

Chùa Tiên mơ nở trắng
Khe động lách mình vào
Ngẩng đọc thơ chúa Trịnh
Chữ cũ dường lao xao.
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Sau khi rời khỏi động Tiên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Gió mát và cảnh vật đẹp chung quanh không đủ làm chúng tôi quên cái mệt của leo dốc núi.

Lên cao, lên cao mãi
Chân mỏi tưởng đường xa
Đỉnh cao ngoái nhìn lại
Chùa Tiên vẫn cạnh ta.
(Phạm Hổ)

Đường núi đá càng ngày càng dốc, có khi phải leo đến cả trăm bậc đá. Tôi thấy Thi đã hơi đuối sức, tôi vội bắt Thi đứng lại để tôi mang đỡ chiếc ba-lô trên lưng nàng. Thi không chịu. Nhưng tôi nói như ra lệnh "Đưa cho anh!" với nét mặt nghiêm nghị, vừa nói tôi vừa tự tháo chiếc ba-lô ra khỏi vai Thi. Thi thấy tôi nghiêm mặt nên không dám chống lại. Thi nhìn tôi nhăn nhó:

- Em không muốn anh phải mệt vì mang nặng.

- Anh không mệt! Không được lôi thôi!

Tôi đi vội lên phía trước với hai chiếc ba-lô, một trên lưng, một đeo trên vai. Thi lót tót bước theo tôi.

Bây giờ chúng tôi mới thấy cái tiện dụng của chiếc gậy chống. Nó giúp chúng tôi leo núi vừa đỡ mệt và bước đi vững chãi hơn nhiều.

Đường đã có những chỗ cheo leo, chênh vênh nguy hiểm, một bên là vực, một bên là triền núi. Tôi đi sát bên Thi để có phản ứng kịp thời, phòng khi Thi bị trượt chân hay vấp ngã.

Tới một con dốc ngoặt tôi bảo Thi dừng lại để nàng nghỉ mệt. Đứng bên Thi, dựa lưng vào vách đá để thở, nhìn thung lũng mơ phía dưới chân núi. Dù mệt nhưng vẫn thấy nó đẹp làm sao. Cảnh trí vừa hùng vĩ vừa rất nên thơ. Cây cỏ một mầu xanh tươi. Núi đứng sừng sững mà vẫn không vướng mắt. Đứng nghỉ một lúc, tôi hỏi Thi:

- Em còn mệt lắm không?

- Thế anh có mệt lắm không? Thi hỏi ngược lại tôi.

- Anh không mệt.

- Vậy chúng ta đi tiếp nhé! Thi đề nghị.

- Ừ!

Tôi nắm tay Thi dẫn đi. Hai bàn tay chúng tôi đan vào nhau cùng song bước. Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười sung sướng, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Thỉnh thoảng Thi đi sát vào người tôi, vừa ôm lỏng cánh tay tôi, vừa ngước nhìn tôi với ánh mắt đầy trìu mến và chiêm ngưỡng. Tôi nói chiêm ngưỡng vì Thi đã tin tưởng vào người mình yêu có khả năng che chở được cho mình trong những lúc khó khăn. Tôi cứ cho là như thế và mỉm cười một mình với ý nghĩ đó. Lúc này đường đã xoai xoải dễ đi, thêm vào đó sức thanh niên lại hồi phục nhanh.

- Này Thi! em có biết mấy câu thơ này không ? Đây là tâm sự của cô gái 15 tuổi gặp và thầm yêu một chàng trai trên đường cùng đi trẩy hội chùa Hương.

Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở,
Chàng ơi, chàng có hay?

Đường dây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi
Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng!
(Trích “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)

Tôi vừa đọc xong đến đấy, Thi “véo” nhẹ tôi cười khúc khích:

- Em không giống cô ấy!

- Ừ, em không giống, nhưng anh giống!

Thi lại “véo” tôi thêm một cái nữa, nhõng nhẽo:

- Anh ghê lắm đó!

Tôi hôn nhẹ lên mái tóc Thi. Thi vội ngước lên nhìn tôi hốt hoảng:

- Đừng anh! Chị Uyên trông thấy thì ngượng lắm!

Tôi và Thi buông tay nhau, tiếp tục bước đi, nhưng bây giờ cả hai chúng tôi đều cảm thấy như quên hết cả mệt nhọc mà chỉ sợ con đường còn lại sẽ trở nên quá ngắn để được đi bên nhau như thế này lâu hơn.

Chúng tôi tiếp tục đổ dốc xuống con đường bằng phẳng hơn. Uyên và Mơ đang đợi chúng tôi không xa ở phía trước. Thi bỏ tôi, đi vội về phía hai người.

Thi hỏi:

- Hai chị có mệt không?

- Không! Uyên trả lời. Có chị Mơ cùng đi nói chuyện vui nên chị đi nhanh lắm.

Tôi cũng vừa trờ tới. Mơ lên tiếng:

- Chúng ta chuẩn bị để vào thăm chùa Giải Oan ở phía trước kia nhé. Tới đó có quán hàng nước, chúng ta nghỉ chân luôn thể.

Uyên và Mơ tự động tách ra đi lên trên, tôi và Thi thành một cặp đi phía sau. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Thi, đôi má ửng hồng với đôi mắt sáng thông minh, cặp môi lúc nào cũng đỏ hồng một cách tự nhiên, những hạt mồ hôi còn lấm tấm trên trán với vài sợi tóc dài dính trên đó, tôi buột miệng khen:

- Đẹp!

- Ai đẹp?

- Anh! Tôi trả lời đùa rồi chỉ ngón tay vào mình.

- Ha! Ha! Anh hỏi chị Mơ đi, chị ấy là người thật thà đấy!

Nói xong câu ấy, Thi cười vang. Tiếng cười vang xa làm Uyên và Mơ đi phía trước quay lại nhìn. Thi im ngay. Tiện tay, nàng “véo” nhẹ vào cánh tay tôi:

- Em ghét anh lắm!

Con gái thật buồn cười. Ai mà hiểu nổi. Thi đang nghĩ gì mà nàng lại nói ra một câu có vẻ “lạc đề” đến thế. Hay nàng đang chống thẹn vì tự thấy mình cười to quá làm Uyên và Mơ quay lại. Ai mà biết? Không lý giải nổi nên tôi đành lờ. “Lờ” hay “phớt lờ” hay “phớt tỉnh Ăng-lê” luôn là một giải pháp khôn ngoan nhất khi người con gái trở nên khó hiểu. “Lờ” cũng trở thành một chân lý bất biến không thể đổi khác được trong những trường hợp khó xử nữa.


Chùa Giải Oan                        


Động Tuyết Kình


Am Phật Tích

Chẳng còn mấy bước, chúng tôi đã đứng trước cửa chùa Giải Oan. Chùa Giải Oan nằm ở quãng giữa đường kể từ chùa Thiên Trù và động Hương Tích.

Chúng tôi ngồi nghỉ chân ngay quán nước bên cạnh chùa, uống bát nước chè xanh. Tôi mời Mơ thêm một cốc “nước mơ” màu vàng chanh đựng trong một hũ thủy tinh lớn. Những quả mơ nổi lềnh bềnh trong hũ thủy tinh trông thật hấp dẫn làm sao. Nước mơ là một loại nước giải khát tốt, có dược tính cao. Chúng tôi không quen uống nước này nên sợ bị đau bụng.

Chùa Giải Oan ở lưng chừng núi, thấp và dài, có ba cửa uốn cong. Trên cửa chùa có bốn đại tự “Giải Oan khê tự” tức chùa suối Giải Oan. Trước chùa trồng nhiều cây hoa đại cổ thụ. Trong lòng chùa có một khe đá khá rộng như một “bể nước” để chứa nước từ dòng suối, qua khe núi chảy vào. Vào mùa nước, bể đầy nước. Khách hành hương ghé vào chùa cầu xin, rồi lấy nước trong bể để uống, rửa mặt hay đem về lấy phước. Người ta còn vứt tiền xuống bể nước để cầu xin tài lộc. Vào mùa khô cạn, nhà chùa phải gánh nước đổ vào đấy.

Mùa mưa, nước đổ như thác từ trên núi đổ ào ào vào chín ngọn suối trước chùa gọi là suối Cửu Long Tuyền hay là suối Giải Oan. Ngay cửa suối có một phiến đá tạc bốn chữ “Kỳ Sơn Thủy Tú”, đó là bút tích của Trịnh Sâm, đề năm Canh Dần (1770).

Truyền thuyết suối Giải Oan được kể rằng:

Bà Chúa Ba, công chúa thứ ba của vua Diệu Trang, quyết định theo việc tu hành cầu mong đắc đạo. Nhiều phen vua cha ngăn cấm không được bèn ra lệnh phóng hỏa đốt chùa. Bỗng hùm thiêng phóng đến cứu Bà Chúa Ba chạy về núi này.

Quan quân áp đến xôn xao
Bỗng đâu mãnh hổ rẽ vào tha đi.

Từ trên mình hổ bước xuống, Bà để lại dấu chân trên đá, người ta lập một cái am thờ nơi đó gọi là am Phật Tích, còn gọi là động Thanh U. Chỗ bà tắm gội để rửa oan thì thành chùa Giải Oan. Gần chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình.


Đền Chấn Song (Đền Cửa Võng)
(Đền thờ Chúa Đệ Nhị Thượng Ngàn)

Từ chùa Giải Oan, chúng tôi đi thêm một quãng nữa thì tới đền Chấn Song hay đền Cửa Võng. Gọi là đền Chấn Song vì ngay cửa động trông giống như cái cửa sổ có chấn song để bảo vệ động. Còn gọi là đền Cửa Võng vì trước đây, trước cửa động có những loại cây leo kết lại như cái võng.

Bên trong đền vẫn còn tượng Bà Chúa “Thượng Ngàn” tức bà chúa canh giữ rừng. Tượng bà ngoảnh mặt ra ngoài. Ở đền này thường diễn ra cảnh lên đồng, có hát chầu văn.

Qua đền Chấn Song, đường đi lại bắt đầu phải leo lên dốc cao bằng những bậc đá xếp. Đường đi càng gần động Hương Tích dốc càng cao. Thi và Uyên cứ đi được một khúc đường thì phải đứng lại nghỉ để thở. Mơ đã mang hộ cho Uyên chiếc ba-lô vậy mà Mơ vẫn cứ đi thoăn thoắt. Tới chỗ khó leo Mơ dìu Uyên vượt qua chỗ ấy.

Tôi thấy mọi người đã cởi hết áo len tự bao giờ. Và mặc dù trời có những cơn gió mát lạnh của mùa Xuân tôi vẫn thấy trên mặt Thi lấm tấm đổ mồ hôi. Thi phải lấy vạt áo dài để lau. Tôi cố vượt lên nhanh cho kịp Uyên. Mơ dùng nón để quạt, đứng nhìn chúng tôi tủm tỉm cười.

Chiếc gậy chống lúc này thật đắc dụng, đắc dụng hơn lúc ở khúc đường núi gần chùa Thiên Trù. Tôi nghĩ bụng nếu chúng tôi không có những chiếc gậy này chắc còn phải vất vả hơn nhiều.

Đường mây đá cheo leo
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo

Me bảo:” Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau”
(Trích “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)

Đến đây, con đường dài đến động Hương Tích cũng đã được thu ngắn lại nhiều. Chúng tôi phải leo lên một cái dốc thật cao nữa như một thử thách cuối cùng. Khi vừa tới đỉnh dốc, chúng tôi cùng đứng lại nghỉ chân. Tôi lấy trong ba-lô ra ba chai “nước suối” mang theo từ nhà. Tôi chia cho Uyên và Mơ mỗi người một chai, tôi và Thi uống chung. Vừa leo dốc mệt, lại vừa khát nên không ai từ chối. Uống xong thấy tỉnh cả người. Bây giờ mọi người mới nhìn nhau cười nói. Tôi lấy trái cây đưa cho mọi người nhưng đều bị từ chối trừ Thi lấy một quả quýt, chia tôi một nửa.

Chúng tôi đi thêm quãng ngắn nữa thì tới cổng vào chùa Hương. Vì chùa Hương nằm trong động Hương Tích, do đó chùa Hương còn được gọi là chùa Hương Tích. Mà chùa Hương là “trọng điểm” của quần thể vùng Hương Sơn gồm cả hệ thống dẫy núi Hương Sơn, sông Đáy, suối Yến và hàng chục hang động, hàng chục chùa chiền hay chùa động (chùa trong động) thuộc khu vực rộng chừng 6 cây số vuông này. Vì là “trọng điểm” nên khi ta nói đi xem thắng cảnh hay đi hành hương chùa Hương là ta muốn nói chung đến cả cái quần thể Hương Sơn. Nhưng có cái khác biệt, khi ta đi thăm hết cả quần thể Hương Sơn mà không đến chùa Hương Tích hay động Hương Tích này thì ta chưa có thể nói là ta đã đến được Hương Sơn. Ngược lại, nếu ta chỉ cần đến động Hương Tích không thôi, ta cũng có thể đủ để nói là ta đã đi đến Hương Sơn rồi.

Vì cái tính chất quan trọng và đặc thù đó nên tuyến đường từ Bến Đục đến động Hương Tích luôn luôn là tuyến đường chính, mặc dù ta còn hai tuyến đường khác nữa không kém phần ngoạn mục là tuyến đến chùa Hinh Bồng và tuyến đến chùa Tuyết Sơn.

Nói đến hội chùa Hương, ấy chính là nói đến sự quần tụ đông đảo của du khách và khách hành hương đến động Hương Tích này đây. Họ đến đây để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên kỳ thú cũng có, để lễ Phật Bà tức Bà Chúa Ba với lòng thành kính tín ngưỡng cũng có và đến để cầu xin cũng có. Mặc dù nhiều người đến đây với nhiều mục đích khác nhau, nhưng kẻ đến để cầu xin thì chiếm số đông hơn cả nên hội chùa Hương còn được gọi là “hội Cầu May”.

Quả núi có động Hương Tích là quả núi cao thứ hai của hệ thống núi vôi Hương Sơn, sau núi Bà Lồ ở phía trước núi chùa Hương, ở đây có ngôi chùa cổ nhưng nay đã đổ nát.

Cổng chùa Hương làm bằng đá, được làm từ năm Giáp Dần (1914) đến năm Ất Mão (1915) do thợ Kiện Khê đẽo đạc. Từ cổng chùa ta nhìn xuống một khoảng đất sâu, bằng phẳng ở phía trước động được gọi là Thung Châu vì “thung” này có một hòn núi tròn nhỏ được ví như là viên “ngọc châu” do rồng nhả ra. Nếu ta đứng ở cổng chùa nhìn xuống thì quả thật cửa động Hương Tích giống như “miệng con rồng” đang há to ra. Cửa động có hình dáng đều đặn và cân đối.

Mơ cho biết vào ngày lễ hội chùa Hương, cứ đứng từ trên độ cao của cổng nhìn xuống cửa động, khói hương từ trong động tỏa ra trông như một lớp sương mù phủ lấy cửa động và những âm thanh trầm trầm, ù ù, của tiếng cầu kinh xen lẫn tiếng ồn ào của đám đông người cũng từ trong đó vang xa tới đây.

Chung quanh động phủ một mầu xanh tươi của cây rừng, lại điểm thêm mầu sắc của những chùm hoa dại đủ loại, cùng phảng phất hương thơm của những cây lan rừng làm cho cảnh vật trở nên hòa ái trong tiếng chuông tiếng mõ.

Để tới cửa động, chúng tôi phải đi xuống với 120 bậc đá, hai bên là những bụi cây rừng. Khi vừa tới cửa động thì đập ngay vào mắt một hàng chữ gồm năm chữ Nho lớn, tạc trên một mảng đá phẳng, nằm ở trên cao, ngay phía bên cánh trái cửa động. Ấy là năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, bút tích của Trịnh Sâm viết vào tháng Ba năm Canh Dần (1770). Một quả chuông đồng được treo trên giágỗ đặt dưới đất ngay ngoài cửa động cùng nằm bên phía trái với năm chữ Nho của Trịnh Sâm.

Từ cửa động bước vào, ta thấy có một cột đá thật to, người ta gọi nó là “đụn gạo”. Theo phong thủy, cột đá này được ví như “lưỡi rồng” trong miệng con rồng. Bên cạnh “đụn gạo” có một chỗ nền đá bị trũng gọi là “cối giã gạo”. Trước “đụn gạo”, nghe nói trước đây còn có một chiếc cầu gọi là cầu Bạch, nay không còn nữa mà chỉ có trong thơ.

Xuân xa, cầu Bạch vắng chân giầy
(Trích “Mười Khúc Vịnh Hương Sơn” của Cao Bá Quát do Đào Văn Bình dịch)

Dưới cầu Bạch trong veo đáy nước
Núi Bình Phong đứng giữa Phật đình.
(Trích “Hương Sơn Phong Cảnh” của Vũ Phạm Hàm)

Đi sâu thêm vài bước nữa, ta thấy một khối thạch nhũ to tròn từ trên nóc động phủ xuống có hình dáng như một nhũ hoa đàn bà, có nước từ khe núi chẩy xuống nên khối thạch nhũ này có tên là “bầu sữa mẹ”. Khu vực này có nhiều giọt nước đọng từ trên nóc động nhỏ xuống như mưa nhẹ.

Cửa chùa cách một tiếng chân
Trong mưa, ngoài tạnh như ngăn nửa trời.
(Trích “Nhật Trình” của Nguyễn Thấu).

Khách hành hương hay tới đây hứng nước từ “bầu sữa mẹ” nhỏ xuống để lấy phước. Cũng có người coi nước đó như thần dược, thuốc tiên, lấy về để chữa bệnh.

Bên cạnh “Bầu sữa mẹ” có hai khối đá con nhẵn trông giống như hai đứa trẻ con bò. Hòn lớn gọi là “cậu”, hòn nhỏ hơn gọi là “cô”. Những ai hiếm muộn đến đây xoa đầu “” hoặc “cậu” tùy theo ước muốn có con trai hay con gái. Người ta tin rằng làm như thế, các “cô” các “cậu” sẽ theo mình về nhà làm con. Mọi vật thể trong động này đều được linh thiêng hóa theo lòng tin tôn giáo của mỗi người.

Vào sâu thêm trong động ta thấy một bệ thờ bằng đá có nhiều tượng Phật. Bệ thờ này, bốn góc có trạm bốn người đàn ông cởi trần, đóng khố, hai tay chống lên bệ đá như đang đỡ bệ đá lên. Bệ đá này được hai cung tần nhà họ Trịnh cúng vào chùa.


“Bầu sữa mẹ”


Tượng Phật Bà

Trên bệ thờ có một bức tượng Phật Bà tức Bà Chúa Ba được tạc bằng đá xanh. Đây là công trình nghệ thuật tạc đá cao và độc đáo, độc đáo vì hoàn toàn mang sắc thái Việt nam, hay nói khác đi là Việt Nam hóa hình tượng của Phật Bà khác hẳn với những tượng Phật Bà có tính cách ước lệ mà ta thường thấy ở các chùa chiền khác ở nước ta. Bức tượng này có thể coi như là tượng đẹp nhất trong tất cả các tượng Phật thuộc quần thể Hương Sơn. Tượng được khắc năm Quý Sửu (1793), đời Tây Sơn-Cảnh Thịnh năm thứ hai. Tượng này do một viên quan võ tên Nguyễn Huy Nhật và vợ là Nguyễn Thị Huề cúng tặng chùa. Tổ tiên của ông Nguyễn Huy Nhật cũng cúng chùa Hương Tích một pho tượng đồng to lắm. Nhưng đến năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Hữu Chỉnh, người theo Tây Sơn sau chuyên quyền muốn lập lại Vương quyền cho mình như các chúa Trịnh trước đó, trong khi thiếu đồng để đúc thêm tiền, Chỉnh đã cho đi thu hết đồng ở các chùa chiền đem về kinh để đúc tiền. Chùa Hương không còn tượng nào bằng đồng. Tới năm Quý Sửu (1793) mới có tượng Phật Bà tạc bằng đá xanh thay thế. Bức tượng đá được mô tả như sau:

(1)[Pho tượng có dáng người thon thon, mặt hơi trái xoan, cổ cao ba ngấn, đầu đội mũ Từ ly (tức mũ của Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng cũng có hai món tóc buông xuống. Tà áo mềm mại. Chỗ ngồi giống như một tảng đá sù sì, lại cũng giống như một gốc cổ thụ. Chân trái để trần, đặt lên một bông sen nở. Chân phải co lên. Hai chân co duỗi thật thoải mái. Tay phải dựa vào chỗ gồ lên của tảng đá, tay trái cầm một viên minh châu. Bên cạnh bông hoa sen dưới chân, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay động](1)

Mũ phật không che kín tóc dài
Dẫu lòng công chúa thoát trần ai
Cà sa, nếp áo trang nghiêm ấy
Thấp thoáng còn lay ngọn gió đời

Tựa gốc cây già như đá núi
Phật buông chân xuống chạm đầm sen
Lá sen mềm tỏa, bông sen nở
Phảng phất đưa hương mùa hạ quen
. . .
Người trước theo nhau đến khấn nguyền
Kể cùng Bồ Tát nỗi niềm riêng
Trông vời ảo ảnh qua hương khói
Ai có tìm ra một phép thiêng?
(Trích “Đá Xanh Tượng Phật” của Trần Lê Văn)

Phía trong cùng động còn có hình tượng của thạch nhũ được đặt tên như là “cây tiền”, “cây bạc” vì có vẩy thạch nhũ lấp lánh. Lại có cả “chuồng trâu bò”, “chuồng lợn”, “ao cá”. Người nào muốn cầu xin cho nhà mình, chuồng trâu bò có nhiều trâu bò, chuồng lợn có nhiều lợn, ao cá có nhiều cá thì cứ tới nơi đó cầu xin. Âu cũng chỉ là mê tín trong dân gian nhưng đó lại chính là nếp sống tín ngưỡng phồn thực, khát vọng sự sinh sôi nẩy nở, mong cầu có của ăn, của để. Sự khát vọng đó đã ăn sâu vào trong tâm thức đời thường của mọi người dân ta.

Trong động có cả “đường lên giời”, đó là khe núi thông lên phía trên có ánh sáng lọt vào. “Đường xuống âm phủ” là khe đá ăn sâu xuống đất, nhìn xuống thấy sâu thăm thẳm.

Khi chúng tôi trở ra khỏi động thì thấy Thi đang xoa tay lên những cục đá “cô”, đá “cậu”.

Mơ cười to hỏi Thi:

- Thi, em làm cái gì đấy?

- Em đang xoa lấy phước, nước ở đây mát lắm.

- Em có biết là em đang cầu xin có được nhiều con không? Những người hiếm muộn thường đến đây xoa đầu những hòn đá đó để cầu xin các “cô”, các “cậu” theo mình về nhà làm con. Em chưa có chồng thì cần gì phải cầu?

- Em đâu có biết! Thi vừa nói vừa chạy vội ra ngoài.

Mọi người trong chúng tôi cười ồ. Tôi nói nhỏ vào tai Thi:

- Chết em rồi! Tối nay các “cô” các “cậu” theo về, chui vào bụng “lúc nha, lúc nhúc”, lại gãi rốn em nữa, buồn lắm đấy.

Thi cười rồi xoa xoa tay vào bụng mình.

Tôi nói nhanh như sợ ai nghe thấy:

- Anh muốn có nhiều con!

- Đây này! Cho anh đấy! Thi đưa tay xuống bụng mình, giả “vốc” một nắm “cô, cậu” rồi bỏ sang bụng tôi. Nói xong Thi cười cười, bỏ đi ra chỗ khác.

Quanh quẩn hoài trong động
Chân mỏi chẳng muốn ra
Một mùi hương quá khứ
Thấm dần vào hồn ta. . .
(Phạm Hổ)

Tôi đợi Uyên lễ Phật xong, chúng tôi cùng ra khỏi động. Thi lẽo đẽo theo sau.

Trời đã xế bóng ngả sang chiều. Chúng tôi trở lại chỗ dấu mấy cây gậy, cầm chúng theo để dùng trên đường về. Vừa được nghỉ ngơi, vừa có gậy chống nên công việc leo lên 120 bậc thang đá từ cửa động lên cổng chùa cũng không lấy gì làm khó khăn lắm.

Đường từ chùa Thiên Trù lên chùa Hương phải lên dốc nhiều vì Chùa Hương ở trên động núi cao. Nay đường đi từ chùa Hương trở về chùa Thiên Trù thì đổ dốc nên dù đường có gồ ghề, khúc khuỷu, cũng vẫn ít mệt hơn nhiều.

Chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh lúc hoàng hôn. Sáng sớm có cái đẹp vui tươi, cảnh vật như mới choàng tỉnh dậy, chim hót líu lo. Trưa có cái đẹp của trưa, nắng mát chiếu phủ xuống những tàng cây, bãi cỏ; toả xuống thung lũng mơ trắng như trắng cả chân mây. Mơ cũng con gọi là mai.

Mai nở trắng cành-mai hội hoa
Sườn non gần gũi, thung xa xa
Xôn xao khắp núi như vui chuyện
Lời lá, lời hoa, lời gió qua. . .
(Trích “Mùa Hội” của Bế Kiến Quốc)

Buổi chiều có cái đẹp của một chút gì phảng phất của lắng đọng, êm đềm.

Bóng tà chim nháo nhác
Cây um, vượn líu lo
Nào nghe bông thúy nở
Chỉ thấy đám mây mờ.
(Trích “Vịnh Hương Sơn” của Bùi Dị do Đào Ngọc Bình dịch)

* * *

May mắn là hôm nay trời đẹp, chúng tôi không bị cơn mưa nào. Nếu gặp cơn mưa đổ xuống, dù nhỏ lất phất cũng đủ sẽ làm đường đi trở nên ướt át và trơn trợt, khó đi.

Khi về qua chùa Giải Oan, chúng tôi cũng lại dừng chân dùng nước giải khát tại quán hàng bên chùa rồi mới đi tiếp. Thật sự khoảng cách giữa Thiên Trù (chùa Ngoài) tới chùa Hương Tích (chùa Trong) chỉ hơn hai cây số một tý, nhưng vì đường vòng vèo, khúc khuỷu, gồ ghề, lên dốc, xuống dốc, lại bị trơn trượt nếu có trời mưa nên thời gian đi phải mất khá nhiều.

Tôi đi lặng lẽ bên Thi. Tôi đưa tay sang nắm lấy tay Thi cùng song bước.

Em không nói, anh cũng đi yên lặng
Đường mây xuyên sơn mây tỏa chân chùa
. . .
Nay ta đến đây cùng sánh vai hạnh phúc
Động chùa xưa đã ấm ngát hương trầm
Phật cũng mỉm cười trong nến hương chói rực
Cuộc đời này, ta ước đã ngàn năm.
(Trích “Hội Chùa Hương” của Anh Thơ)

Nhìn sang Thi, tôi thấy nàng trong sáng quá và cũng hồn nhiên quá. Thi ngước mặt lên nhìn tôi nũng nịu, hai tay nàng bóp nhẹ tay tôi hỏi:

- Anh . . .! Mặt em bẩn lắm hả? Sao anh cứ nhìn em?

- Không! Tôi định khen Thi “Em đẹp lắm” nhưng rồi thôi.

Chúng tôi lại lặng lẽ đi bên nhau.

Nơi bụi trúc dẫn đường
Chim cu gù lạc lối
Nơi nhành mai vẫy gọi
Thung lũng trắng bay hương

Hạnh phúc cũng là đây
Khi tình anh đã tới
Nhũ đá tình yêu bày
Hang chùa Trong mát rượi

Thôi anh đưa em về
Thuyền yêu ta đã giục
Chùa Trong ra Bến Đục
Nắng chiều đang dần mê . . .

Suối Yến đợi chờ ta
Trời sao buông thạch nhũ
Đêm như. . . chùa Hương mở
Ở trên đầu hai ta.
(Trích “Đi Trong Hương Chùa Hương” của Chế Lan Viên)

Về tới bến đò Trò, tức bến đò Thiên Trù, chúng tôi hy vọng sẽ về đến bến Đục sớm để còn có thì giờ đi thuê nhà trọ.

Chúng tôi đứng đợi ở bến đò để chờ Mơ đi lấy thuyền. Mơ cứ đi thoăn thoắt như chạy và chúng tôi cảm thấy may mắn đã có cô đi theo nên cuộc đi chơi trở nên vui hẳn lên nhiều.

Mơ đã chèo thuyền tới, chúng tôi cùng lên thuyền. Cô lại làm công việc của mình đưa chúng tôi trở lại bến đò Yến. Mơ đứng chèo ở dưới đuôi thuyền, nhìn trời mênh mông và im lặng không nói câu nào với chúng tôi. Vẻ mặt buồn buồn.

Cả ba chúng tôi đều nhận ra điều ấy nhưng không ai dám lên tiếng hỏi nguyên cớ tại sao. Để phá cái không khí im lặng ấy, tôi lên tiếng hỏi:

- Các cô có biết là rặng đá vôi này có từ bao giờ? Và con người có mặt ở khu vực này từ bao lâu rồi không?

Không đợi câu trả lời của mọi người tôi nói tiếp:

- Dẫy núi vôi Hương Sơn được thành hình cách đây khoảng hơn 200 triệu năm. Do sự biến đổi trồi sụt của địa chất nên những dẫy núi đá vôi, những thung lũng chung quanh, cũng như cánh đồng chiêm này được thành hình. Còn bên trong, núi nứt thành khe, mưa theo khe chảy vào chỗ trũng, nước có khả năng ăn mòn và hòa tan đá để thành động. Với hàng triệu năm, hay hàng chục vạn năm, chất vôi theo nước tạo thành nhũ đá. Nhũ đá từ trên trần chảy xuống gọi là “vú”, từ dưới đất mọc lên được gọi là “măng”. “Vú” và “măng” dính vào nhau gọi là “cột”.

Nước mưa từ trên núi đổ xuống, ngoài ra nước dưới đất lại có những mạch ngầm tụ lại chảy thành sông, thành suối. Nếu nơi đất nào có đá vôi già không ngấm nước nhiều thì tạo thành những dòng suối chảy trên mặt như suối Yến này.

Tôi ngừng lại để nhìn mọi người rồi nói tiếp và tôi biết rõ trong số các cô chỉ có Uyên là chịu lắng nghe:

- Về chuyện loài người có mặt trên vùng đất Hương Sơn này từ bao giờ thì anh chỉ dám vắn tắt như thế này: Chúng ta biết rằng, vùng núi đá vôi này có nhiều động. Mà người tiền sử thì sống trong hang động. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy “rìu đá” của thời văn minh Hòa Bình-Bắc Sơn nên đã chứng minh là từ hơn 10 nghìn năm nay đã có mặt của dân định cư trên khu vực này rồi. Và ta cũng nên biết trong thời gian trước “biển tiến” và “biển lùì”, vùng này có thể đã có nền “văn minh lúa nước” đã được phát triển trên những cánh đồng chiêm của Hương Sơn. Ngoài ra, từ những di chỉ khảo cổ vùng này, người ta đã tìm ra được vài trống đồng nằm rải rác ở vùng Hương Sơn. Điều này chứng tỏ vào thời các đời vua Hùng Vương, khu vực này đã có đông dân cư. Và có điều cũng dễ hiểu thêm là trong đền Trình có tượng thờ vị tướng quân thời các vua Hùng. Người ta đã khám phá ra động Hương Tích này vào khoảng 2000 năm rồi.

Mơ bây giờ mới lên tiếng:

- Em xấu hổ quá vì em không hiểu nổi những điều anh nói!

- Cô Mơ ơi! Tôi cũng xấu hổ quá vì tôi không biết chèo thuyền và không biết nhiều về Hương Sơn như cô. Tôi trả lời.

Mơ nghe tôi nói, cứ cười khanh khách:

- Anh khéo thật! Các anh chị đúng là người ở Hà nội.

Tôi có dịp làm vui Mơ. Tôi nói:

- Này cô Mơ này! Tôi đọc cho cô nghe mấy câu thơ của những thi nhân đi qua đây chơi, viết tặng cho những cô lái đò xinh đẹp nhé.

Cô lái ơi, đò cô đu võng,
Nhịp thở bồng bềnh suối nước trời xuân,
Làn tóc mai bay nhẹ lâng lâng
Như cuốn theo những hoa chào chim nói
. . .
(Trích “Giã Từ Hương Tích” của Yến Lan)

Mắt ai xanh bến Yến,
Bướm người: áo trắng tinh,
Tay cầm chèo cô lái
Dáng chờ nhìn đến xinh.
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Uyên và Thi nhìn Mơ đồng vỗ tay reo:

- Nhà thơ viết về chị Mơ đấy! Chị Mơ làm các ông nhà thơ mê tít.

Mơ cứ cười tít cả mắt:

- Không phải là em! Không phải là em đâu!

Chúng tôi cùng cười rộ trêu Mơ làm Mơ cứ cười mãi.

Câu chuyện giữa chúng tôi lại nổ ran, trọng tâm là nhắm mũi dùi vào Mơ.

Thuyền đã đi ngang qua đền Trình, chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay với Mơ. Mơ hiện vẻ buồn trên nét mặt. Uyên lên tiếng hỏi:

- Sao chị Mơ đang vui lại chợt buồn thế?

Mơ nghẹn ngào trả lời:

- Em sắp sửa phải chia tay các anh chị rồi. Ai về nhà nấy. Hôm nay em được đi chơi với các anh chị, vui quá. Bao giờ mới có cơ duyên gặp lại các anh chị lần nữa để cùng đi chơi với nhau như ngày hôm nay.

Cả ba chúng tôi đểu cảm thấy bùi ngùi và cảm động trước tấm lòng ưu ái của Mơ. Tôi lên tiếng:

- Hay ngày mai, nếu có rảnh, cô Mơ lại đưa thuyền cho chúng đi chơi thêm được không?

Mơ vui mừng như muốn nhẩy lên:

- Các anh chị còn ở lại đây chơi tới ngày mai nữa à?

Uyên trả lời:

- Vâng chúng em định ở thêm một ngày để đi thăm cho biết rõ Hương Sơn hơn. Chẳng mấy khi có dịp về đây.

Mơ hỏi nhanh:

- Thế tối nay anh chị định ngủ trọ hay có người nhà ạ?

Uyên trả lời:

- Chúng em định ra thuê phòng trọ ở Bến Đục.

Mơ tíu tít:

- Em đề nghị thế này. Em mời các anh chị về nhà em ngủ cho đỡ tốn tiền. Nhà em nay có hai buồng trống. Mẹ em và thằng Sơn, em trai của em, đi ra thị xã Hà Đông thăm ông chú em bị ốm, ngày kia mới về. Thôi về nhà em ngủ đi. Em nấu canh sắn với củ mài cho anh và các chị ăn. Em nấu cơm cũng ngon lắm đấy.

Chúng tôi cứ ngần ngừ chưa quyết định thế nào thì thuyền đã tới bến Yến. Mơ nhảy lên bờ, chặn lại không cho chúng tôi xuống thuyền:

- Nếu các anh chị không về ở nhà em, em không cho các anh chị xuống thuyền đâu!

Chúng tôi biết tính Mơ thật thà như đếm. Cô mời như thế là mời thật lòng. Mơ dành cho chúng tôi tấm lòng ưu ái như thế nên cũng khó từ chối.

Tôi trả lời Mơ:

- Ừ, thôi mình đã là người nhà, cô Mơ cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm nhé. Ngày mai chúng ta đi chơi chung với nhau cho tiện.

Nghe thấy tôi nói thế, Mơ nhanh nhẩu kéo thuyền vào bờ cho chúng tôi lên.

Sau khi neo thuyền, Mơ lon ton đi lên phía trước dẫn đường. Đi khoảng trăm bước từ bến Yến, rẽ trái vào một ngõ nhỏ, và cũng chỉ độ năm chục bước nữa là tới nhà Mơ.

Nhà Mơ, mới trông thoáng bên ngoài, chúng tôi đã thấy khang trang và rộng rãi lắm. Mái nhà đều lợp bằng ngói đã cũ kỹ rêu phong. Hai bên cổng vào, phía bên ngoài, là hai cây hoa ngâu khá to được trồng trong chậu sành lớn. Qua cổng gỗ hai cánh có mái thì tới sân gạch sạch sẽ và tiếp tới là ngôi nhà trên có bậc tam cấp. Hai bên bực thềm tam cấp có hai chậu trồng cây cảnh (kiểng) uốn. Từ phía cổng bước vào, bên trái của sân là nhà ngang, bên phải của sân là nhà bếp và nhà tắm lộ thiên được xây bằng gạch nằm bên hông nhà bếp. Cuối sân có bể nước. Bên cạnh bể nước là hai chum sành màu nâu đen với cặp gáo dừa bắt ngang miệng chum.

Đây là căn nhà có dáng vẻ kiến trúc tiêu biểu của giới trung lưu thuộc làng xã miền Bắc. Vào tới gian nhà chính, nhà gồm ba gian hai trái. Tôi khen:

- Nhà cô Mơ đẹp quá!

Mơ vừa mời chúng tôi ngồi chơi ở nhà trên vừa nói:

- Đây là nhà của ông bà ngoại em để lại cho thầy u em trước khi mất. Nay nhà em nghèo lắm nên chỉ còn có cái xác nhà đó thôi. Thầy em đi làm xa trên mạn ngược, vài tháng mới về nhà một lần, ở nhà độ non một tháng rồi lại bỏ đi. Thầy em mang tiền về, mẹ em tần tảo và chúng em đi làm phụ thêm vào nên cũng tạm sống qua ngày.

Mơ tiếp:

- Các anh chị đi tắm đi. Em đi thổi cơm. Có các anh chị ở lại chơi, em mừng lắm. Nếu không, đêm nay em phải ở nhà một mình.

Mơ vừa bước đi vài bước chợt quay lại:

- Đêm nay hai chị ngủ buồng mẹ em nhé, có giường rộng. Anh ngủ buồng thằng Sơn, em của em.

Tôi liếc nhìn quanh nhà, thấy chỗ nào cũng sạch sẽ và tươm tất cả, mặc dù mọi thứ đồ đạc rất đơn sơ và cũ kỹ. Một giò lan rừng treo ngay giữa nhà tỏa hương thơm dìu dịu và thanh khiết. Trên bàn thờ kê sát tường gian giữa, ngay phía trước có một chiếc lư đồng với hai cây nến bằng đồng đứng hai bên lư. Phía trong cùng bàn thờ là tượng Phật Bà ngồi trên bệ bằng gỗ sơn son đã có chỗ tróc sơn. Hai bên tượng Phật Bà là hai bình hoa sứ cao cổđựng những chùm hoa sen bằng giấy, cùng đấy với những bức di ảnh của người quá cố. Ngay sát dưới chân bàn thờ, đứng lẻ loi một chiếc “độc bình”. Bộ bàn gỗ với sáu cái ghế dựa mộc mạc nằm giữa gian chính. Hai bên gian nhà chính là hai gian nhà phụ, nhỏ hơn gian chính. Mỗi gian phụ đều được kê một bộ “ghế ngựa” (giường gỗ ghép bằng những tấm ván dầy). Trên vách được treo bức tranh “ông hổ”, một tấm ảnh lớn gia đình đã ngả màu và vài bức tranh Đông Hồ. Một bức tranh tố nữ lớn hơn cả treo bên cạnh chiếc đồng hồ “quả lắc” cũ kỹ với quả lắc đang đong đưa đều đặn.


Tranh ông Hổ

Tôi tò mò nhìn ra sau nhà là vườn rau, có vài cây ăn trái lớn.

Uyên và Thi ra bến Yến mua thêm vài món thức ăn. Thế là xôi tôi mang đi lúc buổi sáng và vài cái bánh mua ở bến đò Thiên Trù chưa được đụng tới. Lại còn cả vài quả quít và cam mang theo mà chưa ai ăn nữa.

Chỉ một loáng, Uyên và Thi đã trở về với vài món thức ăn đã nấu sẵn. Tôi để Uyên và Thi đi tắm trước rồi mới tới tôi. Khi đến lượt tôi tắm xong, ba cô đã dọn sẵn mâm cơm đặt trên chiếc chõng tre giữa sân. Trời còn đủ sáng nên không cần đèn.

Trong bữa cơm, chúng tôi nói chuyện với nhau thật vui và cười ròn rã với những câu chuyện kể của Mơ. Mơ thật thà nên câu chuyện cô kể, ai cũng tin ngay. Thật thà đến độ có lúc chúng tôi phải ngừng đũa trố mắt lên để nhìn Mơ.

Mơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khi cô lên Hà Nội giúp việc, làm chúng tôi vừa buồn cười lại vừa thương. Mơ kể chuyện có duyên theo những bộ điệu cô diễn tả:

- Năm kia, có một người quen với thầy em, giới thiệu em đi làm cho một tiệm phở ở Hà Nội. Lúc đó em đã 16 gần 17 tuổi rồi. “Gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” mà, em làm việc gì cũng được và dù có phải đi làm xa nhà em cũng đâu có sợ. Em hăng hái xin mẹ em cho em đi làm, hầu giúp gia đình sống dễ dàng hơn. Được lên Hà Nội cũng là điều mơ ước của em mà.

Phải nói mãi, sau cùng mẹ em mới chấp thuận cho em đi làm việc xa nhà. Thế là em lên Hà Nội ngay. Công việc của em dễ lắm, chỉ phụ dọn dẹp, rửa chén bát cho tiệm phở. Tối đến, em phụ bà chủ thổi cơm. Hôm nào rảnh rỗi thì em giặt quần áo cho cả nhà. Công việc trôi chảy được tháng đầu. Cuộc sống của em đã dần được ổn định với công việc của mình.

Sang tháng thứ hai thì bắt đầu có chuyện. Ông bếp chính nấu phở thấy em còn trẻ, nên cứ nói bóng nói gió là em lấy ông ấy đi, ông ấy sẽ nấu phở cho em ăn cả đời. Em nói là ông đã có vợ con rồi nên tôi không thèm ăn phở của ông. Ông ấy cứ lải nhải như thế. Một hôm tức quá, em “gầm” lên với ông ấy. Từ hôm đó ông ấy tịt luôn không dám trêu ghẹo em nữa. Hết ông bếp chính lại tới anh chàng bếp phụ. Anh ta hơn em một hay hai tuổi cũng tán tỉnh em. Anh ta nói thích em. Em trả lời là tôi không thích anh. Anh ta hỏi tại sao em không thích anh ta. Em trả lời em không thích người hay ăn vụng. Mấy lần em bắt gặp anh ta ăn vụng trong khi thái thịt phở. Anh ta cứ nhìn trước nhìn sau, hễ không thấy bóng chủ là anh ta bỏ ngay mấy miếng thịt phở chín vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt chửng. Thấy cảnh chướng mắt nên em ghét anh ta lắm.

- Thế tại hai người đó Mơ mới nghỉ việc hả? Tôi hỏi.

- Không phải! Hai người đàn ông đó em đâu có sợ. Em nghỉ việc là vì bà chủ cứ suốt ngày mắng em là “đồ nhà quê”. Công việc có khi chẳng dính dáng gì tới quê hay tỉnh, thế mà bà ấy vẫn cứ mắng em là “đồ nhà quê”. Em nhớ hôm đó, khách đông lắm, em rửa bát không kịp, bà chủ bắt em chỉ tráng nước sơ qua thôi rồi lau khô đem lên cho khách. Em thấy bẩn quá nên em cứ phải rửa hai lượt, lượt rửa, lượt tráng nước sạch rồi mới lau khô đem lên. Bà chủ tức giận cứ rít lên mắng em là “đồ nhà quê”. Em buồn quá, tối hôm đó em thưa với ông chủ em xin nghỉ việc. Ông chủ thương em lắm, ông nói ông biết hết mọi chuyện ở trong nhà xẩy ra cho em. Ông thuận cho em nghỉ việc và trả cho em đủ nửa năm lương. Em làm có ba tháng nên em chỉ nhận có ba tháng thôi. Ông chủ nói ông trả cho em ba tháng, nhưng số còn lại ông gửi về biếu cho thầy u em. Em cảm ơn lòng tốt của ông. Hôm sau, ông chủ chở em ra bến xe để về nhà. Ông chủ còn dặn khi nào muốn lên làm việc, ông sẽ nhận cho em làm lại. Về tới nhà em tủi thân, nằm khóc tới mấy ngày.

Nghe câu chuyện Mơ kể tôi nhận ra một điều, dưới những tiếng cười vui của khách hành hương, dưới cái đẹp kỳ thú của thiên nhiên, dưới cái từ bi của Phật Bà, còn bao mảnh đời khốn khổ hòa lẫn trong đó mà ta chưa thể nhận ra. Dù sao đi nữa, Mơ còn có cha, có mẹ, có căn nhà khang trang để ở, có tình thương của mái ấm gia đình, có chỗ đi về. Còn biết bao nhiêu những cô lái đò khác trên suối Yến kia hay biết bao nhiêu người dân Hương Sơn nữa, không phải họ chỉ khó khăn trong cuộc sống không thôi mà thật sự họ còn là những mảnh đời khốn cùng không lối thoát. Tôi thật ngậm ngùi cho những con người ấy. Họ sống trong bùn lầy nước đọng và họ như đang bị bỏ quên trong xã hội loài người. Có những con người chấp nhận sự thiệt thòi của họ như một định mệnh, như một sự an bài sẵn có. Họ tin là họ không bao giờ có thể vượt thoát ra được những khắc nghiệt họ đương phải gánh chịu, chỉ trừ Giời Phật mới có thể mang sự may mắn tới cho họ như một phép mầu mà thôi. Thật đáng thương thay!

Cơm nước đã xong, ba cô đã dọn dẹp chu tất. Chúng tôi ngồi nói chuyện gẫu đôi ba câu chuyện vãn dưới ánh đèn dầu leo lắt mới được mang ra. Trời đã dần tối mịt. Vì là đầu tháng nên trên bầu trời không một ánh trăng. Cảnh vật chìm trong bóng đêm. Tôi nhìn Thi đang tư lự, im lặng ngắm nhìn ngọn đèn dầu lung linh. Thỉnh thoảng Thi lại liếc nhìn tôi mỉm cười rất nhẹ. Thoảng nhẹ như mùi hương thơm của nhánh lan rừng trong nhà.

Tôi đề nghị mọi người đi ngủ sớm để dành sức đi chơi ngày mai. Mọi người chia tay, ai về buồng nấy. Buồng ngủ của Mơ ở nhà ngang.

Tôi nằm trằn trọc mãi trên giường mà không sao ngủ được. Tôi ngồi dậy lấy đôi nhẫn tôi mua đem ra mân mê rồi bỏ lại vào ba-lô. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi đeo vòng tay và nhẫn cho Thi. Giờ này chắc mọi người đã ngủ say. Nằm trằn trọc một lúc lâu tôi mới ngủ thiếp đi được.

***

Xin mời xem
Chầu văn (múa): Cô Đôi Thượng Ngàn.

Chầu văn (hát): Cô Đôi Thượng Ngàn.

***

Ghi chú

(1) Những đoạn trong dấu ngoặc [ ] được trích nguyên văn từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.

Coi tiếp Chương II
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang