Trở về trang Mục lục

ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG II
TUYẾN CHÙA HINH BỒNG
VÀ TUYẾN CHÙA TUYẾT SƠN

***

Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève.

***

Sáng sớm tinh mơ, tôi đã thấy ba cô dậy lục đục làm gì ngoài sân. Tôi chồm dậy nhìn ra thấy ba cô đang chuẩn bị thức ăn sáng. Tôi vội sửa lại quần áo cho gọn ghẽ, chải vội mái tóc rồi ùa chạy phóng ra sân.

- Này! Này! Các cô đừng chuẩn bị ăn sáng nghe chưa! Còn bao nhiêu thức ăn trong ba-lô tôi kia kìa. Ăn cho hết đi đã, nếu không, tôi phải mang nặng lắm đấy.

Ba cô ngừng tay, nhìn nhau như hỏi ý. Thi vội nói:

- Đúng rồi các chị ơi! Mình còn nhiều thứ để ăn sáng lắm. Không ăn để nó thiu thì uổng .

Uyên và Mơ dừng tay nhìn tôi. Tôi chạy vào buồng xách ba-lô ra, lấy thức ăn bầy ra chõng giữa sân. Nào xôi, nào bánh, nào trái cây đủ cho bốn người ăn sáng nay. Uyên và Mơ nhìn nhau mỉm cười.

- Mấy cô định nấu nướng gì vậy? Tôi hỏi.

- Chị Mơ đang chuẩn bị cho nồi canh rau sắng nấu với củ mài. Chị ấy dậy cho chúng em nấu. Định ăn cơm no rồi mới đi chơi. Hôm qua, nồi canh đã chuẩn bị xong nhưng chưa kịp nấu thì tụi em mang thức ăn về nên để sáng nay.

- Thôi chiều nay ta trở về ăn. Ta đi cho sớm. Buổi trưa ăn tạm ở đâu mà chẳng được. Tôi nói.

Tôi hỏi Mơ thêm:

- Chúng tôi định đi thêm hai tuyến nữa là tuyến lên chùa Hinh Bồng và tuyến lên chùaTuyết Sơn. Có kịp không cô Mơ?

- Nếu chúng ta đi sớm và đi nhanh thì kịp. Nếu đi thong thả phải hai ngày, như thế thì dư giả thời giờ hơn.

Tôi nói với Uyên và Thi:

- Hai em tính sao? Uyên còn ngày nghỉ không? Nến hôm nay không kịp, anh tính ta ở thêm một ngày nữa để cho hai em đỡ mệt. Còn anh thì sao cũng được.

Uyên ngần ngừ chưa quyết định.

- Ngày nghỉ em còn, nhưng chỉ sợ phiền chị Mơ thôi.

Tôi đề nghị giải pháp trung hoà:

- Hôm nay ta cứ đi, nếu kịp thì ngày mai về Hà Nội, nếu không kịp, ta ở lại thêm một ngày nữa để ăn rau sắng với củ mài cho thỏa thích. Thôi cứ thế đi nhé. Mấy khi ta lại có dịp trở lại nơi này đầy đủ như thế này.

Mơ cứ nắm tay Uyên:

- Chị Uyên ở lại thêm với em một ngày nữa đi mà. Em dậy chị nấu canh rau sắng với củ mài.

Uyên cũng nắm tay Mơ:

- Cám ơn chị! Hôm nào chị cũng phải lên Hà Nội chơi với chúng em đấy!

Mơ vui mừng cứ nắm tay Uyên mà lắc mạnh.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi vội vã lên đường. Ánh bình minh cũng vừa ló rạng.

Tuyến đường vào chùa Hinh Bồng

Chúng tôi lại xuôi dòng suối Yến để tới bến đò Trò hay bến Thiên Trù. Cũng con suối đó, cảnh đó, ngày hôm qua thấy đẹp, hôm nay vẫn thấy đẹp. Lần nào cũng đều thấy mới tinh như mới tới lần đầu.

Ánh nắng ban mai chiếu trên đỉnh những rặng núi, trên những rừng cây, khóm lá và lan tỏa loang loáng trên mặt suối Yến đang lững lờ trôi. Ánh nắng làm cảnh vật đổi mầu theo từng khoảnh khắc của thời gian. Đẹp làm sao! Sáng, trưa, chiều, tối cũng như hôm nắng, hôm mưa . . . chắc hẳn đều có cái đẹp riêng của nó.

Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan
Người tai mắt chốn nhân gian
Ai chẳng đến Hương Sơn thì cũng tục
Kể từ lúc bước lên đò Đục
Liếc mắt trông đã mãn mục vân sơn
Lần theo một dải thanh tuyền . . .
Nào ngư phủ nhập Đào nguyên đâu cũng thế,
Mặt trời gác bóng cây xế xế
Tản vân in đáy nước rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh
Cây mai thụ rập rềnh năm bẩy lá
Chú tiểu tử ruổi rong bến đá
Lũ ngư ông quẩy cá qua cầu
Cỏ cây san sát một màu
Núi trước, núi sau, mình ở giữa
. . .
Núi mờ xanh từng dẫy ngất non thiêng
Kìa núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng
Chưa qua núi lại thấy đò qua bên cạnh núi.
Thoạt trông thấy biết đâu mà hỏi
Cầu đăng tiên nọ chốn đăng doanh
Gót in đá biếc xanh xanh
Lòng trần tục bỗng không, thanh thản nhẹ.
. . .
(Trích “Hương Sơn Phong Cảnh” của Vũ Văn Hàm)

Hình

Mơ cho biết muốn đến chùa Hinh Bồng thì phải trở lại bến đò Thiên Trù.

Khi đến đền Trình, Mơ đề nghị chúng tôi rẽ vào nhánh suối ngắn để đến thăm chùa Long Vân gần đó. Nhánh suối này gọi là suối Long Vân. Từ suối Long Vân, ta thấy chùa Long Vân xa xa với ngọn tháp và mái chùa ẩn hiện trong sương, mờ mờ mây khói.

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
(Nguyễn Khuyến)

Thuyền đi thong dong trong suối vắng vì ít thuyền vào đây. Hai bên bờ suối, lác đác người đi làm ruộng, kẻ đi làm rừng, người đi đánh cá. Thuyền đi sát gần núi Đụn, bên núi Đụn là cánh đồng xanh. Những hàng núi nhỏ xếp dài, triền núi thường có hang động. Nhìn lên triền núi cao, ta thấy những khu vườn, những ngôi nhà cao ráo, tĩnh mịch. Và từ chỗ này, ta thấy núi Quy, hình thù thật giống như hình con rùa đang ngỏng đầu lên.

Chúng tôi lên bờ, đi một quãng thì tới cổng chùa. Cổng chùa ở dưới chân núi, chùa ở trên cao. Đường lên chùa khá dốc. Chỉ lên dốc một quãng là tới động Long Vân. Động tuy nhỏ nhưng bên trong cũng có thạch nhũ và bệ thờ tượng Phật. Cố leo thêm lên cao, đứng trước hiên chùa ta có thể quan sát được những rặng núi chung quanh, và cả suối lẫn đồng ruộng phía dưới.

Chùa được xây năm 1920. Hình thể chùa như một ngôi nhà thường trên sườn núi và có tháp cao.

Mơ cũng cho biết nếu từ chùa Long Vân đi sâu vào thêm nữa, du khách sẽ gặp “chùa động” Cây Khế rất đẹp, rồi hang Sũng Sàm, nhưng vì đường đi đá dốc “gập ghềnh mấy khúc thang mây” và thời gian có hạn nên chúng tôi đành phải bỏ qua và hẹn cô vào dịp khác.

Sau khi thăm chùa Long Vân, chúng tôi xuống núi và trở lại thuyền rồi quay ra suối Yến, thẳng đường xuôi theo suối Yến tới bến đò Thiên Trù.

Từ Thiên Trù tới chùa Hinh Bồng đường đi có khúc đường đất, có khúc đường núi nhưng tương đối bằng phẳng. Đi hết khúc đường bằng phẳng là tới dốc thật cao. Đường leo dốc cũng không khó khăn lắm vì có đường vòng quanh co chứ không thẳng đứng.

Đi thăm chùa Hinh Bồng có cái thú của trèo núi vài ba cây số. Thêm vào dó, càng lên cao càng có dịp nhìn toàn cảnh đẹp, ta có thể phóng mắt nhìn ra xa tới mút con mắt. Đường dốc lên Hinh Bồng nằm bên triền núi quanh co, đường đi gập ghềnh nhỏ hẹp nhưng thường có bậc đá. Khách hành hương lên Hinh Bồng, theo tôi nghĩ, nên dùng gậy chống, nhất là vào những ngày mưa. Nghe nói, vào những ngày Hội, đứng từ chân núi nhìn lên, ta thấy người trèo núi và người đứng trước cửa chùa đông như một đàn kiến đang tha mồi về tổ.


Động Hinh Bồng

Động Hinh Bồng là một trong những hang động đẹp ở phía nam động Hương Tích. Động có Quan Âm đài, đền thờ Thánh Mẫu, Sơn Thần là những nơi thờ cúng rất trang nghiêm nên ít ai đến Hương Sơn mà lại không ghé đây để cầu xin phước lộc và những điều may mắn tốt đẹp nhất. Trịnh Sâm có một bài thơ vịnh về chùa Hinh Bồng(2):

Chân núi đường xuyên một nẻo dài
Hóa công mài chuốt đã bao đời
Non xanh, nhường thấy non không đất
Suối biếc nhìn qua suối gặp trời
Đá nhuốm ráng chiều-nghìn gấm điểm
Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi
Chim trời cá nước vui chung cảnh
Ngọn bút khôn đem tả hết lời.
(“Vịnh Núi Hinh Bồng” do Quách Vịnh dịch)

Sau khi lễ xong trong chính điện chùa Hinh Bồng, Uyên, Thi và Mơ bước ra ngoài đứng trong sân chùa nhìn ngắm cảnh thanh bình, nào núi ở trên, nào thung lũng, nào cánh đồng xanh, nào suối ở phía dưới chân núi. Mơ chỉ cho chúng tôi “thung mơ “ xa xa phủ màu hoa trắng vào mùa Xuân.

Mơ cho chúng tôi biết hoa mơ nở ngay vào những ngày đầu của mùa Xuân. Cuối Đông mơ có nụ, chỉ đợi nắng ấm của Xuân là nở bung ra. Người ta còn gọi cây mơ là cây mai. Nhưng cũng có những loại cây mai chỉ có hoa mà thôi.

Tuy cây mơ, thân nhỏ, hoa mỏng manh nhưng rễ ăn rất sâu, ăn len lỏi vào được cả khe núi đá, eo núi, sườn đá có đất hay những khu đất có lẫn đá. Cây mơ có thể chịu được khô hạn lâu. Loài ong rất thích hoa mơ, và mật ong từ hoa này có phẩm chất cao. Cây mơ mọc ở trên núi Hương Sơn thì quả (trái) có cùi dày, hột nhỏ và chua thơm hơn mơ mọc ở những nơi khác. Do đó, khi nói đến Hương Sơn là người ta nghĩ tới mơ. Mơ như một biểu tượng, một đặc sản không thể tách ra khỏi thắng cảnh nổi danh Hương Sơn này.

Quả mơ được chia ra nhiều loại, mơ nứa quả tròn nhiều nước, mơ đào quả to đuôi nhọn có hình thù giống trái đào, mơ chấm son vì có chấm đỏ, mơ bồ hóng vì có những chấm đen.

Mơ dùng làm trái cây giải khát rất tốt vì vị chua. Tôi nhớ trong truyện Tam Quốc Chí, có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh chiến, binh sĩ khát nước không đi nổi nữa. Tào Tháo đánh lừa họ, chỉ cánh rừng trước mặt nói đó là rừng mơ. Quân sĩ tưởng thật, hăm hở tiến lên, nhưng lại không phải là rừng mơ. Ngoài việc mơ được dùng như một thứ giải khát lại còn có thể làm rượu mơ rất ngon.

Cô Mơ còn cho biết là cây mơ có nhiều dược tính. Gỗ cây mơ già, lấy từng thanh nhỏ nấu nước uống, mùi thơm mát. Tôi mường tượng nó phải thơm mát như những vần thơ:

Rừng mơ trắng, hoa mơ nhàn hạ,
Hương mơ bay, cành mơ chỉ lối ra . . .
Đường vào gần mà đường trở lui xa,
Bởi nhẹ tâm tư, đất trời thêm rộng.
. . .
Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến nữa,
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ
Nâng cuộc đời hơn những ước mơ.
(Trích “Giã từ Hương Tích” của Yến Lan)

Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ ?
Mơ trong thung lũng, mơ trên núi,
Hoa bạch trong ngần vạn điểm thơ.
(Trich “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)

Khi leo núi, có những đoạn dễ đi, tôi và Thi lại có cơ hội nắm tay nhau cùng đi như dung dăng dung dẻ nên thấy đường đi như được ngắn hơn và dốc núi cũng trở nên ít cao hơn.

Có lẽ vì đã leo núi quen từ hôm trước, lại quen sử dụng cây gậy chống nên hôm nay mọi người có vẻ cảm thấy ít mệt hơn. Dù sao chúng tôi đều ở tuổi thanh xuân, có mệt thì chỉ cần nghỉ ngơi ít phút là lại có thể hồi sức ngay để tiếp tục cuộc hành trình, nhất là trong lòng mọi người đều hăm hở đi tìm những cái đẹp mới lạ của cảnh vật thiên nhiên.

Khi trở lại bến đò Thiên Trù, chúng tôi nghỉ ở đây để dùng cơm trưa. Tôi thấy Uyên và Mơ cứ quấn quýt nói chuyện với nhau nên tôi có dịp ở bên Thi nhiều hơn.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi thả bộ đi xem những gian hàng bán đồ vật kỷ niệm. Tôi ghé vào tai Thi nói nhỏ:

- Anh muốn tặng cho Uyên và Mơ, mỗi người một cái vòng đá đeo tay làm kỷ niệm chuyến đi chơi này. Em nghĩ thế nào? Có tiện không?

- Thế cũng phải anh ạ ! Thôi để em lo việc này cho anh nhé!

Thi hỏi:

- À, thế anh thích tặng mấy chị ấy vòng đá mầu gì?

- Mầu gì cũng được, nhưng hai cái vòng đó phải màu giống nhau. Nhưng có một điều nó không phải là mầu xanh ngọc bích là được. Với Thi thì phải do chính tay anh chọn mới được.

- Anh thật khéo nịnh! Những cô học trò anh dậy học kèm chắc phải có nhiều cô “chết vì anh”. Thi nhìn thẳng vào mắt tôi cười tủm tỉm như hỏi “có đúng không?”.

- Ừ, đúng rồi, anh kèm nhiều cô học trò thông minh lắm, lại xinh đẹp nữa và tất nhiên là có cô muốn “chết vì anh” rồi, nhưng anh thì lại chỉ chết bởi một “cô bé con” thôi. Tôi cười rồi “bẹo” vào má Thi.

Thi nguýt tôi một cái thật dài rồi chạy đi mua hai vòng đá để tặng cho Uyên và Mơ. Tôi tự hỏi tại sao lần đi chơi này, Thi lại trở nên một cô gái “trưởng thành” và “cởi mở” nhanh một cách đến không ngờ như thế. Lý do nào đây nhỉ? Tôi cứ băn khoăn về điều này mà không giải thích được. Con gái mới lớn, lúc thế này, lúc thế khác, tâm tính họ cứ thay đổi như chong chóng. Thôi cứ kệ ! Ta lờ !

Thi rảo một vòng khu “chợ” rồi gọi tôi lại một gian hàng hỏi ý:

- Cặp vòng này được không anh?

- Em đã nói là để cho em lo, em còn hỏi anh làm gì nữa! Tôi đáp.

- Em chọn cặp này! Thi vừa rút tiền ra trả thì tôi ngăn lại.

- Để anh trả vì anh mua tặng mà!

Bà hàng gói hai vòng đá vào giấy nhật trình rồi đưa cho Thi.

Tôi hỏi Thi:

- Em mua gì thêm không?

- Không. Em đã mua quà tặng cho anh từ hôm qua rồi. Thi đưa tay lên miệng nàng ra dấu như ngăn tôi không được hỏi thêm.

- Anh cũng thế! Tôi cũng đưa tay lên môi mình như ra dấu không cho Thi hỏi thêm.

Hai chúng tôi cùng cúi đầu để “cụng đầu” nhẹ vào nhau rồi cười như biểu lộ hai “ý lớn gặp nhau” hay hai ta cùng “ý hợp, tâm đầu”. Thi giả vờ đưa hai tay lên xoa trán, phụng phịu nhõng nhẽo:

- Đầu anh cứng quá hà!

- Ừ anh thuộc loại cứng đầu mà.

- Không phải! Đầu anh cứng chứ không phải anh cứng đầu.

Thi cười rồi nắm tay tôi kéo đi. Nắm tay kéo đi như thế này là một cử chỉ Thi thường làm với tôi khi nàng còn bé. Lúc ấy Thi như con chim nhỏ. Ấy đấy, rồi một hôm, lúc Thi kéo tay tôi đi như thế, tôi lại bất chợt cảm thấy như có cái gì ấm áp, mềm mại trong bàn tay ấy để tôi phải nhớ nhớ thương thương cứ như một định mệnh đã được an bài, nó đã vượt ra khỏi tầm lý trí của tôi.

Chúng tôi quay lại bến đò. Uyên và Mơ đã đứng đợi dưới đó.

Chúng tôi xuống thuyền, ngược dòng suối Yến, trở về lại qua đền Trình-Ngũ Nhạc, qua bến Yến rồi bến Đục, để cuối cùng đến bến đò Phú Yên. Bến đò Phú Yên thuộc xã Phú Yên.

A. Tuyến đường vào chùa Tuyết Sơn.

Từ bến đò Phú Yên, chúng tôi rẽ vào ngã ba của suối Tuyết để lên chùa Tuyết Sơn.

Khi vừa tới khúc suối rẽ vào suối Tuyết, tôi trông thấy một chị lái đò đã hơi đứng tuổi, khoảng 25. Thấy thuyền chị không có khách, tôi gọi to để chị lại gần. Cả mọi người trên thuyền đều ngạc nhiên về hành động bất ngờ của tôi. Mơ là người ngạc nhiên hơn cả, cứ nhìn tôi chăm chăm. Khi chị lái đò đến gần sát thuyền tôi, tôi vội lên tiếng:

- Chào chị! Chắc chị chưa có khách?

- Thế, các anh chị muốn gì nào?

Tôi chỉ vào Mơ:

- Đây là cô Mơ, em họ của tôi. Cô ấy chèo thuyền đưa chúng tôi đi chơi đã hai ngày liền rồi. Nay chúng tôi lại muốn lên chùa Tuyết Sơn xa tít trên kia. Sợ cô ấy mệt nên chúng tôi định nhờ chị đổi tay chèo dùm cô ấy được không?

Nghe đến đây cả Mơ lẫn chị lái đò cùng cười rộ lên. Chị lái đò chỉ Mơ:

- Ối Giời ơi! Anh đừng phải lo cho nó. Có lần tôi với nó chèo đò dọc trên sông Đáy liên tục ba ngày, ba đêm liền. Nó chèo thuyền khỏe lắm, cả làng này ai mà chẳng biết tiếng nó. Các anh chị cứ đi chơi vui vẻ, thoải mái đi. Nhằm nhỏ gì với mấy con suối cỏn con này.

Chị quay sang nói với Mơ:

- Cô em có ông anh họ tử tế nhỉ!

Nói xong câu ấy chị lái đò cười cười chèo thuyền bỏ đi. Uyên và Thi trố mắt nhìn tôi đang ngẩn ngơ, sượng sùng.

Mơ nói với tôi:

- Cám ơn anh! Công việc thường ngày này, đối với chúng em thì đâu có gì là mệt nhọc. Được đi chơi với các anh chị là vui lắm rồi. Mấy khi em gặp được khách quý và vui như thế này.

Mơ nói tiếp theo:

- Chị ấy tên Thơm, người cùng xóm với em. Chị ấy thường đi hái mơ và kiếm củi trên núi với em.

Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi một cách kín đáo, mắt vẫn nhìn ra xa mỉm cười không nói gì.

Tôi lên tiếng:

- Chúng tôi cám ơn cô Mơ nhiều lắm. Có cô đi chung, thật là vui!

Mơ không trả lời tôi mà chỉ cắt nghĩa:

- Khúc suối Tuyết này, từ đây dẫn vào chùa Tuyết Sơn bằng hai phần ba khúc suối Yến dẫn vào Thiên Trù. Vào những ngày hội chùa Hương, khách hành hương đến đây cũng đông lắm nhưng không đông bằng bên Hương Tích. Ngay bến đò, anh chị thấy một ngôi đền nhỏ cũng gọi là đền Trình, nhưng để phân biệt với đền Trình-Ngũ Nhạc, người ta gọi đền này là đền Trình-Phú Yên. Trong đền Trình này cũng có nhiều cây cổ thụ và ngoài cổng có hình một con hổ tạc trên phiến đá.

  
Suối Tuyết

Dọc theo suối Tuyết, cảnh vật thanh bình, êm ả và đẹp mắt lắm. Ta thấy hai bên bờ suối cũng có những rặng núi đá vôi nhưng thấp và thưa hơn.

Mơ chỉ vào những quả núi, nói thêm:

- Quả núi có hình dáng như chiếc thuyền rồng kia gọi là núi Thuyền Rồng, quả núi có hình dáng như con chim phượng được gọi là núi Con Phượng. Các anh chị để ý nhé, vài chỗ có những tảng đá vuông vức giống nhau lại chồng lên nhau như chồng sách gọi là “Thư thạch” (sách đá). Người ta cũng cho đó là những chồng kinh Phật.


Chùa Bảo Đài

Tới bến đò Tuyết Sơn, chúng tôi lên bờ, Mơ đi trước dẫn đường, đưa chúng tôi tới một ngôi chùa mang là Bảo Đài. Chùa Bảo Đài nằm trong động, xung quanh cây cối rậm rạp.

Gần chùa Bảo Đài có một hang động trong đó có một cái ao cá thiên nhiên trong núi, người ta gọi là “Hang Cá” hay động Chùa Cá. Trong ao cá có cá vàng, cá bạc được cho là cá của Phật.


Động Tuyết Sơn


Động Ngọc Long
(bút tich Trịnh Sâm)


Động chùa Cá

Chùa Tuyết Sơn là chùa đẹp hàng thứ hai sau chùa Hương Tích. Chùa nằm trong hang động có độ lớn không thua gì động Hương Tích là mấy. Trong động có nhiều thạch nhũ đẹp, có chỗ rủ xuống, có chỗ trông như vẩy rồng. Sự sắp đặt tượng Phật gồm tượng thờ Phật Bà và các vị La Hán. Tượng thờ, hoặc được tạc ở thế đứng riêng biệt hay thế ngồi, thế nằm, hoặc được tạc trên vách đá hay được đặt trên bệ thờ như phần lớn các chùa trong các hang động ở Hương Sơn. Có bức tượng được tạc bằng đá trắng, có bức tạc bằng đá mầu nâu trơn bóng rất đẹp. Ngày Hội, khói hương trong động toả ra mù mịt như khói hun.

Động Tuyết Sơn nổi tiếng từ lâu đời. Cảnh đẹp của nó được Phan Huy Chú tả trong “Lịch triều hiến chương” viết :“Tuyết Sơn ở huyện Hoài An, có nhiều lớp núi cao, trong núi có động rất đẹp. Trong động có đá rủ xuống, trùng trập hiện ra, coi như vẩy rồng. Trên ngọn núi có tượng Phật bằng đá, lại có những cây thông mọc từng hàng, coi như một dãy tán. Cảnh trí xanh tốt âm u.

Chỗ thạch nhũ Phan Huy Chú nói là vẩy rồng, trông giống như những con rồng trong ổ nên còn gọi là động “Ngọc Long” (Rồng ngọc). Trên đỉnh núi phía xa xa có một tảng đá giống như tượng Phật được tạc hay giống như hình thù một vị sư mặc áo cà-sa.

Trước cửa động có hai bài thơ, một Hán, một Nôm được khắc trên đá của Tĩnh vương Trịnh Sâm.

*Bài thơ chữ Nôm:

Éo le thay bấy cảnh thiên thành!
Có vẻ tân kỳ, có vẻ thanh
Gió quyến cầm thông, thông lợp tán
Mây vờn vách đá, đá in tranh
Non cao Phật hiện phô kim tướng
Động thắm, rồng quanh lắng ngọc kinh
Sương tuyết càng nhiều, càng tú lệ
Này này chẳng khác chốn Bồng Doanh.
(“Vịnh Cảnh Tuyết Sơn”)

Bài thơ này tả cái đẹp của cảnh bên ngoài, có thông reo, có mây vờn đá, đá in tranh, có tượng Phật trên đỉnh núi. Trong động có thạch nhũ hình con rồng lắng nghe kinh.

*Bài thơ chữ Hán:

Phương Nam chất ngất núi bao la
Động tạc sườn non vẻ nuột nà
Nét tỏ dấu thần vàng chuốt móng
Sương ngưng gốc thụ ngọc in da
Sáo reo: gió thổi ngàn thông quyện
Song vắng: mây buông bóng nguyệt qua
Một hạt cỏn con gồm thế giới
Thơ lồng trong cảnh rộn lòng ta.
(“Vịnh Động Tuyết Sơn” Quách Vinh dịch)

Tôi còn nhớ một bài thơ viết về Tuyết Sơn:

Năm trước năm nay lên Bảo Đài
Khắp chùa vẫn đó cỏ hoa tươi
Động ôm hồ tuyết còn đây chủ
Lối sạch rêu xanh bởi có người
Sớm tối tiều ca vin cội núi
Véo von chim hót lướt mây trời
Cảnh già phỏng được nhà đôi mái
Ở mãi làng tiên chẳng trở lui.
(“Lại Chơi Tuyết Sơn, Lên Bảo Đài” của Nguyễn Cao)

Vùng núi Tuyết Sơn còn là căn cứ địa của một cánh quân Nguyễn Thiện Thuật di chuyển về đây sau khi căn cứ Bãi Sậy ở Hưng Yên bị Pháp phá vỡ. Chùa Bảo Đài là tiền đồn của đại bản doanh Tuyết Sơn. Năm 1891 đã xảy một trận thư hùng ở đây. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nhưng sau cùng căn cứ địa Tuyết Sơn của nghĩa quân cũng bị thất thủ.


Đường lên chùa Tuyết Sơn

* * *

Chúng tôi rời động Tuyết Sơn, lại theo triền núi thả dốc trở về bến đò Tuyết Sơn. Đường núi cheo leo nhưng vì đi xuống dốc nên cũng đỡ mệt hơn lúc leo lên.

Khi chúng tôi xuống tới thuyền thì trời đã ngả về chiều. Nắng chiều chỉ còn vương vất ngang sườn núi hắt lên. Cảnh vật dần dần trở nên u tịch hơn.

Mơ theo con đường khác để về. Cô dùng con đường suối Tuyết đi bọc theo sườn núi, băng qua cánh đồng chiêm để gặp suối Yến ở đền Trình-Ngũ Nhạc. Rồi từ đền Trình về bến Yến không xa.

Mơ vừa chèo thuyền vừa nhìn trời như sợ trời sắp tối. Tôi nói như để trấn an Mơ:

- Phải chi chúng ta được đi thuyền trong bóng đêm yên tĩnh, để được nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng nhái hay ễnh ương kêu vang, hay được nghe tiếng vượn hú, tiếng chuông chiều từ những cổ tự vang ra thì thích thú biết bao.

- Các anh chị không sợ đêm tối à?

- Không! Chúng tôi không sợ đâu! Cô cứ thủng thẳng mà chèo. Ta vừa đi thuyền trên suối vừa được nói chuyện trong bóng đêm cũng là cái thú đấy chứ.

Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi. Tôi biết Uyên và Thi sợ bóng đêm nơi vắng vẻ hoang vu này lắm. Chắc như hiểu tâm trạng của hai cô gái “tiểu thư” trên thuyền, Mơ lên tiếng:

- Em sẽ cố đưa các anh chị về nhà trước khi trời tối hẳn. Hôm nay em còn phải đãi cơm anh chị nữa cơ mà. Mơ vừa nói vừa chèo nhanh hơn.

Hoàng hôn có lúc tưởng như xuống thật nhanh vì những ngọn núi che lấp mặt trời. Tới chỗ núi quang, trời lại sáng hẳn lên. Để làm vui cho Mơ, tôi pha trò:

- Các cô có biết bài ca dao này không nhé.

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.
(Ca dao)

Anh hỏi trong ba cô, hôm nay cô nào bỏ bùa cho sư nào?

Thi như hiểu ý tôi muốn chĩa mũi dủi vào Mơ để trêu nên nàng chỉ ngay vào Mơ:

- Chị Mơ! Đúng rồi ! Chị Mơ là người bỏ bùa cho sư vì chị Mơ đẹp nhất.

Mơ chỉ cười chứ không trả lời. Thi chỉ Uyên:

- Không phải chị Mơ thì phải là chị Uyên.

Từ nẫy tới giờ Uyên ngồi yên lặng, mơ màng nhìn cảnh đẹp, chợt thấy cô em trêu mình, vội lên tiếng:

- Không phải chị đâu!

Tôi trêu Thi:

- Không phải Uyên, không phải cô Mơ thì đúng là em rồi.

- Để em coi nào, không phải là hai chị thì chắc là . . . chắc là em rồi. Đúng rồi! Em bỏ bùa cho sư này này!

Thi vừa nói vừa chỉ vào tôi. Tôi xua tay cãi lại:

- Anh không phải . . . không phải là sư!

Thi nói nhanh để lấn át tiếng tôi: - Phải rồi!. . . Phải rồi!. . .Anh là sư!

Thi vừa nói vừa thò tay xuống suối tạt ít nước vào tôi. Tôi vội la lớn lên:

- Đừng làm ướt anh! Ừ, ừ, anh là sư! . . . Anh là sư! Lật thuyền bây giờ!

Thi ngừng tay cười to làm mọi người cùng cười theo. Mơ là người cười to nhất. Mơ vừa cười xong, lau nước mắt:

- Ba chị em mình đâu có ai đội gạo lên chùa nên đâu có ai bỏ bùa cho sư được.

Thi đưa hai tay lên trời khua qua, khua lại như vừa đồng tình, vừa tán thưởng câu nói của Mơ:

- Chị Mơ nói đúng rồi! Hoan hô chị Mơ! Chị Mơ nhanh trí quá!

Mơ lại cười phá lên. Được thể Mơ nói tiếp:

- Sư về sư ốm tương tư. Sư về chùa rồi mới ốm tương tư, thế mà trên đường đi chị em mình có gặp ông sư nào đi về chùa đâu mà để bỏ bùa.

Cả bọn chúng tôi vỗ tay hoan hô trước sự phân tích của cô. Uyên là người vỗ tay to nhất.

Tôi lại gợi chuyện với Mơ:

- Cô Mơ ơi! Cô nói chuyện về anh chàng mê cô ở quán phở đi, cái anh hay ăn vụng thịt ấy.

- Em không nói chuyện ấy đâu!

- Thế cô nói chuyện về ông đầu bếp cứ đòi nấu phở cho cô Mơ ăn suốt đời vậy.

Mơ cười nhắm cả mắt:

- Hôm đó em dữ thật. Em “gầm” lên như cọp Hương Sơn hay sư tử Hà Đông vậy. Ừ, phải rồi, Hương Sơn cũng thuộc về tỉnh Hà Đông mà. Em nhớ hôm đó, mặt ông ấy tái xanh.

Chúng tôi lại cười phá lên.

Thuyền đi nhanh vì Mơ cố chèo về cho kịp trước khi trời tối mịt. Những dãy núi đá vôi chung quanh đã đổi thành màu xám đậm, những dãy núi xa xa chỉ còn mờ mờ lẫn trong nền trời. Cánh đồng lúa mầu xanh nay chỉ còn thấp thoáng con suối màu trắng bạc như con trăn bò. Mọi thứ trở nên yên tĩnh quá, cái yên tĩnh của sự êm đềm vắng lặng.

***

Trời đã đổ tối không trông rõ mặt người, thuyền cũng vừa ra tới ngã ba suối Yến. Đền Trình với nước vôi trắng, mờ mờ hiện ở phía bên kia bờ suối. Từ đền Trình về đến bến đò Yến không còn xa. Mơ dặn chúng tôi chuẩn bị hành trang để lên bờ.

Tôi đeo cả ba cái ba-lô lên vai rồi ngồi đợi. Thi nhìn tôi phì cười:

- Sao anh tham thế! Thôi để chúng em đeo bớt cho.

Tôi cứ ngồi yên như không nghe thấy.

Uyên nói với Thi:

- Chị em mình chạy ra phố một tý rồi về nhà sau.

Uyên quay sang nói với Mơ:

- Chị và anh cứ về trước, em chạy ra chợ một tý rồi về. Mua cái gì nấu sẵn để khỏi mất nhiều thì giờ chị ạ. Chị cũng đã mệt lắm rồi.

- Em có chuẩn bị cho nồi canh sắng nấu với củ mài rồi mà. Đặc sản Hương Sơn đấy. Nhớ về nhanh để em chỉ cho chị nấu.

Khi vừa xuống đò, Uyên và Thi lon ton chạy ra chợ bến đò Yến. Mơ cột thuyền rồi cùng tôi vội vã về nhà. Cô thật nhanh nhẹn và rất tháo vát, chân tay cứ thoăn thoắt, làm việc nào thì chu toàn việc nấy.

Vừa vào tới nhà là Mơ chạy ngay vào bếp. Tôi cất ba cái ba-lô vào phòng rồi đi tắm, tiết kiệm thời gian khi các cô còn lo việc ăn uống.

Chẳng mấy chốc, Uyên và Thi đã về tới nhà với vài thứ trên tay. Một cậu trai chừng 14, 15 tuổi lễ mễ trên tay một gói nặng đặt trên thềm nhà rồi bỏ đi ra. Hóa ra đó là một yến gạo hai người mua về. Cũng chẳng mấy chốc bữa cơm đã được bầy sẵn sàng trên chiếc chõng giữa sân. Một bát canh rau sắng được đặt chính giữa mâm còn đang bốc khói, cùng với những món ăn vừa mới mua về. Một chiếc đèn dầu để bên cạnh mâm.

Tất cả chúng tôi đều đói nên ăn rất ngon. Lần đầu tiên, ba chúng tôi được ăn món canh đặc biệt của Hương Sơn vừa lạ lại vừa rất ngon miệng: canh rau sắng nấu với củ mài.

Cơm nước xong, chúng tôi dọn dẹp rồi trở lại chõng ngồi nói chuyện. Uyên và Thi hỏi Mơ về món canh ngon miệng vừa ăn. Mơ cho biết:

- Rau sắng là loại rau có nhiều chất đạm nên không cần phải nấu với thịt mà vẫn đậm đà và mát. Cây sắng không phải là loại cây thảo, mọc dưới đất hay loại dây leo, mà nó thuộc vào loại cây mộc. Cây sắng to, cao, chỉ thích hợp mọc trên núi đá vôi mà thôi. Muốn có được lá non người ta phải trèo lên cây mà hái. Lá sắng thì mỡ màng, bóng bẩy. Mùa Đông lá rụng hết và cũng như những loại cây khác, tới mùa Xuân cây đâm chồi nẩy lộc. Hoa ra cùng lượt với lá. Hoa non ra từng chùm và nhỏ giống như hoa ngâu, còn gọi là “rồng rồng”. Người ta hái cả hoa và lá, nấu chung với nhau cũng ngon lắm, hoa còn ngọt hơn cả lá non nữa. Hái lá sắng thì cứ mỗi tháng hái một lần, hái đến tháng Sáu thì thôi. Đến tháng Năm, cây sắng có quả chín từng chùm như chùm sung. Hái rau sắng phải là người chuyên môn như chúng em mới hái được nhiều.

Uyên hỏi thêm:

- Thế còn củ mài?

Mơ giải thích:

- Củ mài cũng là đặc sản của Hương Sơn như rau sắng và mơ vậy. Canh rau sắng đã ngon, thêm củ mài vào lại càng ngon hơn. Cù mài còn được dùng để nấu chè nữa. Củ mài thuộc loại dây leo giống như củ từ, lá hình trái tim. Củ nó hình dẹt hoặc tròn. Mỗi dây một củ, thường mọc trên núi đá. Củ ăn sâu, chui cả vào những khe đá nhỏ nên đào được nó rất khó khăn, phải kiên nhẫn. Có lần em đào, phải đập cả đá ra để moi. Có khi đào đến nơi thì lại thấy củ nó nằm dưới cục đá to, đành bỏ.

Củ mài có dược tính tốt, như trong sách của cụ Hải Thượng Lãn Ông, một thầy thuốc nổi danh của nước ta cho biết:

Sơn dược là tên chữ củ mài
Ngọt bình không độc, tính lành hay!
Bổ tim dưỡng thận, bồi tỳ vị
Nhuận gan, thêm khí, khoẻ hình hài....

Chúng tôi vỗ tay khen Mơ là giỏi cả về cây thuốc. Mơ đắc chí nói thêm:

- Em còn biết cả, nào là “hoa kim ngân” trị tiêu độc, củ “khúc khắc” trị chữa thấp và phong, cây “ổ rồng” chữa lành xương gẫy, cây sâm bổ tỳ vị. . . À, em còn biết được dược tính của cây mơ nữa. Cụ Tuệ Tĩnh (sống ở cuối đời nhà Trần) có cho biết “Quả mơ muối, vị chua, tính hàn không độc, trừ nhiệt, sinh nước bọt, lợi cuống họng, trị trúng phong, tiêu đờm, chữa lỵ.” Loại lá mơ leo, chữa bệnh kiết lỵ rất tốt.

Chúng tôi lại vỗ tay khen. Tôi nói với Mơ:

- Cô Mơ phải làm thầy thuốc hay đi học làm thầy thuốc mới đúng.

Mơ nói:

- Thầy em rất giỏi về thuốc Nam mà có sống được bằng nghề ấy đâu! Em học thế nào được. Thầy em dậy cho em tý nào em chỉ biết tý nấy thôi.

Tôi nghiêm nét mắt, hỏi Mơ:

- Mơ có anh chàng nào đang theo đuổi chưa?

Mơ nhìn tôi rồi trầm ngâm như suy nghĩ:

- Trước đây em có, nhưng bây giờ thì hết rồi. Anh ta có vợ rồi. Em không thích mấy anh con trai mà em quen biết ở trong làng này. Em quý họ nhưng mỗi khi em nói chuyện động tới sách vở hay tý hiểu biết thì họ nói em là đứa “dở hơi” hay “dở người”, kiếm ăn không ra mà cứ nói chuyện trên trời. Em chán nên em chẳng yêu ai. Em cũng chưa biết sau này em sẽ lấy ai trong bọn họ nữa. Mà, anh hỏi em câu ấy để làm gì vậy?

Tôi cố nghiêm nét mặt để Mơ phải hết sức tin cậy vào lời nói đứng đắn của tôi:

- Tôi muốn giới thiệu cho cô người bạn học của tôi. Anh ta dễ mến lắm, lại đẹp trai nữa. Anh ta ở Hà Nội nhưng thường tâm sự với tôi là anh ta chỉ thích làm quen với những người con gái mộc mạc ở dưới quê thôi. Có vài cô gái ở Hà Nội yêu anh ấy mà anh ấy không yêu lại, chỉ mong sao quen được với một cô gái miền quê. Thế mới lạ chứ. Anh ta tâm sự với tôi rất thật lòng.

- Thế anh ấy có vợ chưa?

Tôi cười:

- Chưa! Có vợ rồi ai dám giới thiệu cho cô Mơ!

Mơ bẽn lẽn hỏi:

- Thế anh ấy già hay trẻ?

Tôi phá lên cười:

- Cô Mơ thấy tôi già không mà lại hỏi bạn học của tôi là già hay trẻ! Anh ta học trên tôi mấy năm. Đẹp trai, con nhà giầu nữa. Cô chịu không?

Mơ trợn to mắt nhìn tôi rồi cúi xuống:

- Em con nhà nghèo, lại quê mùa!

Tôi nghiêm mặt:

- Tôi chỉ giới thiệu cho hai người quen nhau thôi mà. Tôi đâu có làm “mai mối” cho hai người đâu mà cô sợ.

Mơ cười với tôi:

- Ừ nhỉ ! Thế mà em cứ hỏi lôi thôi.

Thi nhìn tôi, tò mò hỏi:

- Ai vậy anh ?

Tôi trả lời ngay:

- Anh Hội.

Thi hớn hở như muốn nhẩy lên:

- Anh Hội hiền lành lắm chị Mơ ơi! Đúng rồi, anh này không thích con gái ở tỉnh thành. Có hai cô mê tít anh ấy đấy.

Thi kể tiếp:

- Một tối khuya, anh Hội chở cái “ông” này này về nhà trọ (Thi chỉ vào tôi). Lúc đó “ông“ ấy như người chết rồi. Anh Hội đặt nằm trên giường, người sặc mùi rượu, chân tay không cục cựa. Em sợ quá!

Tôi cười nói:

- Sao em không kể là em cứ nắm tay anh mà khóc rống lên?

Thi dí tay vào trán tôi:

- Em cấm anh uống rượu say rồi đó. Hôm đó em khóc là tại tưởng anh chết. Mà ai nói cho anh biết là em nắm tay anh khóc vậy?

- Anh Hội. Anh ấy nói là em cứ cuống cả lên. Em vừa khóc vừa chạy lên chạy xuống cầu thang kêu cứu. Hôm đó anh thi lên lớp, anh được điểm cao nhất lớp, lại được thầy khen nên vài đứa bạn trong lớp thưởng cho anh một bữa cơm Tây. Anh uống nhiều quá vì vui nên say. Anh đã hứa với em là anh không uống rượu say nữa rồi mà.

- Ừ, uống rượu với bạn bè thì được, nhưng say thì không được đâu đấy. Em sợ lắm!

Uyên ngồi nghe, bây giờ mới cười:

- Ái chà ! Ai lấy cô này về chắc uống rượu cũng không được nữa chứ đừng nói là say.

Thi phụng phịu đánh vào vai chị. Cả bọn chúng tôi cùng cười ồ.

Tôi nhìn Uyên rồi đề nghị :

- Uyên hát tặng cô Mơ một bài đi. Uyên hát bài “Em Đi Chùa Hương.” Được không?

Uyên nói với Mơ:

- Em hát tặng chị Mơ bài hát này để kỷ niệm ngày chúng ta đi chơi với nhau nhé!

Tôi hỏi Mơ:

- Nhà có đàn không cô Mơ ?

- Thằng Sơn có một cây đàn cũ, không biết ai cho nó.

Tôi dục Mơ vào lấy. Tôi đệm đàn cho Uyên hát. Uyên hát bài “Đi Chùa Hương"(3) phổ nhạc bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me, em dậy
Em vấn đầu soi gương.
. . .

Giọng hát của Uyên trong và cao vút, nghe thật truyền cảm làm sao. Những chỗ phải ngừng để lấy hơi, những chỗ luyến láy, đa tình, lẳng lơ, Uyên diễn tả thật điêu luyện. Uyên hát chẳng thua gì một nữ ca sĩ nhà nghề là mấy. Đoạn cuối nghe hơi thoáng buồn vì đôi trai gái phải tạm xa nhau. Tôi đệm đàn nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn Thi, cùng hát bè với Uyên vài câu, nhất là những câu có thể để trêu Thi.

Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng?
. . .
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai.

Thi biết tôi hát trêu nàng nên mỗi khi tôi cất tiếng hát hoà theo Uyên, Thi lại cúi xuống mỉm cười.

Uyên hát xong mọi người đều vỗ tay khen. Mơ cảm động, cứ nắm tay Uyên mà bóp chặt, mắt long lanh như muốn khóc.

Tôi nói với Mơ:

- Tôi cũng hát tặng cô Mơ một bài nhé. Bài này có tên là “Em đi chùa Hương”(4) cũng phổ nhạc từ bài “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Uyên cảm động trố mắt nhìn tôi.

Tôi tự đệm đàn cho mình và cất tiếng hát. Hát xong bài hát, tôi cứ hát đi hát lại mãi hai câu:

Tuổi bây giờ mới trọn mười lăm. Em (í) còn bé lắm (chứ) mấy anh kia ơi!(5)

Thi thẹn vì biết tôi trêu nên hai tay cứ che mặt cười rồi chạy lại ngay chỗ tôi giữ chặt lấy phím đàn không cho tôi đánh nữa. Thi phụng phịu:

- Em không chơi với anh nữa đâu!

Mơ cứ cười phá lên với cái bản tính hồn nhiên, chất phác và mộc mạc của cô.

Thi cũng dơ tay lên nói:

- Các anh chị cho em nói! Em cũng hát tặng chị Mơ một bài hát. Em hát tặng chị bài “Cô Hái Mơ”(5) nhé. Em hát một mình, không cần đàn.

Mơ vỗ tay hoan ngênh. Thi chợt chỉ vào tôi:

- Anh không được đánh đàn để phá đám hay trêu em đó!

Tôi buông đàn xuống ngồi nghe Thi hát.

Thi hát cũng hay, nhưng không thể điêu luyện như Uyên. Thi vừa hát vừa ra dáng điệu như cô gái hái mơ. Khi đến hết đoạn cuối

Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau đến một lời
Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.

Thi chạy lại cù Mơ làm cô cứ co rúm người lại để cười.

Chúng tôi lại ngồi nói chuyện vui với nhau một thời gian nữa. Xoay quanh câu chuyện về anh chàng Hội để trêu Mơ. Rồi cuộc vui cũng tàn. Trước khi cùng chia tay để đi ngủ. Mơ hỏi:

- Anh Hội có biết hát không?

Tôi bật cười nói:

- Anh ấy hát hay lắm, nhất là hát “xẩm”. Hôm nào túng (tiền), anh ta ra ngồi trước cửa chợ Đồng Xuân hát xẩm xin tiền.

Uyên vội đánh nhẹ vào tay tôi lườm nói:

- Cái anh này! Chị Mơ là người thật thà, chị ấy lại tưởng thật.

Mơ cười và cũng nói đùa theo:

- Anh ấy túng tiền thì em sẽ chèo đò nuôi anh ấy ăn học mà. Có sao đâu!

Tôi và Uyên nhìn nhau. Uyên rơm rớm nước mắt nói với Mơ:

- Em quý chị lắm! Mai chị em mình lại phải xa nhau rồi!

Mơ cũng rơm rớm nước mắt không nói, cứ nắm tay Uyên rồi lại nắm tay Thi, quệt nước mắt rồi bỏ vào nhà ngang. Thi cũng cảm động, chạy lại nắm tay tôi thật chặt. Hoá ra Thi cũng rơm rớm nước mắt theo.

Tôi bỏ vào buồng ngủ, nghĩ đàn bà con gái, sao họ thật vẩn vơ? Có thế mà cũng sụt sùi. Các cô muốn gặp nhau thì cứ nhẩy lên xe khách mà tới. Có hơn hai giờ đường mà cứ làm như là xa xôi lắm vậy, cứ như Thái tử Đan nước Yên đưa Kinh Kha qua sông Dịch, một đi không trở lại. Và cứ như khúc hát của Kinh Kha ngày nọ:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

(Gió hiu hắt chừ, Dịch thủy lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về)
(Khuyết danh)

Đúng là đàn bà, con gái. Tôi cười một mình rồi lăn đùng ra giường làm một giấc ngủ say cho tới sáng.

* * *

Đường về

Sáng dậy, mọi người thu xếp mọi thứ để lên đường về Hà Nội sớm. Trước khi rời khỏi nhà, Thi cầm hai chiếc vòng đá mầu xám nâu mua hôm qua trong tay. Thi đeo cho Mơ một chiếc. Thi đưa chiếc kia cho tôi để đeo cho Uyên.

Tôi cứ cầm chiếc vòng trong tay, đợi Thi đeo xong cho Mơ, tôi đưa chiếc vòng ấy lại cho Thi để nàng đeo cho Uyên. Thi hiểu ý tôi nên mỉm cười, cái cười, theo tôi hiểu là Thi rất hài lòng về việc xử sự đó của tôi. Tôi đâu có ngu gì để không hiểu được điều đó.

Uyên và Mơ cám ơn Thi rối rít vì món quà bất ngờ vào giờ chót. Thi chỉ vào tôi nói:

- Hai chị cám ơn người này này! Ý kiến của anh ấy đấy, tiền cũng của anh ấy nữa. Em chỉ giúp chọn mua dùm thôi.

Hai cô cùng cảm động. Mơ nắm tay tôi xiết chặt.

Chúng tôi cùng ra bến xe. Mơ đi theo. Xe khách chưa tới, chúng tôi cùng nhau ghé vào quán hàng ăn sáng cho khỏi bị đói trên đường về Hà Nội. Chỉ cách Hà Nội có 60 cây số thôi mà chúng tôi phải mất tới hơn hai giờ đường.

Xe khách tới, tôi trả tiền cho bà bán hàng rồi cùng đứng dậy ra xe. Xe chưa có khách lên nên tôi hy vọng sẽ chọn cho Uyên và Thi chỗ ghế ngồi tốt, không bị nắng hắt soi vào mặt. Trước khi bước lên xe, tôi dúi vội vào túi áo Mơ một số tiền mà tôi biết chắc nếu tôi đưa trước cho Mơ, cô ấy sẽ không nhận thù lao với số tiền nhiều như thế. Cũng may, từ khi học lên bậc tú tài rồi đại học, tôi tìm được những công việc đi dậy kèm cho “con, em” nhà giầu, hay mở lớp luyện thi cho những nhóm nhỏ để kiếm tiền thêm nên sự chi tiêu cũng được có đôi phần rủng rỉnh hơn xưa.

Mơ cứ đứng dưới đất nói chuyện hồi lâu với Uyên qua khung cửa sổ xe. Khi khách đã lác đác lên xe, Mơ mới vẫy tay chào chúng tôi rồi tất tưởi trở về nhà hoặc trở lại bến đò Yến đón khách. Uyên và Thi cứ nhìn theo Mơ cho đến khi bóng dáng cô khuất sau dãy hàng quà.

Tôi ngồi bên Thi. Nàng nghiêm trang không nói. Uyên nhìn sinh hoạt ở bến xe một cách lơ đãng. Tiếng hành khách lên xe đã ồn ào, nói chuyện lao xao.

Xe đã đầy khách. Xe bắt đầu chuyển bánh, anh “lơ xe” đập tay thùng thùng vào sườn xe để mọi người dưới bến biết mà tránh ra xa. Vì là chuyến xe sớm, ít người qua lại gần đó nhưng anh vẫn vỗ, có lẽ anh ta vỗ vì thói quen, cứ xe chạy là phải làm cái “nghi thức” ấy. Cũng chẳng khác gì anh “lơ xe”, bác “tài xế” này, thỉnh thoảng cũng bấm vài tiếng còi inh ỏi. Tôi chẳng hiểu tại sao bác bấm nữa. Có lẽ bác bấm còi theo cái thói quen thường lệ, bấm còi mà không biết mình bấm, hay bấm chơi cho vui, hoặc cũng có thể bác cứ bấm còi cho chắc ăn. Chỉ có điều thật buồn cười khi bác làm mấy con gà kiếm ăn bên kia hàng rào bên đường giật mình bay tán loạn bởi tiếng còi xe. Cái thói quen không cải sửa nên dễ trở thành cái tật. Thành “tật’ rồi thì quả thật hết thuốc chữa.

Qua cửa sổ, Uyên nhìn cảnh vật bên đường. Mọi thứ như đang kéo nhau chạy lùi lại phía sau. Tôi nắm tay Thi để trên đầu gối tôi. Tôi cảm như thấy hơi ấm áp và sự mềm mại của bàn tay ấy đang truyền sang bàn tay tôi. Thỉnh thoảng tôi bóp nhẹ, nàng chỉ mỉm cười không nói.

Để giết thì giờ nhàm chán trên xe, tôi nói với Thi, cũng là để nói với Uyên về chuyến đi chơi chùa Hương hai ngày vừa rồi:

- Chúng ta đi chơi kỳ này thật vui và học hỏi được nhiều thứ lắm. Đặc biệt ta lại quen biết cô Mơ nữa, một người tiêu biểu cho người dân quê nước ta. Tuy họ có cuộc sống lam lũ nhưng bản chất lại là người thật thà, chất phác và hiếu khách nữa. Sức mạnh của dân tộc ta nằm ở chỗ những người ấy. Họ biết chịu đựng trong cuộc sống khó khăn, nhưng họ lại chính là những người biết hy sinh cho đại cuộc trước tiên khi đất nước cần đến. Thật đáng ngưỡng mộ thay!

Thi chợt hỏi tôi:

- Em cứ nghe nói Phật Bà rồi Bà Chúa Ba về đây tu đắc đạo. Anh kể cho em nghe được không?

Tôi trả lời Thi:

- *Theo cuốn Nam hải Quán Thế Âm kể lại, vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên, Hương Tích là nơi tu hành của Công chúa Diệu Thiện, con thứ ba của vua Diệu Trang, Vương quốc Hưng Lâm bên Tây Trúc (Ấn Độ). Theo dân gian, người ta quen gọi công chúa Diệu Thiện là Bà Chúa Ba. Bà tu hành chín năm ở động Hương Tích, đắc đạo trở thành Đức Quán Thế Âm bồ tát, sau trở về diệt trừ cái ác, đáp hiếu cha mẹ, phổ độ chúng sinh.

* Theo Phật thoại truyền miệng thì theo các cụ bô lão làng Yến Vĩ kể rằng: vì bà quyết chí tu hành, không tuân theo lời cha, nên bị vua cha sai lính giết. Ngọc Hoàng sai thần linh hóa hổ cứu công chúa Diệu Thiện. Mãnh hổ cõng bà vào núi Hương Sơn. Chỗ bà xuống đầu tiên là hang Thánh Mẫu, còn gọi là am Phật Tích. Tương truyền trong hang còn dấu in một bàn chân của bà trên đá và am Phật Tích có tên từ đó. Bà sang tắm gội ở một vũng nước suối trong hang bên cạnh để rửa nỗi oan ức bụi trần. Chỗ đó sau thành chùa Giải Oan vì có giếng Giải Oan. Giếng này còn gọi là Thiên Nhiên Thanh Trì. Trước cửa hang có suối gọi là suối Giải Oan.

* Cũng theo Phật thoại truyền miệng, các cụ bô lão làng Phú Yên, làng của tuyến Tuyết Sơn, kể có hơi khác rằng: khi mãnh hổ cõng Bà Chúa Ba đến núi Hương Sơn, ban đầu bà tu hành ở chùa Hỏa Quang, nay là nền đình làng Phú Yên, rồi bà lên núi tĩnh tâm, tu hành ở động Tuyết Sơn. Sau đó bà về tu ở động Hương Tích và bà thành đạo ở nơi đó.

* Động Hương Tích còn có một lịch sử được ghi rõ ràng trong cuốn thơ cổ “Quán Thế Âm Diệu Thiện.” Ngài Quán Thế Âm Diệu Thiện đắc đạo tại Hương Tích.(6)

Hội chùa Hương được diễn ra gần như suốt mùa Xuân, từ mùng 6 tháng Giêng cho hết tháng Ba, tức hết quý đầu của vòng luân hồi Xuân, Hạ, Thu, Đông của một năm. Ngày mở hội Phật Bà rơi vào ngày 19 tháng Giêng hàng năm, tức ngày đản sinh của Bà Chúa Ba.

Các chùa ở Hương Sơn đều có tượng thờ Bà Chúa Ba. Ở đây, có 14 chùa thường được biết đến thì có 8 chùa nằm ngoài động, 6 chùa nằm trong động. Trong số chùa nằm trong động thì có 3 chùa chính là chùa Hương Tích, chùa Hinh Bồng và chùa Tuyết Sơn.

Tôi cũng cho Uyên và Thi biết:

- Chùa Hương tức Hương Sơn, quả là một là danh lam thắng cảnh, được coi như “sơn kỳ thủy tú”, “bồng lai tiên cảnh” trên đất nước ta. Chẳng thế, bao thi nhân của thời xưa cũng như thời nay đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu tuyệt tác về Hương Sơn. Những vị “thánh thơ” đóng góp phải kể đến là Tĩnh vương Trịnh Sâm, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, cùng với những bậc thi nhân xưa như Nguyễn Khuyến, Bùi Dị, Nguyễn Cao, Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh, Dương Lâm, Nguyễn Thấu, Trần Huy Luyện, Tản Đà, Đoàn Như Khuê, và những thi nhân gần gũi quen thuộc với chúng ta sau này như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Nguyện Nhược Pháp, Hằng Phương. . . và tất nhiên còn rất nhiều nhà thơ khác nữa.

Như để tóm tắt vài ý nghĩ của tôi cho chuyến đi, tôi nói tiếp:

- Tới với chùa Hương như để ngắm nhìn cho thỏa thích một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo của sự hài hoà giữa cái chập chùng, hùng vĩ của núi non với cái mềm mại của những dòng suối chảy quanh co, hòa trong cái êm dịu của mầu xanh cây rừng, đồng lúa, hay những thung mơ.

Tới với chùa Hương là ta về với đất Phật nói chung hay với Phật bà Quán Thế Âm tức Bà Chúa Ba nói riêng. Ta đi hành hương chùa Hương là ta thực hiện được sự tiếp xúc giữa con người với thiên nhiên, con người trong tín ngưỡng, là ta tìm sự lắng đọng tâm hồn, tự gột rửa bản thân để hội nhập với cái chân, thiện, mỹ của vạn vật.

Tới với chùa Hương cũng thể hiện những khát vọng của đời thường. Chùa Hương mở rộng cửa cho mọi tầng lớp xã hội, không kể sang hèn, giầu nghèo. Trong tâm thức của đồng bào Phật tử, họ tin đây là đất Phật linh thiêng có thể giúp họ thực hiện được những ước mơ hay giải trừ cho họ được những kiếp nạn. Ở đây nổi bật lên văn hóa phồn thực, nghĩa là cầu xin cho sinh sôi nẩy nở, như nhà nông cầu xin nhiều gạo cao như “đụn gạo”, cầu xin chuồng lợn đầy lợn, ao cá đầy cá. Kẻ buôn bán thì cầu xin tài lộc được như “cây vàng”, “cây bạc”. Kẻ có bệnh thì tin rằng “bầu sữa mẹ” có thể cho họ những giọt thuốc tiên để chữa lành bệnh. Kẻ hiếm muộn thì muốn “cô”, “cậu” theo về làm con. Kẻ có nhiều oan trái mong uống nước hay tắm gội với dòng suối “Giải Oan”. Do đó hội chùa Hương còn gọi là “hội cầu may.”

Dù nhìn dưới góc độ nào, người đến chùa Hương với nhiều mục đích khác nhau, nhưng những yếu tố kể trên đã kết hợp lại thành văn hoá chùa Hương.

Tôi đang thao thao nói thì tôi thấy đầu Thi dần dần dựa hẳn vào vai tôi. Nhìn ra, tôi đã thấy Thi ngủ. Tôi ngồi im lặng ngắm nhìn Thi tựa vào vai tôi, hai má nàng đỏ hồng, những sợi gân xanh hiện mờ nhạt ẩn dưới làn da mỏng. Hơi thở nàng đều đều. Tôi nhẹ vén sang bên vành tai vài sợi tóc mai còn đang nhẹ bay bay phất phơ trên mặt nàng. Khuôn mặt thật hồn nhiên như trẻ thơ.

Tôi sẽ cúi xuống, lần tay xuống ba-lô lục lấy ra chiếc vòng đá xanh màu cẩm thạch tôi mua hôm qua, nhẹ đeo vào cổ tay Thi. Tôi nhìn Thi mỉm cười vì tôi nghĩ khi Thi tỉnh dậy sẽ rất sung sướng nhận ra trên cổ tay mình có chiếc vòng đá màu xanh này.

Tôi chợt thấy Thi nói:

- Cám ơn anh!

Tôi vẫn thấy nàng ngủ yên bình, đầu dựa trên vai tôi. Liền sau đó, Thi chợt cựa mình, sửa lại thế ngồi cho thoải mái hơn, tất nhiên là đôi mắt vẫn nhắm và thở đều đều. Bây giờ thì Thi ngồi xích gần lại tôi, đầu vẫn tựa vai, hai tay nàng đang ôm lấy cánh tay tôi. Tôi nhìn Uyên nói nhỏ:

- Chắc Thi ngủ say rồi!

Uyên nhìn tôi rồi lại nhìn cô em, khẽ phì cười rồi lại quay đầu lơ đãng nhìn ra ngoài cửa xe. Uyên có cái đẹp của một người con gái đã trưởng thành, hiền dịu, đằm thắm và thật nhiều tình cảm. Tất nhiên là Uyên rất thương yêu và bảo vệ cô em gái của mình. Những sợi tóc dài của Uyên đang bay về phía sau gáy.

Xe vẫn chạy, Thi vẫn ngủ. Tay tôi đã bắt đầu thấy mỏi. Tôi nhẹ rút tay tôi ra khỏi hai tay Thi đang ôm cứng. Tuy rất nhẹ nhưng cũng đủ làm Thi tỉnh dậy. Thi hỏi tôi:

- Sắp tới bến chưa anh?

Uyên trả lời thay tôi:

- Sắp tới nơi rồi. Ngủ gì mà say thế!

Thi ngước mắt lên nhìn tôi hỏi:

- Em ngủ say lắm hả? Có lâu không?

Tôi trả lời:

- Tất nhiên là ngủ say và lâu rồi! Tôi đùa chỉ lên mép thi:

- Lau nước dãi đi em! Ở hai bên mép kìa.

Thi vội đưa tay lên chùi mép. Thấy không ướt, biết mình bị lừa nên cứ hai tay nàng đấm vào tôi và mà kêu lên:

- Ghét anh lắm! Ghét anh lắm! Anh lừa em!. . . Anh lừa em!

Tôi nghiêng mình sang bên cho Thi đánh rồi cười. Uyên cũng cười theo và lên tiếng:

- Cô em này cũng dữ quá chứ hả! Đâu có vừa gì đâu!

Thi quay sang chị nói nhỏ như phân bua:

- Tại anh ấy chứ đâu phải tại em!

Tôi và Uyên lại cười. Tôi nhắc cho Thi nhớ:

- Có lần em cũng lừa anh như thế ở vườn sau nhà. Nhớ không?

- Em nhớ! Sao mà anh thù dai thế! Thi phụng phịu nói.

Thi tiện tay véo lên cánh tay tôi một cái rồi mới chịu ngồi yên. Tôi nói đùa Thi:

- Anh phải đặt tên em là “Thi véo” mới phải.

Thi cười rồi véo tôi thêm cái nữa. Thi bỗng nhìn tôi với cặp mắt rất đáng “yêu”, vừa đưa chiếc vòng tay lên vừa nói:

- Cám ơn anh đã tặng em chiếc vòng này! Em sẽ giữ nó mãi mãi!

Tôi lại đùa:

- Giữ mãi là phải rồi! Ai lại nỡ vứt đi chiếc vòng đẹp như thế này, trừ khi nó vỡ.

Cả Uyên và Thi cùng cười. Tất nhiên là Thi lại “tặng” cho tôi thêm một cái véo nữa trước khi nói:

- Em thấy lúc anh mua chiếc vòng này với cái nhẫn, nhìn trước nhìn sau rồi bỏ ngay vào ba-lô, mặt tỉnh bơ. Em buồn cười quá nhưng phải nín. Lúc đó em thấy cảm động lắm. Anh vờ cũng hay thật đấy!

Xe từ từ vào bến. Đợi mọi người xuống vãn, chúng tôi mới kiểm soát lại hành lý rồi cùng theo họ xuống bến xe. Chúng tôi thuê xe tay trở về nhà trọ.

Về tới nhà, mọi người đều thấy thật thoải mái với nơi ấm cúng của mình. Tôi về phòng riêng. Hai cô vội thay quần áo rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Chúng tôi trở lại bàn ăn. Cả hai cùng rạng rỡ, tươi mát trong bộ quần áo cánh mặc ở nhà.

Chúng tôi có cả gần một ngày để nghỉ ngơi.

* * *

Sau bữa cơm tối. Chúng tôi ra sân, cùng ngồi chơi dưới giàn hoa và dưới ánh đèn điện ngoài đường hắt vào mờ ảo như ánh sáng trăng. Chúng tôi lại nhắc tới cô Mơ. Tôi cho biết là tháng tới tôi sẽ trở lại Hương Sơn để đem Hội về giới thiệu cho Mơ. Hy vọng là hai người sẽ trở thành đôi bạn tốt của nhau.

Thi hỏi ngay:

- Thế họ không thành vợ chồng à?

Uyên phì cười, thay tôi trả lời:

- Cô này trẻ con thật. Cứ quen nhau là phải thành vợ chồng à! Mình đã nói là chỉ giới thiệu chứ mình có “làm mai” đâu nào.

- Ừ nhỉ, em quên! Thi tiu nghỉu trả lời.

Uyên quay lại nói với tôi:

- Khi nào anh đi, em sẽ mua quà và nhờ anh mang tặng chị ấy hộ em ít vải may quần áo nhé.

Thi cũng chen vào:

- Em sẽ tặng chị ấy đôi “guốc son” (guốc sơn đỏ), một chai nước hoa nhỏ với thỏi son.

Tôi và Uyên cùng cười rộ. Uyên nói:

- Em tặng quà cứ như cho người ở Hà Nội ấy. Mà thôi, như thế cũng được!

Những câu chuyện về chùa Hương được đem ra. Hai cô hỏi tôi những câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn và tôi có cảm tưởng hai cô đã coi tôi như chính là người đã xây dựng nên chùa Hương không bằng. Tuy nhiên tôi cũng rất hài lòng và tự tin khi thấy hai cô đã tin tưởng nơi tôi với lòng ngưỡng mộ. Tôi tự mỉm cười với ý nghĩ “vơ vào” ấy.

Sau vài câu chuyện về dự định cho chuyến đi chơi trong những ngày nghỉ lễ tới. Uyên muốn đi ngủ sớm nên xin phép đứng lên vào nhà. Tôi và Thi còn ngồi lại ở ngoài sân. Tôi đang nghĩ lan man về một ngày nào đó Thi sẽ là vợ mình, sẽ có nhiều con, toàn những đứa con cầu tự thông minh, đẹp đẽ mà Thi đã vô tình “cầu xin” đầy một bụng ở chùa Hương đem về. Ôi, một gia đình hạnh phúc như đang lởn vởn trong trí óc tôi. Tôi ngây người như đang được hưởng hạnh phúc ấy.

Không biết tôi đang mơ mộng được bao lâu về những ngày hạnh phúc bên Thi. Chợt nghe tiếng nàng:

- Anh! . . . Anh làm gì mà ngồi ngây người ra vậy! Anh buồn ngủ lắm rồi hả?

Tôi nghe thấy tiếng Thi gọi. Tôi bàng hoàng, giật mình như người tỉnh mộng. Thi ngồi bên cạnh nhìn tôi, cười nói:

- Anh đang suy nghĩ gì vậy?

Tôi sượng sùng trả lời trống không:

- Không! . . . Thôi, ta đi ngủ đi!

Tôi và Thi cùng đứng dậy. Tôi đứng nhìn Thi bước tới cửa phòng nàng, tôi mới lững thững lên gác về phòng. Trước khi ngủ tôi vẫn thấy như còn văng vẳng bên tai tôi những lời Thi nói, Thi cười, vẫn lâng lâng về những ước mộng hạnh phúc bên Thi với đàn con ngoan. Tôi tự mỉm cười một mình trong bóng đêm.

Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
(Xuân Diệu)

Tôi thò tay vào túi quần lấy ra hai chiếc nhẫn, một cho tôi và một cho Thi, cất vào ngăn kéo trước khi trùm chăn kín đầu đi tìm giấc ngủ. “Thực” hay “mơ” đây ?! Thực với mơ, sao tôi cứ tưởng chúng lồng làm một. Thực mơ, mơ thực, âu chẳng qua cũng chỉ là ảo ảnh của cuộc đời chăng? Tôi phì cười với cái ý nghĩ lẩm cẩm và có vẻ "triết lý vụn” của mình. Tôi ra lệnh cho tôi: Ngủ! Tôi ngủ thật. Tới sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã làm một giấc ngủ thật say trong yên bình, và chẳng thấy Thi đâu.

***

Xin mời nghe bản nhạc để thay lời tạm biệt chùa Hương
Đi Chùa Hương - Ý Lan

Cô Hái Mơ

***

Ghi chú

(1) Những đoạn trong dấu ngoặc [ ] được trích nguyên văn từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.

(2) Theo ông Trần Lê Văn, tác giả cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” mà người viết đã dùng làm tài liệu chính để tham khảo và trích dịch thì ông cho rằng động Hinh Bồng ngày nay thực ra không phải là động Hinh Bồng ngày xưa mà Trịnh Sâm đã miêu tả trong thơ. Ông đã đưa ra dẫn chứng:
Theo Phan Huy Chú đã miêu tả trong “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” có viết “Núi Hinh Bồng ở ngoài núi Hương Tích, dưới chân núi có sông dài quanh co. Hai bên bờ có những núi đá thẳng như vách đứng từng hàng, có một con đường đi tắt xuyên vào sâu, coi như cửa Long môn quỷ thần tạc ra. Ở vách núi có hàng vạn nhũ đá rủ xuống như hạt châu chiếu xuống dòng nước, cảnh sắc như vẽ.
Ông Trần Lê Văn cho rằng “sông dài quanh co” trong đoạn văn trên là suối Yến. Do đó, động Hinh Bồng cũ phải nằm ngay bên suối Yến và có con đường từ chân núi xuyên vào chứ không phải leo núi. Như vậy động Hinh Bồng cũ đã bị vùi lấp đi bởi những biến cố thiên nhiên.
Việc tìm những hang động bị lấp đi trong khu vực Hương Sơn đã tạo nên chung quanh nó nhiều câu chuyện huyền hoặc, kỳ bí mà nay vẫn còn chìm trong bóng tối chưa mở ra được.

(3) Nhạc sĩ Trần Văn Khê.

(4) Nhạc sĩ Trung Đức.

(5) Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm.

(6) Xin đọc phần PHỤ LỤC.

Tài liệu tham khảo:
- “Thắng Cảnh Hương Sơn” của Trần Lê Văn (Tài liệu chính yếu được sử dụng.)
- “Du Lịch Chùa Hương” của sở Du lịch Hà Nội.
- Tài liệu từ nhiều nguồn trên Internet, từ các công ty du lịch trong và ngoài Việt Nam.
- Từ chuyến đi hành hương thực tế tại chùa Hương.
- Tài liệu từ các công ty du lịch trong và ngoài Việt Nam.

Hình ảnh và video được lấy từ
- “Du Lịch Chùa Hương” của sở Du lịch Hà Nội.
- Trên mạng Internet.

***

VÀI HÌNH ẢNH DO NGƯỜI VIẾT CHỤP

Suồi Yến
  

Đền Trình
  

Chùa Thiên Trù
    

Đường vào chùa Hương Tích


“Đoạn đường có nhiều vực sâu - Chú ý nguy hiểm”


Đường dốc

Am Phật Tích

Đền Chấn Song hay Đền Cửa Võng (thờ bà Chúa Thượng Ngàn)

Động Hương Tích


Chuông


Bầu sữa mẹ

***

Coi tiếp Chương III (Phụ Lục)
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang