![]() |
|||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG IV Phần 4 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) *** Chúng tôi vừa về tới nhà trọ, ông bà chủ chạy ra chào đón. Chúng tôi biếu ông bà một ít trái cây để ăn “lấy thảo”. Ai về phòng nấy, tắm rửa và thay quần áo, chuẩn bị cho buổi ăn tối hôm nay cùng với cụ Từ. Một giờ sau, chúng tôi lục tục kéo lên sân thượng để ăn tối như hôm qua. Mọi người cùng quay quần nói chuyện với nhau để chờ đợi cụ Từ sang. Trong những câu chuyện vãn, Thư luôn luôn là người có nhiều đề tài nhất, biết xoay xở câu chuyện để mọi người cùng tham gia và thích thú. Người bị đem ra trêu chọc nhiều nhất vẫn là cặp Hội, Mơ. Thi và Uyên tham gia câu chuyện bằng những tràng cười rất vui. Một lúc sau, tôi và Hội tách ra đứng nói chuyện riêng với nhau ở góc sân thượng, vừa nhìn mặt trời lặn vừa trao đổi vài câu chuyện để giết thì giờ trong khi chờ đợi nhà hàng chuẩn bị thức ăn. Tôi hỏi Hội: - Cậu định cưới Mơ sớm hơn dự định đấy à? Hội không nhìn tôi, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra xa: - Mình định thế! Tôi hỏi thêm: - Cậu yêu Mơ lắm phải không? Hội quay nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại: - Sao cậu lại hỏi tớ thế? (Hội ngừng lại một chút rồi mới nói tiếp.) Tất nhiên là mình yêu cô ấy, nhưng mình phải cố gắng sao để “cô ta” gột bỏ được cái mặc cảm về sự thua kém thân phận của mình. Làm được chuyện đó xong, mình sẽ làm đám cưới. Lấy được Mơ, mình tin là sẽ có nhiều hạnh phúc. Mình đang rất tỉnh táo. Tôi nắm cánh tay Hội vừa nói vừa dẫn Hội đi tới nhập bọn với đám đông: - Chúc mừng cậu! Hội nói thêm: - Cậu chuẩn bị làm phù rể cho tớ đó. Tôi cười: - Sẵn lòng! Khi chúng tôi vừa trở lại chỗ mấy cô, Thư lên tiếng hỏi: - Hai anh nói chuyện gì mà rù rì với nhau ở đằng kia thế? Nói xấu tụi em hả? Hội nghiêm trang: - Anh nhờ “ông bạn” đây làm phù rể cho anh. Năn nỉ mãi đấy! Vừa nói Hội vừa đi ra sau lưng Mơ, vòng tay ra trước ôm lấy vai cô, cúi xuống ghé tai hỏi: - Thế em đã có ai làm phù dâu chưa? Mơ nhìn Uyên, Thi và Thư: - Em có mấy chị em chúng em đây rồi. Mơ ngước mặt lên nhìn Hội: - Nhưng sao anh tính sớm thế. Em đợi được mà. Anh phải học xong đã chứ! Hội cười: - Lấy vợ phải lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha. Đợi cũng được, nhưng phải xin làm đám hỏi sớm để thầy u em không còn lo cho cô con gái của mình. Vả lại, cũng để tránh hàng xóm láng giềng trong làng dị nghị, nhất là anh với em lại quá thân nhau nữa. Có lễ nghi chính thức của hai bên người lớn với nhau thì phải lẽ hơn. Các bạn nghĩ sao? Tôi lên tiếng ngay: - Anh Hội nghĩ thế cũng phải. Chuyện này cần cho rõ ràng minh bạch, có lễ nghi trước sau cho đúng, không thể buông thả mà tự vượt ra ngoài vòng lễ giáo được. Xong phần của hai người thì cũng sẽ tới phần chúng tôi. Tôi quay sang Thi cười hỏi: - Phải không em? Thi ôm lấy canh tay chị e thẹn: - Em không biết! Uyên nhìn Thi, mỉm cười: - Em không biết nhưng chị biết. Để chị trả lời dùm em nhé, “Thưa anh, phải ạ” Thi lại nhõng nhẽo đánh vào tay chị: - Chị này! Thư vỗ tay: - Hoan hô! Em làm chứng cho hai người. Hai người cũng phải đưa em đi ăn kem Cẩm Bình nữa đấy. Hội cười, nạt ngay cô em: - Ăn lắm kem thế! Không sợ đau bụng à? Thư vênh mặt lên: - Em không sợ đau bụng mà chỉ sợ “sún” răng thôi! Mọi người cùng cười vui vẻ trước lời nói đùa của Thư. Chúng tôi đang cười to thì cụ Từ xuất hiện. Chúng tôi cùng đến vây quanh chào cụ: - Chào cụ ạ! Cụ Từ nhìn chúng tôi rồi hỏi: - Các cháu đang nói chuyện gì mà vui thế? Hội nhanh nhẩu đáp: - Chúng cháu đang bàn là hôm nay làm sao phải mời cụ uống rượu thật say đấy ạ. Cụ Từ khua tay: - Không được say! Sáng mai chúng ta nên đi thêm một hai nơi nữa gần đây thôi. Gần trưa các cháu đi Phát Diệm, “lão” này xin đi theo, nhân thể đi thăm người bạn già ở đó. Ông bạn của “lão” sẽ hướng dẫn các cháu đi thăm nhà thờ Phát Diệm. Ở đó cũng có lắm điều hay. Sau đó các cháu lên xe về Hà Nội cũng vẫn còn kịp chán. Nghe cụ Từ nói thế, chúng tôi đồng vỗ tay hoan hô và cám ơn cụ. Thư lại dở trò cũ, chạy lại đấm lưng, đấm vai và bóp tay cho cụ. Cụ Từ cứ cười ha hả, vui với đám thanh niên. Chúng tôi cùng cụ tới bàn ăn và ngồi theo vị trí đã định sẵn. Nhà hàng cũng đã bắt đầu mang thức ăn lên. Chiếc đèn “măng xông” vặn nhỏ cũng đã được treo lên. Tôi cũng yêu cầu nhà hàng cho kê thêm một chiếc ghế sẵn để dành cho ông chủ nhà hàng nếu ông có dịp ghé bàn ăn chúng tôi. Chúng tôi nhờ Hội đại diện đứng lên cám ơn cụ Từ và gửi cụ ít quà mà tôi đã chuẩn bị mua từ buổi chiều gồm một gói trà mạn, một lạng trà Tầu và một hộp trà sâm. Ngoài những món quà kể trên chúng tôi cũng gửi cụ một phong bì tiền để cụ chi dùng. Cụ Từ nhất định từ chối món tiền gửi cụ. Chúng tôi cố nói thế nào cụ cũng vẫn không chịu nhận, cuối cùng phải nhờ tới Uyên là người gần gũi với cụ nhiều nhất trong suốt chuyến đi. Cụ Từ cảm động đứng lên cám ơn chúng tôi: - Cám ơn các cháu! Các cháu cho tôi được mấy ngày vui. Tôi phải cám ơn các cháu mới đúng cơ đấy. Có dịp nào các cháu về đây lần nữa, nhớ tới Đền thăm tôi nhé. Chúng tôi lại vỗ tay sau lời cám ơn của cụ. Thức ăn và thức uống đã sẵn sàng. Chúng tôi chúc mừng sức khoẻ cụ Từ rồi cùng nâng ly. Tôi vừa thoáng trông thấy ông chủ nhà, vội chạy lại mời ông tới bàn ăn để cùng cụ Từ nhấp chút rượu Kim Sơn. Ông hoan hỉ nhận lời và hứa sẽ trở lại với chúng tôi sau. Thức ăn nấu rất ngon, cụ Từ cứ khen nhà hàng chọn món ăn thật khéo dành cho người phương xa. Cụ Từ nhìn Mơ hỏi: - Thức ăn thì ngon rồi nhưng có bổ không cháu? Mơ tủm tỉm cười thưa: - Nhà hàng nấu khéo lắm ạ, có món ăn bổ cho đàn ông hơn, có món ăn bổ cho đàn bà hơn, có món bổ cho cả đàn ông lẫn đàn bà. Thầy mẹ cháu dậy cháu là đàn bà nên phải học làm những món ăn ngon cho chồng con, vừa bổ cho sức khỏe, vừa phòng ngừa hay chữa được bệnh tật và vừa tiết kiệm được tiền bạc. Mơ liếc nhẹ sang Hội rồi nói tiếp: - Cả nhà khỏe mạnh thì gia đình mới có hạnh phúc. Cháu chỉ học y học trong các món thức ăn, nước uống và cây quả thay đổi theo bốn mùa “xuân hạ thu đông”. Mỗi mùa có cách ăn uống khác nhau. Cháu cũng chỉ biết một chút ít thuốc bắc dùng để nấu chung với các món ăn để tăng cường dinh dưỡng hay phòng, chữa vài thứ bệnh thông thường trong gia đình thôi ạ. Hội trợn mắt hỏi Mơ: - Sao em giỏi thế! Trên bàn này có món ăn nào bổ cho đàn ông đâu, em chỉ cho anh nào? Mơ, một tay che miệng cười, một tay chỉ vào hai đĩa thức ăn trên bàn: - Món cật dê xào và đĩa chim sẻ rán này là bổ cho đàn ông nhiều hơn. Theo y học Đông phương thì thận là “gốc của tiên thiên”, chủ việc phát dục và sinh sản, chủ về thủy dịch, và hai đường bài tiết.” Cật dê, cật lợn, cật bò đều là những thức ăn bổ dương. Nó còn chữa được những thứ bệnh như đau lưng, mỏi lưng, tai ù, tai điếc, tiểu gắt, tiểu sót. Cật có thể chế biến thành nhiều món ăn như xào, nấu cháo hay chưng cách thủy. Có thêm đỗ trọng, nhân hạt đào thì tốt trong việc trị bịnh “đàn ông” (yếu sinh lý). Chim sẻ cũng bổ dương lắm, có khả năng giúp người ta có con nhiều. Chim sẻ có thể chưng hoặc hầm với vài vị thuốc bắc thì còn chữa được những bệnh đau nhức đầu gối, chóng mặt, và nó cũng là món ăn lý tưởng của người già(1). Hội đứng lên vỗ vai Mơ khen: - Vợ tôi giỏi quá! Thế còn món ăn nào khác bổ dương nữa không? Mơ cười: - Còn nhiều lắm chứ! Em chỉ kể mấy món ở trên bàn đây thôi mà. Sao anh hỏi em kỹ thế? Hội cúi xuống hôn lên tóc Mơ: - Tại anh muốn đông con. Mơ trả lời với vẻ mặt hơi buồn: - Anh muốn bao nhiêu con cũng được. Em chiều. Nhưng đừng để chúng sống nghèo khó quá. Chúng phải lên núi kiếm củi hay đi hái mơ rừng, đào rễ củ mài như em thì tội lắm. Mọi người khựng lại vì câu nói của cô. Hội ôm lấy vai Mơ: - Anh không để em và các con khổ đâu! Anh hứa mà! Thư chạy lại ôm Mơ: - Em thương chị Mơ lắm! À, mà chị Mơ này, chị nhớ nấu món ăn nào “thật thật” bổ để giúp cho em học giỏi đấy nhé! Mơ nắm lấy cánh tay Thư: - Được rồi, hôm này về chị nấu món thịt bồ câu hầm với thuốc bắc cho thầy mẹ và các em ăn. Bà ngoại chị nấu ăn giỏi lắm, đã dậy cho chị món ăn này lúc chị mới 12 hay 13 tuổi. Ăn thịt bồ câu hầm với vài vị thuốc bắc sẽ tăng cường sức trong công việc nặng nhọc hay học tập, rất tốt cho người già. Nó còn có thể làm làn da mịn màng, giữ được sự hấp dẫn của phụ nữ nữa đấy. Em chịu không? Thư vỗ tay hoan hô. Hội cúi xuống hỏi nhỏ Mơ: - Hầm bồ câu cho thầy mẹ và cho các em ăn, thế còn anh đâu? Mơ đánh vào tay Hội: - Em không cho anh ăn món này vì món này cũng bổ dương lắm. Ăn xong lại cứ đòi hôn em là không được. Em dặn, về nhà anh không được hôn em nữa đâu đấy. Thầy mẹ trông thấy thì xấu hổ chết. Thư đứng cạnh cười to: - Chị không cho anh ấy hôn thì cho anh ấy cù được không? Thư vừa nói xong liền cù Mơ. Hội bắt chước cô em cũng cù theo làm Mơ phải đứng lên uốn éo người và cười rũ ra. Chúng tôi cũng cười theo. Hội ngồi xuống và Thư cũng về chỗ ngồi. Chúng tôi lại tiếp tục ăn. Cụ Từ cứ ngồi cười. Bây giờ mới lên tiếng: - Cháu Mơ giỏi lắm! Hai cháu sẽ có nhiều hạnh phúc lắm đấy. Tôi chúc mừng! Vừa nói dứt lời cụ nâng cốc rượu lên mời mọi người cùng uống. Các cô chỉ uống “nước ngọt” nhưng cũng nâng cốc lên. Hội dìu Mơ đứng lên cám ơn mọi người. Hội đứng thưa với cụ Từ: - Hôm nào đám cưới chúng cháu, thể nào chúng cháu cũng về xin đón cụ đến dự để cụ chúc phúc cho chúng cháu ạ. Cụ Từ cũng đứng lên: - Thế thì quý hóa quá! Cám ơn hai cháu trước. * * * Vừa ăn, chúng tôi vừa nói chuyện vang cả sân thượng. Thấy chúng tôi cười đùa, ông chủ nhà hàng cũng tò mò lên sân thượng cười góp. Chúng tôi mời ông cùng ngồi ăn cho vui. Ông chỉ tiếp rượu cụ Từ, lâu lâu mới gắp một miếng thức ăn cho lấy lệ. Câu chuyện lan man hết chuyện này tới chuyện kia tưởng như không dứt. Bỗng cụ Từ “À” lên một tiếng như nhớ một chuyện gì mà cụ chưa có dịp nói. - Cứ nói chuyện lan man mãi, nhắc tới dân ca tôi mới nhớ. Xin giới thiệu với các cháu, ông chủ nhà hàng đây là dân Thái Bình, người làng Khuốc về đây sinh sống đã lâu năm. Làng Khuốc thì nổi tiếng về hát chèo. Mà hát chèo thì lại phát xuất từ cố đô Hoa Lư này từ thời vua Đinh Tiên Hoàng cơ đấy. Nhân tiện đây thì ta cũng nên nói qua một chút về bộ môn hát diễn dân ca này. Nó cũng là một nét văn hóa hết sức đặc thù của Cố đô. Chúng ta nhờ ông chủ đây giảng giải cho nhé. Ông chủ nhanh nhẩu đáp: - Thưa cụ, vâng ạ! Chúng tôi ăn cơm đã xong, người phục dịch đã lên dọn dẹp sạch sẽ để chúng tôi vừa dùng trái cây tráng miệng vừa được cụ Từ và ông chủ nhà hàng nói chuyện về hát chèo cho chúng tôi nghe và học hỏi. Cụ Từ chậm rãi : - Bà Trần Thị Trân, sinh năm 926, quê ở Hồng Châu (Hưng Yên), có tài ca, múa và làm trò nổi tiếng. Khi vua Đinh vừa thống nhất đất nước, xây dựng đội quân Thập đạo lớn mạnh lên tới chục vạn người, Vua mời bà Trân về kinh đô để chuyên dậy biểu diễn nghệ thuật cho quân sĩ vui chơi, giải trí. Bà Trần Thị Trân đã cùng nhiều nghệ sĩ dân gian khác dạy cho quân sĩ hát, múa, gẩy đàn, đánh trống... Lại tổng hợp các bộ môn đó để tạo thành những vở tuồng tích đơn giản diễn tả cuộc sống hàng ngày. Bà được vua Đinh phong cho chức Ưu Bà. Nghệ thuật chèo phát sinh từ đó. Bà mất vào năm 976, và bà được suy tôn là bà Tổ của nghề chèo. Theo cụ, chèo là một trong những nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam. Nó được hết sức phổ biến trong nông thôn thuộc đồng bằng sông Hồng và trung du miền Bắc. Vùng đất Hoa Lư này là cái nôi của chèo, và từ cái nôi ấy, dù có biết bao thăng trầm của lịch sử đất nước, chèo vẫn không ngừng phát triển. Do đó chứng tỏ nó có một chỗ đứng quan trọng trong nền văn hóa dân gian nước ta. Chèo là hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc và phong phú từ bao đời nay nhờ cái tính chất trữ tình, diễn tả nội tâm sâu sắc với sự kết hợp của hàng loạt yếu tố khác như hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Niềm đam mê chèo của người Việt được thể hiện qua những câu thơ: Ăn no rồi lại nằm khoèo Cụ Từ nói đến đây, nhìn ông chủ nhà hàng quê ở làng Khuốc: - Nhắc đến chèo ở Thái Bình thì ta nhớ tới câu thơ “chèo làng Khuốc”, một dòng chèo nổi tiếng và đặc biệt của làng này: Hỡi cô thắt dải lưng xanh Nhắc đến chèo ở Nam Định thì ta nhớ tới thơ của nhà thơ Nguyễn Bính nói về dòng chèo ở làng Đặng: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Đứng về mặt nghệ thuật sân khấu dân gian cổ mang mầu sắc văn hóa dân tộc, ngoài chèo cũng có hát tuồng (miền Bắc) hay hát bội (miền Nam), cũng có những câu ca dao: Tháng năm ngày tám nằm suông, Và: Má ơi đừng đánh con đau, Vào các dịp hội hè đình đám ở nông thôn miền Bắc ít khi nào không nghe thấy tiếng trống chèo. Chèo được trình diễn bởi những “phường chèo”, do sự kết hợp của những nghệ sĩ không chuyên nghiệp, thường là những người ngày thường thì đi làm ruộng, lúc có “đám” mới tụ tập nhau lại để đi hát, có khi kéo dài hàng tháng tới khi lúa chín mới về. Những phường chèo như thế có chừng khoảng ít ra là mươi, mười lăm người. Ông trùm phụ trách chung, ông thơ tìm tích, đặt câu, phân vai,... bẩy tám người làm đào, kép, lão, mụ, hề, một dàn nhạc với vài nhạc công. Những vở tuồng chèo cổ thường được trình diễn và mang sắc thái biểu tượng mà người nào cũng ưa thích xem như Trương Viên, Lưu Bình, Quan Âm, Tống Trân Cúc Hoa, Lý Công, Từ Thức, Phạm Công, Kim Nham... Cụ Từ nói đến đây, quay sang ông chủ nhà hàng: - Về mặt chuyên môn của hát chèo thì chúng tôi phải nhờ đến ông đây giảng giải cho. Ông chủ nhà hàng khiêm tốn xin phép cụ Từ: - Xin cụ cho phép!
- Xin nhờ ông! Ông chủ nhà hàng giảng giải: - Để có một vài ý niệm cơ bản về chèo, chúng ta lưu tâm vài điểm sơ đẳng như thế này: */Sân khấu chèo : Ngày xưa, các phường chèo phần lớn đi lưu diễn tại các thôn làng chung quanh, có khi cũng xa xôi. Phương tiện trình diễn thì rất eo hẹp, thường diễn ở sân đình, sân chùa hay thửa đất trống trong làng, trong xóm. Hay trên cái sân gạch của những nhà phú hộ khi có đình đám trong nhà, họ thuê phường chèo về diễn để mua vui. Sân khấu chỉ là ba bốn chiếc chiếu ghép liền lại với nhau. Có một chiếc màn vải che để phân biệt sân khấu với hậu trường. Nhạc công ngồi ngay bên cạnh. Người xem ngồi chung quanh, rất gần với các diễn viên đang trình diễn. */Y phục : Trang phục của các diễn viên trên sân khấu chèo cổ thường giống những bộ quần áo mặc hàng ngày của những người dân quê hay những bộ quần áo mặc trong hội hè, lễ tết. Tuy nhiên mầu sắc có rực rỡ hơn tùy vai trò để phù hợp với sân khấu. Trang phục của vai nữ có khác nhau tùy vai đóng, được xem như một khía cạnh thể hiện từng hoàn cảnh hay nội tâm của mỗi nhân vật. Người ta chia diễn viên nữ thành hai nhóm: chín và lệch. Nhóm chín hay còn gọi là nhóm nữ thuận, những người phụ nữ tiêu biểu cho lễ giáo phong kiến như tam tòng, tứ đức, nết na, chung thủy, đảm đang... Trang phục của nhóm này phải kín đáo phù hợp với đức tính đoan trang, thùy mị. Thường là mặc áo dài cặp sa, mớ ba, mớ bẩy. Những vai này như nàng Châu Long trong tích Lưu Bình (đã đi nuôi bạn thay chồng mà vẫn giữ được đạo vợ chồng thủy chung), như bà Thị Kính trong tích Quan Âm (chịu oan khuất giết chồng), Trinh Nguyên trong tích Tôn Mạnh - Tôn Trọng (đã tình nguyện chọn đứa con trai ruột của mình để chết thay cho con chồng), Thị Phương trong tích Trương Viên (18 năm vất vả, vẫn một lòng thủy chung với chồng nơi xa, vẫn thành tâm nuôi mẹ chồng hết mực). Nhóm lệch hay còn gọi là nhóm nữ nghịch, những người phụ nữ có tư duy hay hành động trái với lễ giáo, lại lẳng lơ, không theo phép tắc Khổng Mạnh. Trang phục của nhóm này thường là tấm áo dài tứ thân mầu sặc sỡ. Những vai này như Xúy Vân trong tích Kim Nham (đã giả điên để ruồng rẫy chồng và đi theo trai), Thị Mầu trong tích Quan Âm (đã lên chùa ghẹo tiểu Kính, về nhà ngủ với Nô để có con, không sợ phạt vạ của xã), Thiệt Thê trong tích Chu Mãi Thần (bỏ chồng để làm thiếp cho người khác). Ngoài ra trong các vai mụ, trang phục cũng có khác như mụ giầu và mụ nghèo. */Nhạc cụ : nhạc cụ gồm bộ gõ như trống đế, trống cơm, trống ban, trống bộc, trống cái, thanh la, chuông, cảnh, tiu, chũm chọe... mà trống là phổ biến nhất; kèm theo đấy cũng còn có bộ dây như nhị, hồ, nguyệt, bầu, tam thập lục; bộ trúc hay bộ hơi như sáo, tiêu, kèn... Tùy theo câu chuyện tuồng tích mà người ta sử dụng nhạc cụ khác nhau cho phù hợp. Trong ba bộ kể trên, bộ gõ là loại phổ biến nhất, đa dạng và có nguồn gốc lâu đời nhất vì chúng là sản phẩm của nghề nông nghiệp lúa nước mà ra. Trống tạo nên tiếng sấm, cầu đảo mưa, xin cho mưa thuận gió hòa. Đan cử, ta hãy nghe bà Hồ Xuân Hương vịnh cảnh chùa gồm vài nhạc cụ thuộc bộ gõ: Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe, */Âm nhạc gắn bó với tuồng tích chèo như hình với bóng. Nhạc không chỉ làm nền, nó còn hoà quyện với lời ca, tiếng kể của diễn viên, hoạt cảnh. Nó thẩm thấu vào lời thơ, khi ẩn khi hiện, khi mạnh khi yếu, khi hỉ nộ, khi bi ai, biến hóa vô cùng để vở diễn trở nên linh động và lột được hết cái tinh túy của tuồng tích trong suốt buổi trình diễn.
*/Trình diễn : Múa chèo gồm 5 động tác chính. Nhóm chạy đàn, có những bước đi lúc chậm lúc nhanh, lúc thanh thoát, lúc uyển chuyển, vui buồn, sâu lắng, mênh mông. Nhóm dâng hoa, tả những cảnh bồng bềnh sông nước, tâm trạng rạng rỡ, gắn bó, duyên tình. Nhóm dâng rượu, với những động tác nghiêm trang, kính cẩn. Nhóm cướp bông, động tác đầy ngẫu hứng. Nhóm tấu nhạc, gồm những tiết tấu lập đi lập lại, nhấn mạnh... Từ năm nhóm này làm cơ sở, múa được phối hợp với nhiều động tác hoa mỹ mà biến hóa ra muôn hình, muôn vẻ để diễn tả được đầy đủ những trạng thái của hoàn cảnh và tâm hồn mà vai trò đòi hỏi. Chèo cho ta thấy có tính linh hoạt. Những diễn viên không nhất thiết phải tuân thủ bài bản và diễn xuất một cách chặt chẽ. Tùy theo hoàn cảnh nơi địa phương hay người xem thích cái gì mà biến đổi theo cho phù hợp, như khi người nghe thích nghe hát thì tăng phần hát, khi người xem thích hài thì phải phải tăng phần hài lên... Do đó mà tuồng tích đôi khi không giống nhau và có nhiều dị bản. Người xem và người trình diễn lại ở vị trí rất gần nhau nên những lời phê bình, khen thưởng hay bầy tỏ ý kiến thường được diễn viên “bắt” được rất nhanh để thay đổi cho phù hợp với sở thích của người xem. Sự thay đổi bất ngờ này đòi hỏi những diễn viên phải thật nhanh trí và ứng khẩu nói hay hát một cách linh động.Và diễn viên cũng có thể xuất thần biến đổi cách trình diễn, cách hát để “lột” được cái tinh túy của vở tuồng tích hay khả năng diễn xuất của mình. Quan hệ giữa người xem và diễn viên rất khắng khít bởi cái không gian sân khấu không lớn lắm. ![]() Ngay cả trong phần âm nhạc cũng vậy, các nhạc công cũng có thể uyển chuyển cho phù hợp với nhu cầu miễn sao đoạn khởi đầu và kết cuộc phải đúng theo quy luật mà thôi. Đoạn giữa, nhạc công được phóng túng, tùy nghi để bộc lộ hết cái tài năng của mình. Chèo kết hợp hát, múa, nhạc và kịch. Có câu “nhất cử nhất động giai điểm vũ”, tức mỗi động tác của chèo đều mang tính múa. Múa ở đây không mang tính chất trừu tượng, tượng trưng hay ước lệ mà là những hình ảnh sinh hoạt, lao động của nông thôn diễn ra trong ngày. Ở chèo nhiều động tác tưởng chừng như không phải là múa như đi, đứng, đổi vị trí, giao tiếp, v.v... mà lại là múa. Múa trong tuồng chèo xây dựng trên cơ sở tương quan cặp đôi giữa các bộ phận của cơ thể và động tác. Nó phải dựa trên nguyên lý đối xứng, hài hòa và tuân thủ luật âm dương một cách chặt chẽ. Đội hình múa phổ biến là hình tròn và vuông. Khi chân này làm trụ thì chân kia duỗi ra. Nếu phải di chuyển thì tiến về phía trước bao nhiêu thì sẽ lùi lại phía sau bấy nhiêu. Tay phải nâng lên cao thì tay trái phải hạ xuống thấp. Tay phải chỉ về phía trước thì tay trái bỏ xuôi ra phía sau. Muốn chỉ tay sang phải thì chân phải bước sang trái rồi mới day sang phải. Ngoài ra sự hài hòa còn được tạo nên bởi sự tương phản, chế ngự lẫn nhau. Phải có sự tương quan giữa nội tâm và ngoại cảnh, giữa múa với hát, nghĩa là múa phải đi sát với lời văn (chữ đâu bộ đó). ![]() Dựa vào những nghệ thuật lẫn kỹ thuật cơ bản, múa của chèo phải thể hiện được cái uyển chuyển nhịp nhàng của con người. Múa chèo hay dùng đôi tay, cánh tay, cổ tay, kể cả ngón tay để hòa nhập với sự diễn xuất của cả toàn thân mà đặc biệt là với đôi mắt. Có người nói không ngoa là “bàn tay chèo” là bàn tay “biết nói”, là nhụy hoa của tâm hồn, là những gì tinh túy được bộc lộ qua nhân vật chèo. Với đôi bàn tay khéo léo trong từng cử chỉ, trong từng động tác để tạo nên cái “thần” của nhân vật, tạo được sự thành công của người diễn. Diễn viên cũng hay dùng quạt, biến hóa, sinh động khi xoay khi mở, khi xòe khi khép, khi là trang sách, khi là đề thơ. Mỗi vai đều có cái khó riêng của nó. Ví dụ như vai thư sinh thì đòi hỏi diễn viên có hình thể tương đối đẹp, khoan thai, nhẹ nhàng, dung dị. Còn vai phản diện thì phải có nét mặt hoặc cách diễn mang tính chất hơi đểu. Kể cả tiếng nói, ngôn ngữ và động tác. Tuy múa chèo có bài bản, luật lệ nghiêm khắc nhưng sự thành công của vở chèo cũng còn phải phụ thuộc vào nghệ thuật biểu diễn, tài năng, khả năng linh động và ngẫu hứng của diễn viên làm múa chèo có vẻ đẹp đa dạng, phong phú, xem không biết chán. Xin mời xem Thị Mầu lên chùa */Hài trong chèo cổ : Trong chèo thì không thể thiếu hài. Hài được những anh hề đảm trách. Hề có hề mồi, hề gậy... Có những nhân vật không phải là hề nhưng với diễn xuất của họ cũng vẫn làm người xem phải cười như những vai thầy bói, thầy cúng. Như bên cạnh cái bi ai của Thị Kính thì lại có Thị Mầu, Xã trưởng, mẹ Đốp làm người xem khóc đấy rồi lại cười đấy. (Trích theo ý của nghệ sĩ Quốc Trượng) Hát hề chèo rất khó vì phải đưa được cái hồn của hề vào. Nó có chất vừa dí dỏm, vừa phóng khoáng, vừa mang tính chất châm chọc, châm biếm, đả kích, dí dỏm bằng ngôn từ, hành động, động tác, cử chỉ, điệu hát… phối kết lại. Hề chèo chửi hay, chửi duyên dáng, chửi lịch thiệp. Đó là nhân vật hề chèo. “Phi hề bất thành chèo.” Để diễn được một vai cho ra chất hề là không hề đơn giản. Người diễn viên thủ vai hề không thể thiếu được sự sáng tạo trong từng vai diễn để đem lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái trên sân khấu và cả những nụ cười ý nhị, sâu sắc như mục đích cha ông ta sáng tạo ra vai hề trong nghệ thuật chèo. Vai chính diện hoặc phản diện thì thông thường tìm dễ hơn. Nhưng hề chèo cần có cái khiếu đặc biệt. Đào tạo ra nghệ sỹ hề chèo thì vẫn có nhưng để theo kịp, làm được những thứ như các cụ ngày xưa thì rất khó. Vì hề chèo đòi hỏi nhiều yếu tố rất khắt khe.] Dường như trong chèo cổ, cái cười ngày càng chiếm thời gian dài, càng chú ý phản ánh những thói hư tật xấu của người đời. Ðiều đó, làm cho tính xã hội của chèo ngày mỗi nổi đậm về sau. Một nhân vật thật đáng yêu về cái hồn hậu chất phát, như lão say qua cặp thơ “lục bát”. Kết hợp với hình ảnh một diễn viên râu tóc bạc phơ, khăn quấn, áo cánh lụa điều, quần lụa mỡ gà, ống hơi xếch, mắt hóm hỉnh, tay chống gậy trúc dài, bước bập bỗng xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, rõ ra ông già say rượu phóng khoáng, mát tính, lấy câu “tửu lạc vong bần” (rượu vui quên nghèo) tiêu khiển... khiến ai xem cũng cười xòa thoải mái. Ai ơi chơi lấy kẻo già Hai câu thơ được hát theo chèo: Chơi chơi lấy a/a/a/a/ kẻo ối a/ối/i i già i/i i i /i i i.
Thông thường hề chèo được chia ra làm hai loại: - Hề áo ngắn. Hề mặc áo ngắn, mầu sắc, sạch sẽ thường đi theo một thư sinh hay một ông quan gọi là hề theo. Hề này luôn tỏ ra khôn ngoan, trí tuệ trong những lời đối thoại. Có loại chuyên cầm gậy gọi là hề gậy. Có loại ra diễn xuất trước vai quan gọi là hề cung đình. Có loại thường diễn đôi, cầm mồi lửa trong tay để múa thay vì quạt hay gậy gọi là hề mồi. - Hề áo chùng (hay áo dài). Loại hề này thường mặc áo dài, hóa trang xấu xí, nhọ nhem như phù thủy, thầy bói, thầy đồ dốt. Họ tự chế diễu mình, tự châm biếm bằng những cử chỉ và lời nói diễu cợt để chọc cười như trong những vở tuồng tích "Phù thủy sợ ma", "Thầy bói nói mò", "Thầy đồ dốt chữ." Xin mời xem Phù thủy sợ ma */Tiếng đế : Là lời nói của người xem chen vào do ngẫu hứng. Những lời đế chen vào đó thấy hay quá, đúng chỗ quá, có duyên quá nên lần diễn sau người xem lại chêm vào câu đế đó, gọi chung là “tiếng đế”. Lần lần, những tiếng đế ấy lại trở thành một “thành phần” của vở tuồng, không thể thiếu được. Tới đoạn diễn đó, nếu người xem không đưa tiếng đế vào thì một người trong phường chèo ở hậu trường cất lên thế cho người xem. Tiếng đế trở thành vừa là lời nói của người xem mà nó cũng vừa trở nên một phần của vở diễn. Thí dụ như trong vở Quan Âm, Thị Mầu đang chạy vòng vòng ve vãn chú tiểu Kính Tâm là gái giả trai. Thị Mầu đã dần lượn tới gần chú tiểu và sắp dở trò sàm sỡ thì một khán giả tinh nghịch lên tiếng lớn: “Mầu ơi, ở nhà mày người ta bắt hết bò rồi!” Diễn viên đóng vai Thị Mầu đã nhanh trí, đứng lại, hai tay chống nạnh, miệng cong cớn mà rằng: “Nhà tao còn khối trâu!” Thế là Thị Mầu tỏ được cái giầu có của nhà phú hộ mà lại hư thân tỏ ra bất cần để tiếp tục ve vãn chú tiểu. Tiếng đế ấy hay quá và có duyên quá nên cứ mỗi lần trình diễn tới đoạn ấy thì lại chêm tiếng đế ấy vào vở tuồng. Câu đế làm cho không khí trình diễn trở nên uyển chuyển và linh động, có khi đang bi lại trở thành hài, hay đang trang nghiêm lại trở thành đùa cợt. Tiếng đế là tiếng nói của người xem, có khi chúng là những câu hỏi khi thắc mắc, là những câu khen, câu chê, câu bỡn đùa nghịch ngẫu hứng. Tiếng đế phát xuất từ người xem nên đôi khi diễn viên bị thụ động, và lâm vào thế bị động. Diễn viên phải thật nhanh trí để hóa giải. Trong vở Tôn Mạnh - Tôn Trọng có đoạn như thế này: Thầy bói: Ông tam đại nhà mày chết ban ngày đây. Tiếng đế: Thác ban đêm! Thầy bói: Ờ ờ... nhẽ ra thì thác ban ngày / Thương con nhớ vợ hồn rày thác đêm! Ngôi mộ này để ở ruộng cầy đấy. Tiếng đế: Để trên gò chứ! Thầy bói: Ờ ờ... Nhẽ ra thì để ruộng cầy/ Bỗng dưng nước lụt khiêng ngay lên gò. Thậm chí tiếng đế còn tranh cả vai của ông trùm - người chỉ huy đêm diễn: Tiếng đế: Trong buồng trò có thầy bói nào không, cho tôi mượn một ông nào! Thầy bói (cắp tráp đi ra): Thầy bói thì không có, nhưng mà giả thong manh thì vô khối đây! (Trích trong "Tìm về Bản Sắc Văn Hoá Việt Nam" - Trần Ngọc Thêm) Do đó tiếng đế chính là hình ảnh truyền thống dân chủ của nền văn hóa làng xã nông nghiệp. */Người cầm chầu : Khi phường chèo đi đến làng nào trình diễn thì làng ấy thường đề cử ra một người cầm chầu, thường là người vai vế trong làng. Người này ngồi ngay góc chiếu sân khấu để “cầm trịch” suốt buổi trình diễn với chiếc “trống chầu”. Ông là người ngồi chầu (nhìn) để lên tiếng thưởng, phạt, khen, chê sự trình diễn của phường chèo bằng cách gõ vào trống chầu. Ông là người thông hiểu về tuồng tích, sành về nghệ thuật, biết nhiều làn điệu của chèo. Đêm hát chèo sôi nổi, giòn giã hay tẻ nhạt một phần cũng do người này. Quy luật khen chê được quy định bởi cách đánh trống. Quy ước đó được ấn định như sau: 9 tiếng là trống dục, 1 tiếng là để điểm câu, 2 tiếng là khen vừa, 3 tiếng là khen nhiều; 1 tiếng “tịch” (một dùi chặn, 1 dùi đánh) là chê, đánh “cắc” vào tang trống là chê nhiều cần góp ý với ông bầu. Ông cầm chầu có quyền đòi hỏi “bác” thơ cho thay diễn viên. Sự liên hệ mật thiết gìữa người cầm chầu, đại diện cho người xem và phường chèo luôn giữ được sự gần gũi và tạo được sự cân bằng giữa người thưởng thức có trình độ nghệ thuật cao với các diễn viên trình diễn chứ không thể khen chê một cách bát nháo của đám đông được. Có một câu chuyện kể: Tương truyền trong tư dinh của tả tướng quân Lê Văn Duyệt diễn vở Võ Thành Lâm. Theo tích, khi trung thần bị giặc đuổi tới bờ sông, đang lúng túng thì có con cá chép thần nổi lên cõng người trung thần sang sông. Ngồi trên lưng cá thần, người kép đóng vai người trung thần xúc cảm cất tiếng hát: Cưỡi ô mã qua miền hải ngạn, Ngài Lê văn Duyệt đang cầm chầu bèn đánh “cắc” một tiếng vào tang trống, miệng lớn tiếng gắt: “Cá chứ đâu phải ngựa đâu mà “họ” mầy?” Người kép nhanh trí hát tiếp: Họ... họ... Tưởng con ô mã ai ngờ lý ngư! Ngài Lê Văn Duyệt dù chưa hết bực nhưng cũng phải vung tay đánh trống hiệu ban thưởng cho người kép hát thông minh. (Trích trong "Tìm về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam" - Trần Ngọc Thêm) */Thơ trong chèo. Văn học chèo là văn học thơ và động tác chèo là động tác thơ. Những lời hát, những điệu múa, cho dù là múa không lời hát mà vẫn uyển chuyển, nhịp nhàng mang đầy vẻ đẹp và giúp thăng hoa cho ý nghĩa của “bài thơ động tác” một cách tuyệt vời. Người đạo diễn chèo phải là người biết về luật thơ để phối hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và động tác để tạo thành một vở diễn thơ. */Giáo huấn, khuyến giáo trong chèo : Nội dung của tuồng tích chèo có tích chất giáo huấn. Đề cao đức hạnh của người phụ nữ, ca tụng tinh thần trung hiếu, cái thiện thắng cái ác được thể hiện qua các vai “chín” hay vai thuận. Đả phá những thói hư tật xấu, cương thường đảo lộn của một xã hội nháo nhào được thể hiện qua các vai “lệch” hay vai nghịch. Tuy nhiên những vai nữ nghịch trong chèo, như Thị Mầu lẳng lơ, chúng ta thấy không những không bị người xem ghét bỏ, căm giận như thường thấy ở trong tuồng hay trong hát bội mà ngược lại còn tỏ ra hào hứng hùa theo và yêu thích nữa. Phải chăng đó là thái độ khoan dung hoặc đồng cảm với vai diễn trong những hoàn cảnh nghịch lý của xã hội phong kiến ngày xưa. */ Vài làn điệu chèo quen thuộc của làng Khuốc - Thái Bình Chẳng biết từ thời nào, hát chèo, diễn chèo, xem chèo đã ăn sâu vào con tim người Việt Nam. Với người dân nông thôn ở châu thổ sông Hồng thì chèo được coi như là món ăn tinh thần dường như không thể thiếu được. Và cũng vì lý do đó, từ xưa đã thành hình nhiều thứ chèo như chèo Đông, chèo Đoài, chèo Nam và chèo Bắc. Và rồi những năm tháng gần đây có nhiều thành phố, nhiều địa phương cứ tự nhận nơi ấy là cái nôi của ngành chèo. Thái Bình cũng khiêm nhường và trân trọng chỉ tự nhận mình là một trong những cái nôi chèo ấy trong cả nước mà thôi. Những làn điệu chèo mà ta thường gặp: - Hát Vỡ Nước. - Sa Lệch Chênh. Những lời hát nhắn nhủ tha thiết, hàm chứa lời trách móc của người bạn tình. - Du Xuân. Điệu hát Du Xuân thì êm dịu, uyển chuyển, êm ả và nhớ nhung man mác, nhẹ nhàng. - Đò Đưa. Làn điệu Đò Đưa đã phát triển tới hàng trăm lời với tình huống tinh tế, dí dỏm nhưng vẫn khác nhau. - Hề Đơm Đó. Là làn điệu “Hề chèo” có lời thơ mộc mạc, than thân trách phận nhưng cũng châm biếm và chua chát. - Hát Cách. Là một trong những làn điệu có tính cách tươi sáng, lạc quan, trang trọng (như một đoạn trong vở Quan Âm). - Quân Tử Vu Dịch. Bằng tình cảm kín đáo, người hát như nhắn nhủ thiết tha, nhớ nhung một cách nhẹ nhàng (như đoạn Lưu Bình nhắn nhủ Châu Long sang nuôi Dương Lễ trong vở Lưu Bình-Dương Lễ). Ông chủ nhà hàng vừa nói xong, Chúng tôi cùng đứng lên vỗ tay tán thưởng. Cụ Từ cũng cứ gật đầu tấm tắc khen. Ông chủ nhà hàng khiêm tốn: - Dân ca nước ta, trong đó có môn hát chèo này thì rất hay và thâm thúy lắm. Hiểu được và thưởng thức được các làn điệu dân ca, chúng ta cũng phải mất nhiều công sức để tìm tòi, học hỏi. Những diễn viên thường được trui luyện bởi những kinh nghiệm trong thực tế. Những kinh nghiệm ấy được gạn lọc, bồi đắp từ thế hệ này truyền qua thế hệ khác để họ có thể đem những điệu múa, điệu hát dân ca đi khắp các nơi và để nó trường tồn trong lòng người dân khắp miền đất nước, đặc biệt là trong lòng những người dân quê được thể hiện qua những ngày lễ hội, đình đám trong thôn làng. Tuy vậy mỗi làng, các làn điệu ca lại có sự phát triển riêng của nó để mang những nét đặc thù như làng Khuốc tôi ở Thái Bình thì chú trọng nhiều về hát chèo, làng Lim ở Bắc Ninh thì phát triển về hát quan họ chẳng hạn. Tôi sinh trưởng trong “làng Chèo” thì sự hiểu biết của tôi về Chèo là lẽ tất nhiên, nhưng đó chỉ là những hiểu biết cóp nhặt không thể sánh được với những người khác trong làng tôi hay những bậc thức giả chuyên ngành trong cả nước. Cụ Từ như còn lưu tâm tới Mơ nên cất tiếng hỏi: - Cháu Mơ có ý kiến gì không? - Thưa cụ và ông, cháu cũng thỉnh thoảng được ra đình xem chèo, nhưng nay cháu mới được hiểu biết về nó. Cháu chỉ biết hát chút ít về quan họ. Cháu được những liền anh, liền chị trong làng chỉ dậy và thường được đi trình diễn giúp vui vào mùa Xuân, trong dịp mở hội chùa Hương. Cụ Từ và ông chủ nhà hàng vỗ tay khen và đề nghị: - Cô hát cho chúng tôi nghe đi! Mơ cứ nhìn Hội như hỏi ý kiến. Hội đặt tay lên vai Mơ gật đầu. Mơ đứng lên cất giọng hát. Tiếng hát của cô trong trẻo và quyến rũ làm sao. Hội và chúng tôi cứ lặng người để nghe. Lời ca sao nó tình tứ quá. Mơ hát say sưa, thỉnh thoảng cô lại nhìn Hội mỉm cười nhẹ như muốn nói “em hát cho anh nghe đấy, em muốn mượn lời ca này để gửi đến anh.” Tất nhiên là ai cũng hiểu như thế. Mơ hát thật tha thiết và truyền cảm. Trước khi chấm dứt câu hát cuối cùng, cô nhìn Hội một cách say đắm và tình tứ: Ước gì mình cùng sống (ối à) với nhau. Miếng trầu mặn mà sớm tối ta có nhau ... Miếng trầu mặn mà sớm tối ta có nhau. Xin mời nghe bài hát Hoa thơm bướm lượn Cô vừa dứt lời ca, chúng tôi đồng loạt đứng lên vỗ tay. Người vỗ tay to nhất là Hội và Thư. Hội ôm chặt Mơ rồi chợt cúi xuống, bế xốc Mơ lên hai tay chạy vòng quanh bàn. Mơ sợ cứ nắm chặt lấy lưng áo Hội mà cười. Thư chạy theo sau, cứ đấm nhẹ vào lưng ông anh nhắc đừng chạy nhanh làm “bà chị dâu” sợ. Chạy đủ hai vòng, Hội mới chịu đặt Mơ ngồi xuống ghế. Mơ cứ ngồi nhìn Hội âu yếm cười. Hội thở hổn hển nói với Mơ: - Em cứ làm anh hết từ ngạc nhiên này sang tới ngạc nhiên khác. Em giỏi thật! Hội cứ đứng chống nạnh nhìn Mơ một chốc, rồi lên giọng dõng dạc tuyên bố: - Anh không cho em đi hát nữa đâu! Mơ che miệng cười: - Anh lại ghen hả? Hội trợn mắt: - Phải! Anh ghen đấy! Thư đứng lên phản đối: - Anh ghen vô lý thế! Mất đâu mà sợ! Anh đáng ghét thật! Hội nhìn Thư cười rồi nạt: - Ơ! Cái cô này hay nhỉ! Cứ như là chuyện của mình ấy! Mơ nhìn Thư cười nhẹ: - Anh Hội nói đúng đấy! Có chồng con rồi cũng khó mà đi hát hỏng được lắm. Vừa cho con bú vừa hát sao được. Con nó lại “hét” theo thì chết. Mơ quay sang Hội, chắp tay trước ngực, cúi gập người xuống nói đùa: - Thưa “mình” vâng ạ! Em sẽ không đi hát nữa ạ! Hội đứng khoanh tay, ưỡn ngực ra lệnh: - Thôi được! Tôi cho “mình” đi hát một năm một lần. Hát trong ngày hội Xuân thôi đấy. Mơ cười rũ ra, đánh vào tay Hội: - Về nhà không được “mình mình”, “tôi tôi” đâu đấy. Bố mẹ nghe được thì bị “chửi” chết. Cái miệng anh cũng khó giữ lắm. Không biết em có “bịt” kịp được không đây. Mọi người trong bàn thấy hai người đóng kịch nên cũng cùng cười rộ một cách vui vẻ, thoải mái. Thi chồm về phía người tôi để coi Hội và Mơ, tôi hôn lên má Thi. Thi không nói gì. Tôi hôn lên má Thi lần thứ hai. Thi quay sang cắn nhanh vào cánh tay tôi rồi “véo” mạnh vào đùi tôi, nói nhỏ: - Chị Uyên đang nhìn kia kìa! Tôi quay nhìn sang Uyên. Uyên đang mải nói chuyện với Thư chứ có nhìn gì chúng tôi đâu. Thi nói nhỏ chỉ đủ để tôi nghe: - Anh học anh Hội sao nhanh thế! Tôi cũng nói nhỏ đủ cho nàng nghe: - Anh giỏi hơn anh Hội! - Anh nói sao? Tôi cười: - Vì anh biết em sẽ hôn anh. Thi lườm yêu và lại “véo” vào đùi tôi rồi tủm tỉỉm cười ngoảnh đi chỗ khác. *** Ghi chú: (1) Những câu chuyện liên quan tới vấn đề y học trong loạt bài này chỉ nhằm trong phạm vi câu chuyện mà thôi. Người viết không chịu trách nhiệm về sự ứng dụng trong thực tế. Tham khảo về hát chèo : (Tạm lươc kê) */ Sách: */Bài viết của những tác giả đang tải trên NET: */ Các tài liệu khác: */ Hình minh họa và nhạc lấy trên internet. Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". ![]() |