![]() |
|||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG V Phần 2 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) *** Mặt trời đã lên khá cao. Những áng mây trắng đang lờ lững bay trên nền trời xanh biếc. Gió mát thổi nhè nhẹ, mơn trớn trên ngọn vài khóm hoa dại mỏng manh bên đường. Cảnh vật thật thanh bình trong một ngày nắng đẹp. Vài con chim đang dang cánh rộng bay lượn nhởn nhơ. Trên đường xuống núi Non Nước, tôi và Uyên cùng đi song song bên cụ Từ, Uyên hỏi cụ: - Hôm qua cháu được cụ đưa đi thăm chùa Bích Động và được nghe kể về chùa Linh Cốc. Cả hai chùa này đều nằm trong hang động trên núi. Thế thưa cụ, không biết vùng Hoa Lư ta có còn nhiều “chùa động” như thế không ạ? Cụ Từ mỉm cười nói với tôi: - Cô giáo có khác! Cháu Uyên hỏi nhiều câu làm tôi đôi khi cũng phải lúng túng! Tôi trả lời cụ bằng một nụ cười nhẹ trong khi cụ quay sang nói với Uyên: - Sau khi đã trở thành kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Ngoài những chùa ở kinh đô, nhiều chùa khác được xây dựng rải rác trong các hang núi hay dựa vào thành núi hoặc tận dụng núi đá mà thành các “chùa động” rất độc đáo. Cụ tiếp: - Kể hết ra thì nhiều lắm! Để tôi nhớ được tới đâu, tôi sẽ nói tới đó thôi nhé! Cụ cho biết thêm, “chùa động” ở Hoa Lư thì nhiều nhưng có mấy chùa chính, khách hành hương thường lui tới như các chùa Bích Động, Linh Cốc, Bái Đính, Địch Lộng, Thiên Tôn, Hoa Sơn . . . Chùa Bái Đính (1) Chùa Bái Đính hay “Bái Đính Cổ Tự” cách di tích cố đô Hoa Lư độ 5 cây số về hướng tây, nằm trên núi Đính. Chùa thờ Phật và gắn liền với nhiều danh nhân Việt nam như Lý Quốc Sư, Đinh Bộ Lĩnh và Quang Trung. Nằm gần chân núi Đính có giếng Ngọc. Tương truyền đây là nơi thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông. Muốn lên chùa Bái Đính, khách hành hương phải leo 300 bậc đá, qua tam quan ở lưng chừng núi. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá hoang vu. Tới ngã ba đầu dốc có một nhà tiền đường tọa lạc ở giữa. Từ nhà tiền đường có hai lối rẽ. - Nếu rẽ sang bên phải là hang Sáng thờ Phật. Gọi là hang Sáng vì cuối hang có một cửa sáng, rộng, nhìn xuống thung lũng phía dưới chân núi. Phía trên cửa hang Sáng có 4 chữ đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Đi hết hang Sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. - Nếu rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến hang Tối thờ Mẫu và Tiên, còn được gọi là Động Tiên. Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần, gồm 7 hang nhỏ như “buồng”, có hang ở trên cao, có hang ở dưới sâu. Các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá. Chùa có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu vết văn hóa của thời Lý. Về phương diện lịch sử. Chùa Bái Đính có liên quan tới những nhân vật được thờ trong chùa. Vùng đây là đất sinh vua, sinh thánh, sinh thần tức vua Đinh Tiên Hoàng Đế, thánh Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không và thần Cao Sơn. Dân gian còn có câu “Đại Hữu sinh vương - Điềm Dương sinh thánh”. Trong câu trên, vương ở đây chỉ vua Đinh Tiên Hoàng, thánh chỉ Nguyễn Minh Không. Hai ông được sinh ra ở hai làng Đại Hữu và Điềm Dương cùng liền kề nhau thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Cụ Từ cho biết thêm chi tiết về thánh Nguyễn và thần Cao Sơn: * Thánh Nguyễn vừa là thiền sư vừa là thần y chữa được bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông được phong là Quốc sư, một địa vị đứng đầu tăng ni Phật giáo trong cả nước. Theo truyền thuyết, trong lúc ngài đi tìm thuốc thì khám phá được động này. Khi tu hành đắc đạo, ngài trở về quê nhà dựng nhiều chùa như chùa Viên Quang, Địch Lộng, Am Tiên và Bái Đính để tu hành, lấy vị hiệu là Minh Không. Tên chùa Bái Đính mang ý nghĩa bái vọng về núi Đính. Sau này, thánh Nguyễn Minh Không được tôn thờ là một vị thần trong Tứ Trấn, vị thần trấn giữ phía Bắc thành Hoa Lư (Xem bản đồ vị trí các đền thờ “Tứ Trấn”).
Thánh Nguyễn Minh Không còn được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng. * Thần Cao Sơn là một trong bốn vị thần đầu tiên có nhiệm vụ trấn giữ phía Tây thành Hoa Lư khi vua Đinh lên ngôi Hoàng Đế. Thần Cao Sơn chính thức trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây của Hoa Lư nhưng cùng lúc cũng vẫn được thờ ở Bái Đính. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con lên núi của Lạc Long Quân - Âu Cơ. Về phương diện địa thế, quân sự. - Núi chùa Bái Đính chính là nơi vua Đinh lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa. Sau này, nơi đây tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh. - Ở thế kỷ XVI (16), núi Đính là địa phận tranh chấp giữa Lê - Trịnh với nhà Mạc. Khi cụ Từ vừa nói xong về chùa Bái Đính, chúng tôi cũng đã xuống tới chân núi Non Nước. Thi và Thư đã đứng đợi chúng tôi ở dưới gốc cây cổ thụ gần đó. Hội và Mơ cũng vừa đi tới. Cụ nhìn tất cả chúng tôi hỏi: - Các cháu đã mệt chưa? Tuy cụ hỏi như thế nhưng cũng đề nghị ngay: - Thôi, ta vào quán nước gần đây nghỉ ngơi, ăn bánh, uống nước chè tươi. Lão cũng vào đấy làm điếu thuốc lào. Mọi người ghé vào quán nước bên đường để nghỉ ngơi mặc dù chúng tôi chưa cảm thấy mệt vì trời còn mát nhờ gió thổi từ bờ sông đưa vào. Trong khi mọi người vào quán, tôi rủ Thi ra bờ sông ngắm cảnh và thưởng thức thêm chút gió mát trong lành. Thi đi bên tôi, tà áo dài của nàng thỉnh thoảng theo gió bay quấn nhẹ vào cánh tay tôi. Tôi nhìn Thi mỉm cười: - Hôm nay trời đẹp và mát quá em nhỉ? - Lúc nẫy em đứng trên núi, cái mát của buổi sớm mai thấm vào da thịt làm em có cảm tưởng như mình muốn tan vào trong gió. Tôi trố mắt nhìn Thi: - Sao hôm nay em ăn nói có vẻ mơ mộng và lãng mạn thế? - Em nói thật mà! Tôi nắm bàn tay Thi: - Em mà biến thành gió thì anh sẽ biến thành mây? - Thành mây? Tôi siết nhẹ bàn tay Thi: - Để mây cùng gió bay về một cõi mơ hồ vô định nào đó. Em thấy không, ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay (Tản Đà), mây bay cùng với gió kia kìa! Tôi khe khẽ hát bản Dư Âm như lời thủ thỉ: - Anh muốn thành mây, nương nhờ làn gió đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng. Tôi vừa hát vừa chỉ lên cụm mây trắng đang bay trên nền trời xanh mát. Thi cười, lắc đầu nguây nguẩy: - Thế thì em không muốn thành gió đâu! Và em cũng không muốn anh thành mây đâu! Em chỉ muốn hai anh em mình hàng ngày đi học thôi cơ! Tôi nhìn vào mắt Thi, nói nhỏ: - Em đã lớn rồi đấy! Thi nhìn tôi với đôi mắt long lanh: - Tại anh lúc nào cũng cứ coi em như là trẻ con thôi! Tôi véo vào má Thi: - Ừ! Thôi từ nay anh sẽ không coi em là trẻ con nữa nhé! - Anh hứa? - Ừ, hứa! Chúng tôi cùng cười và song bước về phía quán. Khi tôi vừa bước vào trong quán, mọi người cùng vỗ tay như đang chờ đợi chúng tôi từ lâu. Uyên lên tiếng trước: - Hai người đi du dương đâu vậy? Tay trong tay đi thả bộ trông tình tứ thế kia! Thi lườm yêu chị: - Chị này!. . . Em chỉ ra bờ sông thôi mà! Tôi cũng nói thêm: - Tụi này ra bờ sông hưởng chút gió mát. Có chuyện gì không? Hội bô bô lên tiếng: - Đợi “vợ chồng” cậu về để hỏi ý kiến là mình nên đi thăm tiếp một vài thắng cảnh nữa hay là ta chuẩn bị đi Phát Diệm cho sớm. Bây giờ đã 10 giờ sáng. Có hai chuyến xe khách, một chuyến lúc 12 giờ trưa và một chuyến lúc 2 giờ chiều. Xin mọi người cho quyết định. Hai tiếng “vợ chồng” Hội dùng tự nhiên quá, tự nhiên đến độ không ai để ý đến, trừ tôi và Thi. Thi cúi mặt xuống liếc nhẹ tôi ngượng ngịu. Sự thân mật giữa tôi và Thi đã được mọi người mặc nhiên chấp nhận. Tôi chỉ vào cụ Từ: - Cái đó mình nên hỏi ý kiến cụ Từ và xin nhờ cụ tính sao cho tiện. Cả bọn đồng ý. Cụ Từ bàn: - Nếu các cháu hỏi tôi thì tôi đề nghị là ta nên đi chuyến xe sớm. Các cháu còn về Hà Nội nữa cơ mà. Sáng mai ai vào việc nấy rồi. Nếu muốn đi thăm hết Hoa Lư và những vùng lân cận thì dù chúng ta có đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như thế này thì cũng phải mất ít nhất một tuần. Cụ ngừng như để suy nghĩ một chút, rồi mới nói tiếp: - Thôi, tôi tính thế này! Đối với cố đô Hoa Lư, tôi thấy các cháu đi như thế cũng tạm đủ để có một vài ý niệm về nó. Bao giờ được nghỉ lâu hơn, các cháu lại về đây, tôi tình nguyện đưa đi thăm Hoa Lư tiếp. Như vậy có được không? Cụ ngừng nói, nhìn chúng tôi như đợi câu trả lời. Không thấy ai có ý kiến gì thêm, cụ tiếp như một quyết định cuối cùng: - Trưa nay ta sẽ đi Phát Diệm. Còn biết bao nhiêu thứ để xem và để học hỏi ở đó. Phát Diệm đang chờ đợi chúng ta nữa cơ mà. Vậy thế đi nhé! Chúng tôi cùng đồng thanh: - Thưa cụ, vâng ạ! Cụ hướng về Uyên: - À! Tiện đây, nhân còn nhiều thì giờ trước khi ra bến xe, tôi đề nghị sẽ tiếp tục nói thêm một chút nữa về những “chùa động” để các cháu cùng nghe nhé! Sau khi chúng tôi đã an vị quanh cụ, cụ nhắc lại cho mọi người nghe câu hỏi của Uyên về những ngôi “chùa động” ở Hoa Lư. Và cụ tóm tắt sơ qua những điều cụ đã giảng giải cho Uyên về chùa Bái Đính trước đó để mọi người cùng có thể theo những dõi những câu chuyện tiếp theo một cách dễ dàng hơn. Thư vờ lảng lảng ra nói chuyện với cô chủ quán. Thi nhìn Thư rồi nhìn tôi như hỏi ý. Tôi vờ cúi xuống. Thi biết ý nên không dám bỏ đi mà chỉ nháy mắt nhìn Thư mỉm cười. Cụ Từ chậm rãi nói về “chùa động” Thiên Tôn. Chùa Thiên Tôn.
Chùa Thiên Tôn thờ Phật và thần Thiên Tôn, nằm trong khu di tích lịch sử gần trung tâm Hoa Lư, không xa thị xã Ninh Bình là mấy. Chùa nằm trong khu vực núi Dũng Đương. Nói về núi Dũng Đương cần lưu tâm một điều, ngoài thắng cảnh đẹp ra, núi còn có địa thế công và thủ trong quân sự rất tốt. Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đã lấy động này làm tiền đồn, vọng gác tiền tiêu cho kinh thành Hoa Lư. Vua Đinh đã cho xây cất nhà Tiền Tế là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô và Kính Thiên Đài là đài quan sát. Theo truyền thuyết, động được tìm thấy từ đời các vua Hùng. Cao Biền biết vùng này là linh địa Đế vương nên đã trấn yểm long mạch bằng cách cho xây đền Trấn Vũ Thiên Tôn. Thần Thiên Tôn là thần linh ở bên Tầu được người phương Bắc thờ phụng và tin tưởng. Cũng theo truyền thuyết dân gian kể lại, mỗi khi vua Đinh Tiên Hoàng đem quân đi dẹp loạn sứ quân, ngài đều đến đây để cầu xin thần Thiên Tôn trợ giúp và lần nào cũng được linh ứng. Khi lên ngôi Hoàng đế, vua Đinh đã phong thần Thiên Tôn là “An Quốc Tôn Thần”, đồng thời ngài cho sửa sang lại động và xây đền thờ ở phía đông của động được gọi là An Quốc Tôn Thần Từ, tức đình Hàng Tổng bây giờ. Trong “Tứ Trấn”, vua Đinh giao thần Thiên Tôn là vị thiên tướng trấn ngự ở cửa ngõ phía Đông vào Thành ngoại nằm trong khu di tích cố đô Hoa Lư. Nói đến các thần “Tứ Trấn”, cụ Từ nhìn khắp chúng tôi như muốn cho chúng tôi biết cụ sắp nói về một điều gì quan trọng. - Tôi tạm ngưng nói về chùa Thiên Tôn để mở một dấu ngoặc ở đây. Từ nẫy đến giờ tôi nhắc tới mấy lần về các thần “Tứ Trấn” ở Hoa Lư. Các cháu cũng nên biết, ở Thăng Long ta cũng có bốn đền thờ “Tứ Trấn” đặt ở các hướng đông, tây, nam, bắc để trấn giữ bốn mặt thành Thăng Long. Nghĩa là Hoa Lư và Thăng Long đều có “Tứ Trấn”. Như vậy, nay ta hãy tìm hiểu xem các “Tứ Trấn” ấy chúng có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau ở chỗ nào nhé. Những điểm khác nhau: * Ở Thăng Long, “Tứ Trấn” muốn chỉ về 4 ngôi đền. Ở Hoa Lư, “Tứ Trấn” muốn chỉ về 4 vị thần. (Xin đọc bài “Những Năm Tháng Ấy - Hà Nội Năm Xưa”) * Ở Thăng Long có sự tập trung bốn vị “Trấn thần” vào 4 đền thờ, mỗi đền một vị; còn ở Hoa Lư thì các vị “Trấn thần” được trải đều ra. Các vị thần trong vùng kinh đô Hoa Lư xưa, với nhiều ngôi đền khác nhau cùng thờ một vị thần, như có tới 7 nơi thờ thần Cao Sơn, nhiều đền khác cùng thờ thần Quý Minh và thờ đức thánh Nguyễn. Những điểm giống nhau: Hoa Lư “Tứ Trấn” với Thăng Long “Tứ Trấn”, cả hai nơi đều thờ 3 vị thần và 1 vị thánh. Thần là nhân vật tượng trưng cho sức mạnh thiên nhiên và có hai loại, loại thần đến từ phương Bắc và loại thần bản địa, thổ địa. Thánh là nhân vật lịch sử có thật với công lao phi thường được nhân dân phong thánh. * Cả hai nơi Hoa Lư và Thăng Long đều thờ thần Cao Sơn có nguồn gốc thần núi phát tích ở Phụng Hóa thuộc Nho Quan, Ninh Bình, được coi là vị thần bản địa. * Hoa Lư thờ thần Thiên Tôn và Thăng Long thờ thần Trấn Vũ là những thiên thần xuất xứ xa xưa từ tín ngưỡng phương Bắc đến. * Hoa Lư thờ thần Quý Minh (xin đọc “Đền Trần” trong chương Tràng An) và Thăng Long thờ thần Bạch Mã là những vị thổ thần. * Hoa Lư thờ thánh Nguyễn và Thăng Long thờ Linh Lang đều là thánh, người thật việc thật. Thần Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông tức hoàng tử Hoằng Chân, sinh năm Giáp Thìn (1064) có công đánh giặc Tống. Tôi hỏi cụ Từ: - Thưa cụ, cứ dựa vào những điều trên thì đức tin tín ngưỡng của Hoa Lư đã được vua Lý Thái Tổ đem ra Thăng Long? Cụ Từ trầm ngâm một chút: - Cháu nói như thế chắc không sai vì ngay cả những kiến trúc, ở Hoa Lư có chùa Nhất Trụ thì Thăng Long có chùa Một Cột. Cả Hoa Lư lẫn Thăng Long đều có địa danh Cầu Dền. Tôi lại hỏi thêm: - Thưa cụ, theo như cụ nói, hai vị thần Thiên Tôn ở Hoa Lư và thần Trấn Vũ ở Thăng Long đều là những vị thần ở phương Bắc. Các vua ta đã Việt Nam hóa các vị thần ấy trong tâm khảm của người Việt với mục đích xóa tan đi hay làm giảm ảnh hưởng văn hóa của người Tầu đối với dân ta về mặt tâm linh. Và đặc biệt hơn nữa, đã một thời Cao Biền đã dùng thần Thiên Tôn để trấn yểm long mạch đế vương ở Hoa Lư. Vậy mà khi vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, ngài vẫn dùng thần Thiên Tôn làm vị thần trấn giữ mặt phía đông của kinh thành Hoa Lư. Âu đấy có phải là sự khôn ngoan của các vua ta hồi đó? Cụ Từ tủm tỉm cười ra vẻ hài lòng về câu hỏi của tôi: - Câu hỏi cũng khá hay! Tôi không dám trả lời một cách quyết đoán về câu hỏi này. Đây là một vấn đề các cháu cũng nên quan tâm để tìm hiểu thêm. Cụ Từ lại trầm ngâm một chút: - Có liên quan đến câu hỏi trên, các cháu nên biết thêm, nước Tầu và nước ta chủ yếu sống về nông nghiệp nên dân gian tôn trọng các vị thần Đất, thần Lúa, thần Mưa . . . là những vị thần có liên quan tới nghề nông. Các vua bên Tầu dựa vào tín ngưỡng dân gian đó mà lập ra đàn Xã Tắc, thờ thần gọi chung là Xã Đàn Đế Quân và có tục lệ hàng năm vua tự đứng ra cúng tế rất trang nghiêm cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Tương tự, ở nước ta cũng có đàn Xã Tắc từ năm 1048 ở Thăng Long và cũng thờ Xã Đàn Đế Quân, một vị thần của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào đời vua Lý Thánh Tông ta có thêm đền thờ thần Hậu Thổ ở Thăng Long. Hậu Thổ là vị thần thuộc trong thần thoại của người Việt ta chuyên trông coi về mùa màng. Ta thấy đấy, một của Trung Quốc, một của nước ta, cùng là hai vị thần đồng chủ trì về nông nghiệp được thờ song song ở Thăng Long. Dựa vào câu chuyện này, các cháu thử tìm hiểu thêm về các vị thần khác có những tình huống tương tự xem sao. Uyên ngước mắt nhìn tôi như dò ý. Tôi cười với Uyên: - Để hiểu vấn đề này, chắc chúng ta cần phải tìm tòi thêm nhiều lắm. Tôi nhìn cụ Từ, nhìn Uyên, suy nghĩ một chút rồi thưa: - Thưa cụ, cứ dựa vào câu chuyện cụ vừa kể, cháu thấy, Xã Đàn Đế Quân và thần Hậu Thổ tuy hai mà là một vì quan niệm của người xưa nhìn về vũ trụ, về con người và xã hội qua thần thoại có những tiểu dị nhưng cũng có cái đại đồng. Cái đại đồng ở đây chính là nhận thức chủ yếu thống nhất về tầm quan trọng của nông nghiệp. Cụ Từ nhìn tôi gật gật đầu, tỏ vẻ tán thành ý kiến ấy: - Ừ, ta cứ cho là như thế! Cụ ngừng câu chuyện, uống hết nốt bát chè tươi rồi tiếp: - Thôi, ta trở lại câu chuyện về “chùa động” Thiên Tôn nhé! Trong những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đạo Phật ở nước ta rất thịnh nên trong những hang động vùng này thường là nơi thờ Phật. Cũng thế, động Thiên Tôn được xây dựng và tu bổ qua nhiều triều đại để thành một ngôi “chùa động” khang trang, bề thế với những cổ vật bằng đá trạm trổ nghệ thuật công phu, tinh xảo, có giá trị văn hóa, lịch sử. Một số cổ vật ấy vẫn còn được lưu giữ cho tới ngày nay. Trong số đó có 18 tượng La Hán, và đặc biệt, chùa còn có quả chuông với niên đại Cảnh Hưng (1740-1786), kích thước khá lớn, có bốn núm, phát ra bốn kiểu âm thanh khác nhau. Nói tới đây, cụ Từ quay về hướng cô chủ quán để xin cho thêm một bát nước chè tươi nóng. Cô chủ quán chưa kịp đứng lên thì Thư đã đứng bật dậy, nhanh nhẩu tự múc mời cụ. Cụ Từ hỏi đùa: - Cháu Thư tính ông bao nhiêu tiền bát nước này đây? Thư không trả lời, cười chạy ra sau đấm lưng cho cụ vài cái rồi lại lảng ra ngồi nói chuyện với cô chủ quán. Cụ Từ chậm rãi nhắp vài ngụm nước rồi tiếp tục nói về một ngôi chùa khác. Chùa Địch Lộng. Chùa Địch Lộng là một ngôi “chùa động” nổi tiếng của Ninh Bình. Nếu như chúa Trịnh Sâm ban tặng cho Hương Tích danh hiệu là “Nam thiên đệ nhất động”, và Bích Động là "Nam thiên đệ nhị động" thì Địch Lộng cũng được vua Minh Mạng ban tặng là “Nam thiên đệ tam động”, có nghĩa động đẹp đứng hàng thứ ba ở trời Nam. Tương truyền, sau chuyến công du Bắc Hà, trên đường trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng đã ghé thăm nơi đây. Vua đứng trước vẻ đẹp của chùa và động, đã đề tặng 5 chữ trên. Chùa nằm trên lưng chừng núi Kẽm Trống, thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, có độ cao khoảng 80 mét so với chân núi. Tương truyền động Địch Lộng nằm trong vùng rừng núi hoang vu rậm rạp, một người đi rừng đã tìm ra năm 1739. Đứng ở cửa động, khi gió thổi vào nghe vi vu như tiếng sáo thổi nên đặt tên Địch Lộng. “Địch” có nghĩa là sáo, “Lộng” có nghĩa là gió. Thấy trong động có nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ, dân làng liền mở đường lập chùa thờ Phật vào năm 1740 với tên chữ “Nham Sơn động Cổ Am tự”. Chùa động Địch Lộng là một quần thể gồm đình đá có 16 cột đá nguyên khối, đền thờ Lý Quốc Sư, hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng, ba gian chùa Hạ. Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm cả trăm bậc đá nữa sẽ đến hang động mà trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động Cổ Am tự”.
Hai bên cửa động có hai tượng Hộ pháp, lại thêm quả chuông treo nặng gần một tấn được đúc thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu, tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên lưng sư tử. Phía bên phải sân là chùa có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Đặc biệt tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Trong động gồm hai hang, hang Sáng và hang Tối: * Hang Sáng, nhiều hình tượng Phật, voi quỳ, ngựa phục … do nhũ đá tạo thành. Có “cổng trời” dài khoảng 50 mét, gió luôn thốc nhẹ vào hang nghe vi vu như tiếng sáo thổi. * Hang Tối dài và rộng hơn hang Sáng. Nhũ đá ở đây tạo muôn hình muôn vẻ với nhiều hình tượng như hình voi, hùm, khỉ, cây tiền, cây vàng, cây bạc… , bầu sữa mẹ, những “cột chống trời” do những nhũ đá từ trên trần nhủ xuống. Chúng luôn thay đổi màu sắc theo ánh sáng mặt trời chiếu vào. Nếu gõ vào vách hang, đá sẽ ngân lên những âm thanh rất êm tai. Trong hang Tối còn có những bài thơ của các tao nhân mặc khách từng du ngoạn qua đây để lại như Lê Quý Đôn với bài thơ Vô đề, Bùi Văn Quế với Danh sơn đề bạt, Phạm Văn Nghị với bài ký Núi Địch Lộng . . . Cụ Từ cho biết thêm về Kẽm Trống, nơi địa danh có chùa Địch Lộng. Tương truyền một lần trên đường đi kinh lý từ Bắc trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng quyết định ghé thăm nơi đây. Lúc thuyền sắp phải qua Kẽm Trống, nhà vua được viên quan cận thần đọc cho ngài nghe bài thơ “Kẽm Trống” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cho bài thơ là quá dung tục, vua bắt dân ở địa phương đào một đoạn sông ngắn dài độ 2 cây số để thuyền không phải đi ngang qua Kẽm Trống. Âu đó cũng chỉ là câu chuyện dân gian. Sông ở trong bài thơ “Kẽm Trống” là một đoạn con sông Đáy. Bên tả ngạn của sông là những dẫy núi nằm trên địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Bên hữu ngạn của sông là những dẫy núi thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tóm lại, sông Đáy chẩy ở giữa, hai dẫy núi chạy dọc hai bên tạo nên cảnh trí rất đẹp. Cụ Từ chợt cười nhẹ hỏi mọi người: - Ở đây có cháu nào thuộc bài thơ “Kẽm Trống” của bà Hồ Xuân Hương không? Mọi người nhìn nhau như hỏi ý. Không thấy ai trả lời, tôi lên tiếng: - Cháu thuộc, nhưng sợ có chỗ nhớ chỗ quên ạ! Cụ Từ dục:
- Cháu cứ đọc đi! Tới đâu hay đó. Tôi ngần ngừ một chút rồi đọc: Hai bên thì núi, giữa thì sông Vừa đọc xong, tôi quay lại hỏi Uyên: - Anh đọc có đúng không Uyên? Uyên tủm tỉm cười: - Thưa anh, đúng ạ! Thi hỏi chị: - Sao lúc nẫy chị không đọc? Uyên không trả lời, chỉ đánh nhẹ vào tay cô em. Mơ cũng tủm tỉm cười. Hội hỏi ngay: - Mơ, em hiểu gì nói anh nghe với! Mơ cũng đánh nhẹ vào tay Hội: - Anh đừng có vớ vẩn! Hội cười rồi hướng về Thi trêu: - Chết cô em rồi! Gặp thằng “chồng” đa tài thế này thì chỉ có khổ thôi! Cụ Từ nói với Thi: - Cháu đừng nghe lời nói đùa của anh Hội. Có chồng giỏi thì mừng, thì phải hãnh diện chứ lo cái gì. Hai cháu đẹp đôi thế này, trai tài gái sắc mà. Sợ gì! Cả hai chúng tôi vừa vui vừa ngượng. Thi cúi xuống tủm tỉm cười. Uyên nắm cánh tay Thi, nhìn cô em mình một cách trìu mến. Cụ Từ nhìn Uyên rồi nói với chúng tôi: - Các cháu có muốn nghe thêm một “chùa động” nữa không trước khi ta dùng cơm trưa rồi chuẩn bị đi Phát Diệm. Mọi người nhìn Uyên như ngầm hỏi ý. Uyên cũng nhìn chúng tôi như dò ý. Tôi vội lên tiếng: - Thưa cụ, thời gian còn rộng rãi, xin cụ cứ kể cho chúng cháu nghe tiếp. Chẳng mấy khi lại được học hỏi thêm những điều hữu ích một cách đầy thích thú như thế này ạ! Tôi thấy ánh mắt Uyên tươi hẳn lên. Nàng mỉm cười với tôi như để thay một lời cám ơn. Cụ Từ cũng nhìn Uyên: - Thôi, các cháu đã có ý như thế, để tôi nói thêm về một ngôi chùa nữa nhé! Một ngôi này nữa thôi rồi ta dùng cơm trưa. Chúng tôi đồng thanh: - Cám ơn cụ ạ! Chợt Cụ gọi Thư: - Thư đâu! Cháu cho ông xin một bát nước chè tươi nóng nữa nhé! Thư vội “dạ” to một tiếng chạy đi rót nước cho cụ. Thư nhanh nhẩu hỏi cô chủ quán rồi tự chạy đến nồi chè đậu đen múc thêm bát chè đem mời cụ. Cụ Từ cười ha hả nói với Thư: - Ăn chè thế này thì no bụng mất, chút nữa làm sao ăn trưa. Chúng ta còn nhiều xôi và bánh đúc cơ mà! Mọi người cùng nhìn Thư cười. Hội lên tiếng ngay: - Thôi, cô có muốn ăn thì cứ ăn đi! Chút nữa cụ và các anh chị sẽ ăn sau. Đói rồi phải không? Thư cười cầu tài rồi vừa bưng bát chè trở lại chỗ cô chủ quán vừa nói: - Thưa cụ, xin phép cụ cho cháu ăn trước ạ! Cụ Từ cười với Thư: - Ừ, ông biết cháu đã đói rồi! Cứ ăn trước đi, mọi người sẽ ăn sau! Hội lại đùa cô em: - Có ăn thì cũng nhường cho mọi người, đừng ăn hết cả nồi chè là được. Thư nhìn ông anh, trêu lại: - Em sẽ chỉ chừa lại cho mọi người, em không chừa cho anh. Anh muốn ăn thì năn nỉ “chị Hội” chia cho. Mọi người lại cười sau câu nói của Thư. Cụ Từ bắt đầu tiếp tục với ngôi “chùa động” Hoa Sơn. Chùa Hoa Sơn. Hoa Sơn động nằm ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa. Chùa có tên cổ là chùa Bà Đẻ. Khi vua Tự Đức đi tuần du ra Bắc, ghé thăm chùa này. Thấy cảnh chùa đẹp, trong động thì kỳ ảo nên vua đặt tên động là “Hoa Sơn Động”. Tên chùa Hoa Sơn có từ đấy. Theo truyền thuyết thì chùa này là nơi dấu Ấu chúa nhà Đinh. Nhân dịp này, vua Tự Đức còn cho xây lăng Nghĩa Chúng bằng đá trên khu đất rộng chừng 3 mẫu, ở phía đông-nam động, cách động khoảng 150 mét. Vua cho tập trung những ngôi mộ Hoàng tộc và những người có công của nhà Đinh về đây. Vua cũng cấp 2 mẫu ruộng công điền làm đất phù tự ở phía tây-bắc động để lấy hoa lợi cho chùa. Chùa Hoa Sơn ở trên độ cao 70 mét so với chân núi. Trước cửa động, ở bên phải có hai pho tượng bằng đá được đánh bóng nhẵn thờ hai ông bà có công tu sửa chùa vào năm 1815. Trước cửa động, có cây đa rễ thả ngay trước cửa động. Bên trái có chiếc khánh đá to, gõ vào nghe như tiếng chiêng. Chiều sâu của động bằng chiều ngang của núi, khoảng trăm mét, xuyên qua núi. Có ba hang liền nhau, tam cấp, từ thấp lên cao là: hang Hạ, hang Trung và hang Thượng. *** Sau khi nói vài lời ngắn gọn về chùa Hoa Sơn, cụ Từ đứng dậy tuyên bố: - Thôi, tôi nói đến đây cũng đã tạm đủ về những ngôi “chùa động” tiêu biểu ở Hoa Lư này. Các cháu có câu hỏi gì nữa không? Nếu không, ta chuẩn bị ăn trưa rồi ra bến xe cho kịp giờ. Chúng tôi dùng bữa trưa với những món ăn mang theo. Sau khi xôi và bánh đúc được “thanh toán” hết, những bát chè đậu đen được bưng ra. Mỗi người một bát. Thư ăn xong bát chè của mình mà vẫn còn như thòm thèm muốn ăn thêm. Hội đùa cô em: - Chưa “đủ bụng” thì cứ ăn thêm! Đây có phải là hàng phở gánh ăn ở vỉa hè đâu mà cô sợ ngượng. Thư xoa bụng: - Chè ngon quá mà bụng no mất rồi. Về nhà chị Hội nấu chè đậu đen cho em ăn nhé! Mơ nhìn Thư một cách trìu mến: - Được rồi! Chị sẽ nấu cho em một nồi thật to, đủ ăn cho cả tuần. Hội dơ hai tay lên trời than: - Thế này thì cái nhà sắp biến thành cái chợ hàng quà rồi! Cái gì cũng đòi ăn, cái gì cũng hứa nấu! Mơ đánh vào vai Hội: - Cái anh này! Anh chỉ thích làm khó dễ chị em em! Mơ lại nói với Thư: - Em đừng lo! Chị hứa là chị làm mà! Thư đưa thẳng hai cánh tay lên trời khua khua: - Hoan hô chị Hội! Hoan hô chị Hội! . . . Em ghét anh Hội lắm! Nghe thế mọi người cùng cười. Hội phản công ngay: - Ghét anh thì ở nhà, không cho đi theo nữa! Thư vênh mặt: - Em không đi chơi với anh! Em đi chơi với chị! Mơ cũng cười: - Chị em mình không cho anh Hội đi chơi chung. Hội ôm ngang bụng Mơ nhắc lên khỏi mặt đất: - Thấy “chồng” yêu lại lên mặt bắt nạt. Hội đặt Mơ xuống đất, tiện tay cù cô. Mơ cười và bỏ chạy ra chỗ khác. Cô hàng nước cũng đứng cười theo. Tôi không quên mua thêm một ít quà đem theo để làm vui lòng cô chủ quán. Thi nhìn tôi ái ngại, nói nhỏ chỉ đủ để tôi nghe: - Anh mang có nặng không? Chia bớt cho em đi! Tôi cũng nói nhỏ đủ để Thi nghe: - Có em đi bên cạnh thì mười ba lô này anh vẫn còn thấy nhẹ. Thi liếc nhìn quanh, vội “véo yêu” vào cánh tay tôi một cái rồi lảng ra chỗ khác. Mọi người đã sẵn sàng lên đường đi thăm Nhà thờ Phát Diệm. Chúng tôi chào từ giã cô chủ quán. Cô cũng không quên dúi vào tay Thi và Thư hai chiếc kẹo vừng. *** Bên lề bài viết, xin mời nghe bài hát:
*** Ghi chú : Tham khảo : Coi liệt kê tài lệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". |